Ăn mì tôm có gây béo không? Calo có trong 1 gói mì tôm?

Lượng calo trung bình một người cần có trong ngày là bao nhiêu?

Muốn trả lời chính xác câu hỏi ‘Ăn mì tôm có béo không?’, trước tiên cần quay lại vấn đề gốc: Lượng calo trung bình của một người cần có trong ngày là bao nhiêu, và liệu mì tôm có cung cấp vượt quá con số ấy, khiến bạn tăng cân? 

Hãy hình dung, mỗi loại đồ ăn thức uống bạn “nạp vào” hằng ngày đều cung cấp cho cơ thể một lượng calo nhất định. Cơ thể sử dụng lượng calo này để thực hiện các hoạt động như hít thở, vận động, suy nghĩ, tương tác nói chung… Nếu lượng calo bạn “nạp vào” quá nhiều, cơ thể không sử dụng hết, thì phần dư thừa sẽ tích trữ dưới dạng chất béo (mỡ). Lâu dần, năng lượng dư thừa này khiến bạn tăng cân. 

Nếu lượng calo bạn đưa vào cơ thể chỉ vừa đủ nhu cầu sử dụng hoặc ít hơn, cơ thể sẽ giữ nguyên cân nặng hoặc giảm cân. 

Như vậy:

· Năng lượng nạp vào > Năng lượng sử dụng: Dư năng lượng, tăng cân

· Năng lượng nạp vào = Năng lượng sử dụng: Giữ nguyên cân nặng

· Năng lượng nạp vào < Năng lượng sử dụng: Thiếu năng lượng, giảm cân 

Trên thực tế, lượng calo mỗi người cần hằng ngày không hoàn toàn giống nhau. Theo thông tin của Viện Dinh dưỡng, nhu cầu này dao động vào khoảng 2.000-2.300 kcal/ngày cho nữ giới và 2.300-2.800 kcal/ngày cho nam giới người Việt Nam với mức hoạt động trung bình. Thông thường:

· Nam giới cần lượng calo nhiều hơn nữ giới

· Người lao động tay chân cần lượng calo nhiều hơn người lao động văn phòng

· Người độ tuổi thanh niên, trung niên cần lượng calo nhiều hơn người cao tuổi hoặc trẻ em

· Người có vóc dáng cao lớn cần lượng calo nhiều hơn người vóc dáng nhỏ bé

· Người tập luyện thể chất cần lượng calo nhiều hơn người hoàn toàn không tập  

Hiểu được vấn đề tổng quát này, bạn sẽ lý giải được tại sao có người ăn rất nhiều vẫn không tăng cân, ngược lại có người ăn chỉ duy nhất 1 chén cơm mỗi bữa vẫn tăng cân như thường. Điều quan trọng là chúng ta phải kiểm soát được mức năng lượng đưa vào (thông qua các bữa ăn), bảo đảm mức năng lượng này không dư thừa so với nhu cầu của cơ thể nếu muốn giữ nguyên cân nặng, không làm tăng cân. 

Mức năng lượng một gói mì tôm mang lại, có gây tăng cân?

Quay về với thắc mắc ăn mì tôm có mập không, hãy thử cùng phân tích xem một gói mì tôm mang đến cho bạn mức năng lượng thế nào và tại sao nhiều người lại đồn thổi việc ăn mì tôm làm tăng cân như vậy. 

· Một gói mì tôm khoảng 75g (loại phổ biến trên thị trường) sẽ mang đến cho người dùng vào khoảng 350 calo.

· Trong khi đó, một phụ nữ với vóc dáng trung bình, nhu cầu năng lượng khoảng 2.000 calo/ngày, chia thành 3 bữa ăn sẽ cần khoảng 600 calo/bữa. Như vậy, rõ ràng một gói mì tôm cung cấp 350 calo còn hơi ít so với nhu cầu cơ thể cần, không thể là nguyên nhân tăng cân được.

· Trường hợp nếu người dùng là nam giới, vận động nhiều, ăn cùng lúc 2 gói mì tôm (khoảng 700 calo) cũng vẫn chỉ mới đạt mức tạm đủ nhu cầu cơ thể cần. 

Nhìn vào “bài toán” gồm các con số cụ thể này, với câu hỏi ‘Ăn mì tôm có béo không?’ có thể trả lời ngay là: Không!  

Cũng cần nói thêm, sở dĩ nhiều người thường suy luận ăn mì tôm bị tăng cân là do thấy mì tôm có thành phần tinh bột (từ vắt mì) là chủ yếu, đồng thời e ngại mì tôm nhiều chất béo (từ gói dầu gia vị, dầu chiên trong vắt mì). Kỳ thực, lượng tinh bột trong 1 vắt mì chỉ tương đương lượng tinh bột của 1 chén cơm, bún, phở…, tức là vào khoảng 40-50g chất bột đường. Lượng chất béo trong mì tôm cũng chỉ khoảng 11-13g, trong khi nhu cầu chất béo của người bình thường có thể lên tới 60g/ngày.

Vì vậy việc tăng cân phụ thuộc phần lớn vào chế độ ăn uống hằng ngày của bạn đã cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng, giữa năng lượng nạp vào và sử dụng hay chưa, chứ không phải đến từ một loại thực phẩm cụ thể nào đó, như là mì ăn liền.

Ăn mì tôm nhiều ngày liên tiếp có gây béo phì?

Như đã phân tích, mì tôm vốn không phải nguyên nhân  gây tăng cân. Tuy nhiên, tình trạng ăn mì tôm sai cách sau đây lại có thể dẫn đến tăng cân vùn vụt:

· Để món mì tôm thơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng hơn, nhiều người thường bổ sung vào mì tôm một số nguyên liệu như: thịt, cá, tôm, mực, trứng, xúc xích, chả lụa, thịt nguội… Việc bổ sung thêm lượng đạm này rất tốt để tạo nên bữa ăn cân bằng dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu vì “quá tay”, cho thêm vào món mì tôm lượng chất đạm quá nhiều, hơn mức nhu cầu cơ thể cần trong bữa ăn thì đây chính là nguyên nhân dẫn đến tăng cân.

Cách khắc phục: Bạn chỉ nên cân đối lượng đạm bổ sung vừa đủ vào khẩu phần mì tôm. Ngoài đạm nên thêm các loại rau củ để tăng chất xơ, vitamin và khoáng chất. Rau củ sẽ khiến món mì thêm hấp dẫn và rau củ cũng ít năng lượng, chứa nhiều chất xơ để không làm tăng cân.

· Ăn uống mất cân bằng, không tính toán năng lượng tổng thể. Ví dụ như bạn đã ăn 3 bữa với lượng calo đầy đủ, nhưng đến tối lại thích “ăn thêm” một tô mì vào bữa khuya, thì tổng năng lượng sẽ dư ra, gây tăng cân. Bên cạnh đó, việc ăn khuya bất kỳ món gì cũng là nguyên nhân dễ gây tích trữ mỡ thừa, vì đây là thời điểm cơ thể nghỉ ngơi, không kịp sử dụng hết năng lượng nạp vào đó.

Cách khắc phục: Cân đối để các bữa ăn trong ngày (bao gồm món mì tôm yêu thích) cung cấp vừa đủ nhu cầu năng lượng cơ thể cần. Hạn chế trường hợp ăn khuya thường xuyên. 

Ngoài ra, nên xây dựng nếp sinh hoạt lành mạnh và điều độ, như tập thể dục hằng ngày, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, tránh ăn vặt quá nhiều… Những vấn đề về lối sống như lười vận động, mất ngủ, stress… đều là những nguyên nhân dễ gây tăng cân mà nhiều người quên chú ý. Riêng câu hỏi ăn mì tôm có béo không, bạn hoàn toàn có thể yên tâm nếu ăn đúng cách, cân đối dinh dưỡng, bổ sung đủ đạm và chất xơ thì đây là những bữa ăn lành mạnh, không gây tăng cân như nhiều người nhầm tưởng.

PV