8 mẹo lấy nước ra khỏi tai – VnExpress

Xoay nhẹ dái tai, dùng trọng lực, tạo chân không, chườm khăn ấm… giúp giải quyết tình trạng nước vào tai.

Nước vào tai là hiện tượng thường gặp khi tắm, đi mưa, bơi lội. Với những trường hợp nhẹ, nước sẽ thoát ra ngoài sau 1-2 giờ nhưng nếu nước vào sâu trong tai, đọng lại vài ngày có thể dẫn đến nhiễm trùng tai. Nước vào tai thường gây khó chịu, ngứa. Cảm giác này có thể kéo dài vài ngày, gây khó chịu đến vùng xương hàm, cổ họng, khiến bạn cảm thấy ù tai. Dưới đây là 7 cách giúp bạn lấy nước ra khỏi tai dễ dàng theo Healthline.

Xoay nhẹ dái tai: Phương pháp xoay nhẹ dái tai có thể khiến nước chảy ra ngoài nhanh hơn. Bạn nghiêng đầu qua một bên, ống tai chứa nước hướng xuống dưới vai, kéo nhẹ nhàng hoặc giật dái tai cho nước ra ngoài. Bạn cũng có thể vừa kéo dái tai, vừa lắc đầu từ bên này sang bên kia để tống nước ra ngoài.

Nước vào tai gây đau, nhức tai cảm giác áp lực tai. Ảnh: Freepik

Nước vào tai gây đau, nhức cảm giác áp lực tai. Ảnh: Freepik

Dùng trọng lực: Nằm nghiêng trong vài phút, gối đầu lên một chiếc khăn để thấm nước, tai chứa nước nằm lên khăn. Với kỹ thuật này, nước có thể từ từ thoát ra khỏi tai.

Sử dụng máy sấy: Hơi nóng từ máy sấy khô có thể giúp làm bay hơi nước bên trong ống tai. Trong lúc tận dụng hơi khô từ máy sấy, bạn nên kéo dái tai xuống để không khí vào nhiều nhất. Lưu ý bật máy sấy ở mức thấp nhất và để cách ống tai một khoảng an toàn, di chuyển máy sấy qua lại liên tục, không để nguyên một chỗ.

Dùng dầu ô liu: Dầu ô liu có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng trong tai, đẩy nước ra ngoài. Đầu tiên, bạn làm ấm một ít dầu ô liu và đặt nó trong một cái bát nhỏ. Kiểm tra độ nóng của dầu bằng cách nhỏ vào cổ tay, nếu nhiệt độ bình thường, bạn dùng dầu nhỏ vào tai bị ảnh hưởng. Bạn nằm nghiêng sang bên tai không bị vào nước khoảng 10 phút, sau đó ngồi dậy và nghiêng tai xuống. Nước và dầu sẽ thoát ra ngoài.

Thử thêm nước: Theo Healthline, phương pháp này nghe có vẻ phi logic nhưng nó có thể giúp nước chảy ra khỏi tai. Với cách này, bạn hãy nằm nghiêng, nhờ người thân nhỏ 2-3 giọt nước sạch vào tai, 5 giây sau bạn úp ngược tai bị vào nước xuống, tất cả nước sẽ cùng nhau chảy ra ngoài.

Ngáp hoặc nhai: Khi nước bị mắc kẹt trong ống tai, đôi khi những cử động miệng có thể giúp mở ống tai. Do vậy, bạn có thể thử ngáp hoặc nhai kẹo cao su để giảm căng thẳng trong ống tai, đẩy nước ra ngoài.

Chườm ấm: Nhúng khăn vào nước ấm và vắt bớt nước. Bạn lưu ý khăn không quá nóng đến mức gây bỏng hoặc kích ứng tai. Gấp khăn và nghiêng đầu, đặt khăn ngoài ống tai trong vài phút để hơi ấm giúp thư giãn tai, làm dịu sự tắc nghẽn ở khu vực này.

Bạn lưu ý không dùng bông ngoáy tai, ngón tay hay bất cứ vật sắc nhọn nào cho vào tai khi tai có nước. Những hành động này dễ mang vi khuẩn vào tai, đẩy nước vào sâu hơn, thủng màng nhĩ, thậm chí làm tổn thương ống tai. Nếu thử các cách trên nhưng nước vẫn còn trong tai sau 2-3 ngày hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn nên đến bác sĩ để xử trí nhằm tránh các biến chứng nghiêm trọng như mất thính giác, tổn thương sụn và xương.

Anh Chi
(Theo Healthline, Medical News Today)