8 luật sư đồng loạt rời phiên xét xử Đường ‘Nhuệ’ và đồng bọn
TPO – Phiên xử Đường “Nhuệ” và đồng bọn ăn chặn tiền hoả táng có nhiều kịch tính ngay ở buổi khai mạc toà. Đáng chú ý nhất là việc 8/9 luật sư bào chữa của các bị cáo đã đồng loạt ra về vì cho rằng HĐXX đã không tôn trọng ý kiến của luật sư.
Sáng nay, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tiến hành xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”, 50 tuổi, trú phường Kỳ Bá, TP Thái Bình), Ninh Đức Lợi (47 tuổi, trú phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình), Phạm Văn Uý (32 tuổi, trú phường Quang Trung, TP Thái Bình), Nguyễn Khắc Nin (42 tuổi, trú huyện Kiến Xương); Bùi Mạnh Tiến (thường gọi là Tiến “trắng” – con nuôi Đường “Nhuệ”, 26 tuổi, trú huyện Vũ Thư) về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự.
2 bị can còn lại là Quách Việt Cường (thường gọi Cường “Sơn La”, 47 tuổi, trú phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình) và Nguyễn Thị Dương (41 tuổi, vợ Đường “Nhuệ”) bị xử cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a, Khoản 3 và Điểm d, Khoản 2, Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Giống như các phiên xử liên quan đến Đường “Nhuệ” trước đây, hàng trăm cảnh sát tham gia bảo vệ các vòng trong và ngoài tại toà. Chỉ những người có giấy triệu tập mới được tham gia dự phiên tòa. Báo chí được bố trí phòng tác nghiệp riêng biệt, thông qua màn hình lớn được truyền trực tiếp từ phòng xét xử.
Việc phòng dịch cũng được tiến hành nghiêm túc, người đến tham dự phiên tòa đều bắt buộc phải đo thân nhiệt và phải khai báo y tế.
Từ 7 giờ 45 phút đến 8 giờ 10 phút, 4 xe chuyên dụng của cảnh sát đưa các bị cáo từ trại tạm giam đến trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình.
Vợ chồng Đường “Nhuệ” có vẻ tăng cân và thậm chí, Nguyễn Thị Dương còn quay lại cười tươi chào những người dân Thái Bình đang tập trung ở cổng trụ sở toà án để theo dõi phiên toà.
Đúng 8 giờ 30 phút, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình bắt đầu làm việc. Cũng từ thời điểm này, kịch tính bắt đầu diễn ra với thái độ nghênh ngang của Tiến “trắng”.
Cụ thể, khi được hỏi, Tiến “trắng” tiếp tục từ chối các luật sư vì cho rằng “luật sư do bố nuôi là Đường “Nhuệ” thuê cho mình không khách quan nên phải từ chối”, đồng thời từ chối khai báo nhân thân, căn cước vì “muốn nói việc khác, xong sẽ chấp hành”.
Sau đó, Tiến “trắng” cho rằng bản thân không có tội, bị bố nuôi Đường “Nhuệ” đổ trách nhiệm trong nhiều vụ án khác nhau.
Trong phần trình bày của mình, Tiến “trắng” liên tục nổi nóng khiến Chủ toạ phiên toà nhiều lần yêu cầu bị cáo này tuân thủ quy định của toà.
Kết thúc phần trình bày, con nuôi của Đường “Nhuệ” nằng nặc xin toà xử mình mức án 20 năm tù khi phiên xử mới ở phần khai mạc.
Diễn biến tại phiên toà tiếp tục căng thẳng khi đến phần trình bày của mình, Đường “Nhuệ” đề nghị tất cả 25 bị hại phải có mặt chứ không chỉ có 4 người như hiện tại nếu không “bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa”, bị cáo Nguyễn Xuân Đường nói. Tuy nhiên sau đó, bị cáo Nguyễn Xuân Đường lại bất ngờ đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xử bởi: “Bị cáo mong tòa vẫn cứ xử, việc triệu tập bị hại vẫn cứ tiến hành. Bị cáo chờ ngày này lâu lắm rồi…”
Ngoài ra, Đường “Nhuệ” cũng đề nghị thay kiểm sát viên tại toà vì “bị cáo không được nghe, không được giao cáo trạng”. Quan điểm này đã bị HĐXX bác bỏ.
Một chi tiết đáng chú ý khác tại phiên toà là các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Xuân Đường đều có quan điểm đề nghị hoãn phiên tòa vì cho rằng việc điều tra vụ án còn thiếu khách quan, vì có quá ít bị hại có mặt (4/25 bị hại có mặt) sẽ không đảm bảo khách quan, đúng đắn trong quá trình tranh tụng, tranh luận.
Khi toà bác bỏ quan điểm trên của các luật sư, 8/9 luật sư đã bỏ tham dự phiên khai mạc. Chỉ còn duy nhất luật sư của bị cáo Phạm Văn Uý ở lại toà tiếp tục bào chữa.
Buổi sáng, toà tạm nghỉ lúc gần 12 giờ.
Từ 1 giờ 30 chiều, phiên toà tiếp tục với phần xét hỏi. Ở buổi xét xử này, 8 luật sư đã bỏ về buổi sáng đã quay lại toà làm việc.
Dự kiến phiên toà sẽ diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/11.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4 năm 2020, Nguyễn Xuân Đường và 6 đồng phạm nêu trên đã dùng nhiều thủ đoạn đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận. Tổng số tiền Nguyễn Xuân Đường và đồng phạm chiếm đoạt của 25 bị hại được cơ quan điều tra xác định là gần 2,5 tỉ đồng.