An ninh quốc gia là gì? Nhiệm vụ, chính sách bảo vệ an ninh quốc gia

Thưa luật sư, em có vấn đề thắc mắc rất mong cần được giải đáp ạ. Hiện nay em được biết về An ninh quốc gia là gì, vậy An ninh quốc gia là gì ở đây là gì?.Dấu hiệu pháp lý của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là gì? Em cảm ơn

 

1. Khái niệm an ninh quốc gia ?

An ninh quốc gia là sự ổn định và phát triển vững mạnh về mọi mặt: chế độ xã hội, dân cư, không gian sinh tồn, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khả năng phòng thủ đất nước; sự bảo đảm an toàn, trật tự tổ chức đời sống lao động, sinh hoạt xã hội của dân cư theo pháp luật của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

An ninh quốc gia bao gồm các nội dung an ninh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng – văn hoá, xã hội, quốc phòng, đối ngoại… và trật tự, an toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; an ninh đối với những cơ sở quan trọng nhất của sự sinh tồn và phát triển của quốc gia.

Luật an ninh quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khoá XI, kì họp thứ sáu thông qua ngày 3.12.2004 khẳng định an ninh quốc gia chính là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. An ninh quốc gia có hai mặt cơ bản: 1) Sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ và Nhà nước; 2) Sự bất khả xâm phạm về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Hai yếu tố này có quan hệ hữu cơ với nhau, ảnh hưởng, thậm chí quy định lẫn nhau; giải quyết mặt nà.y sẽ tăng cường củng cố mặt kia và ngược lại. Bảo vệ an ninh quốc gia là phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống lại mọi hoạt động xâm hại an ninh quốc gia; là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân, trong đó công an nhân dân và quân đội nhân dân là những lực lượng nòng cốt.

 

2. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia

+ Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

+ Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lí thống nhất của Nhà nước ; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt.

+ Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế – văn hoá, xã hội ; phối hợp có hiệu quả hoạt động an ninh, quốc phòng với hoạt động đối ngoại.

+ Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm :

+ Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị an ninh, tình báo, cảnh sát, cảnh vệ CAND.

+ Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị bảo vệ an ninh quân đội, tình báo quân đội nhân dân.

+ Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và trên biển.

.Các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm : Vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học kĩ thuật, nghiệp vụ, vũ trang.

Trật tự, an toàn xã hội : trạng thái xã hội bình yên trong đó mọi người được sống yên ổn trên cơ sở các quy phạm pháp luật, các quy tắc và chuẩn mực đạo đức, pháp lí xác định.

Đấu tranh giữ gìn trật tự an toàn xã hội bao gồm : Chống tội phạm ; giữ gìn trật tự nơi cộng cộng ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ; phòng ngừa tai nạn ; bài trừ tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường… Bảo vệ trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt và có chức năng tham mưu, hướng dẫn và trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự công cộng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tham gia phòng ngừa tai nạn, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường.

 

3. Chính sách an ninh quốc gia theo luật hiến pháp

Phương hướng phát triển lực lượng công an nhân dân được quy định tại Điều 67 Hiến pháp năm 2013 là:

“Nhà nước xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chổng tội phạm”.

Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để bảo vệ những thành quả của cách mạng, trấn áp những phần tử phản động, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chủ tịch Chính phủ đã ra sắc lệnh số 23 ngày 21/02/1946 về việc thành lập Việt Nam công an vụ thuộc Bộ Nội vụ. Mọi thành quả của cách mạng Việt Nam đều có công lao đóng góp của lực lượng công an nhân dân. Hiện nay tình hình an ninh, trật tự xã hội còn phức tạp. Các thế lực thù địch ở trong nước và ngoài nước cấu kết với nhau, ra sức khai thác cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội và những sơ hở của Nhà nước ta để chống phá. An ninh nội bộ, an ninh kinh tế, tư tưởng văn hoá, an ninh biên giới còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở thành phố, thị xã còn nhiều phức tạp, tình hình thất thoát lớn tài sản, tham nhũng, buôn lậu, đạo đức suy đồi… đang là những vấn đề nóng bỏng. Tình hình trên đòi hỏi nhà nước phải có những chính sách, biện pháp quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách có hiệu quả hơn. Riêng đối với công an nhân dân là “lực lượng nòng cốt” trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội càng phải được củng cố và xây dựng nhằm đảm nhiệm trọng trách được giao.

Vì vậy, Nhà nước ta chủ trương “xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tỉnh nhuệ, từng bước hiện đại” (Điều 67 Hiến pháp năm 2013). Chủ trương đó là hoàn toàn phù họp với thực tế của xã hội Việt Nam.

 

4.1 Khách thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia:

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia xâm phạm vào những quan hệ xã hội có tầm quan trọng đặc biệt, bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của tất cả các quan hệ xã hội khác.

Khách thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là xâm phạm vào an ninh chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: xâm hại sự tồn tại của chính quyền nhân dân, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân…

Khách thể trực tiếp của mỗi loại tội phạm được cụ thể trong từng điều luật như: khách thể của tội phản bội Tổ quốc là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…

 

4.2 Mặt khách quan của các tội xâm phạm an ninh quốc gia:

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia được biểu hiện bằng những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến các khách thể nêu trên. Tính chất của những hành vi này là nguy hiểm lớn hoặc đặc biệt lớn cho xã hội. Đa số các tội xâm phạm an ninh quốc gia được thực hiện bằng hành động, ví dụ, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, tội gián điệp, tội khủng bố,…Đa số các tội phạm trong nhóm tội này có cấu thành tội phạm hình thức. Chẳng hạn, tội phản bội Tổ quốc (điều 78), tội hoạt động nhằm lật đổ chỉnh quyền nhân dân (điều 79)…Một số tội phạm đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia khác lại có cấu thành tội phạm vật chất, ví dụ, tội hoạt động phỉ (điều 83), tội khủng bố (điều 84)…

 

4.3 Mặt chủ quan của tội xâm phạm an ninh quốc gia:

+ Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là xâm hại đến độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm hại đến chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thấy trước hành vi đó có thể làm suy yếu hoặc lật đổ chính quyền nhân dân nhưng vẫn mong muốn thực hiện.

+ Mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tất cả các tội phạm trong nhóm tội này. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội có mục đích chống lại hoặc làm suy yếu chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu cho phép phân biệt tội xâm phạm an ninh quốc gia với những tội phạm khác có các dấu hiệu của mặt khách quan tương tự.

+ Đông cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Động cơ phạm tội ở các tội này có thể khác nhau (thù hằn giai cấp, vụ lợi,…).

+ Chủ thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia:

Chủ thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch.

 

5. Quy định về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia

5.1 Nhóm tội trực tiếp uy hiếp sự tồn tại của chính quyền nhân dân:

a. Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108, Bộ luật hình sự năm 2015): là hành vi của công dân Việt Nam câu kết (là quan hệ qua lại chặt chẽ giữa người phạm tội với người nước ngoài) với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ XHCN và Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam.

b. (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dânĐiều 109,Bộ luật hình sự năm 2015): là hành vi hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân các cấp từ Trung ương đến địa phương.

– Hoạt động thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân có thể được thể hiện bằng một số hành vi như đề xướng chủ trương đường lối hoạt động của tổ chức (viết cương lĩnh, điều lệ, kế hoạch, chương trình hoạt động,…), tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp người vào tố chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

– Hoạt động tham gia tổ chức lật đổ chính quyền nhân dân là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ mục đích của tổ chức nhưng đã tán thành và nhận lời tham gia vào tổ chức, thực hiện chương trình, kế hoạch và hoạt động của tổ chức.

 

5.2 Nhóm tội trực tiếp uy hiếp sự vững mạnh của chính quyền nhân dân:

a. Tội gián điệp (Điều 110 – BLHS 2015 ): là hành vi của người nước ngoài, người không có quốc tịch hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống phá nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoặc là hành vi của công dân Việt Nam gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc giúp người nước ngoài hoạt động tình báo phá hoại; cung cấp hay thu nhập nhằm cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài hoặc những tin tức,tài liệu khác để nước ngoài sử dụng chống lại nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

b. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111 – BLHS 2015): là hành vi xâm nhập lãnh thổ, làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Theo đó:

– Xâm nhập lãnh thổ là hành vi vượt qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam một cách trái phép, có vũ trang hoặc bán vũ trang. Hành vi xâm nhập có thể diễn ra một cách lén lút hay công khai, bằng đường bộ, đường thủy hoặc đươngg không. Ngoài ra, hành vi này có thể kèm theo việc cướp, giết người, đốt phá tài sản,…

– Làm sai lệch đường biên giới quốc gia là hành vi làm thay đổi vị trí của các cột mốc biên giới quốc gia.

– Hành động khác có thể là bắn phá từ ngoài biển vào, từ lãnh thổ nước khác sang,…

c. Tội bạo loạn (Điều 112 – BLHS 2015 sửa đổi năm 2017): là hành vi hoạt động vũ trang (tập hợp đông người, trang bị vũ khí và dùng vũ lực công khai như tấn công cơ quan nhà nước, bắn giết cán bộ nhân dân,…) hay bạo lực có tổ chức (lôi kéo, tụ tập nhiều người không có vũ trang hoặc có nhưng không đáng kể tiến hành các hoạt động mít tinh, biểu tình, đập phá tài sản,…) nhằm chống lại chính quyền nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân..

d. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 – BLHS 2015): là hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của cán bộ, công chức hoặc công dân nhằm chống chính quyền nhân dân. (Ví dụ: cố ý gây thương tích, bắt giữ, đe dọa giết người,… với những cán bộ cốt cán, thành viên tích cực trong các hoạt động xã hội,…).

f. Tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 114 – BLHS 2015): là hành vi phá hủy hoặc làm hư hỏng những giá trị vật chất thuộc các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân.

g. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội (Điều 115 – BLHS 2015): là hành vi cố ý cản trở, không chấp hành hay chấp hành không đúng các chính sách kinh tế – xã hội của Nhà nước (như chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách phát triển kinh tế xã hội miền núi,…)

h. Tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116 – BLHS 2015): là hành vi tuyên truyền, kích động hoặc bằng thủ đoạn khác chia rẽ sự đoàn kết thống nhất toàn dân, đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đoàn kết quốc tế với mục đích chống chính quyền nhân dân. (Ví dụ: gây hằn thù, kì thị chia rẽ các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, các tôn giáo,…)

i. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 117 – BLHS 2015): là hành vi nhằm chống Nhà nước mà tuyên truyền, phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, làm, tàng trữ, lưu hành các văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân.

j. Tội phá rối an ninh (Điều 89 – BLHS 2015): là hành vi kích động, lôi kéo tụ tập đông người gây rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan nhà nước hay tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc những hành vi đồng phạm khác phá rối an ninh.

k. Tội chống phá trại giam (Điều 118 – BLHS 2015): là hành vi phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam nhằm chống chính quyền nhân dân.

l. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120 – BLHS 2015): là hành vi rời bỏ đất nước một cách bất hợp pháp (như dùng giấy tờ giả mạo để đánh lừa cơ quan có thẩm quyền, đe dọa người co trách nhiệm kiểm soát để ra đi,…) hoặc ra đi hợp pháp nhưng ở lại nước ngoài một cách bất hợp pháp (như ra đi để học tập, công tác nhưng khi đã hoàn thành nhiệm vụ thì không trở về nước theo quy định,..) nhằm chống chính quyền nhân dân.

q.Tội chống phá cơ sở giam giữ

w.Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.

 

6. Ví dụ về một tình huống phạm tội gián điệp

A (là công dân Việt Nam) là phóng viên của một tờ báo nhưng bất mãn vì không được đề bạt vào vị trí lãnh đạo. A thường tâm sự với B và C ( tổ chức chính trị nước ngoài). Biết rõ thái độ của A, nên B và C đề nghị A sưu tầm những thông tin đăng tải trong nước về những tồn tại, bất cập, khiếm khuyết của đất nước. B đã trả cho A 50 triệu đồng. A biết rõ B, C là thành viên một tổ chức nước ngoài có thái độ thù địch và chống Nhà nước Việt Nam. Hỏi:

1.A phạm tội phản bội Tổ quốc hay phạm tội gián điệp. tại sao?

2.Tội phạm do A thực hiện ở giai đoạn phạm tội nào?

 

Trả lời:

1. A phạm tội gián điệp

Để xác định A phạm tội gián điệp, chúng ta phải căn cứ vào các yếu tố chủ thể, khách thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm mà A gây ra trên cơ sở đối chiếu, so sánh và kiểm tra xem hành vi phạm tội của A có thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS hay không. Chúng ta thấy rằng:

+ Khách thể của tội phạm: Hành vi phạm tội gián điệp xâm phạm an ninh đối ngoại của nước Công hòa XHCN Việt Nam, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. An ninh đối ngoại được hiểu là nền độc lập của quốc gia, sự bất khả xâm phạm lãnh thổ và sự vững mạnh quốc phòng. Nền độc lập của quốc gia là chủ quyền của quốc gia, là sự tự quyết trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Sự bất khả xâm phạm lãnh thổ chính là biểu hiện sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia không thể bị chia cắt. Sức mạnh quốc phòng thể hiện khả năng phòng thủ đất nước. Hành vi phạm tội gián điệp nếu được thực hiện sẽ làm ảnh hưởng đến sự độc lập của quốc gia, bất khả xâm phạm lãnh thổ và khả năng phòng thủ đất nước.

+ Mặt khách quan của tội phạm: hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ở trong bài, A đã sưu tầm những thông tin đăng tải trong nước về những tồn tại, bất cập, khiếm khuyết của đất nước cho B và C (là thành viên của một tổ chức chính trị nước ngoài) để họ sử dụng các tài liệu gây nguy hại cho Việt Nam.

Về mặt chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội gián điệp có thể là công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch nếu họ thực hiện hành vi quy định tại Điều 110 BLHS 2015. Chủ thể của tội gián điệp còn có thể BLHS 2015:

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;

c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.

+ Về mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp. Mục đích của họ là chống chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của loại tội này. Động cơ phạm tội rất đa dạng như hận thù giai cấp, vụ lợi… nhưng không có ý nghĩa định tội mà chỉ có ý nghĩa khi quyết định hình phạt.

+ Một đặc điểm phải lưu ý ở tội gián điệp để không nhầm lẫn với tội phản bội Tổ quốc là hành vi câu kết. Cả hai tội đều giống nhau ở chỗ: có dấu hiệu quan hệ với nước ngoài nhưng khác nhau ở chỗ: Trong tội phản bội Tổ quốc, sự quan hệ có tính chất qua lại chặt chẽ, biểu hiện của sự câu kết. Trong tội gián diệp, sự quan hệ ít chặt chẽ hơn, thể hiện ở hành vi làm theo “sự chỉ đạo của nước ngoài”. Tội phản bội Tổ quốc nhằm mục đích thay đổi chế độ kinh tế – xã hội, lật đổ chính quyền nhân dân Còn tội gián điệp nhằm làm suy yếu chính quyền nhân dân một cách chung chung. Nếu công dân Việt Nam hoạt động gián điệp nhưng đã câu kết với nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền thì sẽ bị coi là phạm tội phản bội Tổ quốc.

Như vậy, A không câu kết với B và C về việc thu thập những thông tin trong nước về những tồn tại, bất cập, khiếm khuyết của đất nước. Do A là một phóng viên nên việc thu thập những tài liệu đó đối với A là không quá khó khăn, do đó B và C đã lợi dụng và trả cho A 50 triệu vì đã cung cấp tài liệu. Hành vi trên mang tính chất trao đổi mua bán nhưng vật trao đổi lại được dùng vào mục đích chống phá nhà nước, A biết rõ điều này nhưng vẫn làm do đó A đã phạm vào điểm c khoản 1 Điều 110 Bộ luật hình sự “cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy không cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài nhưng A đã có hành vi thu thập, cung cấp tin tức tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy không thể kết luận tội của A là phản bội Tổ quốc mà chỉ có thể kết luận A phạm tội gián điệp.

2. Tội phạm do A thực hiện ở giai đoạn hoàn thành, do:

Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm. Điều đó có nghĩa là: Các hành vi biểu hiện ra bên ngoài: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, hoàn cảnh phạm tội, vv… Thông qua biểu hiện bên ngoài ở mặt khách quan của tội phạm có thể đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Có động cơ và mục đích phạm tội. Chủ thể phạm tội là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định mà luật hình sự quy định đối với mỗi loại tội phạm.

Mặt khác, các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia là những tội có tính phản ánh giai cấp vì khách thể của nhóm tội này là những quan hệ xã hội có tính chính trị liên quan đến sự vững mạnh, tồn tại của chính quyền nhân dân; các loại tội phạm xâm hại đến an ninh quốc gia đều là lỗi cố ý trực tiếp của chủ thế, xâm hại đến an ninh quốc gia.

Ở đây, A có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi; nhận thức rõ được hành vi của mình là cung cấp những thông tin đăng tải trong nước về những tồn tại, bất cập, khiếm khuyết của đất nước cho tổ chức nước ngoài có thái độ thù địch, chống phá Nhà nước Việt Nam; và tất nhiên biết rõ nó gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.

Do vậy, tội phạm do A thực hiện ở giai đoạn hoàn thành.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay tới số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.