9 lưu ý trong công tác chủ nhiệm lớp

GD&TĐ – Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng phòng GD&ĐT Sóc Sơn (Hà Nội), giáo viên chủ nhiệm cần có phương pháp và kỹ năng tổ chức thực hiện; theo đó, cần lưu ý 9 đặc điểm sau:

Giáo viên chủ nhiệm là một mắt xích, là cầu nối đa chiều kết hợp các mối quan hệ giữa học sinh, gia đình, nhà trường. 

Thứ nhất – điều tra cơ bản tình hình lớp chủ nhiệm: Khi được phân công làm công tác chủ nhiệm, giáo viên cho học sinh viết bản sơ yếu lý lịch ghi rõ địa chỉ, nguyện vọng cá nhân, thậm chí cả những điều mà các em muốn tâm sự riêng với thầy, cô giáo.

Cần lưu ý học sinh viết số điện thoại gia đình, của bố, mẹ, địa chỉ và kết quả học tập của năm học trước, đăng ký phấn đấu năm học này, thông qua đó giáo viên chủ nhiệm nắm bắt được cơ bản từng học sinh trong lớp.

Thứ hai – xây dựng cơ cấu tổ chức khoa học: Tức là xây dựng đội ngũ cán bộ lớp liên kết chặt chẽ, có khả năng tổ chức, thuyết phục cao. 

Giáo viên cho học sinh bầu cán bộ lớp thông qua bỏ phiếu kín, chọn cho được đội ngũ cán bộ lớp có đầy đủ uy tín, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ ba – lập kế hoạch chủ nhiệm: Giáo viên chủ nhiệm cần xây dựng kế hoạch chủ nhiệm riêng của cá nhân dựa trên kế hoạch chủ nhiệm của nhà trường. Kế hoạch phải được xây dựng cụ thể từng tuần, từng tháng. Hồ sơ quản lý học sinh phải khoa học, chính xác, rõ ràng.

Thứ tư – xây dựng các tiêu chí thi đua: Cần cụ thể, chính xác, công khai, minh bạch và tổ chức thi đua theo từng tuần, tháng, học kỳ và cả năm học sao cho phù hợp với đặc điểm điều kiện của lớp chủ nhiệm, đồng thời thường xuyên khuyến khích được tinh thần phấn đấu vươn lên của lớp chủ nhiệm.

Có hình thức khen thường, phê bình, kỷ luật, đúng người, đúng việc, đúng mức. Từ đó tạo ra một môi trường học tập thật tốt trong trường, lớp, cũng như khích lệ học sinh tích cực tham gia học tập tại gia đình.

Thứ năm – quan tâm sát sao, nhiệt tình, có trách nhiệm tới từng học sinh:

– Giáo viên chủ nhiệm sắp xếp thời gian hợp lý để có điều kiện gặp gỡ học sinh thường xuyên theo dõi mọi hoạt động của lớp.

– Xây dựng mối liên hệ mối liên hệ chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh, giữa học sinh với học sinh trên tinh thần hiểu biết, lắng nghe, thông cảm, chia sẻ. Tạo được sự tin cậy đối với học trò để các em dám chia sẻ. Giáo viên chủ nhiệm là trung tâm, hạt nhân trong việc xây dựng quan hệ thầy – trò lành mạnh, trong sáng.

– Quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cá biệt để có kế hoạch cụ thể giúp đỡ và phương án giáo dục phù hợp.

– Giáo viên nên có nhật ký giáo viên chủ nhiệm ghi chép về ưu, nhược điểm, tính cách, sở trường, hiện tượng vi phạm, sự tiến bộ, của từng học sinh. Đây chính là nguồn từ liệu đánh giá khoa học về học sinh một cách tổ chức có hệ thống và cũng là nguồn tư liệu về tâm lý học.

Thứ sáu – tổ chức các nội dung giáo dục toàn diện cho học sinh:

Thành lập nhóm học tập, câu lạc bộ, tạo bầu không khí thi đua học tập tốt. Tăng cường ý thức học tập, rèn luyện đạo đức của học sinh thông qua tiết sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa.

Thứ bảy: Nắm vững kế hoạch giảng dạy, giáo dục đạo đức học sinh, quy chế đánh giá xếp loại hạnh kiểm, học lực của học sinh, các hoạt động hướng nghiệp – ngoài giờ lên lớp.

Nhận định, đánh giá chính xác, khách quan quá trình rèn luyện phấn đấu tu dưỡng của từng học sinh trong lớp, xếp loại hạnh kiểm học sinh theo tinh thần dân chủ, công khai, đúng quy trình.

Thứ 8 – phối kết hợp với phụ huynh học sinh: Thường xuyên trao đổi thông tin kịp thời đến với phụ huynh học sinh để phối kết hợp cùng giáo dục. Cần trao đổi qua lại giữa giáo viên với phụ huynh theo định kỳ ít nhất một lần/tháng.

Hàng tuần mời trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp tham dự giờ sinh hoạt lớp. Qua đó, cha mẹ học sinh trực tiếp nắm bắt được kết quả học tập, rèn luyện đạo đức của con em mình trong tuần, từ đó phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm có biện pháp giáo dục thích hợp.

Thứ chín: Thường xuyên trao đổi với giáo viên bộ môn về tình hình của lớp, về khả năng của học sinh. Thông qua giáo viên bộ môn và các hoạt động đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm sẽ nắm bắt được học sinh một cách toàn diện hơn.

Cùng với nhà trường, phối hợp với các lực lượng xã hội khác tổ chức cho học sinh có điều kiện tham gia vào các hoạt động của cộng đồng địa phương và hoạt động xã hội.

Thông qua đó, phát huy tác dụng của nhà trường trong xã hội, góp phần vào sự nghiệp đổi mới xây dựng quê hương đất nước, giáo dục tình yêu và trách nhiệm với quê hương đất nước của các em.