Ai là người có quyền khởi kiện vụ án hành chính? Thủ tục tiến hành khởi kiện vụ án hành chính theo quy định mới nhất hiện nay như thế nào?
Xin chào. Tôi muốn hỏi một số vấn đề liên quan đến khởi kiện vụ án hành chính. Cụ thể, tôi muốn hỏi pháp luật quy định như thế nào về quyền khởi kiện vụ án hành chính? Thời hiệu để khởi kiện vụ án hành chính là bao lâu? Thủ tục tiến hành khởi kiện vụ án hành chính được quy định như thế nào?
Mục Lục
Ai là người có quyền khởi kiện vụ án hành chính?
Theo Điều 115 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án như sau:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó. (khoản này được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019)
– Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.”
Như vậy, những cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định nêu trên là người có quyền khởi kiện vụ án hành chính.
Tải trọn bộ các văn bản về quyền khởi kiện vụ án hành chính: Tải về
Ai là người có quyền khởi kiện vụ án hành chính?
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là gì?
Tại khoản 1 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015, thời hiệu khởi kiện được hiểu như sau:
“Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.”
Thời hiệu khởi kiện của vụ án hành chính là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015 (được bổ sung bởi khoản 7 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019), thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:
(1) Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
– 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
– 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước;
Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được theo các thời hạn quy định trên đây thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
– Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
(2) Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:
– 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
– 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có thể khác nhau.
Thủ tục tiến hành khởi kiện vụ án hành chính như thế nào?
Theo Điều 117 Luật Tố tụng hành chính 2015, quy định về thủ tục khởi kiện như sau:
(1) Khi khởi kiện vụ án hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 118 Luật Tố tụng hành chính 2015.
(2) Cá nhân có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của cá nhân; ở phần cuối đơn cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ.
(3) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
(4) Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này là người không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
(5) Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.