An toàn thông tin mạng là gì ? Nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin mạng ?

Luật an toàn thông tin mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 19/11/2015. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Luật quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

Vậy, an toàn thông tin mạng là gì ? Để bảo đảm an toàn thông tin mạng cần thực hiện những nguyên tắc gì ?

An toàn thông tin mạng là gì ?

Mạng là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua mạng viễn thông và mạng máy tính.

An toàn thông tin là hành động ngăn cản, phòng ngừa sự sử dụng, truy cập, tiết lộ, chia sẻ, phát tán, ghi lại hoặc phá hủy thông tin chưa có sự cho phép. Ngày nay vấn đề an toàn thông tin được xem là một trong những quan tâm hàng đầu của xã hội, có ảnh hưởng rất nhiều đến hầu hết các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học xã hội và kinh tế.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật an toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19 tháng 11 năm 2015,  An toàn thông tin mạng là sự bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin trên mạng tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin.

Nhìn chung, có vô số cách để tấn công, lấy cắp thông tin của một hệ thống. Lỗ hổng của ứng dụng, lỗ hổng dịch vụ trực tuyến, lỗ hổng hệ điều hành… Vì thế, rất khó để có thể thiết lập và duy trì bảo mật thông tin. Các nguy cơ của an ninh thông tin mạng bao gồm:

+ Lỗi và sự bỏ sót: Nguy cơ này được xếp vào hàng nguy hiểm nhất. Khi lập trình, các cảnh báo và lỗi do trình biên dịch đưa ra thường bị bỏ qua và nó có thể dẫn đến những sự việc không đáng có.

+ Lừa đảo và lấy cắp thông tin: Cách tốt nhất để phòng tránh nguy cơ này là: phải có những chính sách bảo mật được thiết kế tốt. Những chính sách có thể giúp người quản lý bảo mật thông tin thu thập thông tin, từ đó điều tra và đưa ra những kết luận chính xác, nhanh chóng.

Nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin mạng

Căn cứ theo Điều 4 của Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19 tháng 11 năm 2015, để bảo đảm an toàn thông tin mạng cần thực hiện 04 nguyên tắc sau:

– Thứ nhất, Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng. Hoạt động an toàn thông tin mạng của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

– Thứ hai, Tổ chức, cá nhân không được xâm phạm an toàn thông tin mạng của tổ chức, cá nhân khác.

– Thứ ba, Việc xử lý sự cố an toàn thông tin mạng phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, thông tin riêng của tổ chức.

– Thứ tư, Hoạt động an toàn thông tin mạng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời và hiệu quả.

Các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm an toàn thông tin mạng

Căn cứ theo Điều 7 của Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19 tháng 11 năm 2015, để bảo đảm an toàn thông tin mạng Luật nghiêm cấm các hành vi sau đây:

– Hành vi ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.

– Hành vi gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.

– Hành vi tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin.

– Hành vi phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo.

– Hành vu thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.

– Hành vi xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày về khái niệm an toàn thông tin mạng và nguyên tắc để bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Luật Hoàng Anh