An ninh mạng là gì? Cơ hội nghề nghiệp và trường đào tạo
Mục Lục
Trong thời đại công nghệ số, ngành an ninh mạng đang ngày càng chứng tỏ sự quan trọng của mình. Bài viết này sẽ cung cấp đến bạn những thông tin thú vị xoay quanh ngành an ninh mạng như khái niệm, cơ hội nghề nghiệp, các trường đào tạo. Cùng khám phá ngay với mình nhé!
I. Ngành An ninh mạng là gì?
1. An ninh mạng là gì?
An ninh mạng (tiếng Anh: Cyber Security) là một loạt những hành động được thực hiện trên hệ thống điện tử nhằm bảo vệ máy tính, máy chủ, các thiết bị di động, hệ thống điện tử, mạng và dữ liệu khỏi nguy cơ bị xâm nhập và trộm cắp các thông tin bảo mật.
Một loạt những hành động này có thể đã được lên dự tính, hình thành một chiến lược, chiến thuật từ trước khi các cuộc tấn công này xảy ra. Các chiến lược có thể bao gồm công nghệ, cách thức hoặc các biện pháp bảo mật khác cho hệ thống, thiết bị và dữ liệu. Chúng được thiết kế để ngăn chặn truy cập trái phép vào dữ liệu được lưu trữ trên thiết bị vật lý hoặc trực tuyến.
Năm 2018, Luật An ninh mạng, căn cứ theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời. Tại khoản 1, điều 2 cũng đã quy định rõ: “An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.” Có thể thấy rằng, an ninh mạng là vấn đề mang tính quốc gia, phổ biến trên toàn thế giới.
2. Quá trình hình thành và phát triển
An ninh mạng bắt nguồn từ một thuật ngữ lâu đời hơn – an ninh thông tin. Đây cũng là hành động ngăn cản, phòng ngừa sự sử dụng, truy cập, tiết lộ, chia sẻ, phát tán, ghi lại hoặc phá hủy thông tin chưa có sự cho phép. Tuy vậy, vào thời kỳ trước, cách ghi chép và lưu trữ dữ liệu đều ở trên các đồ dùng, thiết bị vật lý.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của Công nghệ thông tin và Internet trong những năm qua, sự trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử, data,… ngày càng trở nên phổ biến và chiếm tỉ trọng lớn trong quá trình trao đổi thông tin. Cách truy cập dữ liệu cũ thay đổi. Khi công nghệ tiếp tục phát triển, hệ thống máy tính được kết nối với nhau để tạo thành mạng máy tính, cho phép các hệ thống chia sẻ tài nguyên, bao gồm cả dữ liệu. Điều này cũng gây ra một hệ lụy – rủi ro về mặt bảo vệ thông tin. Ngành An ninh mạng ra đời để đáp ứng nhu cầu này.
3. Phân loại An ninh mạng
Do tính phân hóa của mạng Internet, chia thành nhiều thành phần khác nhau. Nên hoạt động của An ninh mạng cũng trở nên đa dạng, áp dụng vào nhiều lĩnh vực và phân chia thành nhiều loại.
– Bảo mật mạng (Network Security) là thuật ngữ mô tả việc bảo vệ mạng máy tính khỏi những kẻ xâm nhập. Tại một số cơ quan lớn, thường sẽ có sự kết hợp các máy tính lại với nhau thông qua các thiết bị kết mạng và phương tiện truyền thông (giao thức mạng, môi trường truyền thông (giao thức mạng, môi trường truyền dẫn). Các máy tính trao đổi thông tin qua lại và thường là tài liệu quan trọng, cần sự bảo mật cao. Dù là các cuộc tấn công có mục đích hay những phần mềm độc hại gây rối đều sẽ được Bảo mật mạng chặn lại.
– Bảo mật ứng dụng (Application Security) tập trung vào việc ngăn chặn các phần mềm hoặc thiết bị khỏi những đe dọa bên ngoài. Ngày này, khi bạn tải một ứng dụng mới, ứng dụng đó được trao cho quyền làm một số hoạt động trên thiết bị của bạn. Một ứng dụng bị xâm phạm có thể cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu được thiết kế để bảo vệ. Bạn cần kiểm tra kỹ nguồn tải ứng dụng hoặc những quyền bạn cấp cho ứng dụng đó.
– Bảo mật hoạt động (Operational Security) bao gồm một loạt các hành động và quyết định xử lý để giải quyết và bảo mật tài sản dữ liệu. Ví dụ những thông tin về giao dịch nhân sự, địa điểm nhà riêng, quá trình di chuyển của bạn khi bị tiết lộ có thể gây ra nguy hiểm cho bản thân, tạo điều kiện của các đối tượng xấu. Bảo mật hành động sẽ loại bỏ các thông tin này và bảo vệ bạn.
– Phục hồi sau thảm họa và tiếp tục kinh doanh là định nghĩa cho việc các doanh nghiệp phản ứng với một sự cố an ninh mạng hoặc bất kỳ sự kiện nào dẫn đến việc mất dữ liệu hoặc không thể hoạt động. Các kế hoạch phục hồi sau thảm họa đã được lên kế hoạch trước sẽ giúp các doanh nghiệp khôi phục nguồn thông tin và hoạt động, nhanh chóng quay trở về với quỹ đạo làm việc như trước khi xảy ra sự cố..
– Giáo dục người dùng cuối (End-user Education) nói đến yếu tố khó đảm bảo nhất của an ninh mạng: con người. Dù cho cố ý hay chỉ là sự cố vô tình cũng có thể khiến cả hệ thống mạng sụp đổ. Giáo dục người dùng cuối tập trung chỉ cho người dùng các biện pháp hay cách thức để đảm bảo an ninh mạng như: chỉ cho người dùng cách xóa những email chứa tệp đính kèm đáng nghi, hoặc không cắm ổ USB không xác định nguồn gốc,…
II. Tại sao ngành An ninh mạng lại quan trọng?
Theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021, rủi ro mạng tiếp tục được xếp hạng trong số các rủi ro toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ, nhưng đồng thời cũng bộc lộ các lỗ hổng an ninh mạng lớn và vô cùng nghiêm trọng. An ninh mạng đã luôn là một trong những mối bận tâm lớn nhất của nhân loại kể từ ngày Internet ra đời và phổ biến, khiến chính phủ các quốc gia trên thế giới phải đau đầu tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Ở cấp độ cá nhân, một cuộc tấn công an ninh mạng có thể dẫn đến mọi thứ, từ đánh cắp danh tính, đến các nỗ lực tống tiền, đến việc mất dữ liệu quan trọng như ảnh gia đình. Mọi người đều dựa vào cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà máy điện, bệnh viện và các công ty dịch vụ tài chính. Bảo mật các tổ chức này và các tổ chức khác là điều cần thiết để giữ cho xã hội của chúng ta hoạt động.
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã từng nhận định: “Công nghiệp an ninh mạng có vai trò quan trọng không kém công nghiệp quốc phòng, góp phần phát triển nền kinh tế số Việt Nam và bảo vệ hòa bình cho Việt Nam. Việt Nam hiện có chiến lược trở thành cường quốc về an ninh mạng.”
Tìm việc làm, tuyển dụng IT có thể bạn quan tâm:
– Nhân viên IT Triển khai nội bộ
– Nhân viên Kiểm thử phần mềm Tester QC
III. Đặc điểm và mục tiêu của ngành An ninh mạng
1. Đặc điểm ngành An ninh mạng
An ninh mạng phát triển từ thành tựu công nghệ thông tin. Nếu bạn muốn chống lại các mối đe dọa, bạn cần có tiềm lực mạnh hơn, các công nghệ tiên tiến hơn đối thủ. Hiện nay, khi điện thoại thông minh, máy tính và máy tính bảng là một phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày và cuộc sống cá nhân mỗi chúng ta thì mức độ phụ thuộc vào các công cụ trực tuyến trong các khía cạnh khác nhau càng tăng cao. Đây là một cuộc chiến không khói thuốc, nhưng luôn là một chiến trường căng thẳng.
Các biện pháp bảo mật để bảo vệ mạng máy tính khỏi những kẻ xâm nhập, bao gồm cả kết nối có dây và không dây (Wifi) cần được lên kế hoạch và chiến lược ngay trước khi cuộc tấn công xảy ra. Mọi rủi ro đều phải tính đến để được đề xuất các kế hoạch phù hợp. An ninh mạng cũng là công cụ ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vô hiệu hóa hoặc làm gián đoạn hoạt động của hệ thống hoặc thiết bị.
2. Mục tiêu ngành An ninh mạng
– Tính bảo mật (Confidentiality): Đảm bảo mọi thông tin quan trọng không bị rò rỉ hay đánh cắp. Thông tin chỉ được phép truy cập bởi những người đã được cấp phép.
– Tính toàn vẹn (Integrity): Đảm bảo thông tin không bị thay đổi hoặc chỉ được phép chỉnh sửa bởi người có thẩm quyền. Ngoài ra, tính toàn vẹn còn đảm bảo thông tin vẫn còn chính xác khi được lưu trữ hay truyền đi.
– Tính sẵn có (Availability): Đảm bảo thông tin có thể được sử dụng bởi những người có quyền bất cứ khi nào họ muốn.
IV. Lỗ hổng bảo mật và các loại tấn công An ninh mạng
1. Các mối đe dọa đến An ninh mạng
Có rất nhiều tình huống có thể xảy ra để đe dọa an ninh mạng. Tuy vậy, dựa vào mục tiêu của cuộc tấn công, ta có thể chia làm 3 mối đe dọa lớn. Đầu tiên là tội phạm mạng (Cybercrime). Đây là hành động tấn công có chủ đích của cá nhân hoặc một nhóm tội phạm, thường với mục tiêu tài chính hoặc muốn đánh sập một hệ thống. Thứ hai là các cuộc tấn công mạng (Cyber Attack). Đây có thể là các chiến dịch không gian mạng, chiến tranh mạng hoặc khủng bố không gian mạng. Nó có thể là từ việc cài đặt phần mềm gián điệp trên máy tính cá nhân để cố gắng phá hủy cơ sở hạ tầng của cả quốc gia. Cuối cùng là các cuộc khủng bố mạng (Cyberterrorism). Theo quy định tại Khoản 9 điều 2 Luật An ninh mạng 2018 thì khái niệm khủng bố mạng được quy định như sau: “Khủng bố mạng là việc sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố”. Mục tiêu của các hành động này thường là phá hỏng hệ thống điện tử gây hoảng loạn và sợ hãi.
2. Phương pháp tấn công An ninh mạng
– Tấn công bằng phần mềm độc hại (Malware Attack): Đây có thể coi là một trong những phương pháp tấn công An ninh mạng phổ biến nhất. Đây là một phần mềm được các tội phạm mạng tạo ra để ngăn chặn hoặc phá hủy máy của một người dùng nhằm mục đích kiếm tiền hoặc các động cơ chính trị, hướng đến việc tạo ra các cuộc tấn công mạng. Có thể kể đến một vài loại Malware như: Virus, Trojans, Spyware, Ransomware, Adware, Botnets,…
– Tấn công cơ sở dữ liệu (SQL Injection Attack): SQL Injection cho phép những kẻ tấn công kiểm soát và đánh cắp dữ liệu từ cơ sở dữ liệu từ những lỗ hổng phần mềm. Chúng có thể chèn mã độc thông qua những câu lệnh SQL vào hệ thống, thay đổi cách thức phần mềm hoạt động. Từ đó những thông tin nhạy cảm trong cơ sở dữ liệu có thể dễ dàng bị truy cập.
– Tấn công giả mạo (Phishing Attack): Tấn công giả mạo là phương thức tội phạm gửi email, thực hiện các cuộc gọi giả mạo các công ty uy tín yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân. Hiện nay, ở Việt Nam, hình thức này trở nên rất phổ biến, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
– Tấn công trung gian (Man-in-the-middle Attack): là các tội phạm ngăn chặn đường truyền tin giữa hai cá nhân nhằm mục đích ăn cắp dữ liệu. Tấn công trung gian dễ xảy ra khi nạn nhân truy cập vào một mạng wifi không an toàn.
– Tấn công từ chối dịch vụ (Denial of Service): ngăn chặn một hệ thống máy tính thực hiện các yêu cầu hợp pháp bằng cách tạo ra một lượng traffic khổng lồ ở cùng một thời điểm khiến cho hệ thống bị quá tải. Điều này làm cho hệ thống không thể sử dụng được, ngăn chặn một tổ chức thực hiện các chức năng quan trọng.
– Tấn công “cửa hậu” (Backdoor Attack): Bảo vệ người dùng cuối hay bảo mật điểm cuối là một khía cạnh quan trọng của an ninh mạng. Sau tất cả, đe dọa an ninh mạng chỉ có thể xảy ra nếu một cá nhân (người dùng cuối) vô tình tải phần mềm độc hại hoặc các dạng mã độc khác xuống thiết bị của mình.
– Khai thác lỗ hổng (Zero-day Exploits): Lỗ hổng Zero-day là lỗ hổng bảo mật xảy ra một cách bất ngờ mà các nhà phát triển phần mềm không thể dữ liệu trước. Một cuộc tấn công ít phổ biến hơn nhưng để lại hậu quả vô cùng nặng nề vì chưa cho bản vá chính thức cho các lỗ hổng này.
V. Phương pháp bảo vệ dữ liệu khỏi tấn công mạng
Với tư duy không ai trong chúng ta có thể an toàn trong thế giới kết nối mở, đầy rẫy nguy cơ các cuộc tấn công mạng thì việc tìm ra các giải pháp để xử lý các cuộc tấn công mạng là hết sức cần thiết.
Đối với cá nhân, bạn có thể bảo vệ mật khẩu cá nhân bằng cách: đặt mật khẩu phức tạp, bật tính năng bảo mật 2 lớp – xác nhận qua điện thoại,… Hạn chế truy cập vào các điểm Wifi công cộng bởi một hệ thống mạng không có bảo mật sẽ rất dễ dàng bị tấn công xen giữa. Bạn cũng nên cập nhật ứng dụng và hệ điều hành lên phiên bản mới nhất. Bởi chúng đã được vá những lỗ hổng phần mềm và bảo vệ thiết bị của bạn. Sử dụng phần mềm anti-virus sẽ giúp bạn phát hiện và tiêu diệt mối đe dọa nhanh chóng. Ngoài ra, cũng không mở email lạ, click vào đường link không rõ nguồn gốc,…
Đối với tổ chức, doanh nghiệp thì trước tiên cần xây dựng một chính sách bảo mật với các điều khoản rõ ràng, minh bạch. Bạn có thể đánh giá bảo mật và xây dựng một chiến lược an ninh mạng tổng thể cho doanh nghiệp, bao gồm các thành phần: bảo mật Website, bảo mật hệ thống máy chủ, mạng nội bộ, hệ thống quan hệ khách hàng (CRM), bảo mật IoT, bảo mật hệ thống CNTT – vận hành,… Đặc biệt cảnh giác với các thiết bị – cài đặt các chương trình giám sát và ứng dụng bảo mật có cập nhật tự động. Tạo mạng riêng ảo (VPN) cho nhân viên từ xa. Doanh nghiệp cũng nên đào tạo về an ninh mạng – cung cấp cho nhân viên các phương pháp tốt nhất để xử lý dữ liệu khách hàng, sử dụng internet, mạng và các ứng dụng.
VI. Cơ hội nghề nghiệp ngành An ninh mạng
1. Mức lương và môi trường làm việc
Tùy thuộc vào vị trí công việc và môi trường làm việc, thì nhân viên làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng có mức thu nhập khác nhau, nhưng về cơ bản đều rất hấp dẫn thuộc hàng top. Ở Việt Nam thì thu nhập của nhân viên ngành an ninh mạng vào khoảng 35 – 60 triệu đồng/tháng. Sinh viên mới ra trường của ngành này cũng có mức lương khởi điểm khá tốt vào khoảng 11 – 15 triệu đồng/tháng.
2. Cơ hội việc làm và thăng tiến
Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp ngành an ninh mạng là rất cao, vì ngành này đang thiếu nguồn nhân lực trên thị trường. Theo báo cáo thị trường của TopDev, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai.
Sinh viên học an ninh mạng ra sẽ có các kiến thức chuyên môn và kỹ năng để tham gia vào các vị trí nghề nghiệp an ninh mạng như: bảo vệ thông tin dữ liệu, quản trị thông tin và hệ thống mạng, kỹ sư an ninh mạng, tư vấn lập trình và bảo mật doanh nghiệp, kỹ sư lập trình, kiểm tra ứng dụng website, quản trị và bảo mật cơ sở dữ liệu, kỹ sư phần mềm,…
VII. Các trường đào tạo ngành An ninh mạng
1. Ngành An ninh mạng học gì?
Trọng tâm của chuyên ngành học là những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các vị trí trong lĩnh vực An ninh mạng. Trong chương trình học, sinh viên sẽ cung cấp nền tảng kiến thức về Công nghệ thông tin như: Mạng quản trị, Phân tích dữ liệu, Mạng lưới thông tin.
Một số chương trình đào tạo và học phần thường gặp sẽ là: phân tích dữ liệu cơ bản, scripting cơ bản hoặc lập trình máy tính đại cương, phòng thủ không gian mạng, nguyên tắc thiết kế bảo mật, mật mã học đại cương, quản trị hệ thống,…
2. Trường đào tạo ngành An ninh mạng
– Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Đây là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài khoa học, công nghệ; định hướng phát triển thành đại học nghiên cứu ngang tầm với các đại học có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
– Trường Đại học Bách khoa TP.HCM: Trường Đại học Bách khoa (Ho Chi Minh City University of Technology) là trường đại học chuyên ngành kỹ thuật lớn của Việt Nam, thành viên của hệ thống Đại học Quốc gia, được xếp vào nhóm đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam.
– Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội: Sứ mạng của Nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến mũi nhọn trên cơ sở phát huy thế mạnh về Công nghệ thông tin và Truyền thông. Nhà trường cũng đã xác định sứ mạng tiên phong tiếp cận chuẩn mực giáo dục đại học khu vực và thế giới, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị đại học đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước. Sứ mạng này hoàn toàn phù hợp và thống nhất với chủ trương, giải pháp và các mục tiêu của Chương trình đổi mới toàn diện giáo dục đại học mà Đảng và Nhà nước đang triển khai thực hiện.
– Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia TP.HCM: Là trường thành viên của ĐHQG-HCM, trường ĐH CNTT có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, đồng thời tiến hành nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thông tin tiên tiến, đặc biệt là hướng vào các ứng dụng nhằm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
– Học viện Bưu chính viễn thông: Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, Học viện thực hiện hai chức năng cơ bản. Một là giáo dục, đào tạo cho xã hội và cho nhu cầu của Ngành thông tin và truyền thông Việt Nam. Hai là nghiên cứu khoa học, tư vấn, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu xã hội và nhu cầu của Ngành thông tin và truyền thông Việt Nam.
– Học viện Kỹ thuật mật mã: Học viện Kỹ thuật Mật mã là một trường đại học công lập trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, được thành lập ngày 17 tháng 2 năm 1995 có chức năng đào tạo cán bộ có trình độ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học kỹ thuật mật mã của ngành Cơ yếu Việt Nam. Học viện cũng được chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong tám cơ sở trọng điểm đào tạo nhân lực an toàn thông tin Việt Nam theo Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020
– Học viện Kỹ thuật quân sự: Học viện có nhiệm vụ đào tạo chuyên gia khoa học kỹ thuật và công nghệ, chỉ huy tham mưu kỹ thuật có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho quân đội và nhà nước. Đồng thời, Học viện có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự, kết hợp nghiên cứu và triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ với sản xuất và thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội.
– Học viện An ninh nhân dân: Học viện An ninh nhân dân trực thuộc Bộ Công an có trách nhiệm đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách của người cán bộ An ninh; nghiên cứu khoa học về An ninh nhân dân phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Xem thêm:
– Nghề nghiệp là gì? Cách định hướng nghề nghiệp trong tương lai
– MBTI là gì? Trắc nghiệm tính cách và nghề nghiệp phù hợp
– Ngành Luật là gì? Mức lương, cơ hội việc làm và trường đào tạo
Bên trên là các thông tin tổng quan về ngành An ninh mạng cũng như cơ hội việc làm và các cơ sở đào tạo. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho bạn trong quá trình định hướng sau này. Hãy để lại bình luận và chia sẻ bài viết nếu bạn thấy nội dung hữu ích nhé!
Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/An_ninh_mạng