8 Cách quảng bá eCommerce Brand cho các doanh nghiệp mới nổi

E-commerce – nền tảng thương mại điện tử ra đời với mong muốn số hóa quy trình mua hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng và cho phép doanh nghiệp mở rộng phạm vi kinh doanh. Chính vì thế, đầu tư ngân sách cho hoạt động quảng bá tiếp thị là vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp eCommerce. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số cách quảng bá eCommerce brand. 

Quảng bá eCommerce brand là gì?

Tiếp thị thương mại điện tử hay quảng bá ecommerce là hoạt động sử dụng các chiến thuật khuyến mại và chiến lược tiếp thị để quảng bá thương hiệu ecommerce, thu hút khách hàng truy cập nền tảng trực tuyến; chuyển đổi lưu lượng truy cập đó thành khách hàng mua hàng và giữ chân họ trong các hoạt động mua sắm tiếp theo. 

Một chiến lược quảng bá ecommerce brand toàn diện được tạo thành từ các chiến thuật tiếp thị cả trong và ngoài website của doanh nghiệp. Chiến lược tiếp thị hợp lý có thể giúp doanh nghiệp xây dựng nhận diện thương hiệu, thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng và từ đó tăng doanh số bán hàng trực tuyến. 

Các cách quảng bá eCommerce brand

Kể câu chuyện đằng sau thương hiệu của bạn

Chia sẻ những câu chuyện chân thực đằng sau cái tên hay câu chuyện hình thành doanh nghiệp của bạn giúp mọi người có ấn tượng tốt hơn. Đây là cách quảng bá eCommerce bằng nội dung vừa khiến khách hàng có cái nhìn tích cực về doanh nghiệp và sản phẩm, vừa cho phép doanh nghiệp tăng nhận diện thương hiệu.

Tận dụng mạng xã hội

Theo báo cáo mới nhất của NIELSEN Vietnam, 68.7% người tiêu dùng Việt sử dụng Internet mỗi ngày. Người tiêu dùng dành khoảng ¼ thời gian sử dụng Internet để tương tác, trò chuyện, mua sắm và cập nhật thông tin trên mạng xã hội. Nền tảng truyền thông mạng xã hội là phương tiện rất tốt để quảng bá ecommerce brand, kết nối khách hàng và tạo ra các tác động mạnh mẽ lên thương hiệu. Ngoài khả năng tiếp cận được với lượng khách hàng lớn hơn, mạng xã hội đang được cải tiến và có thêm các tính năng hỗ trợ cho quá trình mua hàng của khách hàng như:

Chia sẻ thông tin về sản phẩm và tương tác với khách hàng

Người dùng hiện nay truy cập các trang mạng xã hội để cập nhật thông tin, trò chuyện với bạn bè và mua sắm. Chính vì vậy, các thương hiệu có thể tận dụng thời gian trực tuyến mỗi ngày của khách hàng để đăng tải các thông tin về sản phẩm của mình. Hoạt động tiếp thị nội dung qua mạng xã hội có thể bao quát toàn bộ quá trình mua hàng của khách hàng bao gồm: nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm – cân nhắc giữa các lựa chọn – quyết định mua hàng – thảo luận và giới thiệu cho người dùng khác. 

Ngoài ra, người bán hàng cũng có thể dễ dàng tương tác với khách hàng thông qua chatbot hoặc nhắn tin trực tiếp. Hoạt động này hỗ trợ cả người tiêu dùng cả người bán hàng, giúp tăng khả năng chốt đơn và trải nghiệm mua hàng. 

Tiếp cận đối tượng mục tiêu và nắm được hành vi tiêu dùng của khách hàng

Facebook cùng những trang mạng xã hội khác cho phép người bán hàng chạy các chiến lược bán hàng tập trung vào các nhóm khách hàng mục tiêu cũng như hỗ trợ các hoạt động nhằm tối đa hoá khả năng chốt đơn của nhóm khách hàng đó. Đồng thời, người bán hàng cũng có thể nắm được hành vi tiêu dùng của khách hàng với từng sản phẩm riêng để có các chiến lược tiếp thị trong tương lai. 

Mua sắm ngay trên mạng xã hội

Trang mạng xã hội không chỉ cho phép người tiêu dùng giao tiếp với người bán hàng mà khách hàng còn dễ dàng mua sắm khi nhắn tin với người bán. Sự thuận tiện này đã vô hình chung thúc đẩy hành vi mua hàng của khách hàng bởi tính có sẵn và đa dạng của sản phẩm, dễ dàng trong cách mua và đặt hàng.

Tích hợp với website thương mại điện tử

Doanh nghiệp ngày càng mong muốn biến website của mình trở thành một hệ thống bán hàng đa kênh hoàn chỉnh, một hệ thống chung có vận hành toàn bộ quá trình kinh doanh trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, affiliate (bán chéo ở website khác) để hỗ trợ tối đa nhu cầu của khách hàng, tiếp cận với nhiều nhóm khách hàng ở các khu vực khác nhau.

Tận dụng nội dung của người dùng 

Một trong những tính năng của mạng xã hội là cho phép người dùng chia sẻ nội dung ưa thích của với bạn bè của mình. Chính vì tính năng đó, những khách hàng hài lòng với sản phẩm của bạn hoàn toàn có thể chia sẻ thương hiệu của bạn đến một tệp khách hàng mới. 

Giống như tất cả các hoạt động tiếp thị truyền miệng (word of mouth), nội dung do người dùng tạo có tác động mạnh mẽ tới bạn bè và những người theo dõi của khách hàng. Điều này xảy ra được vì họ tin tưởng vào nội dung mà bạn bè, người thân của họ chọn để chia sẻ. Theo Collective Bias, 70% thế hệ millennials (25-38 tuổi) thường dễ bị ảnh hưởng bởi các đề xuất đến từ đồng nghiệp khi mua hàng. 

Kết nối với các blogger và những người có ảnh hưởng

Hiện tượng đặt niềm tin vào người thân, bạn bè cũng xảy ra tương tự khi người tiêu dùng thấy các bloggers và những người nổi tiếng chia sẻ cảm nhận về một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Những KOL (key opinion leader) sẽ chia sẻ những hiểu biết, cảm nhận của riêng họ về sản phẩm và đưa ra lời khuyên cho người dùng. 

Một trong những hình thức marketing mới mà thương hiệu kết hợp với người nổi tiếng được các thương hiệu quan tâm hiện nay – tiếp thị liên kết (Affiliate marketing). Affiliate marketing cho phép doanh nghiệp làm việc với các KOLs, influencers hoặc bất kỳ người nào có khả năng giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Tuy nhiên điểm đặc biệt của hình thức Marketing này là các marketers (KOLS, influencers, người tiêu dùng,…) sẽ chỉ nhận được hoa hồng nếu họ giới thiệu được sản phẩm cho một khách hàng (dựa vào lượt click của khách hàng tới link sản phẩm và đặt mua). 

Khởi động chương trình đại sứ thương hiệu

Trong số những người nổi tiếng và người có tầm ảnh hưởng (KOLs và influencers) đăng nội dung về sản phẩm của bạn, sẽ có một vài cá nhân có cá tính, phong cách tương đồng với thương hiệu của bạn – hãy cân nhắc để họ trở thành đại sứ thương hiệu – một người đại diện lâu dài cho thương hiệu của bạn. Đại sứ không nhất thiết phải là người nổi tiếng hoặc những người có lượng người theo dõi lớn, miễn là họ nắm giữ quyền lực trong thị trường mục tiêu của bạn. 

Lợi ích của chương trình đại sứ thương hiệu

  • Đại diện cho niềm tin của doanh nghiệp: một đại sứ thương hiệu có hình ảnh tốt với công chúng sẽ mang lại cảm giác tương tự cho doanh nghiệp. Niềm tin vào doanh nghiệp và sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp là bước nền quan trọng trong quá trình chọn mua sản phẩm của khách hàng. 
  • Nhận diện thương hiệu: Một gương mặt quen thuộc xuất hiện nhiều trên các trang báo, mạng, truyền hình khi trở thành đại sứ thương hiệu sẽ giúp độ nhận diện thương hiệu của sản phẩm cao hơn. 
  • Thu hút khách hàng mới: Nếu như trước đây thương hiệu của bạn chỉ phục vụ cho một nhóm khách hàng cụ thể, thì giờ đây bạn hoàn toàn có thể tiếp cận với nhóm khách hàng mới (nhóm khách hàng chưa biết đến sản phẩm của bạn trước đây). Chiến dịch marketing kết hợp đại sứ của Oppo là một trong những chiến dịch sử dụng đại sứ thương hiệu rất hiệu quả, chiến dịch đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi sử dụng các nhóm người nổi tiếng để làm đại sứ thương hiệu cho từng sản phẩm khác nhau của nhằm kích thích từng nhóm khách hàng đối tượng mục tiêu khác nhau như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng MTP, vv.

Tuy nhiên, không phải chương trình đại sứ thương hiệu nào cũng đem lại lợi ích, một số chú ý cho doanh nghiệp khi cân nhắc hình thức marketing này:

  • Phân tích kỹ hình ảnh của đại sứ có phù hợp với phong cách mà doanh nghiệp muốn hướng tới không.
  • Có những phương án dự phòng cho những trường hợp “scandal” của đại sứ thương hiệu để không làm ảnh hưởng tới hình ảnh doanh nghiệp.
  • Kiểm soát hoạt động của đại sứ thương hiệu để tăng hiệu quả nhận diện thương hiệu cũng như hạn chế những sai sót không đáng có.

Tiếp thị bằng nội dung – Content marketing

Cung cấp các nội dung giải quyết vấn đề của khách hàng: website của bạn không cần phải lúc nào cũng tập trung vào sản phẩm hoặc thương hiệu, bạn hoàn toàn có thể cung cấp các nội dung khác. Lời khuyên ở đây là thực hiện nghiên cứu thị trường, xem xét các vấn đề mà khách hàng đang quan tâm là gì và viết bài đăng tải các nội dung đó. Nếu bạn cho khách hàng giải pháp để giải quyết các vấn đề của họ thì khả năng cao họ sẽ ghé thăm website của bạn nhiều hơn, từ đó cơ hội nhìn thấy và mua sản phẩm của bạn là tương đối cao. Nội dung cũng là bước nền quan trọng của tất cả các phương thức quảng bá ecommerce brand khác.

Tối ưu nội dung sản phẩm trên trang nền tảng ecommerce: Tập trung vào tính năng cũng như giá thành của sản phẩm – những yếu tố mà khách hàng quan tâm nhất trên các nền tảng ecommerce.

Sử dụng hình ảnh và video 

Theo Maikenaite Courand, người dùng sẽ chỉ nhớ 10-20% nội dung những gì họ đọc hoặc nghe, nhưng họ sẽ nhớ tới 65% nếu được xem nội dung đó. Rõ ràng, nếu bạn chỉ tạo blog và nội dung văn bản khác, điều đó không phải lúc nào cũng đủ để thu hút khách hàng về nội dung thương hiệu của bạn. Bạn có thể tăng khả năng ghi nhớ của khách hàng nếu tạo ra các nội dung trực quan hấp dẫn – hình ảnh và video. Một số lưu ý khi thực hiện quảng bá ecommerce thông qua hình ảnh và video:

  • Hình ảnh sản phẩm trên các nền tảng ecommerce cần rõ ràng, chân thực, có thể là sản phẩm tự chụp của khách hàng hoặc cửa hàng (không cần cầu kỳ chỉnh sửa như trên mạng xã hội hoặc website).
  • Làm nổi bật hình ảnh thông báo khuyến mãi để kích thích tâm lý tiêu dùng của khách hàng.
  • Giới thiệu sản phẩm bằng video để tăng tính chân thực cho sản phẩm.

Cải thiện khả năng SEO

Khi khách hàng tìm kiếm Google, nếu như thương hiệu của bạn xuất hiện ở trang đầu tiên trên trang tìm kiếm thì khả năng cao là khách hàng sẽ đánh giá thương hiệu của bạn uy tín hơn đối thủ — và tự nhiên, họ ưu tiên tìm hiểu về thương hiệu của bạn so với đối thủ cạnh tranh. SEO là một lựa chọn hợp lý để xây dựng nhận thức về thương hiệu và quảng bá ecommerce brand thông qua website. 

Vì vậy, hãy đảm bảo tối ưu hóa trang web của bạn cho các từ khóa liên quan đến thương hiệu mà đối tượng của bạn đang tìm kiếm. Thương hiệu có thể cân nhắc tối ưu hóa cho ba loại từ khóa: từ khóa chung mô tả danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, từ khóa cụ thể tập trung hơn vào loại sản phẩm của bạn và từ khóa cụ thể liên quan đến thị trường ngách của bạn. Ngoài ra, hãy nghiên cứu các bài viết từ đối thủ của bạn trên Google – các trang web mà bạn đang cạnh tranh. 

Kết luận

Quảng bá eCommerce brand là hoạt động tiếp thị cần thiết của doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp mở rộng phạm vi bán hàng, tăng nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng truy cập trang web, mua sắm nhiều hơn.

Xem chi tiết

Thu gọn