BÌNH LUẬN KHOA HỌC HÌNH SỰ VỀ KHÁI NIỆM TỘI PHẠM – Luật Minh Bạch

1. Quy định pháp luật

“Điều 8. Khái niệm tội phạm

  1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách hiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
  2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm những tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác.”

2. Bình luận khoa học

Xét trên định nghĩa pháp lý của tội phạm này, có thể nhận thấy tội phạm có bốn đặc điểm sau:

– Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội;

– Tội phạm là hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự;

– Tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một các cố ý hoặc vô ý; và

– Tội phạm là hành vi phải bị xử lý hình sự

2.1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội

Tội phạm, theo luật hình sự phải là hành vi của con người. Những tư tưởng, ý định hay suy nghĩ của con người dù có sai lệch đến đâu cũng không thể là tội phạm vì chúng không thể gây nguy hại cho xã hội. Chỉ qua hành vi của mình, con người mới có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra sự nguy hại cho xã hội. Khẳng định ngay trong chính câu từ của điều luật “Tội phạm là hành vi…” là sự xác nhận một nguyên tắc của pháp luật nói chung và luật hình sự nói riêng là nguyên tắc hành vi, sự xác nhận này chính là một trong những đảm bảo cho con người không bị truy bức về tư tưởng hay định kiến. Về vấn đề này, Các Mác đã viết: “Ngoài hành vi của mình ra, tôi hoàn toàn không tồn tại đối với pháp luật, hoàn toàn không phải là đối tượng của pháp luật”. Từ quy định “Tội phạm là hành vi” cũng như nhận xét trên đây của Các Mác thì không được phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những ý định hay khuynh hướng tư tưởng của con người nếu như khuynh hướng, ý định đó chưa thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi.

Nói tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội có nghĩa hành vi tội phạm phải gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ; những quan hệ xã hội đã được xác định khái quát trong định nghĩa khái niệm tội phạm, đó là “Độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân,…”. Hành vi không gây thiệt hại hoặc không đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ này không thể là tội phạm.

Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi là điều kiện đầu tiên, là cơ ở để xem xét hành vi nào đó là tội phạm và quy định nó trong Bộ luật Hình sự. Việc đánh giá hành vi nào đó là nguy hiểm cho xã hội phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Đó là cơ sở của việc tội phạm hóa (quy định về tội phạm hoặc tội phạm mới trong luật) hoặc phi tội phạm hóa (bãi bỏ một hay một số tội phạm đã được quy định). Ví dụ: Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định thêm nhiều tội phạm mới như tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215),… và bãi bỏ một số tội như tảo hôn (Điều 18 Bộ luật Hình sự 1999); tội kinh doanh trái phép (Điều 159 Bộ luật Hình sự 1999); tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167 Bộ luật Hình sự 1999),…

Trong sự thống nhất giữa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 thì chỉ những hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội ở mức độ cao (nguy hiểm đáng kể) mới là tội phạm bởi “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.

Khi xác định hành vi nào đó là có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội hay không để quy định là tội phạm trong Bộ luật Hình sự hay chỉ là vi phạm pháp luật khác, các nhà làm luật cần phải đánh giá tổng hợp nhiều căn cứ khác nhau như: Tính chất, tầm quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm hại hoặc đe dọa xâm hại; hoàn cảnh chính trị, xã hội và tình hình xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật; Tính chất và mức độ của thiệt hại đã gây ra hoặc đe dọa gây ra cho quan hệ xã hội; hình thức lỗi (cố ý hay vô ý),…

2.2. Tội phạm là hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự

Theo Điều 8 Bộ luật hình sự 2015, hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm nếu hành vi ấy được quy định trong Bộ luật Hình sự (được quy định tại phần tội phạm của Bộ luật Hình sự). Như vậy, “được quy định trong Bộ luật Hình sự” là đặc điểm đòi hỏi phải có ở những hành vi được coi là tội phạm. Theo đặc điểm này, hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng nếu không được quy định trong Bộ luật Hình sự này thì không phải là tội phạm. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật cần chú ý đặc điểm này, khi truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi của người nào đó cần phải xác định hành vi ấy đã được quy định là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Được quy định trong luật là đặc điểm về hình thức pháp lý của tội phạm, là sự thừa nhận một trong những nguyên tắc được thừa nhận chung của luật hình sự quốc tế và đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 của Liên Hợp Quốc “Không ai bị cáo buộc là tội phạm vì bất cứ hành động hoặc sự không hành động nào mà không cấu thành một tội phạm hình sự, theo pháp luật quốc gia hay pháp luật quốc tế vào thời điểm thực hiện…” (khoản 2 Điều 11). Khẳng định tội phạm là hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự không những là cơ sở pháp lý đảm bảo cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm được thống nhất mà còn là cơ sở pháp lý đảm bảo cho công dân không bị xử lý tùy tiện, thiếu căn cứ pháp luật trong thực tiễn.

2.3. Tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý

Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự chỉ được coi là tội phạm nếu “do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý”. Điểm mới trong định nghĩa khái niệm tội phạm của Bộ luật Hình sự 2015 là bổ sung chủ thể thứ hai của “hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự”. Chủ thể thực hiện hành vi này không chỉ là “người có năng lực trách nhiệm hình sự” như quy định trước đây (Điều 8 Bộ luật Hình sự 1985, Điều 8 Bộ luật Hình sự 1999) mà còn có thể là “pháp nhân thương mại”.

Khẳng định tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý là sự thể hiện nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là nguyên tắc có lỗi. Theo nguyên tắc này, con người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý đối với hành vi đó. Nhà nước quy định trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp trong luật hình sự) và xử lý hình sự người phạm tội là để trừng trị, giáo dục người thực hiện hành vi phạm tội. Những mục đích này chỉ có thể đạt được nếu trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với người có lỗi. Điều kiện để người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có lỗi cố ý hay lỗi vô ý với hành vi đó là họ phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Đó là năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội, người không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi thì không có điều kiện để có lỗi và do vậy bị coi là phạm tội khi thực hiện hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ví dụ: Người mắc bệnh tâm thần (đã bị mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình) thực hiện hành vi đâm chết người thì hành vi giết người này không phải là tội phạm.

Như đã nêu trên, Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung chủ thể của hành vi nguy hiểm cho xã hội là pháp nhân thương mại. Theo quy định này, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Khi tội phạm do người đại diện hoặc nhân danh pháp nhân thương mại thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và có sự chỉ đạo, điều hành của pháp nhân đó thì không chỉ cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự mà pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc Bộ luật Hình sự bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, nhằm góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc xử lý các vi phạm của pháp nhân trong thời gian qua và có những cơ sở khách quan và chủ quan sau: Về khách quan, pháp nhân có hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi phạm tội của pháp nhân là hành vi “chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận” của pháp nhân và được thể hiện qua hành vi của người đại diện hoặc người được pháp nhân ủy quyền. Về chủ quan, pháp nhân có lỗi đối với hành vi phạm tội của mình, tuy nhiên vì pháp nhân là “con người pháp lý” nên lỗi của pháp nhân có điểm khác với lỗi của cá nhân. Theo lý thuyết đồng nhất hóa, “do cá nhân thực hiện hành vi phạm tội là nhân danh, thay mặt hay đại diện hoặc theo sự ủy quyền của tổ chức, pháp nhân cho nên lỗi của cá nhân cũng được coi là lỗi của tổ chức, pháp nhân”. Pháp nhân có lỗi đối với hành vi của mình bởi vì pháp nhân vì lợi ích của mình đã “chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận” cho những cá nhân nhân danh mình thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

3.4. Tội phạm là hành vi bị xử lý hình sự

Lần đầu tiên trong định nghĩa khái niệm tội phạm các nhà làm luật quy định: “Tội phạm là hành vi… mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”. Đây là điểm mới trong định nghĩa khái niệm tội phạm của Bộ luật Hình sự 2015. Trong các Bộ luật Hình sự năm 1985 và Bộ luật Hình sự năm 1999 đều không nhắc đến đặc điểm này của tội phạm. Do luật không quy định nên trong khoa học luật hình sự Việt Nam tồn tại hai quan điểm: Quan điểm coi tính phải chịu hình phạt là một đặc điểm của tội phạm; Quan điểm không coi tính phải chịu hình phạt là một đặc điểm của tội phạm. Từ quy định “Tội phạm là hành vi… mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự” có thể khẳng định bị xử lý hình sự (hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế hình sự khác) là đặc điểm có ở tất cả các hành vi tội phạm, không có tội phạm nào không bị đe dọa xử lý hình sự và điều này đã được thể hiện trong tất cả các điều luật quy định tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Một số chú ý, thứ nhất: Bộ luật Hình sự quy định “phải bị xử lý hình sự” chứ không quy định “phải bị xử lý bằng hình phạt”. Người phạm tội bị xử lý hình sự có thể bị xử phạt bằng hình phạt, biện pháp tư pháp hình sự,… chứ không phải luôn bị xử lý bằng hình phạt. Thứ hai, nói “tội phạm là hành vi… phải bị xử lý hình sự” có nghĩa mọi tội phạm do tính nguy hiểm cho xã hội đều bị đe dọa phải bị xử lý hình sự nhưng điều đó không có nghĩa là mọi trường hợp phạm tội và mọi người phạm tội đều bị xử lý hình sự. Quy định tội phạm phải bị xử lý hình sự không đồng nhất với việc phải xử lý hình sự tất cả những người phạm tội trên thực tế, bởi xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự với quan điểm “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại” Bộ luật Hình sự Việt Nam có các quy định: Miễn trách nhiệm hình sự; miễn hình phạt; miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội,… đối với người phạm tội khi thỏa mãn các điều kiện do luật định (Điều 29, Điều 59, khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015).

____________________________________________________________________________________________

Trên đây là quan điểm của Luật Minh Bạch về vấn đề trên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp:

Công ty Luật Minh Bạch

Địa chỉ: Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: [email protected]

Trân trọng !