Ai giành quyền lưu ban của học sinh? – Giáo dục Việt Nam

(GDVN) – Để chuyện lách luật không xảy ra trong việc học sinh bị cướp quyền lưu ban cần phải loại bỏ một số chỉ tiêu quy định như tỉ lệ lên lớp thẳng, phổ cập giáo…

Thông tư  41/2010/TT-BGDĐT và Dự thảo Điều lệ trường tiểu học đều quy định rõ quyền của học sinh:

“Học sinh được học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian thực hiện chương trình, học lưu ban”.

Thế nhưng trong thực tế hiện nay thì sao? Học sinh có quyền lưu ban không? Thực tế thì có nhưng vô cùng ít, học sinh được lên lớp thì dễ mà lưu ban lại rất khó. Vậy, ai đã cướp đi cái quyền lưu ban của các em?

Nhiều khi giáo viên muốn cho học sinh lưu ban cũng chẳng được

Đã có phụ huynh muốn cho con học lại lớp đã chạy theo năn nỉ giáo viên: “Hãy cho con tôi ở lại vì tôi thấy cháu học yếu quá”.

Có giáo viên chia sẻ dù rất muốn nhưng bị áp lực từ trên nên cũng chẳng dám quyết.

Đã có phụ huynh lên trực tiếp gặp hiệu trưởng đề đạt nguyện vọng xin cho con ở lại. Dù khá hiểu lực học của em ấy có lên lớp cũng khó mà theo kịp các bạn, có lên lớp cũng chỉ là ngồi cho đủ chỗ và lực học sẽ còn tệ hơn lúc ban đầu.

Dù có hiểu nỗi lo lắng và đồng cảm với phụ huynh thì có hiệu trưởng vẫn rất lạnh lùng nói rằng em ấy sẽ không được ở lại “nếu muốn cho ở lại bắt buộc phải chuyển trường khác”.

Chắc chắn là khi quyết định như thế, những vị hiệu trưởng này cũng sẽ áy náy, suy tư. Sao lương tâm không cắn rứt cho được khi đã từ chối một nguyện vọng rất chính đáng của phụ huynh?

Nhưng vì lý do gì sự áy náy, sự cắn rứt lương tâm đành gác lại và quyết lùa học sinh lên lớp trong khi không thật sự xứng đáng?

Chỉ tiêu, thành tích bó buộc

Đầu năm học, trong hội nghị công nhân viên chức đầu năm, trường nào chẳng đưa chỉ tiêu thi đua. Nếu tỉ lệ học sinh lưu ban nhiều sẽ kéo theo khá nhiều chỉ tiêu khác bị khống chế.

Chỉ riêng ảnh hưởng đến chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi sẽ kéo theo khá nhiều hệ lụy như ảnh hưởng đến phổ cập của khá nhiều trường học trong địa bàn, ảnh hưởng về phổ cập của xã, phường, của phòng giáo dục và cả của Ủy ban thị xã.

Ảnh hưởng đến nhiều ban ngành thì chắc chắn thành tích cá nhân hiệu trưởng (hiệu phó) cũng sẽ mất thi đua, thành tích của nhà trường cũng chẳng có được.

Cần loại bỏ chỉ tiêu đăng ký để thực hiện tốt Điều lệ trường tiểu học

Điều lệ trường tiểu học được ban hành đương nhiên các trường cần thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng trong thực tế, không ít trường vẫn đang lách luật để thực hiện cho đủ chỉ tiêu.

Để chuyện lách luật không xảy ra trong việc học sinh bị cướp quyền lưu ban cũng cần phải loại bỏ một số chỉ tiêu quy định như tỉ lệ lên lớp thẳng, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi…như hiện nay.

Phan Tuyết