BÁO QUẢNG TRỊ > Xã hội

(QTO) – Đến Trường Tiểu học và THCS A Dơi, huyện Hướng Hóa, hình ảnh các em học sinh khoác lên mình những bộ trang phục thổ cẩm nhiều màu sắc như hút mắt người. Để có hình ảnh đẹp ấy, cán bộ, giáo viên nhà trường đã nỗ lực vận động, thắp lên tình yêu nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô cho các em học sinh.

 

Giáo viên, học sinh Trường Tiểu học và THCS A Dơi đến trường với trang phục thổ cẩm – Ảnh: T.L

 

Vào giờ chào cờ, nhìn từ xa, sân Trường Tiểu học và THCS A Dơi như một tấm thổ cẩm khổng lồ được dệt từ hàng trăm mảnh ghép nhỏ, đầy màu sắc. Trong bộ trang phục truyền thống, gương mặt học sinh dường như rạng rỡ hơn. Trước đây, từng có giai đoạn, học sinh người Vân Kiều, Pa Kô ở Trường Tiểu học và THCS A Dơi cảm thấy lạc lõng mỗi khi khoác lên mình trang phục thổ cẩm bởi từ lâu, nhiều bạn bè của các em luôn ưu tiên lựa chọn những bộ áo quần được đưa từ miền xuôi lên. Trong bối cảnh ấy, nhiều học sinh của trường đành lựa chọn cái mặc theo số đông dẫu rất thích trang phục truyền thống của dân tộc mình.

 

Nhìn học sinh rạng rỡ trong trang phục thổ cẩm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Dơi Hồ Sỹ Chẩm không giấu được niềm vui. Sinh ra và lớn lên ở huyện Hướng Hóa, từ nhỏ thầy Chẩm đã dành tình yêu cho mảnh đất này. Tình yêu ấy chính là chất xúc tác mạnh mẽ, thôi thúc thầy trở lại miền rừng để trồng người dẫu nhiều cơ hội mở ra trước mắt. 22 năm gieo chữ ở các xã thuộc tuyến Lìa, thầy Chẩm đã được luân chuyển qua 4 ngôi trường và đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, tình yêu dành cho mảnh đất, con người Hướng Hóa nói chung và bà con Vân Kiều, Pa Kô ở tuyến Lìa nói riêng chưa bao giờ vơi cạn trong thầy. Đặc biệt, những nét đẹp truyền thống, trong đó có trang phục thổ cẩm của người Vân Kiều, Pa Kô có sức hút mãnh liệt với thầy Chẩm. Vì thế, khi thấy nhiều người quay lưng với trang phục truyền thống của dân tộc mình, trong đó có các em học sinh, thầy Chẩm thấy chạnh lòng.

 

Việc đưa trang phục thổ cẩm vào trường học được thầy Chẩm triển khai đầu tiên tại ngôi trường cũ mà mình làm hiệu trưởng là Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc. Ngay sau khi ra đời vào năm 2018, mô hình đã mang lại tín hiệu đáng mừng. Đây chính là động lực thôi thúc thầy Chẩm nhân rộng mô hình sau khi chuyển sang công tác tại Trường Tiểu học và THCS A Dơi. Thầy Chẩm kể, từ nhiều năm về trước, thầy đã ấp ủ ý định đưa trang phục thổ cẩm vào trường học. Thế nhưng, vì nhiều lý do mà dự định đó dở dang. Trong một lần về xuôi tham gia tập huấn, thầy Chẩm và các học viên khác được đặt câu hỏi: “Ở nơi đang sinh sống, làm việc, nét đẹp truyền thống nào của người dân địa phương được bạn yêu thích nhất? Theo bạn, cần làm gì để bảo tồn, phát triển nó?”. Bất chợt, câu trả lời và những suy nghĩ, dự định về việc đưa thổ cẩm vào trường học sáng rõ trong đầu thầy Chẩm. Thế là, trở về sau lớp tập huấn, thầy đã ngay lập tức bắt tay biến ý tưởng thành hiện thực.

 

Thực tế, việc đưa trang phục thổ cẩm vào trường học dễ mà khó. Dễ bởi trang phục này gắn bó, rất gần gũi với người Vân Kiều, Pa Kô. Cái khó nằm ở chỗ trang phục truyền thống của đồng bào vùng cao ít được ưa chuộng vì không phong phú, đa dạng về mẫu mã, giá cả, nơi sản xuất…Vì thế, nếu không được nhiều người ủng hộ, ý tưởng đưa trang phục thổ cẩm vào trường học sẽ dễ bị… “phá sản”. Nhận thức rõ điều đó, ngay sau khi về công tác tại Trường Tiểu học và THCS A Dơi, thầy Chẩm đã họp hội đồng sư phạm, hội phụ huynh để tìm tiếng nói chung. Những tiết học, buổi ngoại khóa giúp học sinh yêu thêm những nét đẹp truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô, đặc biệt là thổ cẩm được giáo viên nhà trường tăng cường tổ chức. Không dừng lại ở đó, thầy Chẩm còn xây dựng kế hoạch trình chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ và rất vui mừng khi nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao.

 

Dù có những bước đi bài bản nhưng việc đưa trang phục thổ cẩm vào trường học cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Một bộ phận phụ huynh chưa thuận lòng vì cho rằng trang phục thổ cẩm đắt tiền, lại khó đặt may, mua. Có những học sinh vẫn chuộng trang phục may sẵn rất thuận tiện với nhiều mẫu mã, kiểu dáng. Để gỡ vướng, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS A Dơi đã vào cuộc. Nhiều giáo viên tận tụy về từng nhà để vận động, phân tích cho phụ huynh, học sinh hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa của việc gìn giữ trang phục dân tộc. Các thầy, cô giáo người Vân Kiều, Pa Kô công tác tại trường nêu gương bằng cách đặt may, mua những bộ trang phục thổ cẩm đẹp mắt để mặc vào giờ lên lớp. Vì yêu thổ cẩm, một số giáo viên người Kinh cũng đã chọn chất liệu này để may áo dài truyền thống.

 

Nỗ lực của cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS A Dơi sớm được đền đáp. Hiện nay, tất cả học sinh người Vân Kiều, Pa Kô trong trường đều có ít nhất 1 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Vào sáng thứ 2 đầu tuần và các ngày lễ lớn, các em đều mặc trang phục thổ cẩm theo quy định. Được sự khuyến khích của ban giám hiệu nhà trường, một số học sinh mặc những bộ váy áo truyền thống vào cả những ngày bình thường trong tuần. Từ đây, tình yêu dành cho trang phục và những nét đẹp truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô ngày càng nảy nở trong học sinh. Em Hồ Thị Choi, học sinh Trường Tiểu học và THCS A Dơi bày tỏ: “Em rất vui khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống. Em mong có cơ hội được giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình cho các bạn ở khắp mọi miền”.

 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Dơi Hồ Sỹ Chẩm cho biết, từ ngày trang phục thổ cẩm được đưa vào trường học, nhiều học sinh đã đặt ra và trăn trở với câu hỏi: “Tại sao nghề dệt thổ cẩm truyền thống bị mai một?”, “Phải làm cách nào để giảm giá thành trang phục thổ cẩm?”, “Liệu có thể kết hợp nét đẹp truyền thống và hiện đại trong trang phục thổ cẩm?”… Theo thầy Chẩm, đây là tín hiệu vui, khẳng định các học sinh đã quan tâm nhiều hơn đến việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc. “Từ những trăn trở ấy, chúng ta có quyền hy vọng về một ngày, các học sinh ở xã A Dơi sẽ đưa thổ cẩm vượt núi, đến với bạn bè năm châu”, thầy Chẩm tin tưởng nói.

 

 Tây Long