Ấn Độ tràn ngập sắc màu trong lễ hội Holi
Mục Lục
Được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Phalgun theo lịch Hindu, lễ hội Holi hay còn được gọi là “Lễ hội Sắc màu”, là một trong những lễ hội quan trọng của Ấn Độ, cũng như nhiều quốc gia có cộng đồng người theo đạo Hindu sinh sống.
Hàng năm, người Hindu ở Ấn Độ tưng bừng tổ chức lễ hội sắc màu hấp dẫn mang tên Holi. Đây là một trong những lễ hội lâu đời nhất Ấn Độ. Lễ hội Holi diễn ra vào ngày trăng tròn cuối cùng của tháng Phalguna theo lịch Hindu, thường thì có thể rơi vào các ngày từ cuối tháng hai đến cuối tháng ba. Năm nay, lễ hội Holi được tổ chức từ ngày 09/03 đến 10/03/2020.
Holi – Lễ hội màu sắc truyền thống của Ấn Độ
Vào dịp này, người ta sẽ đốt lửa, ném bột, tưới nước màu vào nhau, với mong muốn chào đón mùa xuân với nhiều ý nghĩa về tuổi trẻ, mùa màng bội thu và sức sống tràn trề. Lễ hội Holi được tổ chức ở hầu hết mọi nơi trên đất nước Ấn Độ, nhưng tổ chức lớn nhất là tại Mathura, cách Delhi khoảng 4 giờ đồng hồ.
Đôi nét về nguồn gốc lễ hội
Có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc của lễ hội ném bột màu nổi tiếng Ấn Độ mà trong số đó, nổi tiếng nhất là câu chuyện về nữ quỷ có tên Holika và Prahlad. Prahlad là con trai của Hiranyakashipu – vua của muôn loài ma quỷ.
Truyền thuyết kể rằng, Hiranyakashipu không hài lòng khi biết con trai Prahlad tin tưởng và thờ thần Vishnu – người bảo vệ của nhân loại. Do vậy vua quỷ tức giận, quyết định giết con để ra uy nhưng mọi nỗ lực của hắn đều thất bại. Vua quỷ bèn nhờ em gái là Holika là người vốn có sự miễn nhiễm với lửa để trừng phạt con trai. Hắn ta đốt một đống lửa lớn, bảo Holika ngồi lên đống lửa, tay ôm chặt Prahalad. Thần Vishnu bèn hiện hình để cứu Prahalad và quỷ Holika đã bị trừng phạt. Ngọn lửa được đốt trong đêm Choti Holi được người Ấn Độ tin rằng là biểu tượng của sự tiêu diệt ma quỉ và bóng tối.
Ngoài ra còn có những câu chuyện khác liên quan tới Holi, giống như chuyện của Krishna và Radha. Krishna có làn da là màu xanh, đem lòng yêu Radha. Nhưng vì xấu hổ bởi màu da khác nhau của mình, Krishna làm theo lời khuyên của mẹ và bôi sơn lên mặt mình để hai người có làn da giống nhau.
Ý nghĩa từng màu sắc
Mỗi màu sắc mang một ý nghĩa khác nhau
Màu sắc có ý nghĩa khác nhau trong suốt Holi, xanh lá cây là một biểu tượng cho sự tinh khiết ở Ấn Độ, trong khi màu đỏ đại diện cho lễ hội. Màu đỏ tươi được cho là biểu tượng cho sự thay đổi, trong khi màu da cam được xem là màu sắc của hạnh phúc. Màu sắc khác nhau thường được làm bằng các vật liệu khác nhau, bao gồm các loại thảo mộc và gia vị, hoa và bột. Nhiều tuần chuẩn bị cho Holi, để có được màu sắc vừa phải.
Các nghi lễ truyền thống
Nghi thức đốt lửa Holika Dahan – tượng trưng cho sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác
Những ngày trước khi diễn ra lễ hội, người dân bắt đầu thu thập gỗ và các vật liệu dễ cháy cho lửa trại. Đặt trên giàn thiêu là một hình nộm tượng trưng cho Holika – người đã lừa Prahalad vào lửa. Trong mỗi nhà thường được chuẩn bị những món đặc trưng cho ngày lễ hội như mathri, gujiya, malpuas… Vào đêm trước của lễ hội, mọi người sẽ tụ tập lại để chuẩn bị cho nghi thức Holika Dahan – tượng trưng cho sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, bằng cách châm lửa lên các giàn thiêu đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, cùng nhau nhảy múa hát hò quanh đống lửa.
“Cuộc chiến” của những màu sắc đầy ấn tượng
Lễ hội Holi chính thức được bắt đầu vào buổi sáng hôm sau bằng màn chơi đùa cùng màu sắc. Theo truyền thống, những loại bột màu được pha trộn từ các loại thực vật tự nhiên, do đó có thể dễ dàng tẩy sạch như nghệ tây, gỗ đàn hương và hoa hồng. Khắp đường phố đều ngập tràn trong những màu sắc đầy ấn tượng và cũng chính vì thế lễ hội Holi còn được thế giới biết đến với tên gọi là “Lễ hội sắc màu”. Sau khi “cuộc chiến” màu sắc được tạm dừng, mọi người cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống và uống Bhang, một loại đồ uống từ thảo mộc không thể thiếu của lễ hội. Và theo quan niệm của người Ấn Độ, lễ hội Holi có ý nghĩa như là một biểu tượng của sự tha thứ và sự khởi đầu, với mục đích tạo ra sự hài hòa trong xã hội, bỏ lại đằng sau mọi thù hận.
Những biến thể khác của lễ hội
Ở vùng Braj gần Mathura, phía bắc Ấn Độ, lễ hội có thể được kéo dài hơn một tuần lễ. Tại đây, người ta không chỉ vui chơi với màu sắc mà còn có riêng một ngày đặc biệt khác, khi mà những người đàn ông đi xung quanh với tấm lá chắn và những người phụ nữ có quyền đánh vào những tấm lá chắn của họ bằng gậy. Còn ở phía nam Ấn Độ, người dân lại thờ phụng và cúng dường cho Kaamadeva, vị thần tình yêu trong thần thoại Ấn Độ vào dịp lễ hội.
Ấn Độ không chỉ nổi tiếng với những lễ cưới đầy màu sắc, hay những chiếc áo sari lộng lẫy mà còn mê hoặc mọi vị khách ghé thăm bởi những lễ hội độc đáo mà Holi chính một trong những là lễ hội lớn nhất và sôi động nhất của Ấn Độ. Còn chần chờ gì không cùng PYS Travel đến và tham gia lễ hội độc đáo này thôi nào!
XEM THÊM
>> TOUR BAY THẲNG TP.HCM – ẤN ĐỘ 5N4Đ: Thăm Ấn Độ Kỳ Thú
Hotline: 028.44 50 60 70