5 lễ hội đặc sắc ở miền Tây Nam Bộ
Miền Tây Nam bộ nổi tiếng với cảnh trí thiên nhiên sông nước hữu tình, con người thân thiện. Hơn thế nữa, các lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa vùng miền sẽ là điểm nhấn thu hút khách đi du lịch miền Tây.
Lễ hội miền Tây
1. Lễ hội Bà Chúa Xứ, Châu Đốc, An Giang
Lễ hội được tổ chức từ đêm 23/4 đến đến 27/4 âm lịch, là lễ hội tôn giáo mang đậm bản sắc văn hóa miền Tây Nam bộ. Hằng năm, lễ hội thu hút rất đông tín đồ Phật tử từ khắp đất nước về chiêm bái, cầu tài lộc.
Lễ hội gồm hai phần. Phần lễ gồm 4 lễ chính: lễ rước bốn bài vị từ lăng Thoại Ngọc Hầu vể miếu Bà, lễ Túc Yết, lễ Xây Chầu – Hát Bội, lễ Chính Tế. Phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động văn hóa dân gian như múa lân, múa mâm thao, múa chén,…
2. Lễ hội đua bò Bảy Núi, An Giang
Hội đua bò diễn ra vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 (29/8 – 2/9) ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Khơ Me miền Tây Nam bộ.
Những đôi bò tham gia lễ hội được chọn ra từ những chú bò khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhất. Khoảng 2 tháng trước lễ hội, bò được nghỉ ngơi, ăn uống và tập luyện theo chế độ đặc biệt để chuẩn bị cho cuộc đua.
Lễ hội đua bò náo nhiệt và hấp dẫn hằng năm thu hút hàng ngàn du khách ghé thăm.
3. Lễ hội cúng trăng Ok Om Bok
Lễ hội Ok Om Bok diễn ra vào giữa tháng 10 âm lịch, được công nhân là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội nhằm bày tỏ lòng biết ơn thành kính đến thần Mặt Trăng, là vị thần bảo hộ mùa màng. Lễ hội diễn ra nhiều nơi nhưng quy mô nhất là ở Sóc Trăng và Trà Vinh.
Trong lễ hội, nhiều nghi thức cúng bái được tổ chức ở nhà và tại chùa. Lễ vật cúng Trăng thường là nông sản mà họ thu hoạch được: chuối, dừa, khoai lang, khoai mì, cam, quýt, cốm dẹp,…Lễ vật được chuẩn bị sẳn, chờ đến khi trăng lên, gia chủ khấn vái, tạ ơn thần Mặt Trăng đã phù hộ một năm làm ăn tốt đẹp và cầu mong mùa mới thuận lợi.
Lễ hội cúng trăng Ok Om Bok còn thu hút du khách với các hoạt động truyền thống như đua ghe ngo, thả đèn nước hoặc các trò chơi dân gian như kéo co, đập niêu, nhảy bao bố,…
4. Tết Khơ Me Chol Chnam Thmey
Chol Chnam Thmey là ngày tết cổ truyền của người Khơ Me, diễn ra vào giữa tháng 4, kéo dài trong 3 ngày.
Lúc này, người dân dọn dẹp, trang trí nhà cửa thật đẹp, chuẩn bị nhiều thức ăn, bánh trái, trẻ em thường được mua cho quần áo mới. Ngày đầu tiên, mọi người mang lễ vật đến chùa để làm lễ rước đại lịch. Ngày thứ hai làm lễ dâng cơm sáng và trưa cho các nhà sư ở chùa và sau đó đắp núi cát theo 8 hướng để tìm duyên. Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật nhằm gột rửa những điều không may của năm cũ, chào đón năm mới an lành.
Trong lễ hội Chol Chnam Thmey, mọi người cũng thường viếng thăm nhau nhưng các hoạt động chủ yếu vẫn diễn ra ở chùa.
5. Hội đình Bình Thủy
Đình Bình Thủy nằm ở tỉnh Cần Thơ, là nơi diễn ra hai lễ hội lớn hằng năm: lễ hội Thượng Điền bắt đầu mùa mới vào ngày 14, 15 tháng 4 âm lịch và lễ Hạ Điền vào ngày 15 tháng chạp để tạ ơn ruộng đồng.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, đình Bình Thủy tấp nập du khách và người dân mang lễ vật đến để cúng đình, tế lễ. Sau phần lễ cúng đình nghiêm trang sẽ đến phần hội vui tươi náo nhiệt với các hoạt động, các trò chơi dân gian như đua thuyền, đấu vật, hát bội, cải lương, múa lân,…