8 cách giảm đau do tràn dịch khớp gối – VnExpress
Tràn dịch khớp gối có thể điều trị tại nhà bằng chườm đá, xoa bóp… cùng một số biện pháp khác nếu tình trạng không nghiêm trọng.
Tràn dịch khớp gối là tình trạng gia tăng lượng dịch trong khớp gối sau chấn thương hoặc các nguyên nhân bất thường trong khớp như: chấn thương dây chằng, gãy xương quanh đầu gối, viêm khớp, nhiễm trùng, u nang… làm hạn chế vận động. Khị bị tràn dịch khớp gối, người bệnh sẽ thấy đau, sưng đỏ; hơi ấm xung quanh khu vực bị ảnh hưởng; cứng khớp; chuyển động đầu gối hạn chế… Tuy nhiên, tình trạng này có thể xử lý tại nhà bằng những cách dưới đây.
Nghỉ ngơi
Người bị tràn dịch khớp gối cần nghỉ ngơi bằng cách tránh chơi các môn thể thao hoặc hoạt động mạnh, đặc biệt là những môn phải sử dụng đầu gối liên tục. Thay vào đó, nên vận động nhẹ nhàng như duỗi – gập đầu gối nhiều lần trong ngày.
Chườm đá
Chườm đá vào đầu gối khoảng 15 đến 20 phút, cứ sau 2 đến 4 giờ, trong 2 đến 3 ngày đầu sau khi bị chấn thương, giúp kiểm soát cơn đau và giảm sưng. Bạn nên sử dụng một chiếc khăn bọc ngoài túi nước đá để tránh làm tổn thương da.
Xoa bóp giúp đầu gối đỡ đau hơn. Ảnh: Freepik
Làm nóng đầu gối
Sau 72 giờ chườm lạnh không liên tục, bạn có thể xoa dịu đầu gối bằng cách tắm nước ấm, sử dụng túi sưởi hoặc khăn ấm đặt lên phần bị tổn thương trong khoảng 15 – 20 phút, vài lần mỗi ngày. Nếu chỗ chấn thương trầm trọng hơn, dừng chườm nóng.
Nâng chân
Ngồi hoặc nằm xuống và đặt chân lên một chiếc ghế cao hoặc gối để giảm lưu lượng máu đến đầu gối sẽ giúp giảm viêm. Bạn cần chắc chắn chân của mình được nâng cao hơn tim. Đây là bước cuối cùng trong phương pháp RICE (nghỉ ngơi, chườm đá, quấn đai và nâng cao chân) phổ biến.
Xoa bóp
Xoa bóp đầu gối có thể giúp chất lỏng thoát ra khỏi khớp. Để thực hiện massage tại nhà, bạn có thể sử dụng dầu thầu dầu bôi trơn cũng như hỗ trợ giảm đau và viêm.
Quấn đầu gối bằng đai
Việc quấn đai đàn hồi quanh đầu gối hỗ trợ ngăn chặn tình trạng tràn dịch trở nên tồi tệ hơn cũng như bảo vệ khớp gối. Tuy nhiên, bạn không nên quấn quá chặt, dễ gây sưng tấy ở cẳng chân và bàn chân.
Sử dụng thuốc kháng viêm
Các loại thuốc thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) sẽ giúp giảm đau khi chân đang sưng. Trong trường hợp cần can thiệp y tế, bác sĩ có thể cho bạn thuốc giảm đau theo toa hay steroid được tiêm trực tiếp vào khớp gối nhằm giảm viêm nhiễm.
Tập thể dục
Khi vết thương đỡ sưng và đau, bạn có thể thực hiện các bài tập tăng cường cơ bắp, hỗ trợ đầu gối như: thể dục nhịp điệu dưới nước, bơi lội… Hãy nói chuyện với các chuyên gia để biết những bài tập giúp khớp khỏe và giảm chất lỏng ở đầu gối. Tập luyện để duy trì hình thể khỏe mạnh, điều chỉnh cân nặng cũng là cách giúp ngăn ngừa tổn thương không cần thiết cho gối.
Đối với nhiều trường hợp sưng tấy đầu gối, phương pháp RICE (nghỉ ngơi, chườm đá, quấn đai và nâng cao chân) là biện pháp tốt giúp tiêu viêm, giảm đau. Việc sử dụng thuốc chống viêm không kê đơn cũng có thể hữu ích.
Dù hầu hết cơn đau đầu gối đều có thể điều trị tại nhà nhưng đôi khi, đó có khả năng là dấu hiệu của chấn thương nghiêm trọng hoặc triệu chứng của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Ví dụ viêm khớp dạng thấp và bệnh gout cũng có thể gây sưng tấy đầu gối. Vì vậy, bạn cần tới gặp bác sĩ nếu đầu gối sưng và đau dữ dội; không thể duỗi thẳng hoàn toàn hay uốn cong đầu gối và các triệu chứng không thuyên giảm trong vòng 3 ngày dù đã áp dụng biện pháp nghỉ ngơi, chườm; bị sốt; đầu gối chuyển sang màu đỏ và cảm thấy ấm khi chạm vào…
Như Ý (Theo Healthline)