BỊ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÓ BỊ TIỀN SỰ KHÔNG? – Luật sư Đà Nẵng – Luật sư FDVN
Em là Đinh Văn T- hiện đang sing sống và làm việc tại Đà Nẵng. Vào đầu tháng 3 em có bị cơ quan công an xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận. Theo đó thì em bỉ phạt với mức tiền là 12,5 triệu đồng. Vậy Em muốn hỏi rằng trong trường hợp em bị xử phạt 12,5 triệu đồng thì sau khi nộp phạt xong em có bị tính là một tiền sự không? Nếu có thì bao lâu sẽ hết thời hạn? Giả sử trong thời gian chờ em lại không may phạm lỗi như vậy thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Mong Quý Công ty Luật FDVN (FDVN) có thể tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
[1]. Quy định pháp luật tiền sự khi bị xử phạt hành chính.
Tiền sự được coi là vết tích bị xử lý hành chính mà người vi phạm hành chính phải gánh chịu trong khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
Tham khảo quy định tại điểm b Khoản 2 Mục 2 của Nghị Quyết số 01-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ngày 18/10/1990 Hướng dẫn về việc áp dụng Điều 44 Bộ luật Hình sự quy định:“b) Người đã được xóa án thì không coi là có tiền án. Người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính (tức là đã được coi như chưa bị kỷ luật, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính) thì không coi là có tiền sự.”
Khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2017 quy định thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định là 01 năm kể từ ngày ra quyết định.
Do đó, nếu Quý Khách đã nộp số tiền 12.500.000 đồng thì sau 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên mà Quý Khách không thực hiện lại hành vi đã bị xử phạt thì được coi là chưa vi phạm hành chính tức là sẽ không bị coi là có tiền sự. Trường hợp thực hiện lại thì bị coi là tái phạm.
Theo đó, tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý (Khoản 2 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012). Hậu quả pháp lý đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm là một trong những tình tiết tăng nặng (khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Như vậy, nếu bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền thì trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong là thời hạn được gọi là có tiền sự. Trong thời gian 01 năm này nếu Qúy Khách thực hiện lại hành vi vi phạm đã bị xử phạt thì bị coi là tái phạm là một trong những tình tiết tăng nặng. Nếu quá thời hạn 01 năm này mà Qúy Khách không tái phạm thì được xác định là chưa vi phạm hành chính, không còn tiền sự.
[2]. Quy định pháp luật về tái phạm trong thời gian có tiền sự
Nếu trong thời gian có tiền sự mà Qúy Khách thực hiện lại hành vi đã bị xử phạt thì có thể bị xử lý như sau:
2.1. Trường hợp tiếp tục bị xử phạt hành chính với hình thức phạt tiền, tại Khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”.
Vì tái phạm là tình tiết tăng nặng nên nếu Qúy khách tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính (tương tự với hành vi đã bị xử lý trước đó) thì mức phạt của hành vi sau này sẽ tăng lên nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Ví dụ: Vào tháng 07/2020, Qúy Khách tiếp tục có hành chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận thì có thể bị xử lý theo điểm d Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP: “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội: 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;”
Vì hành vi này thực hiện trong thời gian đang có tiền sự nên được xác định là tái phạm, khi đó mức xử phạt sẽ tăng lên nhưng không quá 20.000.000 đồng (đối với tổ chức) và 10.000.000 đồng (đối với cá nhân).
2.2. Trường hợp Qúy khách có hành vi đưa lên mạng máy tính những thông tin trái pháp luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có dấu hiệu cấu thành Tội đưa hoặc sử dụng trái pháp thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được nêu tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.
“Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;”
Những thông tin trái với quy định pháp luật được nêu tại Điều 8 Luật An ninh mạng 2018: “Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng: 1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây: d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;”
Với quy định nêu trên nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không phân biệt có đang trong thời gian có tiền sự hay không.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
Theo Đinh Thị Thông – Công ty Luật FDVN