6 Nguyên tắc vàng cho thầy cô khi giáo dục thể chất cho trẻ mầm non

Giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là một hoạt động thiết yếu tại nhà trường. Rèn luyện thể chất không chỉ giúp trẻ phát triển sức khoẻ và còn tác động đến não bộ trẻ giúp trẻ thông minh, tư duy sự vật sự việc nhanh nhạy hơn.

Để đạt được hiệu quả trong việc giáo dục thể chất cho trẻ mầm non không phải đơn giản, bởi đây là thời kì này nằm trong những giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ nếu áp dụng không đúng phương pháp và số lượng thì có thể gây ra tác động xấu đến sự phát triển của trẻ. Dưới đây là một vài nguyên tắc sưu tầm được để thầy cô cùng tham khảo:

Nguyên tắc giáo dục thể chất trẻ mầm non:

1. Nguyên tắc tự giác và tích cực

Giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là một quá trình sư phạm, nhưng không có nghĩa là giáo viên chỉ phải dạy cho trẻ biết bắt chước, mô phỏng, làm đúng được các động tác vận động mà còn phải giúp trẻ tạo lập những phẩm chất đạo đức, mà tiêu biểu trong đó là ý thức tự giác, tích cực, khả năng chịu đựng và tập trung ý chí trong hoạt động thể dục thể thao.

Những giờ học giáo dục thể chất thường đòi hỏi trẻ phải vận động tích cực, đôi khi điều đó quá dồn dập so với những hoạt động thường ngày của trẻ, bên cạnh đó, cơ thể trẻ còn non nớt, khả năng tập trung kém, khiến trẻ khó theo kịp nội dung bài học. Do đó, nhiệm vụ của cô giáo là phải rèn luyện cho trẻ có thói quen lắng nghe những lời chỉ bảo trong quá trình tập luyện, đồng thời cũng khuyến khích trẻ tự giác tích cực trong hoạt động

Thêm vào đó, cô giáo cần cải tiến phương pháp dạy, lựa chọn nội dung cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ, để trẻ có thể theo kịp bài học một cách tự nhiên nhất.

Các bạn lớp 3TC – MN Văn Bán

2. Nguyên tắc trực quan

Trẻ mầm non có tư duy và nhận thức theo lối trực quan cảm tính, vì vậy mọi hoạt động giảng dạy đối với lứa tuổi này đều cần phải sử dụng những hình mẫu trực tiếp và hấp dẫn. Giáo viên cần hình thành cho trẻ những thói quen vận động dựa trên cơ sở cảm giác một cách trực tiếp với động tác.

Có hai hình thức giảng dạy trực quan trong giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là làm mẫu trực tiếp cho trẻ quan sát (trực quan trực tiếp) và dùng lời nói để mô tả động tác kèm với phim, ảnh, mô hình cho trẻ hình dung ra cách tập (trực quan gián tiếp). Khi giảng dạy giáo dục thể chất cho trẻ mầm non, giáo viên cần phải phối hợp vận dụng cả hai loại trực quan trên, nhất là ở giai đoạn đầu khi mới học động tác vì ở giai đoạn này, nguyên tắc trực quan là tiền đề để trẻ tập và làm quen với động tác mới.

3. Nguyên tắc đảm bảo tính khoa học, hệ thống và toàn diện

Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, giới tính, sức khỏe, trình độ, khả năng tiếp thu của trẻ mầm non, giáo viên cần phải xây dựng bài tập sao cho phù hợp, cân đối vận động giữa chân và tay, giữa cơ quan vận động và cơ quan nội tạng, giữa các tố chất nhanh, mạnh, bền, khéo của cơ thể…

Việc giảng dạy giáo dục thể chất cần phải có hệ thống cụ thể và toàn diện như vậy, đồng thời cần nâng dần độ khó của các bài tập để cơ thể trẻ quen dần với vận động, các cơ quan và hệ thống trong cơ thể tăng dần khả năng thích ứng. Trong khi đưa vào giảng dạy cũng cần lưu ý dạy từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, khối lượng vận động từ ít đến nhiều, và phải thường xuyên luyện tập, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình trạng phát triển của trẻ để làm cơ sở xây dựng các hệ thống tập luyện về sau.

Các bạn lớp 4TA – MN Văn Bán

4. Nguyên tắc vừa sức và coi trọng đặc điểm cá nhân của người tập

Khi giảng dạy giáo dục thể chất cho trẻ mầm non, giáo viên cần phải hiểu rõ đặc điểm thể lực, tính cách và những vấn đề cá nhân của trẻ để từ đó xây dựng chương trình vận động, nội dung, phương pháp và khối lượng vận động sao cho phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ.

Nếu bài dạy có nội dung quá đơn giản, khối lượng vận động quá ít sẽ khiến tác dụng rèn luyện cơ thể không cao và khiến cho trẻ không hứng thú. Ngược lại, nếu nội dung và lượng vận động quá cao có thể sẽ khiến trẻ sợ hãi và không tiếp thu được bài tập.

Bên cạnh đó, trong một lớp học, trình độ và sức khỏe của học sinh là không đồng đều, do đó ngoài việc quan tâm đến sức khỏe chung của toàn lớp, giáo viên cần tìm cách hướng dẫn riêng và giúp đỡ từng trẻ cá biệt trong lớp. Nguyên tắc này cần được thực hiện dựa trên sự quan tâm và thấu hiểu đặc điểm cá nhân từng trẻ của giáo viên. Vì vậy để thực hiện được nguyên tắc này, thầy cô phải thể hiện sự khéo léo cũng như sự tỉ mỉ trong việc quan sát và tìm hiểu trẻ.

5. Nguyên tắc củng cố và nâng cao

Nguyên tắc này rất cần thiết để đảm bảo và giữ vững kết quả của bài tập trước và duy trì thói quen vận động đã tiếp thu được, đồng thời củng cố sự bền vững cho những thói quen này trong cơ thể.

Để vận dụng nguyên tắc này trong giảng dạy giáo dục thể chất, giáo viên cần cho trẻ tập đi tập lại động tác thật nhiều lần để trẻ hình thành phản xạ có điều kiện với động tác đó. Nhờ việc củng cố những biểu tượng vận động này, trẻ sẽ có trong mình những vận động cơ bản rất chắc chắn và có tính ứng dụng cao trong tương lai.

Các bạn lớp 5TA – MN Văn Bán

6. Nguyên tắc đảm bảo an toàn trong luyện tập cho trẻ

Những rủi ro trong hoạt động thể thao thường đến từ việc lơ là trong công tác an toàn, bao gồm việc kiểm tra dụng cụ, sân bãi, khởi động đúng nguyên tắc… Vì vậy để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc có thể gây ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của trẻ, giáo viên cần phải nghiêm túc chấp hành nguyên tắc đảm bảo an toàn trong luyện tập. Nguyên tắc này đồng thời có vai trò vô cùng quan trọng tới ý nghĩa giáo dục thể chất cho trẻ mầm non. Bởi nếu không đảm bảo được sự an toàn cho trẻ, những hoạt động giáo dục thể chất sẽ chỉ mang lại tác động tiêu cực đến sự phát triển của tre.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần nắm rõ tình hình sức khỏe của trẻ thông qua hoạt động kiểm tra sức khỏe định kỳ, qua đó xác định khối lượng bài tập cho phù hợp với mặt bằng thể lực chung của cả lớp. Cần nhận biết sớm trẻ có khi trẻ có biểu hiện mệt mỏi dể có hành động điều chỉnh kịp thời, phù hợp. Khi tập những động tác khó, giáo viên cần phải là người trực tiếp bảo hiểm cho trẻ

Các bạn lớp 4TC – MN Văn Bán