Áp dụng phương pháp Montessori trong giáo dục mầm non – MyHocDaiCuong.com
Giới thiệu những ưu thế vượt trội của phương pháp Montessori trong giáo dục mầm non, thực trạng giáo dục mầm non của nước ta và và khả năng du nhập phương pháp này vào thực tế giáo dục của Việt Nam.
1.Tóm tắt về phương pháp Montessori
Phương pháp Montessori là phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870 – 1952).
Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác. Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tùy theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình.
Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessori phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ và phải bố trí phòng học và bài học phù hợp với những nhu cầu và mục đích của mỗi em.
Phương pháp chủ yếu được áp dụng cho trẻ nhỏ từ 2-6 tuổi do các bản năng của sự nhạy cảm duy nhất của trẻ nhỏ đối với các điều kiện trong môi trường.
Đặc điểm nổi trội của phương pháp Montessori chính là sự nhấn mạnh đến vai trò của tự lập, tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ.
Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho học sinh các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ và hiện đại. Tổ chức AMI (Hiệp Hội Montessori Quốc tế) và AMS (Hiệp Hội Montessori Mỹ) đã nêu ra đặc trưng của phương pháp học Montessori như sau:
– Lớp học ghép các lứa tuổi lại với nhau. Thông thường là các trẻ từ 2 hay 3 tuổi đến 6 tuổi.
– Trẻ tự lựa chọn hoạt động (với điều kiện là các hoạt động này đã được giáo viên lên kế hoạch sắp xếp trước).
– Trẻ không bị ngắt quãng hay làm phiền trong quá trình “làm việc”.
– Học sinh học hỏi khái niệm, kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế với các học cụ, mô hình mang tính chất khám phá, xây dựng, hơn là học theo chỉ dẫn trực tiếp từ giáo viên.
– Các học cụ đặc biệt được bà Montessori và đồng sự nghiên cứu, sáng tạo và phát triển.
Trong những năm đầu đời, sự hình thành năng lực cơ bản của trẻ là vô cùng quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc học mà còn cần phát triển khả năng nhận thức, tập trung, kiên trì, đạo đức, tình cảm với mọi người xung quanh.
Khác với các phương pháp giáo dục truyền thống đang cố nhào nặn và nhồi nhét kiến thức cho con trẻ, để trẻ trưởng thành theo mong muốn của cha mẹ thì ngược lại.
Phương châm giáo dục của phương pháp Montessori là: “Coi trọng sự phát triển toàn diện một cách tự nhiên của trẻ, học để dạy trẻ tốt hơn”.
Những mục tiêu hướng tới của phương pháp Montessori là: tính tự lập, khả năng tập trung, tính quy củ ngăn nắp, gần gũi với thiên nhiên, tự do trong khuôn khổ, tính thẩm mĩ và đơn giản.
2. Lợi ích của phương pháp Montessori trong việc mang lại những kỹ năng cần thiết cho trẻ
– Giúp trẻ có các kỹ năng cần thiết từ sớm: vệ sinh cá nhân, giúp ba mẹ chuẩn bị đồ ăn, dọn dẹp nhà cửa, mặc quần áo,…
– Kích thích sự phát triển của các giác quan, trẻ học và chơi bằng sự kết hợp của cả 5 giác quan, giúp trẻ phát triển tối đa sự sáng tạo và khả năng tìm tòi, khám phá.
– Đặc biệt trẻ được phát triển khả năng ngôn ngữ của mình, trẻ được làm quen với chữ bằng các hoạt động nhận biết mặt chữ, hoạt động đánh vần, học ngữ pháp và đến tập viết.
– Giáo dục trẻ tính nhân văn, hình thành đạo đức, tình cảm, biết cảm thông chia sẻ, biết yêu thương.
– Ngoài ra, trẻ sẽ được phát triển tư duy logic bằng những bài học làm quen với con số, hình học, các môn học văn hóa như lịch sử, địa lý, âm nhạc…, từ đó tự có suy nghĩ độc lập.
3. Điểm khác biệt của Montessori so với phương pháp giáo dục truyền thống
Mục Lục
3.1 Phương pháp Montessori
– Tập trung giáo dục trẻ phát triển nhận thức.
– Hướng dẫn từng thành viên.
– Lớp học gồm các nhóm tuổi khác nhau.
– Trẻ em làm việc theo khả năng của chính mình.
– Trẻ em được khuyến khích để dạy, cộng tác, và giúp đỡ lẫn nhau.
– Giáo viên có vai trò không quá nổi bật trong hoạt động lớp học.
– Trẻ được tham gia tích cực trong học tập, được khuyến khích sáng tạo, chủ động trong mọi tình huống.
– Môi trường và phương pháp khuyến khích trẻ tự kỷ luật.
3.2 Giáo dục truyền thống
– Tập trung vào sự phát triển xã hội.
– Hướng dẫn giảng dạy cả nhóm.
– Lớp học cùng độ tuổi.
– Giáo viên tự đặt tốc độ giảng dạy theo trường đề ra.
– Hầu hết việc giảng dạy cho giáo viên thực hiện, sự hợp tác không được khuyến khích.
– Giáo viên có vai trò đặc biệt trong lớp học.
– Trẻ là người tham gia thụ động trong tập thể lớp.
– Giáo viên thực hiện kỷ luật với những học sinh vi phạm, hoặc có một số hình phạt nhẹ khi học sinh không hoàn thành bài.
4. Đặt vấn đề
Có thể nói, chưa bao giờ nền giáo dục mầm non lại nhận được sự quan tâm của toàn xã hội như hiện nay, nhất là sau những vụ bạo hành trẻ em đã được phanh phui trong thời gian vừa qua.
Điều này đã rung lên một hồi chuông cảnh báo cho thực trạng nền giáo dục mầm non của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ngành đào tạo sư phạm mầm non. Sau đây là một số thực trạng, những vấn đề còn tồn tại trong nền giáo dục mầm non Việt Nam hiện nay.
4.1 Trình độ giáo viên mầm non còn chưa thực sự cao
Có một thực tế đó là đa số các giáo viên mầm non nước ta hiện nay còn có trình độ thấp, chủ yếu là trình độ trung cấp, chỉ một số ít những cơ sở có chất lượng hàng đầu mới có giáo viên trình độ ở mức cao hơn là cao đẳng, hoặc liên thông đại học, đại học…
Tuy nhiên, để thực hiện tốt trách nhiệm của một giáo viên mầm non lại là điều không hề đơn giản. Điều này đặt ra thách thức cho giáo dục mầm non cần phải có những thay đổi trong chính sách đào tạo cũng như tuyển dụng để có thể thu hút được nhiều nhân lực có trình độ hơn.
4.2 Các trường mầm non thường xuyên ở trong tình trạng quá tải
Mặc dù, đã được nhà nước quan tâm, hỗ trợ đầu tư nhưng cơ sở vật chất các trường mầm non ở nước ta vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu cả về chất lượng cũng như số lượng, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Không chỉ có vậy, dù cơ sở vật chất là như vậy, nhưng các trường mầm non vẫn luôn ở trong tình trạng quá tải học sinh, khiến chất lượng giáo dục mầm non không được đảm bảo.
Thêm vào đó, do nhu cầu của người dân quá lớn, nên rất nhiều trường mầm non tư thục đã được mở ra, các bậc phụ huynh cũng không hoàn toàn yên tâm về chất lượng, nhưng nếu không gửi thì họ cũng không biết gửi con ở đâu, nên đành chấp nhận.
Và thực tế đã cho thấy, hầu hết những vụ bạo hành từ trước đến nay đều xảy ra ở các trường tư thục. Đây thực sự là một vấn đề hết sức cấp bách, cần đến sự can thiệp ngay lập tức của các cán bộ nền giáo dục mầm non.
4.3 Đời sống của cán bộ nhân viên ngành mầm non
Giáo viên, đặc biệt là những giáo viên mầm non có trách nhiệm vô cùng lớn, họ là người hướng dẫn, đào tạo, đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của trẻ, họ luôn phải làm việc rất vất vả để có thể hoàn thành tốt công việc của mình.
Tuy nhiên, mức lương của cán bộ giáo dục mầm non, đặc biệt là các cô giáo vẫn còn khá thấp, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, dẫn đến nhiều người bỏ nghề, các trường khó thu hút nhân lực.
Do đó, vấn đề này cũng cần được ngành giáo dục xem xét và thay đổi sao cho phù hợp. Tuy nhiên, với những hạn chế trên của nền giáo dục mầm non nước nhà.
Các nhà cải cách giáo dục ở bậc mầm non cần phải xem xét cách thức vận dụng phương pháp Montessori một cách tốt nhất vào thực tế Việt Nam. Để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học này, góp phần đào tạo nên những thế hệ trẻ em mới, thích nghi với điều kiện đào tạo trong nước và quốc tế.
5. Nội dung
Nội dung của phần này là tìm ra những lợi thế của việc dụng phương pháp Montessori tại Việt Nam. Từ đó chúng ta có thể khai thác những lợi thế đó trong việc đưa phương pháp giáo dục này vào các trường mầm non, đặc biệt là các trường công lập Việt Nam.
5.1 Tài năng được phát triển nhờ phương pháp giáo dục sớm Montessori
Phương pháp Montessori đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tính chủ động, tự lập và khơi gợi tiềm năng, và định hình nhân cách trẻ. Nhờ vậy, trẻ được tự do tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh theo mong muốn, giáo viên lúc này đóng vai trò là người hướng dẫn.
Từ đó, tài năng của trẻ có thể được phát hiện rất sớm và khuyến khích phát triển. Điều này không chỉ tốt cho trẻ mà còn giúp cả phụ huynh định hình được cách giáo dục con theo cái trẻ muốn.
5.2 Trẻ sống tự lập và ý thức cao hơn nhờ phương pháp giáo dục này
Nhờ có Phương pháp Montessori trẻ được tự học cách chăm sóc bản thân từ việc nhỏ nhất như: rửa tay, thay quần áo, sắp xếp đồ dùng – giáo cụ ngăn nắp, gọn gàng… thay vì nhờ bố mẹ hay người lớn làm giúp.
Điều này hình thành một suy nghĩ tự giác, tự lập cho trẻ, không ỉ lại vào người khác. Đây sẽ là một tính cách rất tốt cho tương lai của trẻ cũng như việc định hình tích cách của trẻ khi trưởng thành.
5.3 Trẻ thông minh hơn khi học tập cùng Montessori
Như đã đề cập ở trên, phương pháp giáo dục sớm Montessori rất đề cao sự phát triển tự nhiên của trẻ, tạo cơ hội và điều kiện cho trẻ được tự học hỏi, tự tìm tòi từ thế giới xung quanh trẻ hay từ những điều mà trẻ được tiếp xúc.
Đây là một yếu tố tác động rất tốt đến trí thông minh cũng như tư duy của trẻ. Theo các nhiều nghiên cứu khoa học, việc trẻ được tự học hỏi, không chỉ giúp trẻ học được cách độc lập tư duy về sau.
Mà việc tự nghiên cứu cũng giúp não bộ và trí thông minh của trẻ, phát triển hơn rất nhiều so với những trẻ học thụ động, theo sự chỉ dẫn của người lớn.
Đồng thời trong phương pháp giáo dục sớm Montessori còn được chia ra nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có những lĩnh vực về Toán học, Ngôn ngữ, Thực hành cuộc sống, Giác quan, Địa lý, Khoa học, Lịch sử, Nghệ thuật, m nhạc.
Điều này đồng nghĩa, với việc bé sẽ được tiếp cận với những kiến thức mang tính khoa học rất là sớm, mà còn được Vận động bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh theo cách tự nhiên nhất.
Trẻ sẽ linh hội kiến thức thông qua các giáo cụ quy chuẩn, được thiết kế riêng biệt cho phương pháp Montessori dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đây là tiền đề tốt để phát huy trí thông minh, và tiếp nhận kiến thức trong các giai đoạn phát triển sau này.
5.4 Trí nhớ của trẻ cũng được phát triển cực tốt với phương pháp giáo dục sớm Montessori
Trẻ khi được tiếp cận phương pháp Montessori là được tiếp cận một phương pháp tự học, tự tìm tòi và việc tự tiếp thu kiến thức như vậy sẽ khiến trẻ ghi nhớ kiến thức được rất lâu.
Việc tiếp thu kiến thức của trẻ sau này cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Thêm vào đó, trẻ còn có thể tự khám phá ra những điều mới xung quanh những điều mà mình thấy được, khả năng tư duy của trẻ từ đó cũng được phát triển hơn rất nhiều.
5.5 Tính nhân văn cũng được đề cao trong phương pháp giáo dục sớm Montessori
Khi được học tập với phương pháp giáo dục sớm Montessori, trẻ được giáo dục từ rất sớm về tính nhân văn. Trẻ sẽ luôn được học cách quan tâm, chia sẻ với mọi người, yêu quý môi trường sống, thiên nhiên, cách tự chăm sóc bản thân, ý thức được việc làm của mình.
Qua đó, trong quá trình phát triển, trẻ sẽ hình thành được các tính cách hiền hòa, nhân ái và tự chủ. Việc tự học, tự khám phá cũng có ý nghĩa giúp trẻ trở nên hoạt bát, năng động hơn.
Đặc biệt, trẻ sẽ luôn muốn tìm tòi, học hỏi điều mới với khả năng nhớ và tiếp thu kiến thức cực nhanh.Với những ưu điểm vượt trội như vậy, không bất ngờ khi nhiều bậc phụ huynh, nhiều thầy cô coi đây là phương pháp giáo dục sớm hiệu quả nhất. Cũng nhờ vậy, phương pháp Montessori gần như trở thành một xu thế hiện nay.
Rất nhiều phụ huynh mong muốn trường của con mình cũng được áp dụng những phương pháp hiện đại như vậy, hay sẽ lựa chọn những trường áp dụng phương pháp Montessori, để con mình có cơ hội được học tập và trải nghiệm. Bởi vậy, thầy cô nên suy nghĩ để áp dụng và đưa phương pháp này vào với thực tế.
6. Kết luận
Qua hàng trăm năm phát triển, các trường Montessori đã xây dựng được niềm tin và sự yên tâm ở các bậc phụ huynh trên toàn thế giới. Hiển nhiên, nếu có điều kiện để gửi con vào một trường như vậy là rất tốt.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên cảnh giác với vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vốn vẫn xảy ra không chừa cả lĩnh vực giáo dục.
Để nhận diện một trường Montessori thực sự, phụ huynh cần kiểm tra không chỉ cơ sở vật chất (phòng học thoáng đẹp, nội dung kích thước dành cho trẻ em, bộ giáo cụ chuẩn).
Mà còn phải yêu cầu nhà trường cung cấp chứng chỉ giáo viên Montessori của đội ngũ giáo viên và thông tin về nơi cung cấp chứng chỉ đó. Một điểm nữa cần lưu ý, đó là, phương pháp giáo dục theo tiêu chuẩn Montessori không phải là phương pháp duy nhất tốt.
Vẫn còn đó những môn hình khác tốt và hợp lý với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Hi vọng các phụ huynh đủ tỉnh táo để nhận biết cái gì là tốt nhất với con mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dạy trẻ thông minh hơn với phương pháp Montessori (Báo Dân Trí)
2. Bảy câu nói giúp trẻ tự lập theo phương pháp Montessori (Báo VNExpress)
3. Tìm hiểu phương pháp giáo dục Montessori và áp dụng tại Việt Nam (Giáo viên trường THCS Huỳnh Thúc Kháng – Đà Nẵng)
4. The Montessori Method (Fundación Argentina María Montessori)
5. Ten BIG Differences between Montessori and Traditional Education (Ageofmontessori.org)
6. Ngô Hiểu Huy (2013). Phương pháp giáo dục Montessori. Phương pháp giáo dục tối ưu dành cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin.
7. Chloe Marshal (2017). Montessori Education. A Review of Evidence Base. Science of Learning, 2(11). doi:10.1038/s41539-017-0012-7
TS. Nguyễn Hoàng Tiến
Khoa Kinh tế
Xem thêm bài viết liên quan: Các phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới
Bạn đang xem bài viết:
Áp dụng phương pháp Montessori trong giáo dục mầm non
Link https://myhocdaicuong.com/blog/ap-dung-phuong-phap-montessori-trong-giao-duc-mam-non.html
Các tìm kiếm có liên quan: Phương pháp montessori cho trẻ 0 – 6 tuổi. Phương pháp Montessori là gì. Giáo an mầm non theo phương pháp Montessori. Tổng quan về phương pháp Montessori. Phương pháp Montessori ở Việt Nam. Các lĩnh vực của phương pháp Montessori. Ví dụ về phương pháp Montessori. Phương pháp montessori cho trẻ 0 – 6 tuổi pdf.
Chia sẻ bài viết: