Acid azelaic là gì và công dụng acid azelaic trong trị mụn, mờ thâm

Acid azelaic là một loại acid có nguồn gốc tự nhiên và được biết đến như một hoạt chất có tác dụng trị mụn và làm mờ thâm, nám hiệu quả. Với đặc điểm ít gây kích ứng và an toàn, acid azelaic thường được các Bác sĩ Da liễu chỉ định thay thế retinol, tretinoin hay adapalene để điều trị mụn và giảm thâm nám trong trường hợp chống chỉ định hoặc kém dung nạp với các hoạt chất này. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu hơn về acid azelaic và các sản phẩm có chứa hoạt chất này nhé!

Acid azelaic là gì?

Acid azelacic là acid bão hoà thuộc nhóm dicarboxylic có thể được tìm thấy trong tự nhiên ở các loại lúa mì, lúa mạch. Đây là loại acid được sản xuất từ một loại nấm men có tên là Malassezia furfur, một loại nấm có trên lớp màng sinh học bình thường của da. Nhờ khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, các sản phẩm kem bôi tại chỗ chứa acid azelaic đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá dạng viêm, không viêm ở mức độ nhẹ đến vừa và trong điều trị các tình trạng rối loạn sắc tố da.

Acid azelaic là gì - Doctor Acnes

Tác dụng trị mụn – mờ thâm của acid azelaic

Tác dụng trị mụn 

Acid azelaic dạng kem bôi da 15 – 20% được chỉ định trong điều trị mụn trứng cá mức độ nhẹ đến vừa. Với khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, tiêu nhân, bình thường hoá cổ nang lông và chống sừng hoá, acid azelaic đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị cả mụn ẩn, mụn trứng cá viêm và không viêm. Hiệu quả của acid azelaic 20% đơn trị đã được chứng minh là tương đương với benzoyl peroxide 5%, tretinoin 0,05% và ethrythromycin 2% đường dùng tại chỗ nhưng ít tác dụng phụ hơn.

Dù hiệu quả trị mụn thường tương đối chậm (để quan sát được hiệu quả thường cần tối thiểu khoảng 3 – 4 tuần), nhưng acid azelaic lại được chứng minh là ít gây kích ứng, an toàn và chưa thấy có ảnh hưởng trên bào thai. Do đó, acid azelaic đường bôi tại chỗ có thể được cân nhắc thay thế cho isotretinoin, adapalene hay kháng sinh đường uống với chỉ định của Bác sĩ Da liễu ở phụ nữ mang thai trong trường hợp có lợi ích rõ ràng.

Tác dụng trị thâm, giảm nám của acid azelaic 

Điều trị tình trạng rối loạn tăng sắc tố (hyperpigmentation disorders) 

Một số tình trạng rối loạn sắc tố phổ biến thường gặp như melasma (nám da), chloasma (nám vùng má) thường bắt nguồn từ bất thường trong hoạt động của tế bào melanocyte khiến cho lượng melanin được sản xuất nhiều hơn và phân bố bất hợp lý từ đó khiến xuất hiện các vết đốm màu khác thường trên da.

Cơ chế để ngăn chặn hiện tượng trên của acid azelaic là nhờ khả năng ức chế cạnh tranh với enzym tyrosinase, là enzym đóng vai trò chính trong hình thành các sắc tố melanin. Tác động này của acid azelaic giúp cân bằng lại lượng sắc tố da từ đó góp phần làm giảm các đốm màu bất thường trên da.

Cơ chế của acid azelaic ngăn chặn tình trạng rối loạn tăng sắc tố - Doctor Acnes

Hiệu quả giảm thâm nám của acid azelaic đã được chứng minh là cao hơn hoặc bằng khi so sánh với hydroquinone một hoạt chất hữu cơ được biết đến phổ biến với khả năng làm sáng da và điều chỉnh các bất thường sắc tố da.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng đã được thực hiện bởi Susan Farshi cho thấy việc sử dụng acid azelaic 20% đem lại hiệu quả tương đương hoặc hơn với hydroquinone 4% trong điều trị nám da nhưng để lại ít tác dụng phụ kích ứng da hơn. Một nghiên cứu khác của James G.H Dinulos và cộng sự vào năm 2021 cũng cho kết quả tương tự về hiệu quả tương đương của acid azelaic và hydroquinone 4%.

Khi so sánh với hydroquinone 2%, nghiên cứu của Verallo-Rowell và cộng sự cho thấy acid azelaic vượt trội hơn hydroquinone 2% với kết quả ghi nhận 73% người sử dụng acid azelaic có kết quả cải thiện tình trạng nám da so với kết quả chỉ có 19% người dùng hydroquinone 2% đạt được hiệu quả.

Điều trị chứng đỏ da (rosacea)

Hội chứng rosacea là một tình trạng vùng da mặt bị nổi các mảng viêm đỏ với cảm giác nóng bừng và châm chích khó chịu trên da mặt với cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã đề xuất một trong những nguyên nhân của rosacea liên quan tới hoạt động bất thường của hệ miễn dịch bẩm sinh, trong đó sự tăng hoạt của enzym serine protease dẫn đến sự sản xuất vượt trội của các peptide tiền viêm thay vì peptide kháng khuẩn.

Sự mất cân bằng này hình thành tình trạng viêm da mãn tính và acid azelaic đã được chứng minh có khả năng làm giảm hoạt động của enzym serine protease từ đó giúp đảo ngược và cân bằng lại quá trình trên.

Với tác dụng ức chế sự tăng sinh các sắc tố melanin và khả năng kháng viêm, acid azelaic với nồng độ 15% đường dùng tại chỗ đã được FDA công nhận trong chỉ định điều trị roseace mức độ nhẹ đến trung bình.

Sử dụng acid azelaic thế nào cho đúng?

Để đạt được hiệu quả tối ưu, acid azelaic thường cần được sử dụng trên nền da sạch, khởi trị và duy trì với tần suất 2 lần/ngày.

Đối với da nhạy cảm, nên thử kích ứng ở một số vùng da nhỏ như mặt trên cánh tay trước khi dùng cho toàn mặt. Nếu không thấy kích ứng, có thể bắt đầu điều trị với tần suất 1 lần/ngày vào buổi tối ở tuần điều trị đầu tiên.

Tương tự với các sản phẩm trị mụn chống sừng hoá khác, mặc dù acid azelaic không làm tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, người sử dụng cũng nên bôi kem chống nắng khi có tiếp xúc với ánh nắng.

Phối hợp acid azelaic với các sản phẩm khác để tăng hiệu quả điều trị

Do thời gian tác dụng tương đối chậm, acid azelaic có thể được sử dụng kết hợp với các sản phẩm khác để cải thiện hiệu quả điều trị.

Nghiên cứu của Guy Webster trên 273 bệnh nhân đã cho thấy acid azelaic 20% khi kết hợp với một trong các sản phẩm kem bôi tại chỗ bao gồm benzoyl peroxide 4%, clindamycin 1%, tretinoin 0,025% và ethrythromycin 3% sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với đơn trị acid azelaic trong điều trị mụn trứng cá.

Đối với tình trạng nám da, nhiều nghiên cứu cũng chứng minh sử dụng acid azelaic và các retinoid có thể giúp tăng hiệu quả điều trị. Trong đó, nghiên cứu của K Graupe và cộng sự đã cho thấy việc kết hợp giữa acid azelaic và tretinoin mang lại hiệu quả điều trị tương đương với đơn trị acid azelaic 20% sau 6 tháng, nhưng liệu pháp kết hợp với isotretinoin đem lại kết quả làm giảm nám da nhanh chóng và rõ rệt hơn chỉ sau 3 tháng đầu điều trị.

Một số sản phẩm có chứa acid azelaic trên thị trường

Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm chứa acid azelaic với nhiều nồng độ trên thị trường, dưới đây Doctor Acnes sẽ giới thiệu một số sản phẩm dược mỹ phẩm có chứa acid azelaic mà bạn có thể tham khảo:

Acid azelaic 20% 

Derma forte 

Sản phẩm chứa 20% acid azelaic kết hợp với coenzyme Q10, tocopherol (vitamin E) và ascorbid acid (vitamin C) có hiệu quả trong ngăn ngừa các loại mụn trứng cá và giúp mờ sẹo, ngừa vết thâm. Ngoài ra với tác dụng chống oxy hoá của vitamin C, sản phẩm còn giúp dưỡng da và làm sáng da. Có thể dùng duy trì 1 – 2 lần/ngày để ngăn ngừa tái phát mụn.

Derma forte - Doctor Acnes

Megaduo

Megaduo chứa acid azelaic 20%, là sản phẩm kết hợp giữa acid azelaic và AHA. Sản phẩm có công dụng giúp ngừa mụn trứng cá, ngừa thâm và dưỡng da. Sử dụng với tần suất 2 lần/ngày sau khi rửa mặt và có thể sử dụng duy trì để ngăn ngừa tái phát mụn.

Megaduo - Doctor Acnes

Skinoren 20%

Skinoren 20% có chứa acid azelaic 20% là kem bôi tại chỗ chỉ định cho điều trị mụn trứng cá. Sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên với tần suất 2 lần/ngày sau khi rửa mặt sạch.

Skinoren 20% - Doctor Acnes

Acid azelaic 15%

Skinoren gel 15% 

Skinoren dạng gel chứa 15% acid azelaic với khả năng kháng viêm được chỉ định trong hỗ trợ điều trị mụn trứng cá cho người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên. Skinoren 15% có thể được sử dụng điều trị rosacea với chỉ định của Bác sĩ. Tần suất sử dụng 2 lần/ngày trên nền da sạch.

Skinoren gel 15% - Doctor Acnes

Tóm lại, acid azelaic là một sản phẩm trị mụn và mờ thâm hiệu quả với ít tác dụng phụ trên da và an toàn kể cả phụ nữ có thai. Tuy nhiên, hoạt chất này cũng có nhược điểm là thời tác dụng điều trị tương đối chậm nên có thể được sử dụng kết hợp với các hoạt chất trị mụn khác để có hiệu quả nhanh hơn. Trong trường hợp có thai hoặc cho con bú, mặc dù hoạt chất chưa có thấy tác dụng phụ bất lợi, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến Bác sĩ, không nên tự sử dụng để đảm bảo hiệu quả và an toàn điều trị.

Tài liệu tham khảo