An toàn lao động là gì? Các quy định về an toàn lao động?
An toàn lao động là gì? Chính sách của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động? Lợi ích an toàn lao động? Các nguyên tắc chung về an toàn lao động trong sản xuất? Các hành vi bị nghiêm cấm trong an toàn lao động?
Lao động là hoạt động tạo ra giá trị cho xã hội và luôn gắn liền với hành vi của con người. Dù lao động dưới hình thức trí não hay lao động tay chân thì khái niệm an toàn lao động là khái niệm được quan tâm và nhắc đến nhiều nhất. Vậy an toàn lao động là gì? Các quy định các lưu ý của pháp luật Việt Nam về an toàn lao động hiện nay ra sao?
* Căn cứ pháp lý:
– Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
Luật ATVSLĐ 2015 quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; các chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
*Mục đích của an toàn vệ sinh lao động:
– Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.
– Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.
– Tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.
1. Chính sách của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động:
– Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động.
– Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia phục vụ an toàn, vệ sinh lao động.
– Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khuyến khích các tổ chức xây dựng, công bố hoặc sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hiện đại về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động.
– Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
– Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.
Xem thêm: Kế hoạch và đánh giá rủi ro an toàn lao động
2. An toàn lao động là gì?
An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Hay nói cách khác an toàn lao động chính là giải pháp để không xảy ra tai nạn trong quá trình lao động.
Nếu trong môi trường làm việc độc hại có tiếp xúc trực tiếp với hóa chất mà người lao động không được bảo vệ bởi các biện pháp bảo vệ an toàn lao động cần thiết thì sẽ có thể có rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới người tham gia lao động. Các hệ lụy về sức khỏe này có thể thể hiện ngay khi người lao động tiếp xúc với môi trường, hóa chất độc hại cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu dài, cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới cả tính mạng của người lao động.
Tùy theo đặc thù sản xuất, lĩnh vực sản xuất mà sẽ có những quy định riêng của pháp luật về an toàn lao động cho các ngành nghề đó, và phạm trù của bảo hộ lao động không chỉ bao gồm các biện pháp bảo vệ trực tiếp cho người lao động mà còn chính là là tiền lương, phụ cấp độc hại, bảo hiểm lao động, thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm việc của người lao động,…
Xem thêm: Quy định về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình
3. Lợi ích an toàn lao động:
Lợi ích lớn nhất khi thực hiện các biện pháp an toàn lao động đó là ngăn ngừa tai nạn, bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn mắc các bệnh nghề nghiệp.
An toàn lao động có bắt buộc khi tham gia lao động. Điều này được quy định trong luật vì thế thực hiện các biện pháp an toàn lao động là điều kiện bắt buộc trong quá trình làm việc. Lợi ích thứ 2 mà an toàn vệ sinh lao động đem đến đó là đảm bảo được quyền lợi và nghĩa vụ của cả người lao động lẫn người lao động.
Các nguyên tắc an toàn lao động trong sản xuất.
Lao động là lực lượng rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Nhà nước đã tạo rất nhiều các cơ quan , tổ chức từ trung ương đến cơ sở để trợ giúp cho đối tượng là người lao động. Nguyên tắc an toàn khi lao động luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là trong các nghành nghề có tính đặc thù ẩn chưa nhiều yếu tố rủi ro nguy hiểm như: Xây dựng, hóa chất, hàn xì.
Xem thêm: Lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động
4. Các nguyên tắc chung về an toàn lao động trong sản xuất:
– Phòng tránh tai nạn luôn tốt hơn là giải quyết hậu quả sau khi tai nạn đã sảy ra.
– Cảm nhận được nguy cơ tiềm ẩn thì nên phòng tránh trước khi tiến hành làm việc.
– Sử dụng trang bị , dụng cụ bảo hộ cá nhân trong mọi công việc.
– Tuân thủ đúng các hướng dẫn về an toàn khi sử dụng đi kèm với máy móc và dụng cụ.
– Tuân thủ các qui tắc an toàn khi sử dụng điện và các dụng cụ điện.
– Kiểm tra chất lượng của dụng cụ va máy móc mà mình sẽ sử dụng trước khi làm việc.
– Đảm bảo khu vực làm việc được gọn gàng , không có những vật hay yếu tố có thể gây ra nguy hiểm trong quá trình làm việc.
Xem thêm: Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động
5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong an toàn lao động:
– Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.
– Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
– Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.
– Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.
– Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
– Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.
Xem thêm: Điều kiện đối với hộ kinh doanh cung cấp suất ăn cho công nhân
6. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc:
– Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
– Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
– Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
– Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
– Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.
– Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
– Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
– Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.