8,75km đường vành đai 3 đoạn Tân Vạn Nhơn Trạch sẽ khởi công quý 1 năm 2022
TTO – Đoạn đường dài 8,75km có tổng vốn đầu tư 5.329,5 tỉ đồng thuộc đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch đường vành đai 3 TP.HCM đang được đẩy nhanh thủ tục để đấu thầu và dự kiến khởi công trong quý 1-2022.
Ngày 25-11, ông Trần Văn Thi – giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) – cho biết hiện đang phối hợp với nhà tài trợ để chuẩn bị cho công tác đấu thầu các gói thầu xây lắp dự án thành phần 1A (thuộc đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 của đường vành đai 3 TP.HCM). Các thủ tục đang được đẩy nhanh tiến độ để khởi công dự án trong quý 1-2022.
Dự án thành phần 1A dài khoảng 8,75km, trong đó 6,3km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45km đi qua địa bàn TP.HCM. Điểm đầu dự án giao đường tỉnh 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM).
Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư 5.329,5 tỉ đồng, gồm nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc – EDCF và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Với dự án này, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP tại cuộc họp mới đây đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ bồi thường tái định cư để có mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thi công. Hiện các gói thầu đang chuẩn bị đấu thầu, TP.HCM cũng thống nhất chủ trương bố trí đủ vốn cho tiểu dự án giải phóng mặt bằng đoạn qua TP Thủ Đức.
Đường vành đai 3 dài gần 90km, đi qua 4 tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Riêng đoạn 8,75km của dự án thành phần 1A nêu trên sắp khởi công, đối với các đoạn còn lại đang được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cùng với các địa phương nghiên cứu báo cáo tiền khả thi.
Theo nghiên cứu, giai đoạn 1 của dự án vành đai 3 sẽ giải phóng mặt bằng cho giai đoạn hoàn chỉnh (8 làn), xây dựng trước 4 làn và đường song hành hai bên với mức đầu tư 83.290 tỉ đồng. 4 địa phương có dự án đi qua gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư đường vành đai 3 giai đoạn 2021-2026.
Tuy nhiên, để đầu tư đường vành đai 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) và sử dụng nguồn vốn ngân sách của các địa phương để giải phóng mặt bằng là rất khó khăn, không thể thực hiện trong giai đoạn 2021-2026.
4 địa phương thống nhất kiến nghị được hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương (Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội) để đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 83.290 tỉ đồng. Trường hợp vốn ngân sách trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, các địa phương đề xuất trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 46.971 tỉ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế.
Nguồn: Đức Phú