8X nuôi trùn quế doanh thu hơn 3 tỉ đồng/tháng

Rẽ hướng làm giàu từ nông nghiệp

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ÐH An Giang, rồi có việc làm ở TP.HCM với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhưng niềm đam mê làm giàu từ nông nghiệp vẫn luôn cháy bổng đối với anh Vinh. Cuối năm 2016, nhận thấy trùn quế là mắc xích quan trọng trong nền nông nghiệp hữu cơ và xu hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh quyết định nghỉ việc, về quê khởi nghiệp từ trùn quế.

duy tân

Anh Vinh cho biết việc xây dựng chuồng nuôi rất quan trọng, chiếm 50% hiệu quả trong việc nuôi trùn quế. Chuồng nuôi phải thiết kế có chiều cao 4 – 6 cm, nền lót cát cao 5 cm, trong lớp cát lót lưới. “Hầu hết các cách xây dựng chuồng nuôi tôi đều thử nghiệm và cuối cùng cách xây hiện tại là hiệu quả cao nhất, gấp 4 lần so với cách xây thông thường bằng bạt, bê tông…”, anh Vinh chia sẻ.

Hiện nay tổng diện tích trang trại và các “vệ tinh” liên kết nuôi trùn quế của anh Vinh trên 100 ha, trải dài nhiều tỉnh, thành phía nam. Anh Vinh thành lập 4 trang trại, đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến để sản xuất phân trùn.

Anh tận dụng phế phẩm thực vật như rau quả giập hư… rồi xử lý bằng công nghệ lignin để thu đạm thực vật và lấy đạm này nuôi trùn. Sử dụng thêm men vi sinh nhập khẩu từ Israel cộng với mật mía đường ủ hơn 3 tuần cho ăn.

Chỉ cần 100 m2 mỗi tháng, bà con có hơn 100 kg trùn sinh khối và thịt, vài tấn phân trùn thì thu nhập đã lên đến chục triệu đồng. Ngoài ra có thể tận dụng để nuôi gia cầm và dùng phân bón cho cây trồng trong vườn nhà để tăng thu nhập. Bà con trong chuỗi liên kết thành công là tôi thành công.

Anh Nguyễn Công Vinh (36 tuổi, H.Châu Thành, Tiền Giang)

“Với công nghệ chăn nuôi này, hiệu suất trùn thịt đạt đến 2 kg/m2, gấp 2 lần phương pháp nuôi thông thường. Đặc biệt, loại men này giúp phân trùn quế có chứa các chất đa trung vi lượng, a xít amin, hệ vi sinh vật qua ruột trùn giúp cải tạo đất rất tốt; phân trùn quế không chứa hàm lượng kim loại nặng nên rất được ưa chuộng sử dụng trong nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ trồng cây trái xuất khẩu”, anh Vinh cho biết.

Tạo ra nhiều sản phẩm từ phân trùn

Về cách thu hoạch, thịt trùn khoảng 1 tháng thu hoạch 1 lần, hớt lớp sinh khối trên bề mặt, bỏ vào tấm manh ở ngoài ánh sáng để trùn chui vào đáy manh và thu hoạch bán thịt. Phân trùn 3 tháng thu hoạch 1 lần, hớt lớp sinh khối bề mặt sang một bên, thu hoạch lớp dưới là phân trùn. Sau đó đưa vào quy trình sản xuất để làm ra phân bón.

Hiện thịt trùn được bán cho các trại nuôi tôm, cua đinh, lươn, cá, ba ba… và các công ty làm thức ăn cho gia súc. Riêng phân trùn được bán cho các nông trại trồng theo hướng công nghệ cao trong nhà kính khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

“Phân trùn không chứa kim loại nặng, những trái cây xuất khẩu sang nước ngoài đều được sử dụng phân trùn trồng nên rất được ưa chuộng. Nhà vườn trồng cây có múi sử dụng rất nhiều. Vì vậy, thịt và phân trùn đều không đủ đáp ứng nhu cầu rất lớn từ thị trường”, anh Vinh phấn khởi.

Hiện mỗi tháng trang trại của anh Vinh xuất bán trên 500 tấn phân trùn quế với giá từ 3,5 – 5 triệu đồng/tấn, trên 15 tấn trùn thịt với giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán giống và nhiều sản phẩm độc quyền khác do anh sản xuất từ phân trùn. Nhờ đó doanh thu mỗi tháng hơn 3 tỉ đồng.

Bên cạnh việc xây chuồng nuôi trùn quế bán thịt, bán phân, anh Vinh còn trồng vườn dừa xiêm, dừa dứa và dùng phân trùn để bón. Dưới mương, anh nuôi các loại cá diêu hồng, cá bống tượng… lấy trùn quế làm thức ăn cho cá. Hiện anh còn làm ra gần 20 sản phẩm từ phân trùn phối trộn tạo ra như: đất sạch, phân trộn, phân trùn nén viên, phân rơm…

Theo anh Vinh, dù nhiều doanh nghiệp gặp khó trong đại dịch Covid-19 nhưng riêng cơ sở sản xuất thịt và phân trùn của anh ít chịu ảnh hưởng, bởi nhu cầu thị trường rất lớn. Hiện trang trại của anh có 70 nhân viên làm việc với mức lương khá.

Bí quyết làm giàu không giữ riêng mình, anh Vinh còn hỗ trợ hàng ngàn người trẻ, sinh viên đam mê khởi nghiệp từ chăn nuôi đến tham quan, học hỏi tại trại, sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết nuôi đạt hiệu quả. Giá cả, con giống anh cũng bán rẻ hơn để bà con dễ tiếp cận.

Anh Vinh còn liên kết với hơn 200 hộ nông dân nuôi trùn quế ở các tỉnh, thành miền Tây, đồng thời mở thêm chi nhánh với quy mô lớn để cùng làm giàu.

“Chỉ cần 100 m2 mỗi tháng, bà con có hơn 100 kg trùn sinh khối và thịt, vài tấn phân trùn thì thu nhập đã lên đến chục triệu đồng. Ngoài ra có thể tận dụng để nuôi gia cầm và dùng phân bón cho cây trồng trong vườn nhà để tăng thu nhập. Bà con trong chuỗi liên kết thành công là tôi thành công. Do đó, tôi chỉ có mong ước làm sao tất cả bà con đã liên kết đều sống khỏe với nghề nuôi trùn quế”, anh Vinh phấn khởi nói.

Ông Dương Minh Luân, Phó chủ tịch xã Thân Cửu Nghĩa (H.Châu Thành, Tiền Giang), đánh giá: “Mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, hầu hết các phế phẩm chăn nuôi như phân bò, phân heo… đều xử lý được hết. Hội nông dân xã cũng tổ chức cho các hội viên nông dân tham quan và có thể nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế”.