Áp lực giáo viên mầm non: Nỗi niềm ai tỏ…

Cô trò trường Mầm non Họa My (P.Mai Dich, Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Việt Minh.

Vừa qua, dư luận xôn xao về việc một nữ giáo viên của Trường mầm non Mầm Xanh, Q.Đống Đa (Hà Nội) liên tục bị phụ huynh tố cáo có hành vi bạo hành đối với con em họ. Và cũng ngay trong tháng 11 – tháng có ngày tôn vinh những người làm trong ngành giáo dục thì hai cô giáo tại Trường mầm non xã Xuân Mai (Văn Quan, Lạng Sơn) đã phải nhận quyết định kỷ luật vì nhốt em bé ở ngoài khiến bé gào khóc, bốc rác cho vào miệng. 

Lo nhất là an toàn của học sinh

Mang nhiều câu hỏi và sự băn khoăn về công việc của giáo viên mầm non chúng tôi đã có mặt ở một số trường mầm non công lập từ khi mở cổng trường. Hầu hết các trường đều quy định, giáo viên phải có mặt từ 7h sáng để dọn dẹp lớp và đón trẻ. Cô giáo tất bật ngay từ khi ngày làm việc mới bắt đầu.

Riêng việc ổn định lớp để bắt đầu buổi học cũng ngốn của các cô khá nhiều thời gian và công sức. Vừa ổn định trẻ ngồi ngay hàng thẳng lối thì chỉ một lát, lũ trẻ lại quay sang trêu chọc nhau chí chóe. Đến nỗi, như cô giáo Nguyễn Quỳnh Ngọc (Trường MN Bạch Mai) tâm sự lúc nào cô giáo cũng trong tình trạng còn hình, mất tiếng, cổ họng đau rát như phải bỏng.

Sáng ấy, trong giờ học chủ đề môi trường, cô Ngọc chuẩn bị khá chu đáo những tranh ảnh phục vụ cho bài giảng.

47 học sinh ngồi hai hàng hình chữ U khá yên lặng nghe cô giáo dạy về việc giữ vệ sinh lớp học, nhà cửa và ngôi trường của mình… Có bạn còn mạnh dạn phát biểu sáng kiến khi được cô giáo khuyến khích. Nhưng chỉ được khoảng 10 phút là các con ngọ nguậy, thậm chí có bé cứ chạy đi chạy lại liên tục. Cô nhắc nhở, ngồi vào chỗ lại quay sang trêu bạn, rồi chay đi uống nước, vệ sinh…

Theo cô Ngọc, ở lứa 3- 4 tuổi không phải cháu nào cũng biết thực hiện nề nếp, với những tình huống như thế tiết học loãng đi nhưng không vì thế mà trách các con được. Thực ra, việc cô giáo dạy thế nào để các con chịu lắng nghe là cả một nghệ thuật. Kinh nghiệm ấy phải được tích lũy qua năm tháng gắn bó với nghề.

Buổi trưa cũng là thời điểm căng thẳng, cháu khỏe mạnh thì ăn uống nhanh gọn, sạch sẽ, cháu lười ăn nhai trệu trạo mãi được vài miếng, mỗi cô phải bón cùng lúc cho vài cháu để đảm bảo bữa ăn kết thúc đúng giờ. Chuyện đổ cơm vào người gần như hôm nào cũng có. Lại phải lau người, thay quần áo, rồi tất bật lấy bát khác cho con ăn, việc này không lười được vì các con đói lại quấy khóc còn vất vả hơn cô Trần Thị Tân Huyền – trường Mẫu giáo Mai Động chia sẻ.

Khi các con ngủ tưởng là thời điểm các cô được nghỉ ngơi, nhưng nỗi lo khác lại đến. Với giáo viên có kinh nghiệm nhìn cháu nào có dấu hiệu buồn đi vệ sinh, nhắc nhở kịp thời thì sạch sẽ nhưng với những cô giáo trẻ thì việc này khá nan giải.

Cô Nguyễn Quỳnh Ngọc giãi bày: Ngày nào cũng có cháu bĩnh ra quần, thay giặt trong những trường hợp này mất khá nhiều thời gian. Mùa hè không sao, chứ mùa đông rét mướt thì cả cô và trò đều khổ. Nhiều lúc bực quá, muốn tét một cái vào mông, nhưng rồi nghĩ lại thương chúng như con mình, chẳng nỡ.

Bữa ăn phụ buổi chiều bắt đầu khi các con thức giấc, bữa này gọn nhẹ hơn nhưng lại hay xảy ra tranh chấp. Một quả chuối, ly sữa hay chiếc bánh ngọt cũng có thể trở thành nguyên nhân va chạm. Tòa án di động được thiết lập liên tục trong ngày để phán xử các cuộc thưa gửi…

Cô Minh Hương – Trường mầm non Hoàng Văn Thụ bảo, việc phân xử không đơn giản vì bọn trẻ cũng lý luận chứ không thụ động như xưa, để cho êm xuôi cũng là bài học thử thách kinh nghiệm cô giáo. 

Khoảng thời gian 20 phút đưa trẻ xuống sân trường chơi giúp học sinh hòa nhập thiên nhiên cũng là lúc các cô căng thẳng nhất. Cô Hương kể có cháu gái mải chơi cầu trượt, không may vướng rách áo, phụ huynh căn vặn và trách móc cô giáo mãi. Vất vả của nghề thì không kể hết nhưng các cô sợ nhất chính là không may các con bị ngã hay va chạm nhỏ giữa các con gây xây xát. Có người mang con đến lớp còn gọi mày xưng tao, dọa dẫm khiến cô giáo sợ phát khóc.

Theo cô Nguyễn Thanh Trà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bim Bon – Linh Đàm, có lẽ điều cô giáo nào cũng canh cánh bên lòng mỗi khi đến trường là đảm bảo an toàn cho tính mạng của học sinh. Từ lúc đón trẻ đến dạy học, ăn, uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ… các cô đều phải theo dõi, xử lý và kịp thời báo cho phụ huynh. Những áp lực ấy khiến các cô chỉ khi bước chân ra khỏi cổng trường mới có thể thở phào.

Về những vụ việc cô giáo có phương pháp giáo dục chưa đúng hay nặng tay với học sinh khiến trẻ bị tổn thương về tinh thần và thể chất mà báo chí phản ánh, xã hội lên án thời gian vừa qua đã buộc Ban giám hiệu nhiều nhà trường xây dựng quy chế ứng xử của giáo viên với học sinh, trong đó yêu cầu nghiêm ngặt không đánh mắng trẻ trong mọi tình huống.

Về vấn đề này cô Nguyễn Thanh Trà chia sẻ, ở lứa tuổi mẫu giáo trẻ chưa thể tiếp nhận bất kể biện pháp trừng phạt nào, vì vậy nhà trường yêu cầu giáo viên không được quát nạt thậm chí là không được nói to với trẻ. 

Yêu trẻ, khó bỏ nghề 

Theo thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT, đến hết năm 2014 tỷ lệ giáo viên trong biên chế của bậc mầm non là thấp nhất. Cụ thể, tỷ lệ này là 56,7%. Có những giáo viên làm hợp đồng mấy năm trời, hết trường này chuyển sang trường kia nhưng vẫn chưa được tuyển chính thức, thậm chí còn bị chấm dứt hợp đồng.

Lương của giáo viên hợp đồng phụ thuộc vào khả năng ngân sách và mức độ quan tâm của mỗi địa phương, khoảng từ 2-4 triệu đồng, cộng với áp lực công việc, trong khi hợp đồng lại bấp bênh (ký hợp đồng ngắn hạn) cho thấy “ cửa” để trở thành một viên chức nhà nước quá hẹp, khiến nhiều cô giáo mầm non nản chí tính chuyện bỏ nghề. 

Cô Nguyễn Thu Hằng- Phó Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng (Thanh Nhàn) cho biết: Giáo viên MN có thời gian lao động thực tế lên tới 10 tiếng, từ lúc đến trường là quần quật cho đến 5h chiều, thậm chí là muộn hơn nếu có phụ huynh không đến đón con đúng giờ. Một lớp có khoảng 40 – 50 cháu với 2 cô giáo vì thế muốn lớp ổn định thì cô gần như lúc nào cũng luôn tay luôn chân.

Các cháu chưa thể nhận thức được những việc làm của mình nên không thể tránh khỏi việc các cháu nhỏ cào cấu nhau, mỗi hành động đều tiềm ẩn những mối nguy cơ.

Có phụ huynh không thông cảm, thấy con mình có vài vết xước, hay muỗi đốt thôi là thắc mắc với cô giáo rồi, thậm chí có người còn to tiếng hỏi con gì đốt mà cũng không biết à, rồi túm ngực áo cô giáo dằn mặt… Suy cho cùng chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mới giúp các cô thêm bản lĩnh bám trụ với nghề.

Nói như cô Trần Thị Tân Huyền – người đã có đến 21 năm gắn bó với nghề thì gia đình từng có nhiều chuyện buồn, vợ chồng khúc mắc, có những đêm nằm khóc, chán nản nhưng sáng ra cứ như cái máy, bật dậy lo vội vã đến trường đón trẻ. Nhìn trẻ ngây thơ nói cười, hồn nhiên chạy nhảy thấy sự bức bối, ngột ngạt của kẹt xe trên chặng đường tới trường như tan biến, gánh nặng lo toan cuộc sống, ưu phiền gia đình cũng thoảng qua. Tự nhủ hạnh phúc là đây, tìm đâu xa.