5 nguyên tắc xây dựng và thực hiện thủ tục hành chính

Các nguyên tắc xây dựng và thực hiện thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính là gì ?

“Thủ tục hành chính” là cách thức tổ chức thực hiện hoạt động quản lí HCNN, theo đó các cơ quan, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ, cá nhân, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của phát luật được quy định trong các QPPLHC, trong quá trình giải quyết các công việc của quản lí hành chính nhà nước.

Các nguyên tắc xây dựng và thực hiện thủ tục hành chính thì gồm có 5 nguyên tắc đó là : Nguyên tắc pháp chế;nguyên tắc khách quan; nguyên tắc công khai, minh bạch; nguyên tắc đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời; nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của các bên tham gia thủ tục hành chính.

Nguyên tắc xây dựng và thực hiện thủ tục hành chính

Nguyên tắc pháp chế

Đầu tiên là chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có quyền định ra thủ tục hành chính ( Hiện nay thẩm quyền quy định thủ tục hành chính tập trung vào các cơ quan nhà nước ở trung ương). Tuy nhiên, cũng có một số quy định thủ tục hành chính cần có quy định riêng để phù hợp với quy định của một số địa phương thì các bộ, ngành có văn bản ủy quyền cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Dẫu vậy nguyên tắc pháp chế đòi hỏi phải có sự thống nhất tương đối giữa các thủ tục hành chính của những hoạt động quản lí tương tự nhau.

VD: Theo Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 1995 thì thủ tục giải quyết khiếu nại trong xử phạt vi phạm hành chính có nhiều điểm khác thủ tục giải quyết khiếu nại nói chung được quy định trong Luật khiếu nại , tố cáo.Sự khác biệt này không thực sự xuất phát từ những khác biệt của những hoạt động quản lí từ đó phát sinh khiếu nại. Chính vì vậy khi ban hành Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002 , UBTVQH quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo Luật khiếu nại, tố cáo.

Chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới có quyền thực hiện thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục trong phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định. Xét dưới góc độ quyền lực thì thực hiện thủ tục hành chính là hoạt động sử dụng quyền lực nhà nước và mỗi chủ thể chỉ sử dụng quyền lực trong giới hạn nhất định. Do đó các thủ tục hành chính thực hiện thẩm quyền không đúng thẩm quyền thì không những việc thực hiện thủ tục đó không hợp pháp mà hiệu quả pháp lí cũng ảnh hưởng.

Thủ tục hành chính phải được thực hiện đúng pháp luật. Tất cả các thủ tục hành chính được pháp luật quy định đều là cần thiết và là quy trình hợp lí nhất để thực hiện các hoạt động quản lí trên thực tế.Một thủ tục hành chính cụ thể chỉ mất giá trị pháp lí khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ.

Nguyên tắc khách quan

Nguyên tắc này thể hiện ở việc định ra thủ tục hành chính phải xuất phát từ như cầu khách quan của hoạt động quản lí hành chính nhằm đưa ra quy trình hợp lí , thuận tiện nhất mang lại kết quả cao nhất cho quản lí.Những hoạt động quản lí phức tạp có ý nghĩa quan trọng , tác động trực tiếp đến những lợi ích chính đáng của Nhà nước, cộng đồng và người dân mà những sai sót nhỏ cũng có thể gây hậu quả bất lợi cho xã hội vì vậy thủ tục cần chặt chẽ, chi tiết để định ra từng khâu, từng bước, từng giai đoạn cụ thể của hoạt động đó.

Nguyên tắc khách quan còn đòi hỏi khi thực hiện thủ tục hành chính ở tất cả các khâu , các bước, các giai đoạn đều phải dựa trên những căn cứ khoa học . Thực hiện thủ tục hành chính phải đặt lợi ích của quản lí lên hàng đầu , không được tuyệt đối hóa lợi ích của chủ thể quản lí cũng như đối tượng quản lí. Thủ tục hành chính càng không được sử dụng để phục vụ những mục đích mang tính chủ quan của chủ thể quản lí.

VD: Khi xây dựng VBQPPL, cơ quan soạn thảo văn bản chỉ nên tổ chức lấy ý kiến đối tượng tác động của văn bản và người lập biên bản không được mô tả, bình luật sự việc theo quan điểm, nhận định mang tính chủ quan của cá nhân.

Nguyên tắc công khai minh bạch

Nếu thừa nhận thủ tục là cách thức tổ chức hoạt động quản lí thì yêu cầu về sự công khai, minh bạch của thủ tục hành chính là tất yếu khách quan.

Trong xây dựng thủ tục thì nguyên tắc này thể hiện:

  • Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước tạo điều kiện cho những đối tượng thực hiện thủ tục đóng góp ý kiến. ( Vd :Điều 3 chương VI Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kì về quan hệ thương mại)

  • Nội dung các thủ tục phải rõ ràng , dễ hiểu , dễ thực hiện.

  • Các thủ tục hành chính phải được công bố cho người thực hiện thủ tục biết để có thể thực hiện dễ dàng.Công bố thủ tục hành chính bao gồm công bố các thủ tục mới xây dựng , công bố các thủ tục đã có mà chưa công bố.

Trong thực hiện thủ tục hành chính, nguyên tắc công khai , minh bạch thì nguyên tắc này đòi hỏi.

  • Công khai hóa quá trình thực hiện thủ tục.

  • Công khai học tên, chức danh người có trách nhiệm giải quyết công việc.

  • Công khai điạ điểm và thời hạn giải quyết , quyết định giải quyết.

  • Khi nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết công việc của công dân phải có phiếu hẹn trả lời.

  • Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì phải hướng dẫn cụ thể để người dân không phải đi lại nhiều lần.

  • Trường hợp không giải quyết được phải nói rõ lí do cho người dân biết.

Nguyên tắc đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời

Mỗi thủ tục hành chính chỉ bao gồm những khâu, những bước, những giai đoạn với sự tham gia của chủ thể thực sự cần thiết để cho việc thực hiện thủ tục không bị lãng phí thời gian, trí tuệ, công sức vào những việc không cần thiết. Tuy nhiên, đánh giá đúng mục đích của thủ tục hành chính vừa là tạo ra quy trình hợp lí cho việc thực hiện các hoạt động quản lí, vừa nhằm bảo đảm sự kiểm soát hữu hiệu của Nhà nước đối với hoạt động đó. Vì vậy không nên tuyệt đối hóa nguyên tắc đơn giản vì sự đơn giản hóa nhiều khi khiến cho thủ tục hành chính thiếu đi hoạt động cần thiết hay gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát Nhà nước.

Vd: Nghị quyết của Chính phủ số 38/CP ngày 4/5/1994 yêu cầu “Các quy định về thủ tục hành chính phải đơn giản,dễ hiểu, dễ thực hiện.”

Trong các thủ tục hành chính thường có những khoảng thời gian pháp luật quy định cho các hoạt động cần được tiến hành  nhằm tránh cho hoạt động quản lí bị trì trệ, và các chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước không thể lẩn tránh trách nhiệm.

Thủ tục hành chính đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời đã trở thành mục tiêu của cải cách hành chính. Việc nghiên cứu, áp dụng mô hình “ một cửa, một dấu” tuy chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng cũng là sự cố gắng của Nhà nước để thực hiện nguyên tắc này.

Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của các bên tham gia thủ tục hành chính

Cả hai bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính ( chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước – chủ thể phục tùng quyền lực nhà nước)  đều bình đẳng trước pháp luật.

Trong quan hệ mỗi bên đều có những quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định, Nhà nước tạo điều kiện và đưa ra những bảo đảm như nhau cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ.

Nếu xảy ra vi phạm pháp luật hành chính khi thực hiện thủ tục thì chủ thể vi phạm pháp luật , bất kể là bên nào trong thủ tục, đều phải chịu trách nhiệm pháp lí về hành vi của mình.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trách nhiệm vật chất và trách nhiệm kỉ luật của công chức

Phân biệt các hình thức XPVPHC với các biện pháp xử lí HC

Trên đây là tư vấn của luatthanhmai về chủ đề 5 nguyên tắc xây dựng và thực hiện thủ tục hành chính. Nếu có thắc mắc hay vấn đề cần được tư vấn vui lòng liên hệ email: [email protected] để được luật sư tư vấn hỗ trợ

5/5 – (2 bình chọn)