5 thay đổi quan trọng nhất trong Luật Doanh nghiệp 2020
Mục Lục
5 thay đổi quan trọng nhất trong Luật Doanh nghiệp 2020
Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/6/2020 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Dưới đây là tổng hợp 05 thay đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2020.
1. Không phải thông báo mẫu con dấu trước khi dùng
Hiện nay, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (theo khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Còn Luật Doanh nghiệp mới không quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp được quyết định loại dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp mới không quy định phải thông báo mẫu dấu
2. Sẽ ban hành Luật riêng cho 50 triệu hộ kinh doanh
Theo tìm hiểu, hiện có khoảng 05 triệu hộ kinh doanh nhiều gấp 05 – 06 lần số doanh nghiệp.
Bản chất hoạt động, cách thức và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với doanh nghiệp, theo đó, không đưa hộ kinh doanh vào đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 mà sẽ ban hành một Luật riêng để điều chỉnh về đối tượng này.
3. Thêm đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung thêm 01 đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp: Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự. Như vậy, từ ngày 01/01/2021 sẽ có 07 nhóm đối tượng bị cấm đăng ký thành lập công ty.
Luật doanh nghiệp 2020 Thêm đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp
4. Thay đổi tỷ lệ vốn trong doanh nghiệp Nhà nước
Doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thay vì 100% vốn điều lệ như hiện nay.
Cụ thể, Điều 88 Luật Doanh nghiệp sửa đổi khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau:
- Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trong đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Còn doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoặc trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
5. Bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông
Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật hiện hành để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (thay vì 10%) tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.
Trên đây là những thay đổi của Luật Doanh nghiệp sửa đổi so với Luật Doanh nghiệp 2014. Trong các bài viết sau, dịch vụ kế toán TinLaw sẽ giới thiệu chi tiết hơn về các thay đổi này. Cùng đón đọc nhé!