Áp dụng giáo dục STEM tại Tiểu học như thế nào?
STEM là mô hình giáo dục hiện đại, tích hợp nhiều môn học và kỹ năng cần thiết giúp học sinh phát triển theo hướng khoa học. Chính vì vậy, nhiều cơ sở giáo dục, trường học đã ứng dụng STEM vào chương trình giảng dạy qua việc tổ chức các chuyên đề, ngày hội STEM với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị.
Theo chuyên gia giáo dục, STEM phù hợp với chương trình giáo dục tiểu học để giúp học sinh được tiệm cận sớm với giáo dục trong thời đại mới và phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất. Trong bài viết này, STEAMe GARTEN sẽ giúp các bậc phụ huynh tìm hiểu về vai trò và tầm quan trọng của giáo dục STEM cho Tiểu học.
Mục Lục
Đặc điểm của giáo dục Tiểu học
Khi lên Tiểu học, việc thay đổi môi trường và chương trình giáo dục sẽ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc làm quen và thích nghi. Nếu như ở các lớp mầm non, hoạt động chính của trẻ là vui chơi, thoải mái sáng tạo và không bị gò bó thì lên Tiểu học, các em bắt đầu làm quen với việc học và làm bài tập hàng ngày.
Các em sẽ phải chăm chú nghe giảng, ngồi yên tại chỗ vào các buổi học và chỉ được vui chơi vào thời gian nghỉ giải lao. Ngoài thời gian ở trường, các em còn phải làm bài tập về nhà và đi học thêm vào thời gian rảnh. Việc phải tiếp thu những kiến thức sách vở và thay đổi về môi trường sinh hoạt sẽ tạo ra những áp lực vô hình, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc và tâm lý của các em, khiến việc học bị xao nhãng, không đạt kết quả tốt.
Hiện nay, để giúp các em tránh cảm giác gò bó, căng thẳng ở giai đoạn chuyển cấp, STEM được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhiều trường Tiểu học giúp các em vừa học vừa giải trí qua việc tích hợp lý thuyết với thực hành sáng tạo liên quan tới bài học. Thay vì học theo cách truyền thống, giáo dục STEM cho học sinh học các môn được tích hợp thành một bài học ứng dụng đa môn. Điều đặc biệt hơn, giáo cụ trong mỗi bài học thường là các chú robot giáo dục thông minh, khiến trẻ hào hứng và học tập hiệu quả hơn rất nhiều.
Ví dụ, học sinh được tiếp xúc với lĩnh vực khoa học qua môn Tự nhiên và Xã hội ở lớp 1,2,3 và môn Khoa học ở lớp 4,5. Ở mô hình giảng dạy truyền thống, trẻ sẽ được học những khái niệm, định luật và lý thuyết cơ bản qua sách vở, rất nhàm chán và trừu tượng. Tuy nhiên, khi áp dụng các mô hình STEM cho học sinh tiểu học, trẻ sẽ được học bằng các công cụ trực quan và được trang bị những kiến thức thực tế để có thể áp dụng ngay. Cách học này biến một bộ môn nhàm chán như Khoa học trở nên hấp dẫn trẻ hơn bao giờ hết. Đối với các môn học khác như Công nghệ, Kỹ thuật hay Toán học, trẻ cũng được trải nghiệm tương tự với STEM, khiến cho các giờ học trở nên thú vị và thu hút hơn.
Tuy nhiên, cách học đầy mới mẻ này có thể khiến trẻ cảm thấy lạ lẫm và chưa thể làm quen trong thời gian đầu. Chính vì vậy, trẻ học STEM từ mầm non sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các bé chưa biết đến STEM khi học lên các bậc học cao hơn.
Trẻ mầm non không học lý thuyết hàn lâm, qua những lời nói suông, giảng giải mà chúng học qua chính những trải nghiệm – thực làm, thực học. Đặc điểm tư duy của trẻ mầm non là tư duy trực quan. Trong giờ học STEM, giáo viên sẽ cho trẻ quan sát và thực hiện một thí nghiệm khoa học, sẽ tập trung vào việc đặt câu hỏi để trẻ tự nói ra những thay đổi, những hiện tượng mà trẻ nhìn thấy và nghe thấy. Không giải thích dài dòng về nguyên lý khoa học, mà tập trung vào giúp trẻ phát hiện những thay đổi, những diễn biến của hiện tượng. Việc làm quen với STEM từ bé sẽ giúp các bé phát triển tư duy, năng lực sáng tạo và trẻ sẽ tiếp tục phát huy những khả năng đó khi được tiếp cận ở các cấp học cao hơn.
Thời gian qua, nhiều trường tiểu học tại các tỉnh và thành phố lớn trên toàn quốc đang dần chú trọng tổ chức các chuyên đề, ngày hội STEM, với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, tiêu biểu như các trường Tiểu học FPT (Hà Nội), Tiểu học Nam Tiến (Nam Định), Tiểu học Tương Bình Hiệp (TP. Hồ Chí Minh)…
Lợi ích của giáo dục STEM đối với Tiểu học
Theo phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên là người cung cấp kiến thức qua thuyết trình hay giảng giải, còn trẻ là người nghe, ghi nhớ và làm theo. Bởi vậy, người học rất thụ động, ghi nhớ máy móc, bị hạn chế năng lực tư duy logic và phản biện, sự hiếu kỳ tự nhiên của trẻ cũng bị giảm đi do phương pháp tiếp cận cấu trúc một cách máy móc. Phương pháp học như vậy từ khi còn bé sẽ ngăn cản trẻ phát huy khả năng tư duy và sự sáng tạo của mình. Chính vì vậy, việc áp dụng giáo dục STEM đối với Tiểu học là cần thiết để trẻ có thể thoải mái phát triển và khám phá bản thân.
Phát huy năng lực sáng tạo, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề
Giáo dục STEM đề cao tính thực tiễn, trẻ sẽ được trải nghiệm thực hành liên quan tới bài học, thường ra tạo ra sản phẩm, lắp ghép dựa trên các kiến thức vừa được học. Các giáo cụ chủ yếu là những con robot giáo dục, các mô hình. Khi trẻ tiếp cận với những chú robot trẻ sẽ được tiếp cận với lập trình, kích thích tư duy sáng tạo của mỗi trẻ.
Bên cạnh đó, STEM đề cao cung cấp những kỹ năng giải quyết tình huống cho người học. Chính vì vậy mỗi bài giảng học sinh sẽ đưa ra một vấn đề thực tế cần giải quyết thông qua những kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh sẽ phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức các môn học có liên quan qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, đồ công nghệ,… để tìm ra câu trả lời cuối cùng.
Việc này sẽ rèn luyện cho bé khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề qua việc nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, làm tiền đề để phát triển tốt hơn trong tương lai.
Cung cấp kiến thức đa dạng, nâng cao kỹ năng mềm
Giáo dục STEM trang bị cho các em những kỹ năng mềm như tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp,….Thông qua các trò chơi đồng đội, các hoạt động đội nhóm các bé sẽ được thầy cô hướng dẫn và khuyến khích bé thực hành.
Sau mỗi một sản phẩm, một thí nghiệm hoàn thành. Các bé sẽ cùng suy nghĩ cách trình bày, thuyết trình để sản phẩm của mình hấp dẫn, cuốn hút và thuyết phục thầy cô cùng bạn bè trong lớp. Việc này giúp bé gắn kết và đoàn kết với bạn bè, giúp bé thích nghi hơn với môi trường Tiểu học đầy mới mẻ.
Khơi gợi sự hứng thú trong học tập làm tiền đề cho các bậc học cao hơn
Thay vì tiếp xúc với giáo trình và bài vở khô khan như giáo dục truyền thống, với chương trình STEM các môn học được tích hợp lại, sau khi học xong chương trình cơ bản thì trẻ sẽ được thực hành thực tế. Khi được chơi với các dụng cụ thực tế, trẻ sẽ hào hứng hơn trong mỗi giờ học. Sự kết hợp giữa hoạt động học và chơi này sẽ giúp cho những bé vừa mới vào lớp 1 dễ dàng làm quen hơn và không cảm thấy áp lực với môi trường học tập.
Trải nghiệm giáo dục STEM khi còn nhỏ khiến các bé có nền tảng tốt về tư duy, khả năng sáng tạo, các kỹ năng mềm… làm tiền đề tốt để các em có thể phát triển toàn diện trong tương lai.
Làm thế nào để ứng dụng giáo dục STEM hiệu quả tại Tiểu học
Với những lợi ích mà stem mang lại nên hiện nay giáo dục STEM Tiểu học ngày càng được phát triển và ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, đòi hỏi nhà trường phải có kế hoạch và chương trình giảng dạy chi tiết.
Với giáo viên dạy Tiểu học, việc chuẩn bị giáo án cho mỗi bài học STEM là vô cùng quan trọng. Không chỉ đơn giản là giáo án được soạn dựa trên lý thuyết trong sách giáo khoa nữa mà giáo viên phải lựa chọn được vấn đề có trong thực tế để gắn với nội dung của bài học. Thường nội dung được chọn là những vấn đề mang tính thời sự, mới nổi, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Giáo án chú trọng đến trải nghiệm, thực hành, phá vỡ khoảng cách giữa hàn lâm, kinh viện với thực tiễn. Bài giảng phải giúp học sinh thấy được khoa học gắn với cuộc sống, khoa học thật gần gũi và có thể nhận diện được.
Tiểu học là giai đoạn đầu của quá trình tiếp thu kiến thức, chính vì vậy lượng lý thuyết trong các bài học STEM không thể quá nhiều hoặc quá hàn lâm như trong chương trình giáo dục truyền thống. Lý thuyết trong mỗi bài học cần thật đơn giản, dễ hiểu để học sinh có thể dễ dàng vận dụng vào thực tế.
Thực hành là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của giáo dục STEM. Muốn hiểu và học tốt được STEM, học sinh cần vận dụng các kiến thức học được vào thực tế. Chính vì vậy, nhà trường và giáo viên cần chú trọng vào chương trình giảng dạy để học sinh có thể được trải nghiệm thực hành một cách có hiệu quả nhất. Một trong những phương pháp hay là để học sinh học tập theo dự án. Với phương pháp này, các em sẽ được tổ chức làm việc theo nhóm hoặc cá nhân, các dự án thường diễn ra trong một buổi, vài buổi hoặc một kỳ học để cùng tạo ra sản phẩm gắn với thực tiễn. Ngoài ra, việc mở các CLB STEM hay tổ chức Ngày hội STEM cũng khuyến khích học sinh tham gia sáng tạo các sản phẩm khoa học – công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn.
Hiểu được vai trò quan trọng của STEM đối với sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ, hệ thống mầm non STEAMe GARTEN tự hào là một trong những cơ sở giáo dục triển khai mô hình giáo dục STEM chuyên nghiệp và hiệu quả cho các bé mầm non và mẫu giáo. Phương pháp giảng dạy linh hoạt, lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát triển các kỹ năng cá nhân của bé, giúp bé có thể làm việc nhóm và giao tiếp tự tin. Các bé còn có thể áp dụng kiến thức học được về khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông qua các nhiệm vụ thực tế, giúp tăng khả năng tư duy và sự sáng tạo cho bé. Ngoài ra, STEAMe GARTEN có đa dạng nhóm đồ chơi STEM phù hợp với từng môn học và được lập trình từ đơn giản đến phức tạp cho từng đối tượng, độ tuổi khác nhau, giúp bé vừa chơi vui mà vẫn hiểu được bài.
Việc triển khai STEM cho Tiểu học giúp đào tạo ra những thế hệ trẻ toàn diện cả về học thuật, và thúc đẩy sự sáng tạo bên trong của học sinh. Tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng với lợi ích mà STEM đem đến, các bậc cha mẹ có thể tin tưởng và lựa chọn STEM là mô hình học tập hiệu quả cho trẻ. Trong giai đoạn đầu đời, STEAMe GARTEN luôn sát cánh cùng các bậc phụ huynh với mong muốn đem đến cho các em môi trường giáo dục hiện đại và tiên tiến nhất để các em có thể phát triển bản thân một cách toàn diện.