60 tuổi mới về hưu, giáo viên mầm non lo múa hát thế nào

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có đề xuất bổ sung nghề nặng nhọc đối với giáo viên bậc học mầm non. Trên cơ sở kiến nghị này, Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát, xây dựng Thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thay thế Công văn 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 1/8/1995; hướng dẫn cụ thể 2 trường hợp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.

Nếu được đưa vào danh sách các nghề nghiệp độc hại, nặng nhọc, giáo viên mầm non, thể chất có thể được nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ. Như vậy cả lao động nam và lao động nữ sẽ được về hưu sớm hơn 55 so với quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu.

60 tuoi moi ve huu, giao vien mam non lo mua hat the nao hinh anh 1Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị đưa giáo viên mầm non, giáo viên thể chất vào danh mục nghề nghiệp nguy hiểm, độc hại. (Ảnh minh họa)

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Nguyên, giáo viên mầm non tại Hải Dương cho biết, bản thân cô cũng như nhiều đồng nghiệp đều có mong muốn không nâng tuổi nghỉ hưu do những đặc thù riêng của nghề nghiệp.

Có gần 20 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non, cô Nguyên cho biết, đa số những giáo viên này đều phải làm việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày. Buổi sáng, từ 6h30, các giáo viên đã phải có mặt ở lớp để chuẩn bị đón trẻ, hoạt động trong lớp, ngoài sân, cho các con ăn, ngủ, buổi chiều nhiều khi cũng phải trông các con đến 6h tối nếu bố mẹ đến đón muộn.

“Mỗi ngày tính ra chúng tôi phải làm việc từ 10-11 giờ, với rất nhiều hoạt động múa, hát, chơi trò chơi… cần nhiều năng lượng. Chưa kể trong bối cảnh hiện nay, giáo viên mầm non cũng liên tục phải cập nhật công nghệ, ngoại ngữ, nếu 60 tuổi mới nghỉ hưu, chắc nhiều giáo viên sẽ khó đáp ứng được sự năng động, nhanh nhẹn cần có với giáo viên mầm non”, cô Nguyên chia sẻ.

Cô Đinh Bích Hà, giáo viên mầm non tại Hà Nội cũng lo ngại về việc tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định mới. Cô Hà cho biết, hầu hết các đồng nghiệp của cô đều xin nghỉ hưu sớm để về làm những việc khác: “Đến 60 tuổi, chúng tôi không biết múa hát thế nào, liệu còn dạy các con tốt được như trước không. Do đó, chúng tôi hy vọng có những quy định linh hoạt về tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non”.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, giáo viên mầm non do đặc thù nghề nghiệp khác với những giáo viên ở các bậc học khác, đối tượng học sinh từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi, giáo viên là người có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng tới trẻ. Do đó, giáo viên mầm non phải có rất nhiều tiêu chí về phẩm chất, năng lực, sức khỏe để đảm bảo vai trò là người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Bên cạnh đó, số giờ làm việc của giáo viên mầm non đang nhiều hơn so với quy định. Nhiều giáo viên ở các khu công nghiệp, nông nghiệp… do bố mẹ các cháu phải làm ca đêm nên thậm chí giáo viên phải nhận trông trẻ qua đêm giúp phụ huynh.

Do đó, bà Nguyễn Thị Bích Hợp cho rằng, khi tuổi càng cao, sức khỏe, độ linh hoạt và nhạy bén của các cô càng hạn chế. Giáo viên không thể nhảy múa, ca hát cho trẻ như những giáo viên trẻ tuổi khác. Do đó, giáo viên mầm non có thể được xếp vào đối tượng nặng nhọc. Nếu quy định giáo viên mầm non nghỉ hưu ở độ tuổi 60 như Luật hiện nay là chưa phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp cho biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đã triển khai lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định đối với cán bộ quản lý và nữ giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục thể chất trong các trường học trên cả nước với hình thức trực tiếp và trực tuyến trên Fanpage của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Kết quả cho thấy, đã có 10.300 người có ý kiến trên tổng số 10.698 ý kiến tham gia (chiếm 96%) đề nghị nữ giáo viên bậc học mầm non được nghỉ hưu ở tuổi 55, có 2.700 người có ý kiến trên tổng số 2.897 ý kiến tham gia (chiếm tỉ lệ 93%) đề nghị giáo viên giáo dục thể chất được nghỉ hưu ở tuổi 55.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Chính phủ đưa đối tượng giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục thể chất vào diện lao động nặng nhọc và được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ.

Để đảm bảo sức khỏe của giáo viên cũng như chất lượng giáo dục, đào tạo trong thời gian tới, Công đoàn giáo dục Việt Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, xem xét, nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, thực chất về đặc thù lao động của giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục thể chất để sớm có quy định phù hợp đối với giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục thể chất./.