Âm nhạc có ảnh hưởng tới hoạt động tập thể dục hay không?
Đã có rất nhiều nghiên cứu về tác động của âm nhạc đối với hoạt động tập thể dục. Nhưng liệu âm nhạc có thực sự ảnh hưởng đến quá trình tập luyện của bạn không? Nói cách khác thì có lợi ích lớn nào khi bỏ cả đống tiền ra sắm một đôi tai nghe thể thao đỉnh cao, nếu bạn muốn cải thiện hiệu suất chạy của mình không? Câu trả lời hóa ra khá thú vị.
Âm nhạc tăng thêm niềm vui, giảm cảm giác mệt nhọc
Trong hai thập kỷ qua, các nhà khoa học đã nỗ lực điều tra ảnh hưởng của âm nhạc đối với hiệu suất tập luyện. Kết quả là họ đã tìm thấy những lợi ích đáng kể.
Về cơ bản, âm nhạc có thể ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của bạn, giảm nỗ lực cần phải bỏ ra, tăng sức bền. Âm nhạc làm cho các vận động viên hoạt động hiệu quả hơn khi có nhịp điệu đồng bộ với các chuyển động của họ. Trong khi nghe nhạc, người ta có thể chạy xa hơn, đạp xe lâu hơn và bơi nhanh hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những cảnh báo liên quan tới việc nghe nhạc khi tập thể thao. Phần lớn phụ thuộc vào khả năng tập luyện của một vận động viên, thời gian tập luyện và cường độ của bài tập. Nhưng cơ bản là vẫn có rất nhiều lợi ích thu được từ việc nghe nhạc.
Một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về thể thao và tâm lý tập thể dục là Giáo sư Costas Karageorghis, tác giả cuốn Ứng dụng âm nhạc trong tập thể dục và thể thao gây tiếng vang. Giáo sư Karageorghis và nhóm của ông tại Đại học Brunel London đã dành nhiều năm để theo dõi phản ứng của não bộ với âm nhạc khi mọi người tập thể dục.
Một trong những nghiên cứu của họ, được công bố trên tạp chí khoa học Psychology of Sport and Practice, cho thấy rằng nghe nhạc làm tăng 28% sự thích thú đối với hoạt động thể chất, so với không nghe gì cả.
Mức độ thích thú cũng tăng thêm 13% với người tập luyện thể thao cùng âm nhạc, so với những người nghe podcast khi tập luyện.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy những người vừa tập luyện vừa nghe các bản nhạc mà họ cho là “dễ chịu” sẽ có mức serotonin cao hơn, theo một bài viết đăng trên tuần báo khoa học International Journal of Qualitative Studies on Health and Well-being. Serotonin là hormone thúc đẩy các cảm giác tích cực.
Rõ ràng là, bằng cách làm tăng thêm niềm vui, âm nhạc có thể giúp giảm cảm giác mệt nhọc và khiến việc tập luyện thể thao trở nên bớt căng thẳng hơn. Điều thú vị là hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này diễn ra khá rộng. Hơn 100 nghiên cứu đã cho kết quả rằng người ta sẽ giảm 10% mức độ gắng sức nếu họ nghe nhạc khi tập luyện.
Âm nhạc nào tốt cho tập luyện?
Nhưng những giai điệu nào tốt nhất cho tập luyện thể thao? Giáo sư Karageorghis nói rằng loại nhạc nào không quan trọng, bởi chúng đều có tác dụng tích cực, dù bạn có thích hay không. Tuy nhiên ông cho biết thêm rằng âm nhạc được lựa chọn một cách tùy tiện sẽ chỉ giúp giảm 8% mức độ gắng sức, khi người ta tập thể thao với cường độ từ thấp đến trung bình. Còn nếu lựa chọn cẩn thận, âm nhạc có thể giảm tới 12% mức độ gắng sức.
Âm nhạc có ảnh hưởng tới hoạt động tập luyện thể dục của chúng ta, theo một cách tích cực.
Một nghiên cứu đăng gần đây trên tạp chí Psychological Bulletin cho thấy rằng âm nhạc giúp cải thiện hiệu suất thể thao bởi nó đánh lạc hướng cơn đau và làm giảm mệt mỏi. Theo Karageorghis, sự đánh lạc hướng này mang tới lợi ích lớn nhất với các bài tập có cường độ thấp đến trung bình. Khi bạn thực sự căng thẳng trong một buổi tập luyện, âm nhạc sẽ gần như không giúp làm giảm sự mệt mỏi. Tuy nhiên, âm nhạc vẫn có thể ảnh hưởng đến cách bạn phản ứng với sự mệt mỏi. Nó sẽ thúc đẩy bạn tiếp tục tập luyện.
Có một cách nữa để âm nhạc ảnh hưởng đến hiệu suất thể thao của chúng ta: thông qua việc đồng bộ hóa giai điệu với cường độ tập luyện. Karageorghis nói: “Khi âm nhạc của bạn đồng bộ với các động tác tập luyện, nó sẽ tăng hiệu suất thêm từ 10 đến 15%.”
Ông cũng khuyên rằng nếu bạn có ý định sử dụng âm nhạc để nâng cao hiệu suất tập luyện của mình thì cần phải chọn các giai điệu có nhịp độ tương ứng với tốc độ chuyển động mong muốn. Nhưng hãy khôn ngoan chọn một ca khúc có nhịp độ bằng một nửa mức mong muốn, thay vì cắm đầu chọn một ca khúc có nhịp rất nhanh.
“Ví dụ, nếu bạn muốn chạy với tần suất sải chân rất cao, chẳng hạn như 180 sải chân mỗi phút, điều bạn nên làm là chọn một bản nhạc có nhịp điệu khoảng 90 nhịp mỗi phút. Như thế, bạn sẽ thực hiện một chu kỳ sải chân trên mỗi nửa nhịp”, Karageorghis nói. Theo ông, một bản nhạc có tốc độ chơi từ 150 nhịp mỗi phút chở lên khiến người nghe khó xử lý và khó duy trì sự đồng bộ.
Nhưng nếu muốn nghe nhạc để tìm động lực, thay vì đồng bộ hóa, hãy chọn các bản nhạc có tốc độ chơi từ 120 tới 140 nhịp mỗi phút.
Theo Karageorghis, podcast và sách nói vẫn khiến người nghe đắm chìm vào câu chuyện và giảm bớt sự gắng sức khi tập luyện thể thao. Nhưng nó sẽ không có các lợi ích của sự đồng bộ hóa nhịp độ, hay cảm giác đồng điệu với ca từ của bài hát.