8 vấn đề kinh doanh quốc tế nổi bật năm 2017
Sự kiện nổi bật đầu tiên không thể không nhắc đến chắc chắn là bitcoin. Chưa bao giờ đồng tiền ảo này lại được nhắc tới nhiều đến như vậy như trong năm nay. Mức giá khởi điểm của đồng tiền số bitcoin – từ năm 2010 – là 0,01 USD, tức chưa đến 1 cent chứ đừng nói 1 USD. Trong khi đó thời điểm đầu tháng 12 vừa qua, giá bitcoin có lúc lên cao nhất mọi thời đại, cán mốc 20.000 USD. Dĩ nhiên hiện tại bitcoin đang trên đà giảm mạnh, thậm chí có lúc về dưới 10.000 USD. Tuy nhiên đây vẫn là con số quá lớn nếu so với thời điểm năm 2010.
Biến động giá như vậy hiển nhiên gây ra nhiều tranh cãi. Người phản đối thì cho rằng đây là “trò lừa đảo”, là “bong bóng”. Kẻ ủng hộ thì nói rằng số còn lại “chẳng hiểu gì về công nghệ blockchain và tiền số cả”.
Trên thực tế, những thông tin đầu tiên giới thiệu về bitcoin được viết trong 1 tài liệu xuất bản năm 2008 bởi 1 người (hoặc 1 nhóm người) sử dụng bút danh Satoshi Nakamoto. Cho đến nay danh tính của Satoshi Nakamoto vẫn là 1 bí ẩn dù một vài người được cho hoặc tự nhận là Nakamoto.
Các tựa game online đã sử dụng tiền ảo từ lâu nay, nhưng bitcoin đặc biệt ở ý tưởng đằng sau nó. Đó chính là ý tưởng về blockchain , 1 sổ cái trực tuyến được phân phối rộng rãi ghi lại các giao dịch bitcoin.
Hiện tại vẫn chưa thể kết luận bitcoin có phải là bong bóng hay không. Tuy nhiên, chuyên gia Innes của Oanda – người từng làm việc trong lĩnh vực tiền tệ trong nhiều thập kỷ đã nhấn mạnh lại lời khuyên thế này của tỷ phú Warren Buffett khi nhắn nhủ những người chơi bitcoin: “Hãy biết sợ hãi khi người khác tham lam”. “Đi theo số đông hiếm khi mang lại lợi nhuận lớn”.
Tháng 7/2017, CEO đồng thời là nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos – 53 tuổi chính thức vượt qua Bill Gates để trở thành người giàu có nhất hành tinh.
Cụ thể trong phiên mở cửa ngày 26/7, khối tài sản của Jeff Bezos đã cán mốc 90,6 tỷ USD, tức là nhiều hơn tổng tài sản của Bill Gates 500 triệu USD. Cổ phiếu Amazon trong phiên mở cửa tăng 1,6% giúp tỷ phú Jeff Bezos bỏ túi thêm 1,4 tỷ USD. Đây là động lực chính giúp ông “vượt mặt” Bill Gates để giành lấy ngôi vị giàu nhất hành tinh.
Tiếp theo vào ngày 25/11, tài sản của nhà sáng lập Amazon tăng thêm 2,4 tỷ USD lên mức 100,3 tỷ USD khi cổ phiếu của công ty này tăng hơn 2% do sự lạc quan của thị trường về doanh thu ngày Black Friday. Cột mốc này đánh dấu Jeff Bezos trở thành người đàn ông trăm tỷ thứ 2 trong lịch sử thế giới.
Nguyên nhân chính những lần giá cổ phiếu Amazon thăng hoa đều là bởi các nhà đầu tư hết sức lạc quan vào tương lai của tập đoàn này. Theo tính toán, lượng tiêu dùng trực tuyến trong ngày này sẽ tăng hơn 18,4% so với năm trước và các nhà đầu tư đặt cược rằng số tiền này chủ yếu sẽ chảy về túi Amazon.
Nhìn chung sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử đang khiến ngành bán lẻ Mỹ cũng như các nhà đầu tư trong mảng này sứt đầu mẻ trán. Trên thực tế, số liệu của Tổng cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy ngành bán lẻ Mỹ đã mất bình quân 9.000 lao động mỗi tháng từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, số liệu của Standard & Poor cho thấy khoảng 10 công ty bán lẻ tại Mỹ đã bị buộc phá sản. Thậm chí đến chuỗi cửa hàng Sear nổi tiếng được xây dựng từ năm 1886 cũng bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng.
Đáng buồn hơn là nhiều chuyên gia nhận định rằng tình trạng sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn đối với ngành bán lẻ truyền thống. Những cửa hàng sập tiệm và những công ty bán lẻ gặp khó khăn tại Mỹ trước sự ảnh hưởng của Amazon chỉ là sự khởi đầu cho “cái chết của ngành bán lẻ Mỹ”.
Nổi lên là hiện tượng startup mang tính cách mạng, chẳng ai ngờ được Uber lại đang trải qua kết cục rối ren như hiện nay.
Khởi nguồn là từ đầu tháng 2, Susan Fowler, một cựu kỹ sư của Uber công khai trên blog cá nhân về việc từng bị giám sát viên của mình quấy rối tình dục, nhưng bộ phận nhân sự của Uber đã phớt lờ các tố cáo đó. Ngay sau vụ việc của Fowler, hàng loạt nhân viên Uber khác đã lên tiếng về những vấn đề mang tính hệ thống khác, như những nhân viên hoặc lái xe có phong độ làm việc tốt, tăng trưởng mạnh sẽ bị công ty thu thêm phí….
Cuối tháng ba, Uber bị phát hiện vi phạm quy định ứng dụng của Apple tại Trung Quốc. CEO Tim Cook của Apple đã phải mời cá nhân Travis đến trụ sở Apple để yêu cầu Uber ngừng phá rào.
Kết quả là tháng 6, CEO đồng thời là nhà sáng lập công ty Travis Kalanick đã buộc phải rời khỏi vị trí CEO công ty. Có vẻ như hội đồng quản trị đều đồng tình rằng mớ hỗn độn trong văn hoá doanh nghiệp mà Uber đang phải trải qua đều là do tài lãnh đạo kém cỏi của CEO Travis. Sau đó vài tuần, hội đồng quản trị đã tìm ra được vị lãnh đạo mới cho công ty là Dara Khosrowshahi – cựu CEO Expedia. Nhiều người nhận định, với những khó khăn mà Uber đang trải qua, công việc mà CEO Dara mới đảm nhận quả là “không ai muốn động vào”.
Tuy nhiên, bên cạnh quá nhiều dự đoán tương lai ảm đạm dành cho Uber, vẫn có những ý kiến cho rằng Uber vẫn sẽ chỉ tiếp tục phát triển mà thôi: “Tất cả những bài báo tồi tệ về Uber có thể gây tổn hại tới tinh thần trong nội bộ công ty và gây khó khăn cho những nỗ lực, mục tiêu trong ngắn hạn nhưng điều quan trọng là các khách hàng vẫn sẽ được Uber phục vụ đi từ điểm A tới điểm B một cách an toàn với mức giá rẻ. Một vài khách hàng cũng thoải mái đề cập tới các vấn đề Uber đang gặp phải – tôi cá là họ đọc được trên báo chí. Hầu hết tương tác của khách hàng về công ty xảy ra thông qua tài xế”.
Ngày 17/2, Hàn Quốc gây chấn động với thông tin Tòa án quận Trung tâm Seoul cho biết đã bắt giữ Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong nhằm phục vụ công tác điều tra vụ bê bối chính trị liên quan tới Tổng thống đang bị luận tội Park Geun-hye.
Sau nhiều tháng điều tra làm rõ, tới tháng 8/2017, “thái tử” Lee cuối cùng bị tuyên án 5 năm tù giam vì những tội danh gồm hối hộ, biển thủ công quỹ và chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Dù thoát được mức án 12 năm mà các công tố viên đề nghị trước đó, nhưng mức án tù 5 năm vừa được đưa ra cũng được xem là mức án cao nhất từ trước đến nay mà một lãnh đạo chaebol lớn bậc nhất tại Hàn Quốc phải trải qua.
Hiện phía luật sư của thái tử Lee đã nộp đơn kháng cáo nhưng có một thực tế là hiện tại Samsung đang thiếu vắng hai vị trí lãnh đạo cấp cao nhất gồm Chủ tịch (ông Lee Kun-hee đã nằm viện và không hề xuất hiện trong suốt 3 năm) và Phó chủ tịch. Mọi việc điều hành ở tập đoàn này được trao lại cho các lãnh đạo cấp cao và có vẻ như mọi thứ đều diễn ra êm đẹp.
Tháng 10, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc tuyên bố họ đang kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận hoạt động cao kỷ lục chưa từng có trong lịch sử lên tới 14,5 nghìn tỷ won (tương đương 12,8 tỷ USD) trong quý 3 kết thúc vào tháng 9 năm nay, tăng 179% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, Samsung đang chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng cấu trúc cũng như chiến lược lãnh đạo của công ty này đã thay đổi rất nhiều. Khác với tất cả các chaebol khác tại Hàn Quốc, ở Samsung, những vị trí giám đốc được chuyển dần quyền lực từ những lãnh đạo cấp cao hơn. Người chủ sở hữu công ty chỉ vạch ra đường hướng chính trong khi đó những giám đốc làm thuê mới là người trực tiếp bắt tay vào thực hiện. Đây là lý do tại sao Samsung có thể vẫn đạt được kỷ lục dù không có sự hiện diện của các lãnh đạo cấp cao nhất.
Tháng 5/2017, Vision Fund của SoftBank đã chính thức trở thành quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất giới khi đạt mức dự trữ 93 tỷ USD và sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Hãng còn kỳ vọng sẽ đạt con số 100 tỷ USD trong vòng 6 tháng tới.
Đó là khoản tiền rất lớn mà một quỹ tư nhân sở hữu, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của các công ty công nghệ triển vọng. Theo dự báo, nhờ tốc độ gây quỹ nhanh như vậy mà SoftBank có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư “sừng sỏ” như Apple và Qualcomm.
Hàng tỷ đô la dự kiến được rót vào thị trường công nghệ, từ các dự án trí thông minh nhân tạo, người máy cho đến điện toán đám mây. SoftBank cũng lên kế hoạch đầu tư vào các startup và các công nghệ mới.
Toshiba bên bờ vực phá sản, Sharp phải bán mình cho Foxconn, Sanyo bị Panasonic thâu tóm…. là những tin buồn của giới kinh doanh Nhật Bản năm vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng đáng buồn này là bởi các công ty của Nhật không đủ nhanh nhạy đón đầu, theo kịp những đổi mới. Cứ tưởng tượng thế này, tại quốc gia đã phát minh ra Walkman, các tên tuổi lớn nhất đều bỏ lỡ xu hướng quan trọng – chẳng hạn smartphone – và bị nhấn chìm bởi tệ quan liêu trong doanh nghiệp. Những quyết định khiến tiền bạc thất thoát và các bê bối kế toán cũng nổi lên.
Toshiba từng là nhà sản xuất tiên phong trong các lĩnh vực tivi, máy tính xách tay và nhiều thiết bị điện tử gia đình khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang phải chật vật duy trì hoạt động nhờ sự hỗ trợ chính từ các ngân hàng.
Trong khi đó, Sharp từng là công ty đi đầu trong nghiên cứu công nghệ màn hình, có thời điểm họ thống trị thị trường TV LCD với 22% thị phần. Tuy nhiên, Sharp lại để mất thị phần khi Samsung xuất hiện, người Nhật bảo thủ và chậm chân chuyển đổi từ sản xuất TV sang sản xuất màn hình cho những chiếc điện thoại thông minh đang lên. Năm 2015, Sharp thông báo lỗ nặng và cắt giảm khoảng 5.000 lao động trên toàn cầu. Cuối cùng, Sharp bị Foxconn – hãng công nghệ Đài Loan (Trung Quốc) mua lại.
Nhìn chung, tương lai đối với những thương hiệu công nghệ lừng lẫy một thời tại Nhật Bản hiện rất mù mờ. Nếu không có những thay đổi đúng đắn và kịp thời, họ có thể sẽ mãi mãi bị tụt lại phía sau.
Năm vừa qua có quá nhiều tin buồn đến với giới startup thế giới. Nếu như LeEco của Trung Quốc ngập trong nợ nần, nhà sáng lập phải lẩn trốn thì Theranos của Mỹ gần như phá sản, vừa được tung hô là tỷ phú 1 năm trước, tài sản của nữ sáng lập xinh đẹp của công ty này giờ chỉ là con số 0 tròn chĩnh.
Những công ty giao đồ ăn như Maple, Sprig và SpoonRocket đã sụp đổ còn công ty dịch vụ giặt đồ theo yêu cầu Washio cũng đã phải đóng cửa. Còn những công ty tạm gọi “thành công hơn” cũng hầu như không có lãi.
Những trường hợp như vậy xảy ra khiến nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi về giá trị thực sự của những startup và thậm chí chỉ trích tình trạng đầu tư “mù quáng” của một số nhà đầu tư.
Tháng 11/2017, trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong, Trung Quốc, cổ phiếu của Tencent đã tăng 4,12%, qua đó nâng giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn này lên 511 tỷ USD, trở thành công ty lớn nhất châu Á.
Kể từ đầu năm tới nay, cổ phiếu của Tencent liên tục tăng mạnh. Lợi nhuận trong quý III của tập đoàn này đã tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2016.
Các chuyên gia kỳ vọng, giá cổ phiếu Tencent sẽ tiếp tục đi lên, tuy nhiên sẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa để hãng có thể đuổi kịp các hãng công nghệ hàng đầu như Apple hay Alphabet.
Tencent đã phát triển được danh tiếng nhờ việc sớm sao chép những mô hình nước ngoài và áp dụng chúng tại thị trường Trung Quốc. Nền tảng tin nhắn trên máy tính cá nhân của họ là một ví dụ, sản phẩm này hoàn toàn giống với AOL.
Tuy nhiên, công ty internet này sau đó đạt được thành công vang dội nhờ WeChat – một dịch vụ tin nhắn di động hiện được sử dụng bởi 1 tỷ người, hơn 1/3 trong số đó dành tới hơn 4 giờ một ngày sử dụng dịch vụ này. Trong khi đó, trung bình một người trên thế giới dành ít hơn 1 giờ mỗi ngày sử dụng Facebook, Instagram, SnapChat và Twitter gộp lại. Hơn nữa, WeChat không chỉ là nền tảng tin nhắn. Đây là nơi chứa hệ sinh thái sản phẩm bao gồm cỗ máy tìm kiếm (search engine), mạng xã hội và nền tảng thanh toán.
Tencent cũng xây dựng một doanh nghiệp game khổng lồ – mảng kinh doanh tạo ra doanh thu 10 tỷ USD vào năm ngoái nhờ những tựa game hot như “Clash of Clans” hay “Honor of Kings”.
Công ty này cũng sở hữu 4 trong 5 tựa game được chơi nhiều nhất ở các quán cà phê Internet ở Trung Quốc trong năm 2011 và kiếm được khoản tiền khổng lồ nhờ những vật phẩm bán trong game. Công ty cũng sở hữu mạng xã hội phổ biến Qzone. Một nhà đầu tư người Nga nhận định: “Tencent chính là người tiên phong khi kết hợp mạng xã hội và game”.
Bài:
Vân Đàm
Thiết kế:
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ
Trí Thức Trẻ