Âm nhạc truyền thống trong cuộc sống hôm nay – Redsvn.net
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, ông cha ta đã dày công sáng tạo và hun đúc một nền văn hóa âm nhạc truyền thống phong phú, độc đáo và mang những đặc trưng riêng nhưng thống nhất trong đa dạng giữa các vùng miền và các tộc người anh em chung sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Là một bộ phận không nhỏ của nền văn hóa Việt Nam, âm nhạc truyền thống có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của mỗi tộc người.
Toàn bộ diện mạo nền âm nhạc truyền thống được người dân Việt Nam sáng tạo trong quá trình lao động và sinh hoạt đời thường qua lịch sử, nhìn một cách đại thể, có thể chia ra hai dòng: Âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp – bác học.
Dòng Âm nhạc dân gian là nền tảng, là cơ sở để xây dựng trên đó nền âm nhạc chuyên nghiệp, hiện đại. Dòng âm nhạc này có thể chia ra làm ba mảng là: Âm nhạc gắn với vòng đời như hát ru con (trẻ sơ sinh), hát đồng dao (tuổi nhi đồng), hát đối đáp – giao duyên và âm nhạc tang lễ; âm nhạc gắn với lao động (như hò đi cấy và các điệu hò của ngư dân miền biển); âm nhạc trong nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng như âm nhạc Phật giáo, âm nhạc trong tế lễ thành hoàng làng và âm nhạc Hát văn trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Dòng Âm nhạc chuyên nghiệp-bác học có quá trình phát triển, đào thải và tinh lọc đến độ chuẩn mực, được quy chuẩn bằng thang âm, điệu thức có quy luật ổn định và có hệ thống bài bản rõ ràng. Người thực hành dòng âm nhạc này phải trải qua quá trình đào tạo một cách bài bản và bền bỉ, đồng thời sau khi thực hành thuần thục thì họ có thể sống được bằng nghề hoặc lấy nghiệp đàn hát làm nghề chính để sinh nhai. Âm nhạc chuyên nghiệp hiện nay chủ yếu của người Việt, có các loại hình như: Ca trù, tuồng, chèo, đờn ca tài tử (bán chuyên nghiệp), cải lương, hát xẩm v.v…
Âm nhạc truyền thống luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân các dân tộc Việt Nam. Gắn liền với vòng đời người, âm nhạc dân gian đã có mặt ngay từ khi đứa trẻ mới sinh ra cho đến khi con người trở về bên kia thế giới. Âm nhạc là phương tiện chuyển tải nội dung giáo dục tình cảm, đạo đức cho trẻ, là phương tiện để các chàng trai, cô gái đến với nhau, gửi gắm tình yêu thương cho nhau. Âm nhạc cũng còn là phương tiện để những người cao tuổi, trong những dịp lễ hội hay hôn lễ, giáo dục đạo làm người, tình yêu nước thương nòi. Âm nhạc cũng là phương tiện để người ta thể hiện nỗi đau mất mát khi có người thân hay người láng giềng mất đi…
Âm nhạc như một sợi dây liên kết giữa con người với các đấng thần linh. Những già làng, trưởng bản (dân tộc thiểu số) cũng qua những giai điệu âm nhạc cầu cúng mà chuyển lời thỉnh cầu tới thần linh, mong những điều tốt đẹp đến với gia đình, buôn làng, mong mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt và ấm no hạnh phúc. Cồng chiêng và trống cùng các nhạc cụ khác, trong nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, cũng thay lời con người gửi gắm đến những vị thần linh để nói lên những mong muốn, nguyện cầu những điền may mắn và xua tan những điều tai ương, đen tối.
Mỗi giai điệu âm nhạc của những bài dân ca, của những âm thanh cồng chiêng, sáo, nhị v.v… đều thể hiện cái hồn cốt của mỗi dân tộc, được ông cha ta hun đúc, gửi gắm và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Có thể nói, âm nhạc truyền thống Việt Nam như một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân đất Việt, góp phần làm nên con người với đặc tính và đặc trưng riêng của văn hóa Việt Nam.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã có lúc nhiều loại hình trong số đó tưởng chừng bị thất truyền, song với những giá trị và vai trò đích thực của nó trong đời sống xã hội của người Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã và đang dành nhiều quan tâm nhằm phục hồi, bảo tồn và tôn vinh nền âm nhạc truyền thống nước nhà, trong đó đáng chú ý là những tôn vinh và quan tâm cụ thể tới đội ngũ nghệ nhân và nghệ sĩ là “di sản nhân văn sống”. Để tiếp tục đưa âm nhạc truyền thống đi sâu, mạnh vào đời sống xã hội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các thể loại âm nhạc truyền thống, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã và đang nắm giữ kho di sản quý báu của dân tộc. Các trường âm nhạc chuyên nghiệp cần tăng cường mở khoa đào tạo âm nhạc truyền thống. Các đoàn nghệ thuật từ Trung ương tới địa phương cần có kế hoạch xây dựng các chương trình hoặc đưa hàm lượng các tiết mục âm nhạc truyền thống là đặc sản ở địa phương mình vào mỗi chương trình, góp phần quảng bá và kêu gọi mọi người dân cùng hiểu và tham gia vào quá trình phục hồi và phát huy âm nhạc truyền thống vào cuộc sống đương đại.
Theo NGUYỄN ĐÌNH LÂM / QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Tags: Văn hóa Việt
Tags: Âm nhạc