8 Biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ mầm non
Các em nhỏ ở lứa tuổi mầm non chưa đủ khả năng và nhận thức về những tai nạn nguy hiểm. Vì vậy, người lớn cần nắm rõ 8 biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ mầm non dưới đây để tạo nên môi trường sống an toàn và lành mạnh cho các bé.
Mục Lục
Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ mầm non
Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến di chứng tàn tật suốt đời hay thậm chí là tử vong ở trẻ nhỏ, không chỉ gây ra những đau đớn về thể xác mà nó còn khiến tinh thần của trẻ bị tổn thương. Đa phần, các trường hợp này xảy ra là do sự bất cẩn, thiếu hiểu biết của người lớn. Vì vậy, việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ mầm non là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Ở lứa tuổi mầm non, các em thường rất hiếu động, nghịch ngợm, tò mò về thế giới xung quanh và chưa có kiến thức, kỹ năng để nhận biết cũng như phòng tránh những mối nguy hiểm, nên rất dễ gặp phải tai nạn thương tích.
Tai nạn là những tác động bất ngờ, ngoài ý muốn do các tác nhân bên ngoài, gây nên thương tích cho cơ thể.
Thương tích là tổn thương trên cơ thể khi phải chịu tác động đột ngột nằm ngoài khả năng chịu đựng của cơ thể, hoặc là hiện tượng rối loạn chức năng do thiếu những yếu tố cần thiết cho sự sống như không khí, nước và nhiệt độ phù hợp.
Xem thêm: hiết kế trường mầm non đạt chuẩn
9 loại tai nạn thương tích cho trẻ mầm non
-
Tại nạn thương tích do giao thông
Là những trường hợp bất ngờ xảy ra va chạm trong quá trình tham gia giao thông, và nó nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do sự bất cẩn của người điều khiển xe cộ, hoặc do chất lượng đường xá, chất lượng máy móc của xe không đảm bảo an toàn…
-
Bỏng
Bỏng được chia làm 2 loại: bỏng nóng và bỏng lạnh. Bóng nóng là tai nạn thương tích mà các em nhỏ thường gặp phải, nó là hiện tượng tổn thương một hoặc nhiều lớp tế bào da do tiếp xúc với nhiệt độ cao như nước sôi, lửa hay do tia cực tím, phóng xạ, điện giật, chất hóa học…; hoặc là hiện tượng phổi bị tổn thương do hít phải khói độc hại.
Bỏng lạnh là trường hợp khá hiếm gặp, đó là tình trạng mô sống trên cơ thể người bị đông cứng và tổn thương do tiếp xúc với nhiệt đột quá thấp.
-
Đuối nước
Đuối nước là những trường hợp tai nạn thương tích xảy ra khi bị chìm trong các chất lỏng như nước, xăng, dầu… gây ra tình trạng ngạt thở do thiếu oxy dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác như chết tế bào não hoặc thậm chí là ngừng nhịp tim, tử vong.
-
Điện giật
Đây là tai nạn thương tích xảy ra do tiếp xúc với nguồn điện dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như bỏng hay tử vong.
-
Ngã
Ngã là tai nạn mà các bạn nhỏ rất dễ gặp phải bởi tính hiếu động, nghịch ngợm ở lứa tuổi này. Ngã xảy ra do vấp phải những vật cản trong quá trình di chuyển hoặc là rơi từ trên cao xuống, dẫn đến những tổn thương ngoài da hay nghiêm trọng hơn là gãy xương…
-
Động vật cắn
Là những tai nạn thương tích khi bị các loại động vật tấn công như cắn, húc, đâm phải…
-
Ngộ độc
Là trường hợp ăn vào, hút vào, tiêm vào cơ thể những chất độc tố dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa hay đi ngoài, nghiêm trọng hơn là hiện tượng co giật, mê man hặc thậm chí dẫn tới tử vong.
-
Máy móc hay những vật sắc nhọn
Trẻ nhỏ gặp phải tai nạn khi tiếp xúc với các loại máy móc đang vận hành (máy cưa, máy xát…) hay đùa nghịch những vật sắc nhọn (dao, kéo, liềm…) gây thương tích ngoài da hoặc những thương tổn nghiêm trọng hơn như mất đi bộ phận cơ thể…
-
Bạo lực
Bạo lực là hành động dùng sức mạnh vũ lực của một người hay một nhóm người gây ra những tổn thương cơ thể và tinh thần cho người khác.
Những biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ mầm non
Để phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ mầm non, phụ huynh cũng như các giáo viên tại nơi trông giữ trẻ phải có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, chủ động quan tâm và quản lý các con để có thể xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ nhỏ.
-
Phòng té ngã
Đảm bảo cho không gian vui chơi của trẻ luôn thoáng mát, sạch sẽ; các sân chơi cần bằng phẳng và không bị trơn trượt, có hệ thống thoát nước tốt để tránh tình trạng đọng nước trong những ngày mưa gió.
Cửa sổ, hành lang hay cầu thang trong nhà phải có lan can, tay vịn. Tránh để trẻ chơi tại những nơi có nguy cơ sập đổ, bàn ghế hỏng phải được sửa chữa hoặc thay mới kịp thời.
Đồ chơi ngoài trời như đu quay, cầu trượt… dụng cụ thể thao, đồ dùng cho chuyên đề giáo dục phải đảm bảo chắc chắn, hoạt động an toàn và được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên.
Bên cạnh đó, người lớn cũng cần nhắc trẻ không được leo trèo, đu bám lên lan can hay cây cối để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ mầm non.
-
Phòng ngừa đánh nhau
Đối với các bạn nhỏ hiếu động và nghịch ngợm thì hiện tượng đánh nhau xảy ra khá thường xuyên, vì vậy các bậc phụ huynh cũng như giáo viên cần nhắc nhở kịp thời, giáo dục các con không được xô đẩy, đánh bạn.
Không cho phép các bạn nhỏ sử dụng những vật sắc nhọn để tránh gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh.
Đồng thời, người lớn cần trông chừng và quan tâm, để con luôn giữ tinh thần vui vẻ, hòa nhã, đoàn kết với các bạn. Tránh gieo rắc cho các con những suy nghĩ tiêu cực và cách ứng xử bạo lực.
-
Phòng ngừa tai nạn giao thông
Trong quá trình tham gia giao thông, ba mẹ cần trang bị đầy đủ những đồ bảo hộ cơ bản cho bé như mũ bảo hiểm khi ngồi xe máy, thắt dây an toàn hay ghế chuyên dụng cho các bạn nhỏ khi ngồi ô tô. Người lớn cũng cần chấp hành tốt luật an toàn giao thông để tránh những tai nạn thương tích không đáng có.
Các trường mầm non cần có hàng rào và cổng để học sinh không chạy ra ngoài đường, gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, giáo viên hãy hướng dẫn các con chấp hành luật an toàn giao thông và tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh không nên lái xe trong sân trường cũng như những sân chơi ngoài trời của con trẻ.
Việc gắn biến báo trường học ở khu vực gần trường giúp thông báo cho người tham gia giao thông cần chú ý quan sát, giảm tốc độ ở đoạn đường này cũng là một biện pháp phòng chống tai nạn khá hiệu quả mà các nhà trường nên áp dụng.
-
Phòng ngừa bỏng và nhiễm độc
Những thứ dễ gây bỏng như phích nước nóng, nồi cơm điện, bếp nấu… cần được bố trí hợp lý, tránh xa tầm tay trẻ em.
Tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với bật lửa, diêm quẹt, nến…; các loại vật liệu dễ cháy nổ như xăng, ga, cồn… Và phụ huynh nhớ để ý cũng như nhắc nhở trẻ tránh xa ống bô xe máy khi vừa tắt máy, bởi những trường hợp bỏng do ống bô xảy ra khá nhiều ở trẻ nhỏ.
Để hộp đựng thuốc và hóa chất xa tầm tay với của trẻ, cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
-
Phòng ngừa đuối nước
Tập bơi không chỉ giúp trẻ rèn luyện thể lực, tốt cho sức khỏe mà đây còn là một cách phòng chống tai nạn đuối nước vô cùng hữu hiệu. Bên cạnh đó, đừng để trẻ chơi gần bờ ao, sông suối một mình; và khi đi thuyền, đò phải mặc áo phao bảo hộ.
Giếng, bể nước trong gia đình hay trường học cần phải có nắp đậy và không để thùng, chum vại nước tại những nơi trẻ có thể thiếp cận.
-
Phòng ngừa điện giật
Lắp đặt hệ thống điện an toàn, không để dây trần, các thiết bị như ổ điện, bảng điện cần để xa tầm với của trẻ. Với những ổn điện cố định trên tường cần có biện pháp che chắn để trẻ không thể tiếp xúc với nguồn điện.
-
Phòng ngừa ngộ độc thức ăn
Khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ, ba mẹ cần lựa chọn những thực phẩm tươi, sạch và tránh những đồ mà bé bị dị ứng. Cũng không nên cho trẻ ăn ở những quán ăn vỉa hè, thiếu vệ sinh.
Ở trường cũng vậy, các cô cần lựa chọn nguyên liệu nấu ăn đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
-
Phòng ngừa hóc, sặc
Để tránh gây ra trường hợp hóc – sặc, ba mẹ nên gỡ kĩ thức ăn không còn xương trước khi cho con ăn và dạy trẻ nhai kỹ khi ăn uống.
Để ý và nhắc nhở trẻ không được cho hột, hạt hay những vật thể lạ vào tai, mũi và miệng.
Trên đây là những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em và cách phòng chống mà các bậc phục huynh nên lưu ý. Tuy vậy, sự quan tâm và cẩn thận của người lớn mới là biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ mầm non hiệu quả nhất. Để tạo ra môi trường vui chơi và phát triển an toàn, lành mạnh cho con trẻ, mỗi người hãy nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ các con.