5 vấn đề cần lưu ý trước khi tái cấu trúc doanh nghiệp | PLF LAW FIRM VIETNAM
Trước và trong quá trình tiến hành việc tái cấu trúc, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề pháp lý như sau:
Mục Lục
Thứ nhất, tái cấu trúc doanh nghiệp không phải là cắt giảm nhân sự.
Bản chất của việc tái cấu trúc doanh nghiệp là nhằm mục đích tổ chức lại doanh nghiệp theo cấu trúc phù hợp với tình hình thực tế, kế hoạch dự định trong tương lai để hoạt động kinh doanh được hiệu quả hơn mà không phải là vì sa thải người lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động, việc tái cấu trúc doanh nghiệp được thể hiện bằng trường hợp “thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế”.
Thứ hai, việc tái cấu trúc doanh nghiệp chỉ được tiến hành sau khi được chủ sở hữu doanh nghiệp thông qua.
Pháp luật về doanh nghiệp quy định rằng việc đưa ra những quyết định liên quan đến tổ chức lại công ty, thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý của công ty, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu (trong công ty TNHH 1 thành viên), của hội đồng thành viên (trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên), đối với công ty cổ phần là của đại hội đồng cổ đông. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được phép thực hiện việc tái cấu trúc sau khi đã được chủ sở hữu chấp thuận và có văn bản thông qua dưới hình thức là quyết định của chủ sở hữu/hội đồng thành viên/đại hội đồng cổ đông. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp phải tiến hành các cuộc họp để lấy ý kiến và biểu quyết thông qua của các bộ phận có thẩm quyền mà điển hình là hội đồng thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông. Việc thực hiện tái cấu trúc mà chưa được sự chấp thuận của chủ sở hữu có thể được xem là hành vi xâm phạm quyền hợp pháp của những cá nhân/tổ chức này và có thể dẫn tới việc tái cấu trúc mà doanh nghiệp đang thực hiện bị hủy bỏ do không đủ căn cứ để tiến hành. Do đó, để tuân thủ các điều kiện cần có trước khi tiến hành thực hiện các bước cần thiết, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng việc tái cấu trúc doanh nghiệp đã được chủ sở hữu công ty biết và chấp thuận bằng văn bản.
Thứ ba, doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án, kế hoạch có liên quan trước và trong khi thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp.
Tùy thuộc vào hình thức tái cấu trúc doanh nghiệp lựa chọn thực hiện mà tác động của quá trình này đối với hoạt động của công ty có thể khác nhau, cụ thể việc tái cấu trúc có thể làm thay đổi về số lượng người lao động làm việc cho doanh nghiệp, cơ cấu tài sản, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, địa vị pháp lý của chính doanh nghiệp đó (có bị chấm dứt sự tồn tại hay không),… Để xây dựng được hướng xử lý đối với các tác động nêu trên, doanh nghiệp có thể tham khảo ý kiến của các bên có chuyên môn và các bên có liên quan như tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để hình thành một chiến lược tốt trước khi thực hiện tái cấu trúc. Việc chuẩn bị này sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra được phương hướng giải quyết phù hợp, đúng thủ tục quy định và tránh phát sinh những tranh chấp không đáng có phát sinh trong và sau quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp ví dụ như tranh chấp liên quan đến việc cắt giảm lao động, tranh chấp phát sinh từ việc địa vị pháp lý của doanh nghiệp có sự thay đổi,…
Thứ tư, các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước cần thực hiện khi tiến hành tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
Như đã đề cập ở trên, một số hình thức tái cấu trúc doanh nghiệp có thể làm ảnh hưởng đến địa vị pháp lý của chính doanh nghiệp đó, như việc mua bán, sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật, những thay đổi này phải được tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong một số trường hợp đặc biệt thì việc tái cấu trúc trên chỉ có thể được phép tiến hành nếu được sự chấm thuận của cơ quan quản lý chuyên môn (ví dụ một số trường hợp sáp nhập doanh nghiệp phải được sự đồng ý của Uỷ ban cạnh tranh quốc gia). Để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật cũng như khả năng thực hiện việc tái cơ cấu, doanh nghiệp nên lưu ý về những thủ tục hành chính cần thực hiện tại cơ quan nhà nước để có sự chuẩn bị phù hợp.
Thứ năm, cần có sự đồng bộ giữa mục tiêu, chiến lược, hành động khi tái cấu trúc doanh nghiệp.
Để ra quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp, các công ty cần nhìn nhận, đánh giá và cẩn trọng trong việc tìm hiểu các vấn đề đang tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình, chuẩn bị một cấu trúc và nền tảng để thực hiện những kế hoạch kinh doanh mới,… Sau khi xác định được kế hoạch bao gồm các bước tiến hành trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, việc tiến hành tái cấu trúc cũng cần tập trung, tinh gọn, bám sát vào các kế hoạch và chiến lược ban đầu đã đặt ra. Doanh nghiệp cần tránh làm phức tạp hóa vấn đề, cũng nhưng không nên bỏ qua các vấn đề pháp lý cần phải tuân thủ. Suy cho cùng, mọi hoạt động tái cấu trúc là nhằm đảm bảo doanh nghiệp có thể hoạt động có hiệu quả cũng như đảm bảo sự tuân thủ pháp luật hiện hành.
Trên đây là một số vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý trước và trong quá trình tiến hành tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Để có cái nhìn toàn diện hơn và đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp có thể cân nhắc đến sự tham gia của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp trong quá trình thực hiện công việc này.