50 năm ngoại giao môi trường Liên hợp quốc: Nhìn lại thành tựu và những xu hướng tương lai
Dịp kỷ niệm 50 năm Hội nghị Stockholm là cơ hội điểm lại những thành tựu của chính sách ngoại giao môi trường của Liên hợp quốc (LHQ), tìm xu hướng phát triển trong tương lai nhằm bảo vệ và tái tạo Trái đất.
Cách đây 50 năm, Hội nghị Stockholm khai mạc vào ngày 5/6/1972. (Nguồn: UN)
Năm 1972, thế giới đã trải qua hàng loạt sự cố môi trường vô cùng nghiêm trọng như: mưa axit phá hủy cây cối, chất độc Dichloro-Diphenyl-Trichloroethane (DDT) giết chết các loài chim, hàng loạt quốc gia phải đối phó với sự cố tràn dầu, ô nhiễm do thử nghiệm vũ khí hạt nhân, và sự tàn phá môi trường do chiến tranh. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm không khí càng thêm nhức nhối khi nó không giới hạn trong biên giới, lãnh thổ của từng quốc gia mà lây lan, trở thành thách thức toàn cầu.
Với sự tích cực của Thụy Điển, Liên hợp quốc (LHQ) đã tập hợp đại diện các quốc gia trên thế giới để tìm giải pháp. Hội nghị LHQ về môi trường và con người được tổ chức cách đây 50 năm tại Stockholm (Thụy Điển) từ ngày 5-16/6/1972, đánh dấu nỗ lực toàn cầu đầu tiên, coi môi trường là vấn đề chính sách toàn thế giới và xác định các nguyên tắc cốt lõi để quản lý nó.
Có thể nói, Hội nghị Stockholm là bước ngoặt trong cách các quốc gia nhìn nhận thế giới tự nhiên và các nguồn tài nguyên mà tất cả cùng chia sẻ.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), từ đó, được thành lập, nhằm giám sát tình trạng và phối hợp ứng phó với các vấn đề môi trường lớn. Hội nghị cũng nêu ra các thách thức trong đàm phán quốc tế đến nay, chẳng hạn như ai là người chịu trách nhiệm làm sạch các thiệt hại về môi trường và mức độ các nước nghèo hơn có thể thực hiện.
Nửa thế kỷ trôi qua, ngoại giao môi trường đã đạt được những thành tựu gì và đâu là những vấn đề đang nổi lên trong những thập kỷ tới?
Hội nghị Stockholm năm 1972
Có thể nói, Hội nghị Stockholm là thành tựu ngoại giao quan trọng. Hội nghị đã đặt ra các giới hạn của LHQ dựa trên khái niệm chủ quyền của nhà nước trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động hợp tác vì lợi ích chung.
Quy tụ đại diện từ 113 quốc gia cũng như các cơ quan của LHQ, Hội nghị đã thiết lập một thông lệ bao gồm các chủ thể phi quốc gia hoạt động, ví dụ như các nhóm vận động bảo vệ môi trường. Hội nghị cũng dẫn đến một tuyên bố bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn quản lý môi trường toàn cầu trong tương lai.
Tuyên bố công nhận rõ ràng “quyền có chủ quyền của các quốc gia trong việc khai thác tài nguyên phù hợp với các chính sách môi trường của quốc gia mình, cũng như trách nhiệm đảm bảo rằng các hoạt động trong phạm vi quyền hạn hoặc sự kiểm soát của mình không gây tổn hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực nằm ngoài giới hạn của quyền tài phán quốc gia”.
Một kế hoạch hành động tăng cường vai trò của LHQ trong việc bảo vệ môi trường biến UNEP trở thành cơ quan môi trường toàn cầu.
Đáng chú ý, Hội nghị Stockholm năm 1972 cũng nêu bật tình trạng bất bình đẳng toàn cầu khi Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đặt câu hỏi về sự cần thiết phải ưu tiên bảo vệ môi trường khi có quá nhiều người nghèo khổ. Các nước đang phát triển khác cũng chia sẻ mối quan tâm của Ấn Độ, họ băn khoăn rằng liệu phong trào môi trường mới này có ngăn cản người nghèo khai thác tài nguyên môi trường và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thốn của họ? Và liệu các nước giàu, những người góp phần hủy hoại môi trường, có hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước nghèo hay không?
Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất năm 1992
20 năm sau, tại Rio de Janeiro, Hội nghị LHQ về môi trường và phát triển, hay còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất, đã đưa ra câu trả lời.
Hội nghị ủng hộ sự phát triển bền vững, có nghĩa là đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không gây nguy hiểm đến khả năng đáp ứng của các thế hệ tương lai. Điều này đã mở đường cho sự đồng thuận thuận chính trị theo nhiều cách khác nhau.
Trước hết,
biến đổi khí hậu đã chứng minh rằng các hoạt động của con người có thể làm thay đổi hành tinh vĩnh viễn. Điều cấp thiết là phải hình thành quan hệ đối tác toàn cầu mới nhằm tập hợp các quốc gia, các thành phần quan trọng của xã hội và con người lại với nhau để bảo vệ và phục hồi “sức khỏe” của các hệ sinh thái trên Trái đất.
Thứ hai,
phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Cuối cùng,
trong khi tất cả các quốc gia đều mong muốn theo đuổi mô hình phát triển bền vững, người ta thừa nhận rằng các nước phát triển có năng lực lớn hơn để làm điều đó và xã hội của những quốc gia này cần chịu trách nhiệm lớn hơn về môi trường.
Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất đã dẫn đến Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), đặt cơ sở cho các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu đang diễn ra; Công ước về Đa dạng sinh học (CBD); không ràng buộc với các nguyên tắc rừng; và một kế hoạch hành động tổng thể để chuyển đổi sang phát triển bền vững.
Hoạt động ủng hộ quyền tự nhiên và bảo vệ động vật đang trở nên nổi bật hơn trong các chính sách ngoại giao môi trường. (Nguồn: telegraphindia)
Những thách thức ở phía trước
Trong 50 năm qua, nhận thức ngày càng cao về các thách thức môi trường đã gia tăng số lượng các cơ quan môi trường quốc gia và mở rộng luật môi trường toàn cầu.
Toàn thế giới đã hợp tác cùng nhau để bảo vệ tầng ozone, loại bỏ xăng pha chì và giảm thiểu các chất ô nhiễm sinh ra do đốt nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân gây ra mưa axit. Năm 2015, các nước thành viên LHQ đã thông qua 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và ký kết Thỏa thuận Khí hậu Paris. Năm nay, các quốc gia cũng đã cam kết xây dựng hiệp ước giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên bền vững trở thành những ưu tiên cao hơn trong hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cho đến từng doanh nghiệp.
Mặc dù nỗ lực ngoại giao môi trường tiến bộ đáng kể, nhưng thế giới vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng, trong khi nhiệt độ tăng gây ra các vụ cháy rừng tàn khốc, sóng nhiệt và nhiều thảm họa khác. Hơn một triệu loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, có khả năng đặt thế giới trên bờ vực tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất kể từ thời kỷ băng hà. Không những thế, 99% dân số thế giới đang hít thở bầu không khí ô nhiễm vượt quá chỉ số an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Một số xu hướng 50 năm tới
Biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và các tác động lên sức khỏe con người là những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự LHQ khi ngoại giao môi trường bước vào giai đoạn 50 năm tiếp theo. Có một số xu hướng mới đáng để theo dõi.
Thứ nhất
, khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn đang trở nên phổ biến. Hàng năm, hàng tỷ tấn vật liệu được sản xuất, tiêu thụ và loại bỏ, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ được tái chế hoặc tái sử dụng. Những nỗ lực không ngừng nhằm tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn, loại bỏ chất thải và giữ lại nguyên vật liệu có thể sử dụng, hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và phục hồi các hệ thống tự nhiên.
Thứ hai,
hoạt động ủng hộ quyền tự nhiên và bảo vệ động vật đang trở nên nổi bật hơn trong các chính sách ngoại giao môi trường.
Thứ ba
, vấn đề không gian vũ trụ sẽ dần “nóng lên” với sự mở rộng của du hành không gian tư nhân, biến không gian bên ngoài thành một lĩnh vực khám phá, mang tham vọng định cư của con người. Tình trạng rác không gian tích tụ, gây nguy hiểm cho không gian quỹ đạo của Trái đất, và việc khám phá sao Hỏa làm dấy lên những lo ngại mới về việc bảo vệ hệ sinh thái không gian.
Kỷ niệm 50 năm Hội nghị Stockholm là dịp quan trọng để suy nghĩ về quyền và trách nhiệm phát triển tương lai khi sử dụng và phát huy tối đa ngoại giao môi trường để bảo tồn và tái tạo Trái đất.
THỦY TIÊN