Ánh sáng trong nghệ thuật

Ánh sáng trong nghệ thuật

 

 

 

Ánh sáng trong nghệ thuật

1. Khái niệm về ánh sáng:

Ánh sáng là nhiệt năng của vũ trụ. Ánh sáng làm đập nhịp tim vũ trụ không có ánh sáng thì thế gian không có sự sống, không có màu sắc.

Chúng ta không thấy được bản thân ánh sáng mà chỉ nhìn thấy nó khi nó tác động vào vật thể nào đó mà thôi. Người ta không thể nắm bắt được ánh sáng nếu nhắm mắt lại. Ánh sáng làm cho mọi vật có màu sắc.

Còn ánh sáng nhân tạo thì do con người chế tạo, thông qua đủ các loại đèn và vô số loại ánh sáng màu. Ánh sáng đèn sáp, đèn dầu, đèn điện, đèn điện tử. Ánh sáng nhân tạo có góc chiếu tỏa nhỏ và yếu nhưng được chế tạo dưới vô số kiểu dáng màu sắc.

2. Các loại ánh sáng:

a. Ánh sáng thiên nhiên:

Ánh sáng thiên nhiên bao gồm ánh sáng của mặt trời và mặt trăng.

Ánh sáng thiên nhiên có sức mạnh vô biên, có khả năng tạo ra nhiệt năng và điện năng đồng thời ảnh hưởng đến sự sinh tồn, phát triển của vạn vật. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm sinh lý của con người.

Hai nguồn sáng tiêu biểu của vũ trụ tạo nên sự sống cho ngày và đêm là mặt trời và mặt trăng. Chính hai tác nhân này đưa ra khái niệm chu kỳ về thời gian, ngày và đêm, sáng và tối, âm và dương, bốn mùa.

Ánh sáng của mặt trời: Mặt trời lớn hơn trái đất bốn mươi lần. Nó tượng trưng cho Thần Thái Dương. Ánh sáng của nó vô cùng mạnh, tạo ra bức xạ mặt trời, nhiệt, năng lượng. Góc chiếu tỏa của nó vô cùng lớn, bao trùm cả trái đất.

Cho nên theo quy ước về bóng trong ngành học kiến trúc thì lấy ánh sáng mặt trời làm chuẩn và lấy góc chiếu là 45 độ.

Ánh sáng mặt trời xuất hiện từ khi mọc đến khi lặn. Cường độ và nhiệt độ thay đổi từ nhẹ đến mạnh.

Màu của ánh sáng và thiên nhiên cảnh vật thay đổi theo quá trình chiếu sáng từ tờ mờ sáng cho đến xế chiều. Trong quá trình chiếu tỏa từ rạng sáng cho đến hoàng hôn, góc chiếu tỏa của nó rất lớn và luôn thay đổi theo giờ.

Ánh sáng mặt trời và sự thay đổi của thời tiết, khí hậu làm cho màu sắc của ánh sáng của không gian, không khí cảnh vật đổi thay.

Đặc biệt là nó ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và sự tăng trưởng của vạn vật. Trên bầu trời, thời tiết và mây là tác nhân có thể che khuất hay làm giảm ánh sáng của mặt trời.

Trong mỹ thuật và kiến trúc người ta thường coi ánh sáng mặt trời là yếu tố cực kỳ quan trọng để quan sát, nhìn thấy, mô tả, quy hoạch, đánh giá các tác phẩm và tạo sự sống, sự sinh động cho công trình (kiến trúc và tác phẩm mỹ thuật)…

Về cơ bản, ánh sáng và màu sắc trong tranh mỹ thuật thường căn cứ và lấy cảm hứng từ sự tác động của ánh sáng vật lý hay còn gọi là ánh sáng thiên nhiên là mặt trời.

Trên thực tế, trong sáng tác, biểu hiện nghệ thuật, mọi người đều phải nhìn nhận rằng luôn có sự tồn tại của loại màu sắc và loại ánh sáng mang tính chất tâm lý trong tác phẩm (tâm trạng của tác giả).

Trong tác phẩm mỹ thuật, ánh sáng hiển thị do sự tác động của tâm lý là loại ánh sáng hoàn toàn chủ quan do nghệ sỹ tự tạo nên thông qua cảm xúc về sử dụng màu sắc. Chính tâm trạng của tác giả điều tiết ánh sáng thực tế độ sáng tối, tươi, tái có được do sự tương quan về màu sắc mà tác giả chủ ý tạo ra.

Ngoài ra việc điều tiết, phân bố rải rác ánh sáng còn do yêu cầu của sự thăng bằng trong bố cục hình thức.

Tuy nhiên, trong quá trình học ở các trường Mỹ thuật, việc bắt buộc các học viên phải rèn luyện, thực tập các bài vẽ đối với các vật mẫu, người mẫu dưới sự cố ý bố trí, sự chiếu rọi của ánh sáng thiên nhiên (hay nhân tạo) của người dạy là một trong những yêu cầu của sự rèn luyện khả năng diễn tả. yêu cầu về sự nghiên cứu để thấu hiểu, cảm nhận vẻ đẹp có được do sự tác động của ánh sáng được coi là những yêu cầu mang tính sư phạm trong quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên mỹ thuật.

Khi nhìn ngắm những tác phẩm mỹ thuật có khi người ta buộc miệng nói rằng, bức tranh này, bài vẽ kia thiếu sáng! Đó là hiện tượng có thật do người vẽ ghi nhận, diễn tả, phân bố ánh sáng chưa đạt yêu cầu. Khi ấy, màu sắc chính là dạng ánh sáng.

Trong nghệ thuật kiến trúc, ánh sáng luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Khi thiết kế, kiến trúc sư luôn luôn quan tâm đến sự phân bố, lưu giữ ánh sáng thiên nhiên trong công trình, vào ban ngày cùng với sự bố trí hợp lý các loại ánh sáng nhân tạo để sử dụng cho ban đêm, nghĩa là người ta nghiên cứu, khai thác ánh sáng thiên nhiên và ánh sáng nhân tạo để cho chúng tác động vào không gian kiến trúc.

Việc thiết kế các giếng trời, vườn cảnh, tiểu cảnh, phân bố hệ thống cửa sổ, cửa đi đi làm nhằm mục đích khai thác, lưu giữ ánh sáng mặt trời tạo sự thông thoáng song song với phân bố hệ thống ánh sáng đèn ánh sáng nhân tạo.

Ánh sáng của mặt trăng: Mặt trăng thường xuất hiện trong chu kỳ nửa tháng vào ban đêm. Ánh sáng của mặt trăng mát dịu, không phát nhiệt.

Trong quá trình mọc và lặn, góc chiếu tỏa của nó cũng thay đổi. Trăng có lúc tỏ lúc mờ cũng như mặt trời, mây là vật có thể che phủ hay làm giảm ánh sáng của mặt trăng. Trong kiến trúc, việc xây dựng thiết kế các hồ nước trong sân vườn, giếng trời chắc chắn là không thể nào không lưu ý đến sự tác động của ánh trăng vào ban đêm.

Trong mỹ thuật và các loại hình nghệ thuật khác như: văn, thơ, âm nhạc cũng có nhiều tác phẩm lấy cảm xúc từ ánh trăng.

b. Ánh sáng nhân tạo:

Ánh sáng nhân tạo là nguồn sáng do con người tạo nên để phục vụ cho đời sống như: nấu nướng, sưởi ấm, chiếu sáng, trang trí… Các loại ánh sáng này gồm: loại lửa đốt từ nhiên liệu, ánh sáng điện, ánh sáng điện tử. Các loại ánh sáng này tạo thành các loại đèn.

3. Các đặc điểm cấu tạo nên chất lượng của ánh sáng:

Khi nói tới chất lượng của ánh sáng chúng ta quan tâm phân tích các yếu tố sau đây:

– Loại ánh sáng;

– Vị trí đặt nguồn sáng;

– Số lượng nguồn sáng;

– Cường độ sáng;

– Góc chiếu tỏa;

– Màu sắc của ánh sáng;

– Sự phối hợp của các ánh sáng và màu sắc của nó;

– Nhiệt độ của ánh sáng.

4. Các trạng thái của ánh sáng:

– Ánh sáng mạnh, ánh sáng yếu;

– Ánh sáng tập trung, ánh sáng tản mạn;

– Ánh sáng có màu, không màu…

5. Ánh sáng, sự bắt sáng, sự phản chiếu của các diện và chất liệu:

Thông thường khi các vật thể bị chiếu sáng chúng ta sẽ phản chiếu ánh sáng trở lại và mắt chúng ta thấy được vật thể là do hiện tượng này.

Xét về cấu trúc thì mỗi vật thể đều được cấu tạo bởi một hay nhiều khối. Mỗi khối có các diện (bề mặt) được phối hợp theo hình thế khác nhau. Chính vì vậy mà khả năng tiếp nhận ánh sáng, phản chiếu ánh sáng của mỗi loại khối không giống nhau.

Khả năng cảm nhận, nhìn thấy được ánh sáng phản chiếu luôn từ các bề mặt cũng tùy thuộc vào vị trí, góc, tầm nhìn của người nhìn và tính chất, đặc điểm về bề mặt (lớn hay nhỏ, thẳng hay xiên, bóng láng, mịn, sần hoặc mờ, trong hay đục và cả màu sắc của nó) của diện tiếp nhận ánh sáng trực tiếp và phản chiếu trở lại vào người nhìn thấy chúng.

Theo quy luật chiếu sáng và tiếp nhận ánh sáng thì bất cứ diện nào của khối (hay diện độc lập), tiếp xúc với tia sáng với góc độ lớn thì sẽ tiếp nhận ánh sáng mạnh hơn và khả năng hắt sáng trở lại cũng mạnh (góc 90 độ là lớn nhất; tức là góc chiếu thẳng góc).

Do vậy, khi vẽ các vật thể khối, người vẽ phải biết phân tích khối của vật thể ấy để xác định xem diện nào có khả năng bắt sáng mạnh nhất trên cơ sở nhận xét, vị trí, góc chiếu, quang lượng của nguồn sáng.

Tuy nhiên, một quy luật khoa học khác mà người vẽ cần lưu ý là:

– Các vật thể được cấu tạo bởi các chất liệu trong suốt như thủy tinh, pha lê thì ánh sáng sẽ đi xuyên qua luôn. Do vậy khả năng phản chiếu ánh sáng sẽ không giống như các chất liệu đục, mờ.

– Các chất liệu khác nhau sẽ có khả năng bắt sáng và phản chiếu ánh sáng khác nhau.

– Các vật thể có chất liệu bề mặt bóng láng nhưng không trong suốt như kim loại thì sẽ hắt sáng cực mạnh.

– Các vật thể có các bề mặt có các độ sần sùi, nhám thì ánh sáng sẽ bị phân tán khi tiếp xúc với chúng. Do đó, khả năng phản chiếu trở lại sẽ yếu hơn. Thí dụ vỏ trái cam chẳng hạn sẽ không phản chiếu mạnh bằng khối cầu bằng sắt hay bằng thạch cao màu trắng. Một thí dụ khác là trên chân dung, phần bắt sáng mạnh nhất là đầu lỗ mũi vì thông thường da ở vị trí này thường láng bóng, nghĩa là vật thể có cùng một chất liệu, cùng một màu thì phần nào, diện nào có độ láng, mịn sáng và phản chiếu ánh sáng khác nhau.

6. Ánh sáng nhìn thấy được:

Ánh sáng nhìn thấy được là những loại ánh sáng thiên nhiên hay nhân tạo tác động trực tiếp hay gián tiếp vào môi trường, vào thị giác của họa sỹ và được diễn tả lại được bằng nhiều loại màu sắc.

Khi nói đến thuật ngữ “Ánh sáng nhìn thấy được” có nghĩa là chúng ta gián tiếp nói tới loại ánh sáng mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy được như tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia Plasma.

Ánh sáng nhìn thấy được khác với các loại ánh sáng khác như laser, hồng ngoại, tử ngoại. Nó có cường độ mạnh yếu, sức tỏa nhiệt, tỏa sáng khác nhau cùng với những màu sắc khác nhau.

Chức năng của ánh sáng là: chiếu sáng, kích thích sự sống, sự tăng trưởng, làm tăng khả năng nhìn thấy, định hướng, làm đổi màu, làm thay đổi mức độ cảm nhận về hình khối, độc đáo hay cá tính hóa không gian, trị bệnh, giúp vạn vật tăng trưởng, phát triển…

Ánh sáng trông thấy được chiếu rọi vào vật thể cả ngày và đêm giúp chúng ta nhận thấy vạn vật từ hình thể, kiểu dáng, chất liệu, màu sắc.

Sự chiếu sáng tác động vào ngoại cảnh, vào nhận thức, cảm xúc của các nghệ sỹ và nhiều nghệ sỹ đã xúc động trước ánh sáng hay sự tác động của nó mà làm nên các bài thơ, bài hát, bức tranh.

Từ xa xưa cho đến nay, ánh sáng được coi là phương tiện để trang trí. Những sự kiện hội hoa đăng, bắn pháo hoa, nghệ thuật thiết kế ánh sáng, tạo chữ bằng ánh sáng, đã chứng minh tác dụng của nó đối với đời sống. Đặc biệt ở đầu thế kỷ 21 thì chúng ta lại tiếp xúc với từ ngữ “sự ô nhiễm ánh sáng”. Ý nói là ngày nay một số đô thị đã khai thác, sử dụng ánh đèn quá nhiều để trang trí, phục vụ cho kinh doanh, thương mại nhiều đến nỗi mà cư dân thành thị không có được những thời gian thư giãn trong sự cảm nhận về ánh sáng và bóng tối thiên nhiên về ban đêm.

Giống như màu sắc, thông thường ánh sáng có các yếu tố đi kèm theo nói lên đặc điểm của nó: thiên nhiên hay nhân tạo, quang lượng, cường độ mạnh hay yếu, màu sắc gì, góc chiếu tỏa rộng hay hẹp, tập trung hay tản mạn, trực tiếp hay gián tiếp cũng như các khả năng phản chiếu.

Khi quan sát, xem xét ánh sáng tác động lên vật thể thì người ta cần lưu ý: tính chất của nguồn sáng (loại ánh sáng thiên nhiên hay nhân tạo, có màu hay không có màu), góc chiếu tỏa (vị trí đặt ánh sáng), quang lượng, cường độ mạnh hay yếu ánh sáng chiếu trực tiếp hay gián tiếp, ánh sáng tập trung hay tản mạn.

Môi trường xung quanh có thể ảnh hưởng đến sự tác động của ánh sáng lên vật thể (làm biến đổi màu, làm mờ hay làm tăng, giảm độ sáng).

Ngoài ra, chất liệu của vật thể mà ánh sáng tác động vào cũng có khả năng gây hiệu quả về sự phản chiếu khác nhau.

Đặc biệt trong nghiên cứu màu sắc và ánh sáng, các nhà khoa học, mỹ thuật còn áp dụng nó vào trong các công trình kiến trúc tâm linh (đền chùa, nhà thờ…).

Riêng trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật thiết kế phim ảnh, nghệ thuật sân khấu điện ảnh, nghệ thuật video, nghệ thuật thiết kế môi trường thì việc sử dụng màu sắc và ánh sáng luôn được các nhà thiết kế, nhà đạo diễn nghệ thuật quan tâm rất nhiều.

Trong nghệ thuật hội họa thì bố cục ánh sáng là một trong ba loại bố cục nền tảng của việc tổ chức, quy hoạch các yếu tố thị giác: bố cục ánh sáng (màu sắc); bố cục đường nét và bố cục khối (không gian).

Đặc biệt là khi nói tới Điểm nhấn hay Trọng tâm bức tranh nơi mà họa sỹ tập trung mọi khả năng diễn đạt màu sắc và ánh sáng nhằm mục đích lôi cuốn thị giác người xem, Ở đây ánh sáng do màu sắc tạo ra giữ vai trò cực kỳ quan trọng.

Ngoài ra chúng ta cũng cảm nhận thấy tính chất của ánh sáng do màu sắc tạo ra như: ánh sáng mát mẻ, ấm áp, lạnh hay nóng. Ở đây nó gắn liền với khái niệm nhiệt độ của màu sắc.

Riêng các họa sỹ theo trường phái Ấn tượng thì thường diễn tả vùng sáng là màu nóng còn khu vực bóng tối là màu lạnh.

7. Ánh sáng ẩn tàng:

Ngoài các loại ánh sáng Laser, hồng ngoại, tử ngoại, gama thì ánh sáng ẩn tàng là loại ánh sáng không trực tiếp phát ra ánh sáng mà nó cảm thấy như là loại ảo giác do sự tương tác, cộng hưởng của nhiều ánh sáng hay màu sắc tạo ra.

Về nghệ thuật sử dụng, phối hợp màu sắc cho chúng ta những khái niệm về sự tỏa sáng, sự phát sáng khi mà giữa các màu được bố trí cạnh nhau có sự tương tác, xung hợp đúng mức.

Với một nhà trang trí lão luyện có thể biết cách, có kinh nghiệm tạo được hiệu quả này mà trong giới chuyên môn về màu sắc nó là “sự tỏa sáng của màu sắc”.

Loại ánh sáng ẩn tàng là loại ánh sáng của sự cảm thấy, nó không mạnh như ánh sáng nhìn thấy được bằng mắt nhưng nó là hiện tượng có thật do sự xung hợp, tương tác của một số màu sắc nào đó tạo ra khi ta phối hợp chúng với nhau.

Thí dụ hiện tượng ánh sáng màu hơi ửng Đỏ ra trên võng mạc chúng ta khi nhìn lâu vào màu Xanh Lá; ánh sáng màu hơi Vàng xuất hiện sau khi nhìn lâu vào màu Tím, ánh sáng màu hơi Cam hiện ra sau khi nhìn hơi lâu vào màu Lam, ánh sáng hơi Tím hiện ra sau khi nhìn lâu vào màu Vàng. Đây là trạng thái ánh sáng mà tương phản với màu được nhìn hiện ra trên võng mạc của chúng ta.

Một thí dụ khác là hiện nay trên thế giới có loại màu phát sáng trong bóng tối (màu dạ quang) nhưng khi đưa ra ngoài ánh sáng thì chúng ta không thấy sự phát sáng này. Nó tương tự như loại sơn trắng dùng để kẻ vẽ tên đường, vào ban đêm, khi ánh sáng đèn chiếu thẳng trực tiếp thẳng góc vào nó thì nó phát sáng óng ánh. Loại màu sắc này lúc đầu thường được sử dụng trong các bảng báo giao thông, quân sự. Sau này nó được ứng dụng trong các loại mực in ấn, màu nhuộm vải sợi cho thời trang, phục vụ và vật dụng trang trí…

8. Ánh sáng và sự tác động của môi trường xung quanh:

Khi đề cập tới môi trường chúng ta nói tới các yếu tố:

– Khung cảnh cụ thể (tính chất, quy mô không gian…);

– Thời gian cụ thể (sáng chiều, tối, theo mùa…);

– Thời tiết, khí hậu cụ thể (ẩm thấp, lạnh lẽo, nóng bức…);

– Các loại ánh sáng đang tồn tại (thiên nhiên, nhân tạo và đặc điểm của nó…).

Ánh sáng thiên nhiên thường có màu trắng và nó có vẻ có màu khi thời gian chuyển sang buổi chiều. Trong thiên nhiên, tùy theo môi trường hơi nước, độ ẩm, khói bụi… màu sắc sẽ gợi nên những loại ánh sáng màu thật lung linh kỳ ảo như ở trong động Phong Nha của Việt Nam, thung lũng Arizona của Hoa Kỳ.

– Trên thực tế thì hiện tượng pha trộn ánh sáng màu trên sân khấu ca nhạc là một minh chứng cho sự tác động, cộng hưởng của ánh sáng màu.

– Ánh sáng cực mạnh làm mất cảm giác về khối, biển đổi màu, làm mất các chi tiết trên vật thể bị nó chiếu vào. Điều này làm cho các diễn viên sân khấu trình diễn ban đêm phải thay đổi cách trang điểm của họ so với cách trang điểm khi đi dạo ngoài trời ban ngày. Nếu không chân dung, vai diễn của họ sẽ bị tái nhợt khi bị ánh sáng vào.

– Bất kỳ loại y phục có màu nào mà bị ánh sáng màu rọi vào thì nó bị biến đổi màu.

– Nghệ thuật thiết kế ánh sáng là nghệ thuật sử dụng ánh sáng thông qua việc chọn lựa loại ánh sáng, bố trí nơi đặt nguồn sáng, dùng bao nhiêu loại ánh sáng… để tạo ảo giác, làm tăng vẻ đẹp cho công trình kiến trúc, làm biến mất đi các khu vực, bộ phận mà họ cố ý.

– Khi bố trí nơi đặt nguồn sáng, chúng ta cần quan tâm đến tình huống nó sẽ bị che khuất? Ánh sáng sẽ bị giảm bớt độ sáng khi bị che bởi một hay nhiều lớp kính, nhựa mờ.

– Ánh sáng sẽ bị hơi nước, khói, bụi làm giảm độ chiếu sáng.

– Khi bố trí các chất liệu có khả năng phản chiếu gần một số nguồn sáng thì chúng ta cần lưu ý để đề phòng hay tiên liệu những tình huống bị loạn sáng bất ngờ mà chúng ta không lường trước.

9. Ánh sáng là phương tiện diễn tả nghệ thuật:

– Trong quá trình học, nghiên cứu, vẽ hình họa trong nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật thiết kế thì ánh sáng thiên nhiên và nhân tạo là hai loại ánh sáng được sử dụng một cách đặc biệt trong vẽ hình họa, trong trang trí.

– Trong mỹ thuật ánh sáng là một nhu cầu phải có trên hình vẽ, tác phẩm để người xem có thể thấy được, nhìn rõ chủ đề được vẽ. Có những bài vẽ mù mờ, thiếu sáng, không trong trẻo chính là do thiếu sự hiện diện của ánh sáng hay hiện diện không đúng mức của ánh sáng.

– Diễn tả ánh sáng là dùng các loại chất liệu để ghi nhận lại ánh sáng có thực ngoài thực tế (trong khi vẽ phong cảnh, nghiên cứu mẫu thật) hay diễn tả ánh sáng theo chủ quan, theo yêu cầu nội dung tác phẩm và yêu cầu tạo sự thăng bằng vế ánh sáng và màu sắc trong tác phẩm.

Trong điêu khắc thì việc dùng ánh sáng để diễn tả nội dung, ý tưởng của tác phẩm chính là cả quá trình tạo khối, tạo độ nở của khối, độ bằng phẳng của các diện, sự liên kết mạch lạc giữa các mảng miếng, các diện là cơ sở làm cho ánh sáng hiển thị một cách hoàn chỉnh. Sự bừng sáng trên khối do ánh sáng tác động vào chính là dùng ánh sáng để diễn tả nghệ thuật.

– Trong mỹ thuật ánh sáng đi đôi với màu sắc, với bóng tối. Họa sỹ diễn tả ánh sáng trong thiên nhiên bằng màu sắc, bằng diễn tả bóng tối.

Khi vẽ màu, sáng tác màu thì ngoài việc xác định màu chủ đạo, người còn phải xác định chủ sắc (sắc độ đậm hay nhạt làm chủ) của bức tranh. Trọng tâm của bức tranh, bức vẽ có được là do sự tăng hay nhấn độ sáng, độ tươi.

– Bố cục ánh sáng là một trong ba loại bố cục hình thức rất cơ bản trong mỹ thuật, đó là: bố cục ánh sáng, bố cục đường nét và bố cục không gian. (Bố cục ánh sáng bao gồm bố cục màu sắc).

– Nghệ thuật chuyển động, nghệ thuật quang học thị giác, nghệ thuật thiết kế ánh sáng là các loại nghệ thuật gắn liền với ánh sáng.

– Ảo giác trong mỹ thuật là hiệu quả của sự phối hợp, phối trí, sử dụng đường nét, màu sắc và ánh sáng.

– Trong nghệ thuật thiết kế gần đây có một loại hình mới gắn liền kiến trúc nhà cửa bằng các sử dụng ánh sáng. Đó là thiết kế ánh sáng.

– Thành phố Paris của Pháp được mệnh danh là kinh đô của ánh sáng.

Ngoài việc phục vụ cho nghệ thuật, ánh sáng còn là một trong những phương tiện trị bệnh trong y học với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Thí dụ phương pháp “xạ trị” trong trị các loại bệnh trong đó có bệnh ung thư.

Tóm lại, khi đã nói tới nghệ thuật thị giác mà không có ánh sáng thì vô nghĩa.

anh sang 1
Ánh sáng mặt trời – Ánh sáng mặt trăng

anh sang 2
Ánh sáng trắng đi xuyên qua lăng – Ánh sáng mặt trăng kính tách ra 7 sắc cầu vồng: Đỏ, Cam, Vàng, Lục, Lam, Chàm, Tím.

anh sang 3
Ánh sáng và cách diễn tả các độ bóng trong các bài học môn hình họa từ vẽ khối đến con người

anh sang 4
Tác phẩm “Thánh đường Rouen” của họa sỹ Claude Monet phái Ấn tượng diễn tả màu thay đổi do sự tác động của ánh sáng theo thời gian

anh sang 5
Tác phẩm “Cuộc đánh cướp các con gái của Leucippus” do họa sỹ Ruben sáng tác. Tác giả diễn tả ánh sáng tài tình
trên da thịt các cô gái, đốm sáng trên dầu ngựa và chân người nam trong tư duy bố cục tổng thể bức tranh

anh sang 6
Thiết kế ánh sáng trong nội thất – Thiết kế ánh sáng sân khấu

anh sang 7
Poster Lễ hội ánh sáng ở Lyon – Pháp năm 2012

anh sang 8
Họa sỹ StephenKnapp với tác phẩm bằng cách rọi ánh sáng qua các kính màu

anh sang 9
Ánh sáng trong nghệ thuật sắp đặt – Ánh sáng trong ảnh nghệ thuật

anh sang 10
Màu sắc diễn tả ánh sáng, không khí và không gian trong tranh

anh sang 11
Điêu khắc bằng ánh sáng

anh sang 12
Thiết kế ánh sáng tại công viên Lasvegas, Hoa Kỳ

>>> Mối quan hệ giữa màu sắc và ánh sáng

>>> Từ ánh sáng đến màu sắc

>>> Ánh sáng trong các tác phẩm nghệ thuật