50 dự án “treo” tại huyện Cần Giờ bị đề nghị rà soát lại
TP. HCM: 50 dự án “treo” tại Cần Giờ bị đề nghị rà soát lại
Your browser does not support the audio element.
Trước việc có tới 50 dự án “treo” quá 3 năm, Sở TN&MT TP. HCM đề nghị huyện Cần Giờ rà soát lại các dự án này để có phương án xử lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản thông báo kết quả thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Cần Giờ. Theo đó, trong năm 2022, huyện Cần Giờ đăng ký 144 công trình, dự án thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Trong đó, có 99 dự án chuyển tiếp từ năm trước (trong số này có 47 dự án thuộc giai đoạn 2015-2019) và 7 dự án đăng ký mới.
Xử lý tình trang dự án chậm triển khai sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế Cần Giờ.
Theo Sở TN&MT TP. HCM, trong năm 2021 huyện Cần Giờ có 102 dự án được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất sẽ thực hiện trong năm.
Nhưng theo báo cáo của huyện Cần Giờ, năm 2021 đã không có dự án nào thực hiện xong. Cũng theo báo cáo của UBND huyện Cần Giờ, tính đến thời điểm hiện tại, địa phương này có 50 dự án quá 3 năm nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện. Do đó, huyện Cần Giờ đề xuất đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022.
Không đồng ý với đề xuất trên của huyền Cần Giờ vì trái với quy định Luật đất đai, Sở TN&MT đã bác bỏ. Bởi theo Sở TN&MT TP. HCM, theo quy định tại Điều 49 Luật Đất đai quy định, diện tích ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ này.
Loạt dự án giao thông nghìn tỷ thúc đẩy kinh tế Cần Giờ
TP. HCM tập trung thu hút đầu tư vào hạ tầng huyện Cần Giờ giúp số công trình đã và sắp đi vào hoạt động như tuyến đường từ phà Bình Khánh về trung tâm thị trấn Cần Thạnh; cao tốc TP HCM – Vũng Tàu; cao tốc Bến Lức – Long Thành qua Cần Giờ;…
Cùng với đó, hàng loạt dự án được đề xuất đầu tư như cầu Cần Giờ và ba cây cầu khác trị giá 10.000 tỷ đồng (dự kiến khởi công năm 2024); cao tốc liên Vùng Phía Nam; đường nối đường Lương Văn Nho với đường Duyên Hải; đường nối đường Lương Văn Nho với đường Giồng Ao; đường và cầu liên xã Bình Khánh – An Thới Đông – Lý Nhơn – Long Hòa 1.800 tỷ đồng;…
Do đó, Sở TN&MT TP. HCM cho rằng, đối với các dự án đăng ký kế hoạch sử dụng đất đã quá 3 năm (từ năm 2019 trở về trước) mà vẫn chưa thực hiện, huyện Cần Giờ tiếp tục đề xuất đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 là không có cơ sở.
Theo Sở TN&MT TP. HCM, nếu huyện Cần Giờ vẫn bảo lưu quan điểm tiếp tục đăng ký các dự án này thì “đề nghị xác định rõ tiến độ, lý do chậm, kế hoạch đầu tư và thực hiện các thủ tục trong thời gian tới. Đồng thời xác định trong năm 2022 có hoàn tất thủ tục quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất hay không để Sở TN&MT TP. HCM báo cáo Thành phố.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP. HCM cũng đề nghị huyện Cần Giờ phải nhanh chóng liệt kê, đánh giá các dự án sử dụng ngân sách đã có chủ trương đầu tư, có quyết định phê duyệt dự án, có bố trí vốn thực hiện và có giải pháp tốt để triển khai thực hiện đúng kế hoạch của năm nay. Cùng đó, huyện Cần Giờ cần rà soát lại tính pháp lý và tiến độ thực hiện một số dự án có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng thực hiện chậm.
Thư Anh