5 điều cần nhớ để nói chuyện hài hước hơn

Muốn nói chuyện hài hước hơn, anh em phải ghi nhớ 5 điều dưới đây.

Mỗi khi được hỏi về mẫu bạn trai lý tưởng, không ít con gái cho rằng đó phải là người biết làm mình vui bằng cách nói chuyện hài hước.

Tuy vậy, khiếu hài hước không bẩm sinh mà có. Nó là thứ phải sống và rèn luyện thì mới có được. Nếu anh em muốn trở nên hài hước hơn, hãy ghi nhớ những điều sau: 

1 | Hiểu những người xung quanh

Pha trò là một nghệ thuật và người biết cách pha trò là một nghệ sĩ. Nghệ sĩ muốn được khán giả tán thưởng thì trước hết phải hiểu khán giả cái đã.

Cùng một câu đùa, nhưng người thì vỗ tay khen hay, người thì ngây ra không hiểu, người lại bĩu môi cho là vô duyên.

Có người thích những ngôn từ thô mộc, dễ hiểu; có người lại tâm đắc những châm biếm sâu cay. Vì vậy, muốn pha trò cho phù hợp, phải biết người nghe là người thế nào.

5-dieu-can-nho-de-noi-chuyen-hai-huoc-hon-4

2 | Ghi nhớ những câu nói thú vị

Người đàn ông nói chuyện hài hước phải là người có những phát ngôn thú vị. Muốn có những phát ngôn thú vị, anh em phải có kiến thức, có hiểu biết về cuộc sống.

Một cách nhanh hơn để có những phát ngôn thú vị là xem phim hài, kịch hài hoặc đọc những câu nói vui trên mạng và tập ghi nhớ chúng. 

3 | Đúng người, đúng thời điểm

Ngay khi có cả một “kho” câu nói hài hước trong đầu, anh em cũng đừng tự tin mà dùng mọi lúc mọi nơi.

Nên biết rằng, một câu đùa dù vui cách mấy cũng thành vô duyên nếu dùng sai đối tượng hoặc sai tình huống.

Đó là khi câu đùa không những nhạt như nước ốc mà còn gây phản cảm, có tính xúc phạm hoặc làm tổn thương ai đó.

Chẳng hạn, gặp một cô gái hay tự ti về cân nặng của mình, anh em tuyệt đối không được mang chuyện đó ra mà đùa. Đây là đùa sai đối tượng (muốn cho đúng, hãy xem lại điều 1 nhé).

Vậy nếu lỡ trớn đùa nhảm thì sao? Nếu câu đùa gây xúc phạm thì hãy xin lỗi. Nếu không quá nghiêm trọng thì ngay lập tức lảng sang chuyện khác chứ đừng cố vớt vát.

5-dieu-can-nho-de-noi-chuyen-hai-huoc-hon-3

4 | Tự tin

Tự tin là yếu tố không thể thiếu nếu muốn pha trò khi nói chuyện. Thử tưởng tượng nếu mình đùa bằng giọng điệu rụt rè, lắp bắp thì sẽ thế nào?

Người nghe sẽ chỉ thấy khó hiểu (hoặc thấy thương hại) mà thôi.

Chỉ khi nói chuyện một cách tự tin, anh em mới truyền tải câu đùa một cách trôi chảy, mượt mà.

5 | Cân bằng cảm xúc và sống lạc quan

Một người hài hước cũng có lúc buồn phiền. Nhưng sỡ dĩ họ thường có vẻ vui tươi, giàu sức sống là vì họ biết cách cân bằng cảm xúc và luôn nhìn cuộc sống một cách lạc quan, tích cực.

Người ta nói rằng hầu hết những nghệ sĩ hài đều là những người giấu nỗi buồn vào trong để tạo tiếng cười cho khán giả.

Nhưng anh em không nên gò ép mình phải làm như vậy. Nếu có chuyện buồn, hãy tâm sự thay vì cố cười đùa lảng tránh. Có như vậy thì cách mình pha trò mới không giả tạo.

Cũng đừng ôm trong lòng những chuyện buồn, mà hãy nghĩ về những điều tích cực. Có lạc quan, vui vẻ thì mới lan tỏa niềm vui cho người khác được.

5-dieu-can-nho-de-noi-chuyen-hai-huoc-hon-2

Nói chuyện hài hước và làm người khác cười không hề dễ. Nó đòi hỏi mình phải có vốn sống phong phú, hiểu chuyện, đồng cảm được với người khác, tự tin và lạc quan yêu đời.

Nhưng tin tôi đi, chỉ cần sống hết mình với thái độ tích cực, anh em sẽ thành nghệ sĩ pha trò thực thụ đấy.