BÁC SĨ VÀ NHÀ VẬT LÝ TRỊ LIỆU THỂ THAO – Trung Tâm Phục Hồi Chấn Thương Thể Thao Quốc Tế

“Khi bị chấn thương thì chúng ta nên đến gặp ai, bác sĩ hay nhà Vật lý trị liệu (VLTL) thể thao?” Đây hẳn là câu hỏi mà nhiều người khi gặp chấn thương vẫn luôn quan tâm. Để giải đáp cho vấn đề này, hãy cùng IRC tìm hiểu một cách rõ nét về vai trò của bác sĩ và nhà VLTL trong việc xử trí và điều trị chấn thương, đặc biệt là chấn thương thể thao nhé.

KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ

Bác sĩ sẽ giải quyết khía cạnh về chẩn đoán, chỉ định, điều trị bệnh tổng quát và kê đơn thuốc để hỗ trợ bệnh nhân hồi phục.

Nhà vật lý trị liệu sẽ tập trung vào việc tìm ra những yếu tố cấu thành của chấn thương, đồng thời sử dụng các tác nhân vật lý như kỹ thuật điều trị bằng tay và đưa ra kế hoạch tập luyện (vận động trị liệu) để hỗ trợ bệnh nhân hồi phục hiệu quả. Và Vật lý trị liệu Thể thao là một chuyên ngành trong vật lý trị liệu dành riêng cho phòng tránh chấn thương, lượng giá và điều trị chấn thương liên quan tới thể thao và tập luyện ở mọi trình độ và lứa tuổi.

Đa số các nhà vật lý trị liệu và bác sĩ đa khoa sử dụng chuyên môn riêng của mỗi người, đồng thời phối hợp cùng nhau để đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ sẽ giới thiệu/chuyển tiếp bệnh nhân đến gặp nhà vật lý trị liệu đối với những chấn thương đòi hỏi chuyên môn cụ thể về vật lý trị liệu. Ngược lại, nhà VLTL cũng sẽ khuyến nghị bệnh nhân đến gặp bác sĩ liên quan nếu cần chỉ định về chẩn đoán hình ảnh, kê đơn, tiêm, chụp và các khám xét chuyên sâu v.v.

Thông thường tại Việt Nam, chúng ta có khuynh hướng tìm đến bác sĩ đầu tiên sau khi chấn thương. Tuy nhiên trên thế giới, trong một số trường hợp, bệnh nhân cũng có thể đến gặp nhà vật lý trị liệu ngay từ bước đầu để có những lời khuyên từ chuyên gia, đặc biệt đối với các chấn thương thể chất ảnh hưởng đến vận động hoặc liên quan đến các vấn đề về cơ xương khớp. Việc này sẽ giúp người bệnh được hướng dẫn và giới thiệu đến gặp chuyên gia/bác sĩ khác phù hợp nhất sau này trong trường hợp cần chuyển tiếp thăm khám thêm.

TRÁCH NHIỆM ĐIỀU TRỊ CỦA BÁC SĨ

Bác sĩ có thể:

  • Chẩn đoán và kết luận chấn thương
  • Chỉ định chụp Cộng hưởng từ, X-quang hoặc các xét nghiệm/ kiểm tra khác
  • Kê đơn (đặc biệt là thuốc giảm đau đối với các chấn thương nghiêm trọng)
  • Giới thiệu tới chuyên gia khác để xem xét thêm
  • Giới thiệu tới các chuyên gia ngành y tế tương cận như nhà vật lý trị liệu, chuyên viên điều trị bệnh lý bàn chân (podiatrist) v..v..

TRÁCH NHIỆM ĐIỀU TRỊ CỦA NHÀ VLTL

Trách nhiệm của nhà vật lý trị liệu bao gồm:
– Thực hiện đánh giá toàn diện chủ quan (bằng lời nói) và khách quan (thực hành)
– Cung cấp kế hoạch điều trị và phục hồi chức năng dưới dạng:

  • Thiết kế chương trình và bài tập phục hồi chức năng chuyên biệt cho từng người bệnh
  • Điều trị bằng tay hoặc các phương thức trị liệu khác
  • Phổ cập và cập nhật kiến thức về cơn đau và chấn thương của người bệnh
  • Biết khi nào cần chuyển/giới thiệu người bệnh tới các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế khác.

Ngoài những trách nhiệm nêu trên, Nhà vật lý trị liệu thể thao còn:
• Cung cấp lời khuyên thực chứng (evidence-based advice) về tập luyện và chơi thể thao an toàn
• Khuyến khích lối sống năng động để giúp mỗi người cải thiện và duy trì chất lượng sống
• Đảm nhiệm vai trò lớn trong việc giúp đỡ và hỗ trợ các vận động viên và người chơi thể thao ở mọi lứa tuổi và trình độ cải thiện hiệu suất thi đấu

Nhà vật lý trị liệu không phải là bác sĩ y khoa và không thể kê đơn thuốc nhưng dựa trên những chẩn đoán và xét nghiệm từ bác sĩ sẽ thiết lập các chương trình tập luyện và giám sát nhằm cải thiện các triệu chứng và cải thiện chức năng.

QUY TRÌNH ĐIỀU TRỊ CHUYÊN BIỆT TẠI IRC

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bác sĩ chuyên khoa Y học thể thao & các Chuyên viên VLTL thể thao có chuyên môn cao cùng nhiều năm kinh nghiệm, mỗi khách hàng khi đến IRC đều không phải băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu. Dù bạn mới có dấu hiệu hay vừa bắt đầu chữa trị nhưng chưa cải thiện thì đều sẽ được thiết kế một lộ trình rõ ràng và đơn giản được liên kết với phương pháp thực hành y học chứng cứ.

Từ đó giúp mỗi người Việt có thể phòng tránh chấn thương, khuyến khích lối sống năng động, cải thiện và duy trì chất lượng sống, góp phần nâng cao thành tích thể thao cho các vận động viên, những người đam mê thể thao ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ.

IRC