BTS và thần tượng Kpop vẫn bị coi là thấp kém

Truyền thông Hàn Quốc chỉ ra nghệ thuật thuần túy và cổ điển vẫn được coi trọng hơn so với văn hóa đại chúng. Do đó, BTS chưa được miễn nghĩa vụ quân sự.

Theo Osen, BTS nói riêng và ngành giải trí đại chúng của Hàn Quốc nói chung đang chịu sự bất công trong vấn đề phục vụ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Osen chỉ ra việc BTS và các nghệ sĩ đại chúng có nên được miễn nghĩa vụ quân sự hay không đang là vấn đề gây chú ý, bàn tán nhất Hàn Quốc những ngày qua.

Osen nhấn mạnh tại Hàn Quốc, nghệ thuật đại chúng, bao gồm nhóm nhạc thần tượng vẫn bị coi là thấp kém hơn so với nghệ thuật thuần túy, âm nhạc cổ điển.

Sự ưu ái cho nghệ thuật cổ điển

Lim Yun Chan (18 tuổi, Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc) là nghệ sĩ chơi piano vừa giành chiến thắng trong Cuộc thi Piano Quốc tế Van Cliburn. Lim Yun Chan giành chiến thắng trong Cuộc thi Piano Quốc tế Van Cliburn lần thứ 16, diễn ra tại Fort Worth, Texas, Mỹ vào ngày 18/6 (giờ địa phương). Anh trở thành người chiến thắng trẻ tuổi nhất từ ​​trước đến nay ở cuộc thi. Ngày 21/6, tờ The Korea Times đưa tin Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Park Bo Gyoon đã chúc mừng Lim Yun Chan.

Do đó, công chúng chú ý đến quyền lợi nghĩa vụ quân sự mà Lim Yun Chan sẽ nhận được. Công chúng khẳng định Lim Yun Chan đã được hưởng lợi từ trước khi giành chức vô địch. Theo Hankyung, từ ba năm trước, Lim Yun Chan đã trở thành một nhân viên nghệ thuật sau khi chiến thắng tại Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Tongyeong. Đồng nghĩa, anh được miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

BTS nhap ngu anh 1

Lim Yun Chan được miễn nghĩa vụ quân sự sau khi thắng nhiều giải thưởng quốc tế.

Theo luật nghĩa vụ quân sự, các chuyên gia nghệ thuật, thể thao đã góp phần thúc đẩy uy tín quốc gia và phát triển văn hóa có thể trở thành nhân viên nghệ thuật, thể thao và không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Những người được chỉ định là nhân viên nghệ thuật và thể thao sẽ phục vụ khoảng 34 tháng trong lĩnh vực do Ủy viên Quân chủng chỉ định dưới sự chỉ đạo và giám sát của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nghệ sĩ violin Yang In Mo – người giành chiến thắng trong cuộc thi Violin Quốc tế Jean Sibelius vào tháng 5 – cũng được miễn nhập ngũ để tiếp tục hoạt động với tư cách nhân viên nghệ thuật.

Tuy nhiên, khi số lượng nhân viên nghệ thuật không phải nhập ngũ tăng lên do hàng loạt chiến thắng tại các cuộc thi quốc tế, vấn đề công bằng trong quyền lợi nghĩa vụ quân sự tiếp tục gây tranh cãi. Lý do là quyền lợi này chưa được áp dụng cho cộng đồng văn hóa đại chúng, chẳng hạn các nhóm nhạc thần tượng, điển hình như BTS.

BTS chịu bất công

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nghệ sĩ văn hóa đại chúng không thuộc đối tượng được miễn nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, khi hiệu ứng văn hóa và kinh tế của văn hóa đại chúng gia tăng gần đây, một số người cho rằng nghệ sĩ đại chúng đang bị phân biệt đối xử. Sự công bằng trong quyền lợi nghĩa vụ quân sự cần được đảm bảo hơn.

Đặc biệt trong trường hợp của BTS, họ chứng minh vị thế toàn cầu bằng cách lần lượt lập hàng loạt kỷ lục. Nhóm nhạc tiếp tục đóng vai trò là “nhà ngoại giao tư nhân” trong xã hội quốc tế thông qua các hoạt động như chia sẻ, phát biểu tại cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ, Joe Biden gần đây. Do đó, lập luận BTS nên được xem xét miễn nghĩa vụ quân sự đang có thêm sức mạnh.

Buổi biểu diễn của BTS tại Seoul trước đại dịch Covid-19 ước tính thu hút hơn 180.000 khán giả, bao gồm người nước ngoài. 67% khán giả nước ngoài đã lấp đầy sân vận động Thế vận hội Pyeongchang và tạo ra giá trị gần 1.000 tỷ won. Ngoài ra, Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc ước tính hiệu ứng kinh tế từ các buổi hòa nhạc của BTS sau khi đại dịch Covid-19 sẽ lên tới 1.200 tỷ won cho mỗi buổi biểu diễn.

BTS cũng được cho là đóng góp rất nhiều vào việc nâng cao hình ảnh quốc gia với tư cách nghệ sĩ văn hóa và nghệ thuật đại chúng thông qua những thành tích, hoạt động của họ. Họ có 3 bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, 6 lần liên tiếp giành chiến thắng tại Billboard Music Awards – một trong những giải thưởng âm nhạc nổi tiếng nhất. Họ trở thành nghệ sĩ châu Á đầu tiên chiến thắng tại American Music Awards.

BTS nhap ngu anh 2

Vấn đề nghĩa vụ quân sự của BTS tiếp tục gây tranh cãi.

Tuy nhiên, BTS không được công nhận là người góp phần “thúc đẩy uy tín quốc gia” và “phát triển văn hóa” theo Đạo luật nghĩa vụ quân sự. Kpop đang trở nên phổ biến rộng rãi trên toàn cầu. Tuy nhiên, nghệ thuật đại chúng vẫn bị coi là thấp kém hơn so với nghệ thuật thuần túy, chẳng hạn âm nhạc cổ điển.

Thảo luận về việc miễn nghĩa vụ quân sự cho các nghệ sĩ văn hóa nghệ thuật đại chúng đã được đưa ra cách đây khá lâu. Trong đó, vấn đề nghĩa vụ quân sự của BTS được thảo luận từ năm 2018 nhưng đến nay chưa có kết luận. Kể từ đó, hàng loạt ý kiến bức xúc trước sự phân biệt đối xử với văn hóa đại chúng.

Osen nhấn mạnh bây giờ là thời điểm thích hợp để xem xét lại hệ thống miễn nghĩa vụ quân sự cho các nghệ sĩ văn hóa đại chúng. Vì ảnh hưởng của văn hóa đại chúng, trong đó có sức mạnh của BTS, đang mở rộng nhanh chóng.

Ngày 20/6, Hạ nghị sĩ Yoon Sang Hyun đăng trên trang cá nhân: “BTS đã thông báo ngừng hoạt động nhóm sau 9 năm hoạt động. Vấn đề nghĩa vụ quân sự là lý do chính. Ngày 21/6, tôi đã đề xuất một dự luật sửa đổi Đạo luật nghĩa vụ quân sự để áp dụng nghĩa vụ quân sự đặc biệt bình đẳng cho các nghệ sĩ văn hóa đại chúng như trong thể thao và nghệ sĩ, nhưng không có tiến triển nào sau một năm. Với một lý do nào đó, quốc hội đã đến lúc phải lựa chọn lợi ích quốc gia lớn hơn thay vì trốn tránh việc sửa đổi luật nghĩa vụ quân sự”.