Áp dụng pháp luật là gì ? Phân biệt với giải thích, sử dụng pháp luật

Thưa luật sư, xin hỏi: Khái niêm áp dụng pháp luật được hiểu như thế nào ? Áp dụng pháp luật và sử dụng pháp luật có khác nhau không ? Phân tích quy trình và cách thức áp dụng pháp luật trong một số ngành luật cụ thể ? Cảm ơn!

 

1. Khái niệm áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật là loạt động thực hiện pháp luật mang tính tổ chức quyền lực nhà nước, được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà chức trách hoặc tổ chức xã hội được Nhà nước trao quyền, nhằm cá biệt hoá quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể, đối với cá nhân, tổ chức cụ thể (Xem thêm: Thực hiện pháp luật).

Áp dụng pháp luật được tiến hành trong các trường hợp sau:

1) Khi xảy ra tranh chấp giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật về quyền và nghĩa vụ mà tự họ không thể giải quyết được, phải nhờ cơ quan nhà nước (hoặc cơ quan của tổ chức xã hội) có thẩm quyền giải quyết;

2) Khi quyền và nghĩa vụ của các chủ thể không mặc nhiên phát sinh nếu thiếu sự can thiệp của Nhà nước;

3) Khi cần áp dụng chế tài pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật; 4) Khi nhà nước thấy cần kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ thể quan hệ pháp luật hoặc để xác định sự tồn tại hay không tồn tại của sự kiện thực tế có ý nghĩa pháp lí như xác nhận di chúc, xác nhận văn bằng, chứng chỉ, hợp đồng viết tay, chữ kí của người có thẩm quyền…

 

2. So sánh sự khác nhau giữa áp dụng pháp luật và sử dụng pháp luật:

Về khái niệm: Sử dụng pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền và tự do pháp lý của mình (thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép).

Ví dụ: Người lao động ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động.

Còn khái niệm áp dụng pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc cán bộ, công chức có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể thực hiện những quy định của pháp luật, hoặc tự mình căn cứ vào những quy định của pháp luật để quyết định làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể.

Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện A ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa Ông X và Bà Y.

– Phân biệt sự khác nhau giữa hai khái niệm kể trên:

Tiêu chí

Sử dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật

Chủ thể thực hiện

Mọi chủ thể được pháp luật cho phép

Phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền

Trường hợp phát sinh

Được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật

– Khi xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên tham gia vào quan hệ pháp luật mà các bên đó không tự giải quyết được. Ví dụ: tranh chấp về quyền thừa kế, tranh chấp về hợp đồng,…

– Khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà đối với những chủ thể có hành vi vi phạm. Ví dụ: xử phạt người vi phạm luật an toàn giao thông, người có hành vi làm hàng giả,…

– Trong một số quan hệ pháp luật mà nhà nước thấy cần thiết phải tham gia để kiểm tra, giám sát hoạt động của các bên tham gia quan hệ đó hoặc nhà nước xác nhận tồn tại hay không tồn tại một số vụ việc, sự kiện thực tế. Ví dụ: công chứng hợp đồng mua bán nhà, toà tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết,…

– Khi những quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể không mặc nhiên phát sinh hoặc chấm dứt nếu không có sự can thiệp của nhà nước. Ví dụ: đăng ký kết hôn

Bản chất

Chủ thể có quyền thực hiện hoặc không thực hiện, không mang tính chất bắt buộc

Bắt buộc đối với chủ thế bị áp dụng và chủ thể có liên quan

Hình thức thể hiện

Các quy phạm pháp luật thể hiện quyền và tự do pháp lý của chủ thể

Văn bản áp dụng pháp luật

 

3. Phân tích sự khác biệt của khái niệm giải thích pháp luật và áp dụng pháp luật

Dựa trên những đặc điểm đã phân tích kể trên có thể đưa ra một số nhận định về khái niệm giải thích pháp luật như sau:

 

3.1 Khái niệm giải thích pháp luật

Pháp luật muốn được thực thi cần được nhận thức đầy đủ và chính xác. Do đó mục đích của giải thích pháp luật là làm sáng tỏ về mặt nội dung, quy trình thủ tục pháp lý để quá trình thực hiện pháp luật được thống nhất, đúng đắn và hợp pháp.hơn nữa do hệ thống các loại văn bản quy phạm pháp luật là rất nhiều nên khả năng thiếu thống nhất nhận thức về các quy định pháp luật là khó tránh khỏi.

=> Định nghĩa: Giải thích pháp luật là hoạt động làm sáng tỏ nội dung các quy phạm pháp luật hoặc các sự kiện pháp lý cá biệt nhằm đảm bảo tính thống nhất về nhận thức và thực thi pháp luật trên thực tế.

 

3.2 Chủ thể giải thích pháp luật

Việc xác định chủ thể giải thích pháp luật phụ thuộc vào các hình thức giải thích pháp luật.

+ Với hình thức giải thích pháp luật chính thức: chỉ có cơ quan Nhà nước hoặc… có quyền hoặc được trao quyền mới được tiến hành hoạt động này. Về nguyên tắc, chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều có quyền giải thích văn bản do chính mình ban hành ra. Thực tế, có chủ thể ủy quyền cho người khác giải thích.

+ Với hình thức giải thích pháp luật không chính thức: bất kì chủ thể nào cũng có thể thực hiện nhưng phải có sự hiểu biết pháp luật sâu sắc và có trình độ nhất định.

 

3.3 Hình thức giải thích pháp luật

Phụ thuộc vào nhiều yếu tổ như chủ thể, nội dung và yêu cầu của từng vấn đề đặt ra dựa vào phương thức thể hiện: giải thích bằng lời nói(văn nói) và văn bản (văn viết) dựa vào chủ thể tiến hành và giá trị văn bản giải thích: chính thức và không chính thức.

3.3.1 Giải thích chính thức: là hoạt độg của các chủ thể nhân danh Nhà nước để làm sáng tỏ về nội dung, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật hoặc một sự kiện pháp lý cụ thể nhằm đảo bảo cho quá trình nhận thức, thực thi pháp luật thống nhất và hiệu quả. Việc được pháp luật quy định và sự đảm bảo của Nhà nước làm cho loại giải thích này mang tính bắt buộc và hiệu lực pháp lý

+ Do các cơ quan Nhà nước hoặc…tiến hành. Về nguyên tắc (như trên) . Về hình thức, giải thích chính thức có thể là giải thích mang tính quy phạm hoặc tính cá biệt cụ thể.

– Tính quy phạm: hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc cá nhân được trao quyền là ban hành ra một văn bản luật nhằm hướng dẫn, giải thích cho một văn bản quy phạm pháp luật khác.

– Tính cá biệt: …..trao quyền là làm sáng tỏ một nội dung, sự kiện pháp lý nào đó thuộc thẩm quyền giải quyết của chủ thể đó.

+ Trình tự thủ tục giải thích chính thức do pháp luật quy định. Đây là hoạt động nhân danh Nhà nước, có tính pháp lý.

+ Kết quả việc giải thích có hiệu lực và giá trị pháp lý.

3.3.2 Giải thích không chính thức: là hoạt động không nhân danh Nhà nước, được tiến hành bởi bất kì cá nhân, tổ chức nào và vì những mục đích khác nhau. Đặc điểm cơ bản:

+ Được tiến hành bởi bất kì loại chủ thể nào è thực hiện một phần quyền tự do ngôn luận của các chủ thể được pháp luật ghi nhận và đảm bảo. Về ND, không mang tính quy phạm. Trên thực tế, không có sự đồng nhất giữa các chủ thể.

+ Hoàn toàn không nhân danh Nhà nước: không mag tính bắt buộc, không hàm chứa quyền lực Nhà nước.

+ Hoạt động này và kết quả của nó hoàn toàn không có hiệu lực pháp lý bắt buộc.

 

3.4 Phương pháp giải thích pháp luật

– Phương pháp lôgíc: đặc trưng là xem xét mối liên hệ, sự tương tác, kết cấu về nội dung của các vấn đề thuộc đối tượng giải thích, nhằm chỉ ra những mâu thuẫn, sự phủ định lẫn nhau hoặc khẳng định về tính hợp lý về các vấn đề đó.

– Phương pháp giải thích chính trị lịch sử: nhằm làm sáng tỏ điều kiện, hoàn cảnh lịch sử thực tế mà các quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hoặc một sự kiện pháp lý đã xuất hiện.

– Phương pháp giải thích ngôn ngữ, văn phạm: để giải thích về các quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật.

– Phương pháp giải thích, so sánh, đối chiếu: nhằm kiến giải về mức độ tương đồng, khác biệt đối với quy định pháp luật hoặc các cách điều chỉnh, giải quyết các vấn đề pháp lý thực tiễn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau.

– Phương pháp giải thích hệ thống: làm sáng tỏ nội dung, nhiệm vụ của quy phạm đó trong mối tương quan với quy phạm khác của quá trình điều chỉnh pháp luật.

 

3.5 Nguyên tắc của giải thích pháp luật

Nguyên tắc khách quan trung thực: giải thích pháp luật không là hoạt động lập pháp mà nó hỗ trợ cho quá trình lập pháp để các văn bản quy phạm pháp luật được có hiệu lực trên thực tế. Việc giải thích phải xuất phát từ yêu cầu chung; cần tôn trọng nội dung của các quy phạm pháp luật hoặc các sự kiện cá biệt với tính cách là đối tượng cần giải thích.

Nguyên tắc pháp chế: tôn trọng tính tối cao của hiến pháp về mặt nội dung, hình thức đối với các văn bản quy phạm pháp luật được giải thích và các văn bản giải thích. Cần đảm bảo sự tương thích giữa quy định của hiến pháp với văn bản được giải thích và văn bản giải thích. Điều này đòi hỏi việc đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và yêu cầu về hình thức là hết sức quan trọng đòi hỏi cả việc từ chối không giải thích khi có yêu cầu cũng phải đưa ra cơ sở pháp lý của việc từ chối đó và trả lời cụ thể bằng văn bản.

 

4. Phân tích việc áp dụng pháp luật đối với bộ luật dân sự

Với tính chất là một đạo luật quan trọng, Bộ luật dân sự năm 2015 đã xác định một cách nhất quán tư tưởng chỉ đạo của các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 3 và khẳng định: “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự”. Với nguyên tắc này, BLDS sẽ điều chỉnh toàn bộ các quan hệ tài sản giữa các chủ thể trong xã hội mang tính chất hàng hóa – tiền tệ và các quan hệ nhân thân phi vật chất, trong đó các chủ thể tham gia bình đẳng về mặt pháp lý, tự chịu trách nhiệm về tài sản[6]. Hay nói cách khác, BLDS sẽ điều chỉnh tất cả những vấn đề thuộc “pháp luật dân sự”, tức là những ứng xử, quan hệ được điều chỉnh bởi luật khác nhưng thuộc trong lĩnh vực “pháp luật dân sự”[7].

BLDS cũ không quy định cụ thể xử lý mối quan hệ giữa BLDS và các luật chuyên ngành. Do đó, trong thực tế, đã phát sinh vướng mắc về việc ADPL khi các quy định của BLDS cũ khác với quy định của các luật chuyên ngành. Để khắc phục bất cập trên, BLDS năm 2015 đã quy định cụ thể nguyên tắc áp dụng BLDS tại Điều 4. Theo đó, trong trường hợp các quy định của luật khác vi phạm nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2015 hoặc trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng trái với quy định của BLDS thì phải áp dụng các quy định của BLDS.

Đối với các quan hệ có cùng bản chất pháp lý, luật chuyên ngành có thể khác với BLDS do đặc thù của quan hệ chuyên ngành nhưng không được trái với các nguyên tắc chung của luật dân sự. Một số quy định của BLDS như quy định về tư cách pháp nhân, về sở hữu chung hợp nhất, sở hữu chung theo phần, những quy định mang tính xác định một khái niệm pháp lý… có ý nghĩa, giá trị pháp lý chung cho toàn bộ hệ thống pháp luật. Không thể có pháp nhân riêng cho luật dân sự, riêng cho luật thương mại, luật hợp tác xã, mặc dù các loại hình công ty và hợp tác xã có quy chế riêng về việc thành lập, hoạt động, giải thể. Đối với một tài sản nào đó, nếu chủ sở hữu trực tiếp chiếm hữu, sử dụng thì sẽ phải tuân theo quy định của chế định tài sản vật quyền. Tuy nhiên, nếu tài sản đó đưa vào quá trình giao lưu dân sự, kinh tế thông qua hợp đồng vay, cho thuê, đầu tư kinh doanh như lập công ty… thì phải áp dụng theo các quy định của các loại hợp đồng, giao dịch tương ứng, theo quy chế trái quyền. Việc điều chỉnh các quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể phải tuân thủ nguyên tắc không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 của BLDS.

Ví dụ, liên quan đến vấn đề lãi suất, Điều 468 BLDS năm 2015 đã có quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. “Luật khác” ở đây được hiểu là pháp luật chuyên ngành. Theo quy định tại Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 và khoản 2, 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng, cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng. Như vậy, BLDS năm 2015 đã loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các TCTD, lúc đó pháp luật về tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép các bên trong quan hệ tín dụng là TCTD và khách hàng được tự thoả thuận.

 

5. Phân tích một số sai sót trong áp dụng pháp luật hành chính

Một số sai sót thường gặp khi áp dụng pháp luật nội dung trong việc giải quyết án hành chính:

Áp dụng pháp luật nội dung trong quá trình giải quyết vụ án hành chính là một quá trình phức tạp của Tòa án (mà cụ thể là của Hội đồng xét xử). Để có thể có được bản án hành chính đúng pháp luật, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án thì quá trình áp dụng pháp luật nội dung vào giải quyết vụ án hành chính cần tuân thủ triệt để và chính xác theo các bước (giai đoạn) sau:

– Phân tích, đánh giá các tình tiết, các tài liệu, chứng cứ của vụ án một cách toàn diện, khách quan, chính xác và trong mối liên hệ mật thiết với nhau;

– Lựa chọn quy phạm pháp luật nội dung phù hợp và phân tích làm rõ nội dung, ý nghĩa của quy phạm pháp luật đối với trường hợp cần áp dụng;

– Ban hành bản án, quyết định hành chính.

Nghiên cứu các bản án hành chính của các Tòa án nhân dân các cấp, đặc biệt là các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật bị khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thấy rằng việc áp dụng không đúng pháp luật nội dung trong việc giải quyết vụ án hành chính trong thực tiễn liên quan đến việc không tuân thủ triệt để, chính xác các giai đoạn của quá trình áp dụng pháp luật nội dung đã nêu trên và thể hiện ở các mặt như sau: Có căn cứ pháp lý ban hành quyết định hành chính nhưng Tòa án đánh giá không có căn cứ pháp lý; Không có (hoặc chưa có đủ) căn cứ pháp lý ban hành quyết định nhưng Tòa án đánh giá có căn cứ pháp lý; Tòa án đánh giá không đúng về trình tự, thủ tục hoặc thẩm quyền ban hành quyết định hành chính và Tòa án ban hành phần quyết định trong bản án hành chính không đúng pháp luật.

 

5.1 Sai sót liên quan đến việc phân tích, đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án

Những tình tiết khách quan của vụ án hành chính được phản ánh qua hệ thống chứng cứ, tài liệu do các bên đương sự, Viện Kiểm sát cung cấp hoặc do Tòa án xác minh, thu thập. Hệ thống chứng cứ này bao gồm những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và các chứng cứ mới được xuất trình tại phiên tòa. Theo quy định pháp luật tố tụng hành chính (các Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và Luật tố tụng hành chính năm 2010) thì khi xét xử, Hội đồng xét xử xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án bằng cách nghe ý kiến của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, đối chiếu các ý kiến này với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và kết quả hỏi tại phiên tòa. Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Tòa án xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ và nội dung các văn bản pháp luật mà cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước dùng làm căn cứ ban hành các quyết định hành chính hoặc để thực hiện (hoặc không thực hiện) hành vi hành chính bị khởi kiện có phù hợp với thực tế khách quan và đúng pháp luật hay không, từ đó để có căn cứ quyết định chấp nhận (một phần hay toàn bộ) yêu cầu của người khởi kiện hay bác yêu cầu khởi kiện. Những tình tiết đã được chứng minh, những chứng cứ, căn cứ pháp luật để giải quyết vụ án phải được thể hiện trong bản án. Phần quyết định của bản án phải phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Nếu phần quyết định trong bản án mang tính chất phiến diện một chiều, chỉ nghiêng về người khởi kiện hoặc người bị kiện, chỉ dựa vào suy luận chủ quan mà không dựa vào các chứng cứ đã được chứng minh, xem xét tại phiên tòa thì không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, làm cho bản án, quyết định của Tòa án không đúng pháp luật.

Thực tế xét xử thời gian qua cho thấy, có những vụ án hành chính do Thẩm phán xem xét, đánh giá chứng cứ không đầy đủ, khách quan, toàn diện nên có trường hợp có căn cứ pháp lý ban hành quyết định hành chính nhưng Tòa án đánh giá không có căn cứ pháp lý; ngược lại có trường hợp không có hoặc chưa có đủ căn cứ pháp lý ban hành quyết định hành chính nhưng Tòa án lại đánh giá có đủ căn cứ pháp lý.

– Ví dụ 1 (về trường hợp có căn cứ pháp lý ban hành quyết định hành chính nhưng Tòa án đánh giá không có căn cứ pháp lý):

Thửa đất số 77, tờ bản đồ số 8 (theo Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ), có diện tích 1.225m2 tại xã DN, huyện DX, tỉnh QN (theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ là thửa số 455, tờ bản đồ số 6) là đất thổ cư có nguồn gốc của gia đình ông Phạm Ngọc H quản lý, sử dụng từ trước năm 1975. Cuối năm 1986, gia đình ông H chuyển sang thị xã HA sinh sống, nhưng vẫn thường xuyên về chăm sóc cây và trồng mới một số loại cây trên thửa đất này.

Bà Phạm Thị T là chủ hộ và cùng con là ông Phạm Văn B có nhà ở ổn định từ năm 1975 đến nay tại thửa đất số 84, tờ bản đồ số 8, xã DN có diện tích 1.515m2 đất thổ cư (theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ). Thời điểm thực hiện kê khai, đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ, thửa đất số 84 này của gia đình bà T là thửa đất số 456, tờ bản đồ số 6, xã DN. Năm 1994-1995, thực hiện Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, bà T kê khai diện tích 1.225m2 đất T thuộc thửa 77, tờ bản đồ số 8, xã DN (nguyên là thửa đất của gia đình ông H sử dụng nêu trên), còn ông Phạm Văn B (con trai bà T và cùng chung hộ khẩu với bà T) kê khai và đăng ký quyền sử dụng thửa đất số 84, tờ bản đồ số 8, diện tích 1.515m2 đất thổ cư (thửa đất của bà T nêu trên). Ngày 10/8/1995, Ủy ban nhân dân huyện DX cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G695365 cho hộ bà T diện tích 1.617m2 đất, trong đó có 1.225m2 đất T thuộc thửa 77, tờ bản đồ số 8 và 392m2 đất lúa màu thuộc thửa 83, tờ bản đồ số 8, xã DN.

Ngày 26/12/2006, Ủy ban nhân dân huyện DX ban hành Quyết định số 1827/QĐ-UBND thu hồi của hộ bà T 1.225m2 đất ở thuộc thửa 77, tờ bản đồ số 8. Lý do thu hồi: Do giao quyền sử dụng đất sai đối tượng sử dụng tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G695365 ngày 10/8/1995. Cùng ngày, Ủy ban nhân dân huyện DX ban hành Quyết định số 1828/QĐ-UBND công nhận quyền sử dụng 1.225m2 đất trên cho ông H và ngày 03/01/2007, Ủy ban nhân dân huyện DX cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 977327 cho hộ ông H.

Ngày 19/5/2008, bà Phạm Thị T có đơn khiếu nại.

Ngày 16/12/2008, Ủy ban nhân dân huyện DX ban hành Quyết định số 2372/QĐ-UBND về việc hủy Quyết định số 1827/QĐ-UBND ngày 26/12/2006, điều chỉnh cho hộ bà T được sử dụng thửa số 77, tờ bản đồ số 8, xã DN.

Ngày 16/01/2009, ông H khiếu nại việc Ủy ban nhân dân huyện DX cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 1.225m2 cho hộ bà T.

Ngày 13/10/2009, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện DX ban hành Quyết định số 2233/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông H, có nội dung: việc cấp 1.225m2 đất cho hộ bà T là không đúng đối tượng, không đúng nguồn gốc; việc công nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông H là chưa có đủ cơ sở.

Ngày 10/11/2009, ông Phạm Ngọc H có đơn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện DX xem xét lại Quyết định số 2233/QĐ-UBND ngày 13/10/2009 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện DX.

Ngày 01/12/2009, Uỷ ban nhân dân huyện DX ban hành Quyết định số 2936/QĐ-UBND về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G695365 ngày 10/8/1995 của hộ bà T vì cấp không đúng đối tượng đối với diện tích 1.225m2; giao diện tích đất nêu trên cho Uỷ ban nhân dân xã DN quản lý, sử dụng.

Ông B (con trai bà T) có đơn khiếu nại, sau đó khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện DX yêu cầu xử hủy Quyết định số 2936/QĐ-UBND ngày 01/12/2009 của Uỷ ban nhân dân huyện DX.

Ngày 04/6/2010, Uỷ ban nhân dân huyện DX ban hành Quyết định số 1123/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Quyết định số 2936/QĐ-UBND, có nội dung: hủy bỏ điểm 2 Điều 1 quyết định số 2936/QĐ-UBND (có nội dung “giao diện tích đất nêu trên cho UBND xã DN quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật”) vì Uỷ ban nhân dân huyện DX chưa thu hồi diện tích 1.225m2 nên việc giao diện tích đất nêu trên cho Uỷ ban nhân dân xã DN quản lý, sử dụng là không đúng trình tự quy định của pháp luật; các nội dung khác của quyết định 2936/QĐ-UBND vẫn có hiệu lực pháp luật.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm, Toà án nhân dân huyện DX, tỉnh QN quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn B.

Ông Phạm Văn B có đơn kháng cáo.

Tại Bản án hành chính phúc thẩm, Toà án nhân dân tỉnh QN quyết định: Chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn B, xử sửa bản án sơ thẩm, hủy Quyết định số 2936/QĐ-UBND ngày 01/12/2009 của UBND huyện DX.

Tòa án cấp phúc thẩm hủy Quyết định số 2936/QĐ-UBND ngày 01/12/2009 của UBND huyện DX vì đã xem xét, đánh giá chứng cứ không đúng về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các đương sự, cụ thể:

Về nguồn gốc và quá trình sử dụng diện tích 1.225m2 đất thửa số 77, tờ bản đồ số 8, xã DN, huyện DX, tỉnh QN: ông B và ông H đều có lời khai thống nhất là đất có nguồn gốc của cha mẹ ông H quản lý, sử dụng từ trước năm 1975, sau đó gia đình ông H tiếp tục sử dụng. Đến năm 1986, do hoàn cảnh công tác phải chuyển về thị xã HA nên ông H đã nhờ bà T trông coi hộ (có sự chứng kiến của nhiều người). Tại ‘‘Đơn xin chuyển giao quyền sử dụng đất’’ do bà T lập ngày 22/10/2006, bà T cũng thừa nhận bà chỉ là người trông coi, quản lý và đứng tên đăng ký thửa đất hộ cho vợ chồng ông H, đồng thời bà T cũng cam kết không tranh chấp gì về thửa đất này.

Mặt khác, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện rằng trong thời gian đi vắng, gia đình ông H vẫn thường xuyên về chăm sóc, khai thác và trồng cây, hiện trên đất vẫn còn cây lâu năm do gia đình ông H trồng. Như vậy, gia đình ông H là người sử dụng thửa đất số 77, tờ bản đồ số 8, xã DN, huyện DX liên tục, ổn định từ năm 1975 đến nay. Tuy nhiên, tại thời điểm Nhà nước có chủ trương tiến hành kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, do ở xa và không được thông báo nên hộ ông H đã không tiến hành kê khai diện tích đất nêu trên mà hộ bà T kê khai và được Uỷ ban nhân dân huyện DX cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 10/8/1995.

Theo quy định tại Điều 99 và Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định người sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất’.

Theo quy định nêu trên thì gia đình bà T không phải là người sử dụng thửa đất số 77, tờ bản đồ số 8, xã DN, huyện DX liên tục, ổn định tại thời điểm được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1995. Do vậy, trong quá trình quản lý kê khai, đăng ký sử dụng đất, Uỷ ban nhân dân xã DN xác nhận bà T là đối tượng đang sử dụng đất để Uỷ ban nhân dân huyện DX cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích 1.225m2 đất thửa số 77, tờ bản đồ số 8, xã DN, huyện DX, là không đúng nguồn gốc và đối tượng sử dụng đất. Tại Báo cáo số 52/BC-UBND ngày 16/6/2009 gửi Uỷ ban nhân dân huyện DX, Uỷ ban nhân dân xã DN đã xác nhận điều này. Do đó, Uỷ ban nhân dân huyện DX đã ban hành Quyết định số 2936/QĐ-UBND ngày 01/12/2009 (được sửa đổi bằng Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 04/6/2010) có nội dung thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ bà T là đúng pháp luật.

 

5.2 Sai sót của bản án hành chính liên quan đến việc lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp và việc phân tích nội dung, ý nghĩa của quy phạm pháp luật cần áp dụng

Khi giải quyết vụ án hành chính, căn cứ để xem xét quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng hay sai là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất quy định về lĩnh vực đó đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính bị khiếu kiện. Vì vậy, để việc giải quyết vụ án được đúng pháp luật, Tòa án phải xác minh tại thời điểm ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính bị khởi kiện có bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật của những cơ quan nào quy định về lĩnh vực đó đang có hiệu lực thi hành để xác định đúng văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất. Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền cấp dưới hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật cao hơn cũng có giá trị quan trọng trong việc áp dụng pháp luật khi giải quyết vụ án hành chính.

Thực tiễn giải quyết vụ án hành chính cho thấy, bản án của Tòa án không đúng pháp luật nội dung có thể xuất phát từ việc áp dụng sai lầm pháp luật, có thể do việc không chú ý tới văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan có thẩm quyền; hoặc có thể do cách hiểu máy móc, không đúng của Thẩm phán đối với các văn bản pháp luật nội dung.

– Việc không xác định đầy đủ và chính xác các văn bản pháp luật hoặc văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất làm cơ sở giải quyết vụ án hành chính là nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng sai lầm pháp luật khi giải quyết vụ án hành chính.

 

5.3 Sai sót liên quan đến việc ban hành phần quyết định của bản án hành chính

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, nhiều Thẩm phán không chú ý trong việc xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khiếu kiện; khi tuyên án và ra bản án có nhiều sai sót trong phần quyết định của bản án mà trong nhiều trường hợp phải kháng nghị và giải quyết lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ví dụ: Do có sự tranh chấp quyền sử dụng đất, Uỷ ban nhân dân huyện T đã ra Quyết định số 758/QĐ-UB thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông P, H, N. Ông P và ông N có đơn khiếu nại quyết định trên. Uỷ ban nhân dân huyện T đã có các quyết định giải khiếu nại của ông P và ông N.

Ông P và ông N đều có đơn khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu Toà án huỷ với Quyết định số 758/QĐ-UB.

Toà án cấp sơ thẩm đã thụ lý 02 vụ án hành chính đối với đơn khởi kiện của ông P và ông N.

Đối với trường hợp khởi kiện của ông P: Tại bản án hành chính sơ thẩm số 07, Toà án cấp sơ thẩm quyết định bác đơn khởi kiện; giữ nguyên Quyết định số 758/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân huyện T.

Đối với trường hợp khởi kiện của ông N: tại bản án hành chính sơ thẩm số 08, Toà án cấp sơ thẩm quyết định bác đơn khởi kiện; giữ nguyên Quyết định số 758/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân huyện T.

Tuy nhiên, sau khi ông H khiếu nại, Uỷ ban nhân dân huyện T thấy rằng việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông H là không đúng pháp luật, nên muốn hủy bỏ một phần của Quyết định số 758/QĐ-UB; nhưng do các bản án hành chính sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, nên Uỷ ban nhân dân huyện T phải khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Điều 1 Quyết định số 758/QĐ-UB, Uỷ ban nhân dân huyện T đã quyết định riêng đối với ông P, ông N và ông H. Ông P và ông N cùng khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu huỷ Quyết định số 758/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân huyện T đối với phần có liên quan đến quyền lợi của mỗi người. Lẽ ra, khi giải quyết, Toà án cấp sơ thẩm chỉ đánh giá tính hợp pháp của phần quyết định có liên quan đến ông P hoặc ông N để có quyết định đúng pháp luật. Nhưng, Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định giữ nguyên quyết định bị khiếu kiện là không đúng.

Mọi vướng mắc pháp lý của người dân, tổ chức, doanh nghiệp vui lòng trao đổi trực tiếp với luật sư của qua tổng đài tư vấn: 1900.6162 để được luật sư giải đáp mọi vướng mắc pháp lý. Trân trọng cảm ơn!