Âm nhạc dân tộc trong dòng chảy văn hóa
(Ngày Nay) – Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 ngay từ khi ra đời đã định hướng công cuộc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn nền âm nhạc truyền thống dân tộc là nền tảng vững chắc, tạo đà để di sản âm nhạc cổ truyền phát triển mạnh mẽ.
Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 ngay từ khi ra đời đã định hướng công cuộc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn nền âm nhạc truyền thống dân tộc là nền tảng vững chắc, tạo đà để di sản âm nhạc cổ truyền phát triển mạnh mẽ.
—————————
Ngay từ năm 1942, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát – người đi đầu trong công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân tộc đã cho ra mắt những chuyên luận công phu về âm nhạc dân tộc. Nguyễn Xuân Khoát được biết đến là người có công đầu trong việc khơi lại giá trị nghệ thuật của Ca trù, một trong những di sản phi vật thể của Việt Nam, qua các nghiên cứu về “Âm nhạc lối hát Ả đào”, “Tiếng hát của Đào nương”, “Nghệ thuật hát của Đào nương”. Trong bối cảnh cả nước còn đang đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Việt Nam gần như chưa có khái niệm “sưu tầm”, “nghiên cứu” âm nhạc. Thế hệ các nhạc sĩ chuyên nghiệp đến với công việc này bắt nguồn từ lòng yêu nước. Nguyễn Xuân Khoát nổi bật lên như “cánh chim đầu đàn” của nền Tân nhạc, ông khẳng định, văn hóa dân tộc biểu thị cao nhất cho lòng yêu nước.
Nền âm nhạc Việt Nam có những sự thay đổi khá lớn trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Cụ thể là việc phân hóa nền nhạc lý mang tính chất hoàn toàn Á Đông thành hai dòng chảy văn hóa âm nhạc, với Nhạc dân tộc cổ truyền (nhạc dân gian, cung đình truyền thống) và Tân nhạc (âm nhạc có sự tiếp thu tri thức từ Tây phương).
Vào thời điểm đó, nền âm nhạc dân tộc truyền thống được kế thừa từ di sản từ các thế hệ đi trước, sau nhiều năm Pháp thuộc, đang ở trong một trạng thái đáng buồn khi nhã nhạc cung đình Huế hầu như tan rã, nhạc lễ dân gian chỉ còn một vài phường bát âm ở miền Bắc. Nghệ thuật ca trù tinh hoa biến tướng thành dòng hát dành cho các “cô đầu” ở Khâm Thiên, Vạn Thái, Ngã Tư Sở. Nhiều nghệ nhân chèo, tuồng giải nghệ kéo theo sự mai một của các loại hình này.
Về phía Tân nhạc, đây là giai đoạn có nhiều thay đổi trong nghệ thuật văn học Việt Nam nói chung. Tân nhạc được khuyến khích từ Phong trào Thơ mới và dòng văn học lãng mạn, nên cũng như giới nhà văn, thi sĩ, các nhạc sĩ tiền chiến chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây. Nền nhạc lý châu Âu, đặc biệt là Pháp được lấy làm tiêu chuẩn để soi chiếu âm nhạc Việt.
Sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam vào năm 1943 đã trở thành kim chỉ nam, nguồn cổ vũ mạnh mẽ văn nghệ sĩ, nhạc sĩ trong nước. Công cuộc nghiên cứu, học tập âm nhạc dân tộc, sưu tầm di sản âm nhạc cổ truyền lan rộng, định hướng đến mục tiêu giáo dục âm nhạc dân tộc theo hướng “đại chúng hóa”, chuyển đổi và đưa vào trong các tác phẩm, sáng tác ca ngợi cuộc chiến tranh vệ quốc.
Tháng 11/1950, Ban Âm nhạc, Vụ Văn học Nghệ thuật trực thuộc Bộ Giáo dục được thành lập với trưởng ban là nhạc sĩ Văn Cao. Đây là cơ quan tập hợp các nhạc sĩ trong cả nước, có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Các công trình sưu tầm nghiên cứu đáng ghi nhận đầu tiên Ban Âm nhạc phải kể đến nhạc sĩ Tô Vũ (khi đó ông mới 27 tuổi) và đồng nghiệp, bao gồm: Công trình sưu tầm, ghi âm khoảng 100 làn điệu chèo của Tô Vũ, Xuân Tiên, Xuân Lôi; Cải tiến sáo trúc của Tô Vũ, Xuân Thu, Xuân Lôi; đặc biệt là hai công trình Đại cương về âm nhạc chèo và Thanh và âm – Giả thiết về sự hình thành thang ngũ âm trong âm nhạc truyền thống của Tô Vũ hoàn thành khoảng năm 1952-1953.
Trong một bài viết, nhạc sĩ Tô Vũ – người thầy của nhiều thế hệ nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc từng tâm sự với truyền thống lâu đời, người Việt đã rất tự hào với kho tàng âm nhạc phong phú đến từ 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất thân yêu hình chữ S. Chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Đảng đã tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu sưu tập, tham khảo, từ đó có điều kiện phát huy, thực hành trong đời sống. Âm nhạc dân tộc cổ truyền đã có thể góp phần không nhỏ, tham gia vào xã hội hiện đại và thực hiện chức năng của nó trong đời sống của người dân.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, cơ sở đào tạo âm nhạc đầu tiên, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã được thành lập, khẳng định quyết tâm “khoa học hóa” nền âm nhạc.
PGS.TS Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa cho biết, sự thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam là sự kiện ghi nhận tiêu chí “khoa học” trong Đề cương văn hóa năm 1943 được tiến thêm một bước hiện thực hóa quan trọng; đồng thời cũng là sự kiện đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển chính quy, toàn diện trên các lĩnh vực đào tạo, sáng tác, biểu diễn và lý luận âm nhạc mới Việt Nam.
Từ cái nôi âm nhạc này, ở lĩnh vực đào tạo và lý luận, nghiên cứu âm nhạc, nhiều nhà sư phạm, nhà lý luận, nhà nghiên cứu âm nhạc đã ghi dấu ấn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, như Ca Lê Thuần, Nguyễn Xuân Khoát, Thái Thị Liên, Vũ Tuấn Đức, Tô Vũ, Nguyễn Văn Thương, Trọng Bằng, Nguyễn Xinh, Xuân Khải, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thụy Loan…
Ở lĩnh vực biểu diễn, về thanh nhạc xuất hiện những tên tuổi như Quốc Hương, Kiều Hưng, Trần Hiếu, Trung Kiên, Lê Dung, Thu Hiền… và rất nhiều tên tuổi khác; về khí nhạc như Hoàng Dương, Bùi Gia Tường, Tạ Bôn, Thanh Tâm, Thao Giang, Mai Phương, Đặng Thái Sơn… Ở lĩnh vực sáng tác ca khúc, nhiều nhạc sĩ nổi tiếng với các “ca khúc đi cùng năm tháng” như Văn Ký, Huy Du, Chu Minh, Vĩnh Cát, Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Huy Thục, Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Hiệp,… và nhiều tác giả nổi tiếng khác.
Lĩnh vực sáng tác khí nhạc cũng có những học viên ưu tú được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài, cho ra đời những tác phẩm mang bản sắc Việt, ngợi ca vẻ đẹp sông núi và tình yêu Tổ quốc như Huy Du với “Miền Nam quê hương ta ơi!” (1959) viết cho violon và piano; Nguyễn Văn Thương với “Nhớ về Nam” (1960) viết cho độc tấu sáo trúc; Ca Lê Thuần với “Quê hương tôi trong máu lửa” (1963) viết cho piano; Hoàng Việt với “Quê hương” (1964)…
Sự trưởng thành của thế hệ nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc nói trên cũng đóng góp to lớn vào việc khôi phục các lễ hội cổ truyền, nghệ thuật, âm nhạc cổ vốn bị mai một, thất truyền trong thời kỳ mưa bom bão đạn. Âm nhạc dân tộc dần quay trở lại với đời sống như một hoạt động tinh thần để người dân tìm về văn hóa dân tộc và cội nguồn, lịch sử của tiền nhân.
Thành công của các tác phẩm giao hưởng, thính phòng, các ca khúc… sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc của thế hệ đi trước không chỉ có giá trị đối với giới học thuật mà còn được công nhận ngay trong đời sống hiện đại. Gần đây, các ca khúc, MV ca nhạc sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc của các ca sĩ trẻ Việt Nam cũng đang chinh phục được hàng triệu người trên thế giới.
Nhiều ca khúc cải biên, chuyển biên, làm mới (cover) ca khúc dân gian đạt hàng triệu người theo dõi trên hệ thống truyền thông hoặc tiếp thu và tiếp tục sử dụng trong các sản phẩm, loại hình nghệ thuật khác như múa, nhạc nhảy, phim ảnh…
Đó là kết quả từ hoạt động sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Những kết quả này đang được ứng dụng trong đời sống âm nhạc, quảng bá ra thế giới, trở thành sản phẩm hoặc cơ sở cho du lịch, có thể góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong giai đoạn khi mạng xã hội lên ngôi, trở thành phương tiện phổ biến để giao tiếp, trao đổi thông tin, học tập, chia sẻ… thì việc tiếp thu văn hóa ngoại lai không phù hợp, sự xâm nhiễm văn hóa là việc hết sức dễ dàng và có thể xảy ra.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa càng trở nên quan trọng, cần kíp hơn bao giờ hết để người dân tự có cho riêng mình một bộ lọc, không bị hòa tan giữa một “đại dương văn hóa” mênh mông và lạc hướng khỏi bản sắc Việt. Như vậy, vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua âm nhạc, bằng âm nhạc sẽ luôn được bàn luận.
Bài: Hồng Hà
Thiết Kế: Phương Ly