80% học sinh, sinh viên có biểu hiện tổn thương sức khoẻ tinh thần

Huyên Nguyễn

  –  

Thứ sáu, 25/02/2022 12:12 (GMT+7)

Nhiều học sinh, sinh viên có biểu hiện tổn thương sức khoẻ tinh thần , chưa sẵn sàng cho việc đi học trở lại… Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Trở lại trường học sau đại dịch – biến thách thức thành cơ hội” do Trung tâm Hỗ trợ Giảng dạy, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức.

Gần 57% sinh viên gặp khó khăn

TS Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN, đã dẫn ra những con số đáng suy nghĩ về những khó khăn, thách thức cũng như mong muốn của người học. Để làm rõ việc này, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy thực hiện Khảo sát sự sẵn sàng của người học khi quay trở lại học trực tiếp từ giữa tháng 2.2022.

Dữ liệu khảo sát thu được từ 1.567 sinh viên đến từ 13 đơn vị khác nhau trong ĐHQGHN cho thấy có 2 luồng đánh giá khác biệt giữa việc muốn được tiếp tục học trực tuyến và quay trở lại học trực tiếp.

Cụ thể, đánh giá mức độ cảm xúc khi quay trở lại học trực tiếp từ hoàn toàn không muốn đi học lại đến hoàn toàn sẵn sàng thì kết quả cuối cùng thu được giá trị trung bình là 5,26/10.

 

Số lượng sinh viên chọn thang điểm 1 chiếm tới 22,7%. Mức độ điểm từ 1-3 điểm thể hiện sự không sẵn sàng trong quay trở lại học trực tuyến khoảng 35%. Tuy nhiên, mức điểm từ 6 đến 10 cũng chiếm hơn 1 nửa trọng số. Qua đây có thể thấy rằng sinh viên không hẳn không muốn đến trường nhưng tâm lý và sự e ngại, lo lắng còn lớn.

NhữngNhiều sinh viên chưa sẵn sàng đi học trở lại.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy 56,7% sinh viên cảm thấy bản thân sẽ gặp phải khó khăn khi quay trở lại học trực tiếp với nhiều lý do khác nhau. Trong đó, khó khăn được nhắc đến nhiều nhất là việc lo lắng khả năng có thể bị lây nhiễm COVID-19, di chứng hậu COVID-19.

Xếp sau đó là khó khăn tài chính, thay đổi thói quen học tập. Sinh viên đặt ra rủi ro như thuê nhà ngắn ngày hay thuê theo trạng thái có thể về quê bất kỳ lúc nào, nếu nhiễm COVID-19 thì không có người chăm sóc…

 

Từ đó, sinh viên bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường như: được tạo điều kiện và hỗ trợ trong học tập (26,3%); có quy định và chính sách cụ thể với các sinh viên mắc COVID-19 hoặc có nguy cơ mắc COVID-19 trong quá trình học tập (24,1%); Kiểm soát dịch bệnh để giảm thiểu nguy cơ mắc COVID-19 (13,1%); Có hoạt động để sinh viên làm quen lại/hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt (6,1%)…

 

Từ kết quả khảo sát, TS Nghiêm Xuân Huy đặt vấn đề các nhà quản lý, giảng viên cần “thấu cảm người học” để giải quyết bài toán đảm bảo chất lượng dạy học khi sinh viên trở lại trường học sau đại dịch COVID-19.

Tỉ lệ lo âu, trầm cảm tăng lên đến 700%

PGS.TS Trần Thành Nam – chuyên gia tâm lý, chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đã có cuộc chia sẻ về vấn đề thấu hiểu thầy, thấu cảm trò để dạy tốt – học tốt giúp thầy trò an tâm để trở lại trường học trong mùa dịch.

Ông Nam bày tỏ, thời gian qua, sinh viên, học sinh và ngay cả giảng viên, giáo viên đã gặp nhiều khó khăn khi học tập và làm việc tại nhà, thay đổi lịch sinh học, Weekday Saturday – động cơ tham gia vào môi trường online yếu hơn, cô đơn, mất tập trung, không thực sự kết nối với việc học, bị làm phiền liên tục, bị phân tán bởi việc nhà, dễ tự thưởng, mải chơi và đặc biệt dễ bị tổn thương sức khỏe tinh thần…

 

Các nghiên cứu tổng kết lại hiện tại các bạn học sinh, sinh viên khi cách ly, học ở nhà quá lâu thường gặp phải 6 nhóm vấn đề tổn thương cơ bản. Trong đó, có hội chứng trì hoãn ngủ, xuất hiện suy nghĩ thảm hoạ vấn đề…

PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra rằng 80% học sinh, sinh viên đã và đang có biểu hiện tổn thương sức khoẻ tinh thần với nhiều dấu hiệu như khó khăn về ăn ngủ, mất tập trung, buồn chán, không hứng thú và dễ khó chịu, ít thông cảm và chu đáo hơn, thường xuyên bị đau đầu, không hiểu bài giảng… Đến thời điểm hiện tại, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước thấy rằng giai đoạn vừa rồi tỉ lệ lo âu, trầm cảm tăng lên đến 700%.

 

Chuyên gia Trần Thành Nam cho biết cách thức vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi. Né mãi cũng không phải là giải pháp và thậm chí còn làm chúng ta lo sợ hơn. Hãy giúp các bạn phân biệt được nguy cơ với xác suất xảy ra. Vì vậy, nhà trường cần luôn đồng hành cùng các bạn để bảo vệ bản thân chính mình an toàn khi trở lại trường trong bình thường mới. 

Ông Nam cũng đưa ra những lời khuyên dưới góc độ khoa học, những chuẩn bị để sinh viên, giảng viên trở lại trường học trong trạng thái bình thường mới như: An tâm về các nguy cơ; An tâm về các hệ thống hỗ trợ; Hiệu quả giáo dục và mục tiêu cho tương lai; Sẵn sàng về sức khỏe và sức khỏe tinh thần; Viễn tượng tích cực về tương lai.