8 cách phòng tránh ù tai, viêm tai trong mùa lạnh – VnExpress
Tránh ra ngoài vào lúc nhiệt độ thấp, bịt tai, mặc ấm, đeo khẩu trang, giữ ấm cổ họng… giúp bảo vệ tai, tránh viêm trong mùa lạnh.
Nhiều người thường gặp vấn đề về tai vào mùa đông vì đây là thời điểm dễ bị cảm lạnh, viêm mũi xoang, viêm họng. Các bệnh lý này lan đến tai gây viêm tai giữa.
Theo ThS.BS.CKI Trương Trí Tường, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, do sự thay đổi trong hệ tuần hoàn của cơ thể để phản ứng lại với nhiệt độ thấp, một số người gặp triệu chứng ù tai. Đối với những người đang dùng máy trợ thính, thời tiết lạnh gây hao mòn pin nhanh hơn. Hơi nước cũng có thể ngưng tụ bên trong máy trợ thính ảnh hưởng đến thiết bị điện tử này.
Các dây thần kinh cảm giác ở tai tiếp xúc với nhiệt độ lạnh nhiều hơn những nơi khác. Vì thế, tai thường là bộ phận đầu tiên của cơ thể cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ. Nếu chúng ta ở ngoài trời quá lâu và không có biện pháp bảo vệ, tai dễ bị đau, buốt. Bác sĩ Tường chia sẻ cách bảo vệ tai trong mùa lạnh như sau:
Tránh ra ngoài khi thời tiết quá lạnh
Bạn nên theo dõi dự báo thời tiết hàng ngày để biết được khi nào nhiệt độ thấp nhất và tránh ra ngoài vào thời điểm đó. Vào mùa đông, thời tiết thường lạnh nhất vào ban đêm và sáng sớm. Nếu bạn có thói quen tập thể dục vào sáng sớm thì nên tập ở trong nhà.
Giữ ấm
Mặc ấm khi ra ngoài giúp cơ thể tránh bị nhiễm lạnh dẫn đến cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng. Vì tai mũi họng là những cơ quan thông với nhau nên khi một bộ phận bị viêm nhiễm, vi khuẩn dễ lây lan sang cơ quan lân cận.
Bịt tai
Bịt tai trong mùa đông bằng dụng cụ bịt tai, quấn khăn, đội mũ giúp giữ ấm cho tai, tránh không khí và gió lạnh thổi vào gây đau, buốt tai, dẫn đến đau đầu.
Giữ ấm tai giúp phòng ù tai, đau tai trong mùa lạnh. Ảnh: Freepik
Vệ sinh máy trợ thính
Người đeo máy trợ thính nên chú ý giữ chúng sạch sẽ và khô ráo vào mùa đông. Các hộp sấy khô có thể ngăn sự ngưng tụ hơi nước trong máy trợ thính.
Tiêm phòng vaccine
Cúm mùa là nguyên nhân thường gây triệu chứng viêm mũi họng, từ đó có thể dẫn tới viêm tai giữa. Phế cầu cũng là một tác nhân dẫn đến viêm tai giữa. Trẻ em và người lớn nên tiêm phòng vaccine cúm mùa, phế cầu để phòng ngừa nguy cơ viêm tai giữa, bảo vệ tai trong mùa lạnh.
Người lớn tiêm chủng phòng bệnh cúm mùa, phế cầu tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC. Ảnh: Hằng Trần
Uống trà nóng
Dùng một tách trà thảo mộc nóng vào buổi tối và sáng sớm khi ngủ dậy rất tốt cho tai mũi họng. Trà gừng, trà hoa cúc, trà chanh đào mật ong… đều có chất kháng viêm tự nhiên giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Đeo khẩu trang
Mọi người nên đeo khẩu trang khi ra ngoài để giữ ấm cho mũi họng, tránh khói bụi và các tác nhân gây viêm mũi họng dẫn đến các bệnh lý ở tai.
Không lạm dụng thuốc kháng sinh
Bác sĩ Tường cho biết thêm, ở nước ta, trẻ em thường được cha mẹ cho uống kháng sinh không theo kê đơn khi bị ốm, sốt. Việc uống kháng sinh quá liều, không có chỉ định của bác sĩ có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh, khiến việc điều trị nhiễm trùng với thuốc kháng sinh thông thường không hiệu quả.
Các bệnh về tai, nhất là viêm tai giữa có thể gây biến chứng nặng như suy giảm thính lực, thủng màng nhĩ, điếc nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Viêm tai giữa còn có thể biến chứng đến dây thần kinh số 7 gây liệt mặt, ảnh hưởng đến mắt và thẩm mỹ gương mặt. Khi có các triệu chứng đau tai, ù tai, chảy dịch ở tai, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị sớm.
Nguyên Phương