Ẩn dụ là gì? Phân loại và tác dụng | Ví dụ cụ thể
Ẩn dụ là gì? Bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về “Ẩn dụ” – một biện pháp tu từ được sử dụng khá nhiều trong văn, thơ lẫn ca dao tục ngữ, góp phần tạo nên nét độc đáo cho nhiều tác phẩm văn học.
1. Khái niệm ẩn dụ
Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Ví dụ:
“Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Đoạn trích trên, Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp ẩn dụ, hình ảnh “hoa lựu” nở đỏ lập lòe giống như đóm lửa, với sự miêu tả sinh động đó, tác giả đã thành công gợi lên cho người đọc một bức tranh mùa hè có màu sắc rực rỡ, sống động.
2. Phân loại
Căn cứ theo cách thức và mục đích sử dụng của người nói, người viết mà phép “Ẩn dụ” được chia thành bốn loại chính như dưới đây:
- Ẩn dụ hình thức.
- Ẩn dụ cách thức.
- Ẩn dụ phẩm chất.
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
2.1. Ẩn dụ hình thức
Là ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về hình thức (màu sắc, hình dạng, …) giữa các sự vât, hiện tượng.
Khi sử dụng phép ẩn dụ này, câu văn câu thơ cũng bị ẩn đi một phần ý nghĩa của nó.
Ví dụ:
“Về thăm quê Bác làng Sen.
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.”
(Nguyễn Đức Mậu)
Ở đây hình ảnh hàng hoa râm bụt đỏ cùng với ngọn lửa có nét tương đồng với nhau về màu sắc. Tác giả đã khéo léo vận dụng phép ẩn dụ hình thức tạo nên sự gợi hình, gợi cảm cho câu chữ.
2.2. Ẩn dụ cách thức
Là ẩn dụ dựa trên các nét tương đồng về cách thức thực hiện hành động giữa các sự vật, hiện tượng.
Ở phép ẩn dụ này người dùng thường đưa hàm ý của mình vào câu văn.
Ví dụ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. (Tục ngữ)
“Kẻ trồng cây” là một hình ảnh ẩn dụ, ám chỉ người lao động tạo ra giá trị bằng chính sức lao động của mình giống như người trồng cây chờ đơm hoa kết quả, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta phải nhớ đến nguồn gốc của những giá trị mà chúng ta đang hưởng thụ ngày hôm nay.
2.3. Ẩn dụ phẩm chất
Ẩn dụ phẩm chất là phép tu từ dựa trên sự tương đồng về phẩm chất để thay thế sự vật, hiện tượng này bằng sự vật, hiện tượng khác.
Ví dụ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” (Tục ngữ)
Mực có màu đen làm chúng ta liên tưởng đến cái xấu. Tương phản, đèn sáng sẽ làm chúng ta liên tưởng đến cái hay, cái tốt.
2.4. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
Là cách thức nhận biết sự vật, hiện tượng bằng giác quan này nhưng khi miêu tả lại tính chất, đặc điểm của sự vật, hiện tượng đó lại sử dụng từ ngữ cho giác quan khác.
Ví dụ:
“Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”.
(Đêm Côn Sơn, Trần Đăng Khoa)
Câu thơ trên tác giả đã sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, với sự chuyển đổi từ thính giác (tiếng rơi) sang xúc giác (mỏng) lẫn thị giác (rơi nghiêng) làm cho câu thơ trở nên sinh động, khiến người đọc dễ dàng hình dung được tiếng rơi nhẹ nhàng của chiếc lá.
3. Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ
Hoán dụ là cách gọi tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Như chúng ta thấy, ẩn dụ và hoán dụ có rất nhiều điểm tương đồng, cùng #giangbec xem nội dung dưới đây để tìm hiểu điểm giống và khác nhau giữa hai hình thức tu từ này:
+ Giống nhau: Ẩn dụ và hoán dụ đều là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác nhằm làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.
+ Khác nhau:
Ẩn dụ: Dựa trên mối quan hệ tương đồng (có đặc điểm giống nhau) giữa các sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hoa lựu có màu đỏ như lửa, màu sắc giống nhau.
Hoán dụ: Dựa trên mối quan hệ tương cận (có quan hệ gần gũi nhau) giữa các sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: “Áo nâu liền với áo xanh. Nông thôn cùng với thành thị đứng lên.” (Tố Hữu)
Màu áo nâu chỉ người nông dân, gắn liền với nông thôn. Màu áo xanh chỉ người công nhân, gắn liền với thành thị.
4. Phân biệt ẩn dụ và so sánh
Trước tiên chúng ta cần hiểu “so sánh” là gì? So sánh là đối chiếu sự vật hiện tượng này với sự vật hiện tượng khác có nết tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt.
Vậy ẩn dụ và so sánh có những điểm giống và khác nhau nào, cùng theo dõi nội dung sau:
+ Giống nhau: Sử dụng dựa trên những nét tương đồng giữa các sự vật, hiện tượng khác nhau. Làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.
+ Khác nhau:
Ẩn dụ:
- Lấy sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác.
- Không cần từ ngữ hay dấu câu để phân biệt giữa các sự vật hiện tượng.
- Các sự vật, hiện tượng trong phép ẩn dụ mang ý nghĩa ngang bằng hoặc tương đương.
Ví dụ: “Người Cha mái tóc bạc. Đốt lửa cho anh nằm.” (Đêm nay Bác không ngủ – Minh Huệ)
Người cha là hình ảnh ẩn dụ để chỉ Bác Hồ.
Giữa hai sự vật, hiện tượng không cần dùng từ ngữ để phân biệt.
Hoán dụ:
- Đối chiếu sự vật hiện tượng này với sự vật hiện tượng khác.
- Cần sử dụng từ ngữ hoặc các dấu hiệu nhận biết giữa hai vế.
- So sánh có thể ngang bằng hoặc không ngang bằng.
Ví dụ: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan.” (Hồ Chí Minh)
Trẻ em non nớt, yếu đuối như búp trên cành, cần được bảo vệ.
Giữa trẻ em và búp trên cành có sử dụng từ để so sánh là từ “như”.
5. Ẩn dụ trong thơ văn và đời sống
Ẩn dụ là biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ, bao gồm ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ viết, nó xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong ca dao, tục ngữ, trong các tác phẩm văn học và cả trong đời sống, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm cho vốn từ, giúp người đọc, người nghe có thể dễ dàng hình dung được một sự vật hiện tượng.
Không thể phủ nhận giá trị nghệ thuật mà ẩn dụ mang lại cho văn thơ Việt Nam khi trong kho tàng văn học Việt Nam có vô số tác phẩm, mỗi tác phẩm lại có một màu sắc riêng.
Như “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du, ông đã vận dụng rất nhiều biện pháp tu từ trong đó có ẩn dụ, thành công khắc họa cho người đọc một bức tranh sống động về xã hội phong kiến thời bấy giờ, trong đó có phong cảnh, có nhân vật, có một nàng Thúy Kiều “làn thu thủy, nét xuân sơn” hay một nàng Thúy Vân “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”.
Ngoài ra ẩn dụ cũng len lỏi vào trong đời sống hằng ngày và được sử dụng rất nhiều trong giao tiếp.
—–
Trên đây là một số nội dung về ẩn dụ mà mình sưu tầm và tổng hợp được, hy vọng thông qua bài viết này mọi người có thể hiểu hơn về ẩn dụ cũng như có thể vận dụng ẩn dụ vào trong giao tiếp.
Giang Béc