Ai định đoạt chiết khấu phần trăm trên phí bảo hiểm của học sinh? | Web Bảo Hiểm
Không chỉ có thức ăn, sách giáo khoa mà nhiều công ty bảo hiểm muốn vào được trường học cũng phải qua nhiều “thủ tục” và nhiều bước trung gian. Các công ty bảo hiểm muốn vào trường học cũng là một hành trình đầy chuyện “thâm cung bí sử” mà sau quá trình dài tìm hiểu phóng viên đã không khỏi bất ngờ.
Học sinh mua bảo hiểm tự nguyện, ngoài vì sức khoẻ còn để không ảnh hưởng đến “phong trào thi đua của lớp”. Ảnh minh họa.
Tham gia để không ảnh hưởng… phong trào thi đua của lớp?
Khoảng hai, ba tuần sau ngày khai giảng là các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức các buổi họp phụ huynh để thông báo tình hình năm học mới và các khoản đóng góp xây dựng để bước vào năm học. Trong số đó các khoản đóng bảo hiểm cũng là mục mà nhiều phụ huynh phải quan tâm.
Chị Nguyễn Thị H. có con đang học tại trường tiểu học L.N cho biết: “Bên cạnh bảo hiểm y tế bắt buộc phải đóng, cô giáo còn thông báo thêm 80.000 đồng tiền bảo hiểm thân thể tự nguyện. Khi phụ huynh chúng tôi thắc mắc có nhất thiết phải đóng không thì cô giáo bảo nên đóng cho con để… “không ảnh hưởng đến phong trào thi đua của lớp”. Tôi cũng chẳng biết bảo hiểm tự nguyện mà cô giáo yêu cầu nộp thuộc công ty nào. Hỏi cô giáo thì cô cũng chẳng rõ nên tôi cứ nộp cho xong thôi”.
Tại trường tiểu học B, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội phiếu thông báo thu tiền bảo hiểm gửi về cho phụ huynh học sinh là 390.000 đồng, trong đó bảo hiểm y tế là 290.000 đồng và bảo hiểm thân thể là 100.000 đồng. Tuy nhiên, trong buổi họp phụ huynh, các cô giáo chủ nhiệm đều làm “đòn tâm lý” với các phụ huynh rằng: “Bảo hiểm thân thể thì bố mẹ nên đóng cho các con, cả lớp đóng cả, mình con mình không đóng thì khi có chuyện không may xảy ra, lại ân hận…”. Vì thế mà nhiều phụ huynh cũng “tặc lưỡi” đóng cho con em mình.
Mức thu bảo hiểm thân thể ở một trường tiểu học. Ảnh: PV
Trong giờ tan trường một ngày đầu tháng 10, PV trò chuyện với một phụ huynh đang chờ đón con tại trường tiểu học Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Vị này cho hay, dù gia đình đã mua bảo hiểm thân thể của một công ty uy tín của nước ngoài cho con. Tuy nhiên, khi nhà trường yêu cầu đóng thì nhà trường vẫn mua để con “không bị đối xử khác”?! Còn bảo hiểm là của công ty nào thì gia đình cũng không quan tâm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì mức đóng phí bảo hiểm thân thể ở các trường tiểu học là không giống nhau, dao động từ 80.000-100.000 đồng/học sinh/năm. Tại các trường như tiểu học Khương Thượng, tiểu học Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội), tiểu học Đại Kim, Đại Từ (quận Hoàng Mai), tiểu học Đặng Trần Côn A, Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) thì các mức đóng bảo hiểm là khác nhau. Các mức đóng bảo hiểm thân thể khác nhau là do các trường tham gia bảo hiểm thân thể của các doanh nghiệp khác nhau.
Tại trường tiểu học T.T mức đóng là 80.000 đồng cho một học sinh, khi được hỏi thì một số cô giáo chủ nhiệm các khối như 1, 2, 3 cũng không biết trường mình tham gia bảo hiểm gì. Một cô giáo lớp 1, trường tiểu học T.T cho biết: “Nhà trường giao cho giáo viên thu thì biết thế thôi, chứ bọn em cũng không biết trường mình tham gia bảo hiểm của đơn vị nào…”. Duy nhất chỉ có một giáo viên lớp 5 thì cho chúng tôi biết: “Hình như là bảo hiểm PJICO Hà Nội chị ạ…”.
Theo tìm hiểu của PV, hiện có hàng chục doanh nghiệp có sản phẩm bảo hiểm thân thể học sinh. Tuy nhiên, top 5 doanh nghiệp được các trường “ưa chuộng” lựa chọn thường rơi vào những cái tên như Bảo Việt Hà Nội, PJICO Hà Nội, Bảo Minh Thăng Long, Bảo Minh Hà Nội và BSH. Còn các loại bảo hiểm của PTI, MIC, Xuân Thành thường nhận được ít hợp đồng từ các trường hơn.
Hé lộ bí mật từ một nhân viên bán bảo hiểm
Trong quá trình điều tra, PV có ý định nhập vai các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) để đến trường học chào mời sản phẩm bảo hiểm thân thể. Tuy nhiên, ý định này nhanh chóng bị dẹp bỏ bởi theo lời một giáo viên thân cận thì chuyện các công ty tự đem sản phẩm bảo hiểm vào trường học bán chẳng khác nào “leo cột mỡ”. Theo tìm hiểu và qua một số nguồn tin cung cấp, các trường sẽ chọn những doanh nghiệp bảo hiểm nào có mối quan hệ tốt nhất để ký hợp đồng cung cấp bảo hiểm thân thể. Thường thì hiệu trưởng là người quyết định xem tham gia mua bảo hiểm của DNBH nào. Nhiều công ty bảo hiểm cũng thiết lập các mối quan hệ thân thiết với sở và phòng giáo dục, các trường như cách đưa sách giáo khoa và thức ăn vào nhà trường…
Trong buổi làm việc với đại diện công ty bảo hiểm PJICO tại trụ sở số 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, nhân viên kinh doanh của công ty này ra sức chào mời chúng tôi mua sản phẩm bảo hiểm học sinh của đơn vị mình. Theo T. (tên của nhân viên này-PV), trước mỗi năm học, nhân viên của công ty sẽ xây dựng các gói sản phẩm bảo hiểm học sinh với mức giá đa dạng. Tuỳ theo từng mức giá mà mức trách nhiệm và phạm vi chi trả sẽ rộng hay hẹp. Gói bảo hiểm học sinh có giá khoảng 80.000 đến 90.000 được nhiều trường lựa chọn vì mức tiền vừa phải. Khi PV gợi ý về mức chiết khấu cho ngôi trường có số lượng khoảng 700 học sinh, nhân viên này khẳng định: “Sẽ đưa ra mức chiết khấu tốt hơn của bảo hiểm Bảo Việt là trên 27%. Dịch vụ của PJICO rất tốt, giá cạnh tranh và đảm bảo bồi thường đúng cam kết”.
Đầu năm học 2014-2015, dư luận từng xôn xao bàn tán trước công văn bị coi là “chỉ đạo mua bảo hiểm” của sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội. Theo đó, Công văn số 7198/SGD&ĐT-HSSV đã gợi ý đích danh 5 doanh nghiệp bảo hiểm gồm Bảo Việt Hà Nội, PJICO Hà Nội, Bảo Minh Thăng Long, Bảo Minh Hà Nội và BSH mà các trường học nên hợp tác để bán bảo hiểm tự nguyện cho học sinh. Sau đó ít lâu, trước nhiều phản ứng, ngày 21/8, Sở này lại ra thêm Công văn số 7594/SGD&ĐT-HSSV được xem là động thái mang tính “gỡ gạc” trước áp lực của dư luận.
Nội dung công văn có nêu: “Với các loại bảo hiểm tự nguyện, trong quá trình triển khai thực hiện, các trường phải bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật và tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh học sinh trong việc lựa chọn tham gia bảo hiểm; tuyệt đối không được ép buộc chỉ định hoặc giới hạn đơn vị bảo hiểm để gia đình học sinh phải tham gia”.
Tuy nhiên, một số hiệu trưởng trên địa bàn Hà Nội cho biết, dẫu có văn bản chỉ đạo cập nhật là không giới hạn đơn vị bảo hiểm, nhưng các trường vẫn thấy băn khoăn và khó nghĩ nếu muốn hợp tác với bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào không có tên trong Công văn 7198. “Vậy nên chúng tôi vẫn sẽ ưu tiên những doanh nghiệp được nêu tên, tránh phiền phức không đáng có về sau”, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội nói.
Doanh nghiệp chủ động “à ơi” sở GD&ĐT!
Được biết, để duy trì mối quan hệ với ngành giáo dục, nhiều năm qua, hầu hết trong 5 đơn vị thuộc top đầu kể trên đều có công văn xin hợp tác với sở GD&ĐT Hà Nội trong việc bán bảo hiểm học sinh. Điều này cũng đã được ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên, sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận với báo giới. Có lẽ đây là lý do mà vào mỗi đầu năm học, các trường học trên địa bàn Hà Nội lại nhận được những công văn “gợi ý” về việc lựa chọn đối tác mua bảo hiểm thân thể cho học sinh.
Theo (Nguoiduatin)
{fcomment}