6 lễ hội lớn xuân 2022 của Hà Nội bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Trước thềm Tết Nhâm Dần 2022, UBND TP.Hà Nội đã có chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022. Theo chỉ thị này, chính quyền Hà Nội yêu cầu các địa phương tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết…
Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước, trải dài trong năm nhưng tập trung chủ yếu vào đầu xuân năm mới. Trước khi có dịch bệnh toàn cầu, các lễ hội đầu xuân tạo nét văn hóa đặc sắc, thu hút du khách thập phương tham gia hằng năm. Dưới đây là các lễ hội lớn, đặc sắc dịp đầu năm 2022 tại Hà Nội bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.
Mục Lục
1. Lễ hội chùa Trăm Gian:
Lễ hội diễn ra vào mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm tại chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ). Tương truyền, ngày diễn ra lễ hội là ngày hoá của Đức Bồ-tát Nguyễn Bình An. Ngài là tổ khai sơn khởi dựng chùa Trăm Gian, cũng là người nổi tiếng là thông tuệ Phật pháp và có nhiều phép lạ giúp đỡ dân chúng.
Người dân đến với Lễ hội chùa Trăm Gian năm 2021.
Lễ hội chùa Trăm Gian có lễ rước rất quy mô, gồm: rước kiệu Bồ-tát Nguyễn Bình An, rước nhang án, rước giá cỗ (cỗ bánh chưng bánh dày của nhà chùa), rước giá văn bản (để bản văn tế), rước mâm ngũ quả… Người trẩy hội chùa Trăm Gian hàng năm được hòa mình vào phần hội với vô vàn trò chơi dân gian đặc sắc gồm thổi cỗ chùa, thi oản chuối, múa rối, đấu vật, cờ người…
2. Lễ hội gò Đống Đa
Đây là lễ hội diễn ra tại gò Đống Đa (phường Quang Trung, quận Đống Đa) hàng năm vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công tích lẫy lừng của vua Quang Trung – người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong ngày hội có trò rước “Rồng lửa Thăng Long” độc đáo và thu hút du khách thập phương. Lễ hội cũng có nhiều trò chơi, thể hiện rõ tinh thần thượng võ.
Trò rước “Rồng lửa Thăng Long” tại Lễ hội gò Đống Đa. (Ảnh tư liệu)
Hàng năm, Lễ hội gò Đống Đa tại Hà Nội thu hút rất đông người dân tham gia, để bày tỏ lòng biết ơn tới người anh hùng áo vải Quang Trung và ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trải qua thăng trầm thời gian, đi dự lễ hội gò Đống Đa đã trở thành một nhu cầu thiết yếu với người dân trong những ngày đầu xuân năm mới.
3. Lễ hội Cổ Loa
Được tổ chức từ ngày 6 – 16 tháng Giêng (chính hội ngày 6 Âm lịch) tại xã Đông Anh, huyện Đông Anh. Lễ hội để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương – người đã được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, diễn ra ngay tại khu vực thành Cổ Loa xưa. Lễ hội sự kiện lớn nhất trong năm của Cổ Loa với sự tham gia của 8 xã Loa thành, bao gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Ngoại Sát, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Sằn Giã, Thư Cưu.
Lễ hội Cổ Loa tại khu vực thành Nội thuộc xã Cổ Loa.
Lễ hội Cổ Loa gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức theo nghi thức cổ truyền gồm có lễ dâng hương và lễ rước của Bát xã Loa thành. Phần nghi lễ mở đầu của hội Cổ Loa mang tính tưởng niệm thiêng liêng, hướng về An Dương Vương – người có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời tiền sử. Phần hội có trò chơi: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đánh đáo mẹt, hát quan họ…
4. Lễ hội chùa Hương
Đây là một trong những lễ hội lớn nhất ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, được tổ chức ở khu thắng cảnh chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức). Ngày khai hội chùa Hương vào mùng 6 Tết Nguyên đán kéo dài trong 3 tháng đầu năm theo Âm lịch.
Lễ hội chùa Hương không chỉ là một lễ hội du xuân thông thường mà còn có ý nghĩa rất lớn, ghi đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng thờ của Bắc Bộ. Phần lễ thể hiện tín ngưỡng thờ cúng của một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam bao gồm Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Phần hội lại là sự kết hợp những nét văn hóa dân tộc độc đáo với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.
Lễ hội chùa Hương những năm chưa có dịch bệnh luôn thu hút đông khách tham quan.
Du khách đến với lễ hội chùa Hương không chỉ là để hướng đến những bậc siêu nhiên, thần thánh mà còn là để cảm nhận sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, giữa con người ở mọi chốn cùng nhau hẹn đến một điểm tạo thành một nét đẹp đoàn kết của dân tộc. Ngoài ra, lễ hội chùa Hương thể hiện khát vọng hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục – thực là nền tảng, mơ là ước vọng – trên nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.
5. Lễ hội Đền Sóc
Lễ hội diễn ra ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ và ngợi ca người anh hùng Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân dưới thời Vua Hùng Vương.
Tảng sáng ngày mùng 6 tháng Giêng, sau 3 hồi trống nổi lên từ đền Thượng thì lễ hội Gióng chính thức bắt đầu. Nhân dân 8 thôn quanh Khu di tích Đền Sóc dâng các lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo lên Đức Thánh, cầu mong ngài phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Rước lộc hoa tre tại Lễ hội Đền Sóc năm 2020.
Cây giò hoa tre được rước vào đền Thượng và thực hiện nghi lễ tiến. Sau khi làm lễ xong, giò hoa tre được rước xuống đền Trình. Tại đây diễn ra trò cướp lộc với mong muốn được nhiều may mắn trong năm cho người dự lễ. Tuy nhiên từ năm 2018, để tránh tình trạng xô đẩy, tranh lộc phản cảm, Ban tổ chức Lễ hội Đền Sóc đã bỏ nghi lễ tất lộc hoa tre để đảm bảo văn minh, an toàn cho lễ hội.
Một trong những tục độc đáo của lễ hội đền Sóc là tục chém tướng, gồm có phần rước đồng thời diễn tả lại việc Thánh Gióng chém 3 tướng giặc Ân cuối cùng ở chân núi Vệ Linh trước khi bay về trời. Cùng với các nghi lễ cúng tế, ở khu vực bên ngoài còn diễn ra các trò chơi dân gian rất sôi nổi như vật, cờ tướng, đi cà kheo, đi cầu thăng bằng, đập niêu…
Lễ hội đền Sóc qua đó khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, kế thừa và phát huy các tinh hoa văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
6. Lễ hội Đền Hai Bà Trưng
Lễ hội được tổ chức vào mùng 6 Tết Nguyên đán tại khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội).
Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Hai Bà Trưng.
Lễ hội có nghi lễ như dâng hương, rước kiệu và tế lễ, những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng lại chiến tích oai dũng năm xưa của Hai Bà. Lễ rước bắt đầu từ đền, kiệu Trưng Trắc đi trước, ra đến đường kéo quân để về đình làng thì kiệu Trưng Trắc né sang để kiệu Trưng Nhị đi trước. Đến cổng đình, kiệu chị đi trước, kiệu em đi sau. Hai bên nghênh đón hai Vua Bà, với ý nghĩa tượng trưng Vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng.
Bên cạnh đó, lễ hội Hai Bà Trưng còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc: biểu diễn chèo, quan họ, võ thuật, cờ tướng, cờ người, viết thư pháp…
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, góp phần nâng cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Phim chiếu mạng Tết 2022: Cuộc đua của các ‘bom tấn’ hài