Azelaic Acid? – “Thần Dược” Bị Lãng Quên Trong Trị Mụn, Giảm Thâm
Azelaic acid thường được ví von là ngôi sao sáng bị lãng quên trong vũ trụ skincare, khi mà phần lớn sự chú ý vẫn đang dồn vào những hoạt chất “nhẵn mặt” khác như BHA, AHA, vitamin C hay tretinoin. Trong bài viết sau, Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu sẽ cùng bạn khám phá azelaic acid là gì, tác dụng và cách kết hợp với chất active khác trong quy trình chăm sóc da hằng ngày, đặc biệt đối với điều trị mụn và rối loạn sắc tố.
Azelaic acid là gì? (Nguồn ảnh: Internet)
Vì một vài lý do nào đó, azelaic acid vẫn chưa thật sự được yêu thích rộng rãi trong giới skincare, mặc dù hoạt chất này được đánh giá là rất đa năng, vừa có khả năng trị mụn, vừa hỗ trợ làm sáng da và ít nguy cơ hơn hẳn so với tretinoin hay hydroquinone. Nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm thì azelaic acid sẽ là cái tên đáng cân nhắc để đưa vào routine chăm sóc hằng ngày của mình.
Mục Lục
Azelaic acid là gì?
Định nghĩa azelaic acid
Có công thức hóa học là HOOC(CH2)7COOH, azelaic acid là một dicarboxylic acid bão hòa được tìm thấy trong lúa mạch và lúa mì. Ở Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác thì azelaic acid bị cấm trong sản xuất mỹ phẩm (nhưng dược mỹ phẩm thì có thể), trong khi Liên minh châu Âu lại xem hoạt chất này là một thành phần mỹ phẩm có thể sử dụng mà không bị hạn chế nồng độ. Còn ở Mỹ thì FDA không có yêu cầu cụ thể về azelaic acid trong mỹ phẩm và cho phép nồng độ 15 – 20% trong dược mỹ phẩm.
Azelaic acid có nguồn gốc từ lúa mì, lúa mạch… (Nguồn ảnh: Internet)
Với đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, bình thường hóa quá trình sừng hóa của da, azelaic acid được ứng dụng nhiều trong trị mụn trứng cá viêm và không viêm, chứng đỏ da (rosacea), thâm nám, đốm nâu…
Công dụng của azelaic acid
Điều trị mụn
Azelaic acid dạng bôi có khả năng ổn định quá trình sừng hóa và giảm tăng sinh P.Acnes. Thay vì trực tiếp ức chế chức năng của tuyến bã nhờn, hoạt chất này sẽ thông qua tác dụng chống sừng hóa trên biểu bì nang lông và tính kháng khuẩn để phát huy khả năng chống mụn.
Dựa trên nghiên cứu của Cavicchini vào năm 1989, thử nghiệm lâm sàng của Katsambas và cộng sự vào năm 1989…, có thể kết luận azelaic acid có khả năng trị mụn tương đương benzoyl peroxide 5%, erythromycin 2%, tretionoin 0,05% và có thể thay thế isotretinoin đường uống.
Theo quan sát, azelaic acid có hiệu quả với mụn sưng viêm hơn mụn không sưng viêm (Nguồn ảnh: Internet)
Điều trị chứng đỏ da
Nghiên cứu của Elewski và cộng sự vào năm 2003 cho thấy việc sử dụng azelaic acid ở nồng độ 15% trong 15 tuần đem lại hiệu quả rõ rệt hơn so với 0,75% metronidazole (loại thuốc thường dùng trong điều trị rosacea).
Chữa tình trạng liên quan đến rối loạn sắc tố
Nghiên cứu của Breathnach và đồng nghiệp năm 1989 kết luận rằng azelaic acid 20% có khả năng điều trị tốt đối với tăng sắc tố sau bỏng, chấn thương vật lý, mụn trứng cá… Tuy nhiên, hoạt chất này không có công dụng ngăn ngừa triệu chứng tăng sắc tố xuất hiện bởi tia UV.
Azelaic acid phát huy mạnh mẽ khả năng điều trị các chứng rối loạn sắc tố
(Nguồn ảnh: Internet)
Vào năm 1991, nghiên cứu từ Balina đã so sánh tính hiệu quả trong điều trị nám da của azelaic acid với hydroquinone 4% trong 24 tuần trên 329 người. Kết quả cho thấy azelaic acid 20% kết hợp kem chống nắng phổ rộng là giải pháp trị nám biểu bì và hạ bì hiệu quả không thua kém gì hydroquinone 4% (hydroquinone có xác suất gây tác dụng phụ cao hơn).
Sản phẩm chứa azelaic acid
Derma Forte Azelaic Acid 20%
- Đây là gel hỗ trợ trị mụn và làm sáng da đến từ hãng dược phẩm Alcom của Việt Nam. Nồng độ 20% khá khó tìm nên sản phẩm này là lựa chọn rất ổn với giá thành “sinh viên” nếu bạn muốn trải nghiệm ở nồng độ này.
Derma Forte Azelaic Acid 20% (Nguồn ảnh: Internet)
Skinoren Rosacea Azelaic Acid 15%
- Chứa 15% azelaic acid, gel này có khả năng hỗ trợ trị mụn, điều trị rối loạn sắc tố và đặc biệt là chứng đỏ da. Sản phẩm được đánh giá là hợp với da dầu hơn da khô.
The Ordinary Azelaic Acid Suspension 10%
- Texture dạng cream-gel dễ thấm vào da. Sản phẩm còn chứa isodecyl neopentanoate có công dụng làm mềm và đóng vai trò như thành phần giữ ẩm cho da.
Paula’s Choice 10% Azelaic Acid Booster
- Sản phẩm chứa 10% azelaic acid giúp xử lý các vấn đề như mụn trứng cá, làm giảm vết đỏ, đốm nâu, thâm sau mụn; salicylic acid tẩy da chết, giúp da thông thoáng; chiết xuất cam thảo (licorice) làm sáng da hiệu quả…
Paula’s Choice 10% Azelaic Acid Booster (Nguồn ảnh: Internet)
Cách sử dụng, liều dùng azelaic acid
Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên tẩy trang, vệ sinh da sạch sẽ rồi thoa trần azelaic acid với liều lượng khoảng 1 đốt ngón tay cho toàn mặt (trước bước kem dưỡng). Tuy nhiên, nếu da bạn thuộc tuýp dễ bị kích ứng thì có thể thoa hoạt chất này sau bước kem dưỡng.
Với quy trình buổi sáng, nếu azelaic acid thuộc dạng gel thì nên thoa trước kem dưỡng ẩm rồi đến kem chống nắng, bởi gel azelaic acid sẽ khiến da khá khô và dễ làm vón kem chống nắng.
15 – 20% không phải là nồng độ phù hợp cho tất cả mọi người nên khi bắt đầu, bạn cần patch test trước ở vùng da quai hàm và dùng xen kẽ 2 – 3 lần/tuần để đánh giá da mình có hợp với hoạt chất này không.
Theo nhiều nghiên cứu, azelaic acid sẽ cho thấy kết quả rõ rệt trong trị mụn viêm sau khoảng 4 tuần và điều trị rối loạn sắc tố sau 6 tháng.
Đừng quên sử dụng kem chống nắng nếu routine đi kèm azelaic acid
(Nguồn ảnh: Internet)
Cách kết hợp azelaic acid với hoạt chất khác
Azelaic acid và salicylic acid
Không có quá nhiều nghiên cứu về tác dụng của azelaic acid khi dùng kèm salicylic acid, nhưng có thí nghiệm so sánh peel BHA 20% + azelaic acid 20% với peel TCA (trichloracetic acid) 25% thì peel TCA giảm mụn không viêm tốt hơn, còn azelaic acid + BHA giảm mụn viêm tốt hơn.
Azelaic acid và AHA
Nghiên cứu từ Kakita năm 1998 cho thấy azelaic acid 20% + glycolic acid 15 – 20% có tác dụng gần như tương đương với hydroquinone 4% sau 24 tuần điều trị tăng sắc tố.
Azelaic acid và benzoyl peroxide/tretinoin
Azelaic acid được cho rằng đem lại kết quả điều trị mụn cao hơn khi kết hợp với benzoyl peroxide 4% gel hoặc tretinoin 0,025%.
Tretinoin có thể sử dụng chung với azelaic acid (Nguồn ảnh: Internet)
Như vậy, chúng ta vừa cùng nhau định nghĩa azelaic acid là gì và những lưu ý khi sử dụng hoạt chất này trong quy trình chăm sóc da hằng ngày. Do ít đem lại tác dụng phụ và là thành phần nhẹ nhàng hơn có thể thay thế các hoạt chất mạnh khác nên azelaic acid không thể cho ra kết quả sau 1 – 2 tuần. Lời khuyên là hãy dành thời gian để da từ từ thích nghi và kiên nhẫn chờ đợi hoạt chất phát huy tối đa công dụng.
*Bài viết có tham khảo thông tin từ Call Me Duy, Wikipedia, Paula’s Choice…