700 hộ dân ký đơn tập thể đề nghị thanh tra toàn diện lại Khu đô mới Thủ Thiêm
Trả đất tái định cư, đền bù theo luật đất đai 2003
Một trong những kiến nghị gây chú ý nhất tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 với đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ chí Minh là của ông Nguyễn Hồng Quang. Cầm một tập đơn có chữ ký của hơn 700 hộ dân có đất bị thu hồi trong dự án xây dựng KĐTMTT, ông Nguyễn Hồng Quang kiến nghị đưa vụ việc ra nghị trường Quốc hội, mặt khác, Chính phủ cần chỉ đạo Thanh tra Chính phủ lập đoàn thanh tra toàn diện mới giải quyết được những vấn đề mang tính gốc rễ Thủ Thiêm. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Quang, chính sách đền bù, giải toả thu hồi đất xây dựng KĐTMTT không đúng theo quy định của pháp luật.
Trong tập đơn ông Nguyễn Hồng Quang cung cấp, nơi đến là Thủ tướng, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, Ban dân nguyện Quốc hội, Thanh tra chính phủ, Ban Tiếp công dân trung ương và Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh. Cũng theo nội dung của đơn, trong suốt 23 năm qua (kể từ 1996), UBND TP Hồ Chí Minh – chủ đầu tư dự án xây dựng KĐTMTT và trưởng Ban quản KĐTMTT có những sai phạm nghiêm trọng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ (trong kết luận về một số nhóm vấn đề người dân có đất bị thu hồi khiếu nại).
Một số nhóm vấn đề người dân đề nghị giải quyết tận gốc như ranh quy hoạch; chính sách đền bù giải toả, đất tái định cư; giao đất cho các doanh nghiệp…(theo kết luận thanh tra là TP Hồ Chí Minh có sai phạm).
Một trong những vấn đề nổi bật được đề cập trong đơn đó là người dân khẳng định họ có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh 5 khu phố thuộc 3 phương nằm ngoài ranh quy hoạch xây dựng KĐTMTT nhưng vẫn bị cưỡng chế thu hồi (theo kết luận thanh tra diện tích thu hồi ngoài ranh là 4,3 ha). Tập thể người dân đồng kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xác định rõ.
Về chính sách bồi thường, tập thể người dân đồng kiến nghị cần áp dụng chính sách giải toả bồi thường theo Luật Đất đai 2003 và vận dụng các quy định về đền bù giải toả theo hướng có lợi cho người dân.
Về đất tái định cư, người dân đồng kiến nghị được tái định cư trên diện tích 160 ha theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng quyết định 367 (Theo kết luận thanh tra, một phần diện tích đất đã được thành phố giao cho các dự án, dẫn đến thiếu đất tái định cư cho người dân, đồng thời dẫn đến việc thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch)
Gay gắt
Cử tri, Nguyễn Thị The (phường Bình An) là một trong những người được phát biểu sớm nhất tại buổi tiếp xúc, Theo bà Nguyễn Thị The, hơn 20 năm qua đã ra Hà Nội khiếu nại không biết bao nhiêu lần về dự án xây dựng KĐTMTT nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách dứt điểm.
Cũng giống như một số cử tri khác, bà Nguyễn Thị The đề nghị Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện quá trình đền bù giải toả, thu hồi đất, xây dựng KĐTMTT. Trước mắt, nếu không thành lập đoàn thanh tra liên ngành thì phải giải quyết đơn khiếu nại của 115 hộ (vẫn đang bám trụ, chưa di dời) để bảo vệ công bằng, minh bạch. Bà Nguyễn Thị The đề nghị các Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm hơn nữa với người dân có đất bị thu hồi trong dự án xây dựng KĐTMTT.
Cử tri Trần Thị Mỹ (phường An Khánh) cho rằng, lãnh đạo TP đã rất quyết tâm để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm. Cả bí thư và chủ tịch thành phố đã gặp dân nhiều lần và hứa giải quyết dứt điểm. Thành phố đã quyết tâm, vấn đề hiện nay là UBND quận 2 và các ngành chức năng cần phải vào cuộc để giải quyết những vấn đề tồn đọng.
Không né tránh vấn đề Thủ Thiêm
Sau gần 4 tiếng đồng hồ làm việc, kết thúc buổi tiếp xúc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh là ông Phan Nguyễn Như Khuê đã có phần trao đổi lại với cử tri quận 2.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, kỳ họp tới, nếu có làm việc với Thanh tra Chính phủ liên quan giải quyết đơn thư khiếu nại, các đại biểu sẽ trao đổi, chất vấn Thanh tra chính phủ về vấn đề Thủ Thiêm.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng cung cấp thêm thông tin, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi Ban thường vụ và Ban dân nguyện Quốc hội, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam về những vấn đề ở Thủ Thiêm. Trên cơ sở báo cáo của TP Hồ Chí Minh, Ban Dân nguyện đã có 4 văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên – môi trường, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ để cùng phối hợp giải quyết các vấn đề ở Thủ Thiêm.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định: “Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh không né tránh những vấn đề cử tri đang mong mỏi. Nếu trong kỳ họp có làm việc với Thanh tra Chính phủ liên quan giải quyết đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẽ trao đổi, chất vấn Thanh tra chính phủ về vấn đề Thủ Thiêm”.