BẢO TÀNG LỊCH SỬ VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

24/02/2011

BẢO TÀNG LỊCH SỬ VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nằm tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh nguyên là Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse, được người Pháp xây dựng năm 1927 trong khu vực Thảo Cầm Viên Sài Gòn, theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Delaval, mang dáng dấp của tháp cung điện mùa hè ở Bắc Kinh. Ngay sau khi khánh thành vào năm 1929, nơi đây đã trưng bày, giới thiệu những nghiên cứu phát hiện về nhân chủng học, khảo cổ học và dân tộc học. Đến năm 1956, chính quyền Sài Gòn đã đổi thành Viện Bảo tàng Quốc gia, việc trưng bày có chiều hướng nghiêng về mỹ thuật với các phòng Mỹ thuật Việt Nam, Mỹ thuật Chăm, Mỹ thuật Khmer, Mỹ thuật Trung Hoa, Mỹ thuật Nhật Bản, Sắc tộc thiểu số…

a

Ảnh: nguyentl.free.fr

Vào những năm đầu 70 của thế kỷ 20, Bảo tàng được mở rộng diện tích bằng việc xây thêm phần sau dạng chữ U theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Đến ngày 26.8.1979, Bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử – Thành phố Hồ Chí Minh, sau này lại đổi thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Bảo tàng giới thiệu đến công chúng qua hai phần trưng bày gồm các nội dung sau:

Phần 1: gồm 15 phòng trưng bày, giới thiệu các hiện vật và cổ vật liên quan đến lịch sử Việt Nam từ khi có dấu vết con người (cách đây khoảng 300.000 năm) đến năm 1930 bao gồm các thời kỳ:

– Thời kỳ Nguyên thủy ở Việt Nam
– Thời kỳ Hùng Vương dựng nước
– Thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (thế kỷ 1 – 10)
– Thời Lý (thế kỷ 11 – 13)
– Thời Trần (thế kỷ 13 – 14)
– Thời Lê (thế kỷ 15 – 17)
– Thời Tây Sơn (thế kỷ 18 – đầu 19)
– Thời Nguyễn (thế kỷ 19 – giữa 20).

Phần 2: giới thiệu một số chuyên đề mang tính đặc trưng của khu vực phía Nam như văn hóa Óc Eo, văn hóa cổ đồng bằng sông Cửu Long, nghệ thuật Chăm-pa, Bến Nghé – Sài Gòn, các thành phần dân tộc Việt Nam… và cả văn hóa một số nước Châu Á.

aẢnh: nguyentl.free.fr

Không chỉ dừng lại ở hệ thống trưng bày, Bảo tàng còn quản lý một hệ thống kho bảo quản hiện vật với khối lượng lớn và khá phong phú về loại hình, trong đó có bộ sưu tập 11 tượng Quan Âm bằng gỗ của Việt Nam, với nhiều đề tài như Quan Âm tống tử, Quan Âm tọa sơn, Quan Âm đa thủ… là những tác phẩm do cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh thu hồi và chuyển giao trong thời gian gần đây, tuy không dồi dào về số lượng nhưng cũng phản ánh được những nét đặc sắc trong phong cách tạc tượng truyền thống của người Việt xưa.

a

Ảnh: nguồn tintuc.8gio.com

Trong nỗ lực mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã được Bảo tàng Guimet (Pháp) chọn làm đối tác trong cuộc triển lãm Kho tàng Nghệ thuật Việt Nam vào tháng 10-2005, với bộ sưu tập mẫu về văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo, văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. Một xưởng phục chế hiện vật đá cũng đã được xây dựng do sự hỗ trợ của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFFO) từ tháng 10-2006.

Mai Kim Thành