5+ cách điều trị bệnh trĩ tại nhà đơn giản và hiệu quả
Điều trị bệnh trĩ tại nhà là biện pháp được nhiều người ưu tiên tìm hiểu và lựa chọn khi mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên việc điều trị bệnh trĩ tại nhà như thế nào để an toàn và hiệu quả cao thì không phải ai cũng nắm được. Hãy cùng tìm hiểu các cách trị bệnh trĩ tại nhà trong bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu chung về bệnh trĩ
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là bệnh lý lành tính ở hậu môn, do tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, kèm ứ máu liên tục khiến những đám rối tĩnh mạch của hậu môn trực tràng giãn ra, những búi trĩ này sẽ to dần lên do máu tĩnh mạch bị ứ đọng. Búi trĩ có thể nằm bên trong ống hậu môn hoặc bị lộ ra bên ngoài.
Tuỳ thuộc vào vị trí của búi trĩ người ta chia làm 2 loại: trĩ ngoại và trĩ nội
-
Trĩ ngoại: búi trĩ nằm ở dưới đường lược, xuất phát từ đám rối trĩ ngoại (mạch trực tràng dưới) và lòi ra bên ngoài hậu môn giống như một đoạn thịt thừa có thể sờ hoặc nhìn thấy.
-
Trĩ nội: búi trĩ hình thành phía trong hậu môn, bên trên đường lược, bên ngoài khó nhìn thấy được.
Với bệnh trĩ nội, dựa vào sự tiến triển của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn, bác sĩ chia bệnh trĩ nội thành 4 cấp độ:
-
Trĩ nội độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn
-
Trĩ nội độ 2: lúc bình thường trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài. Khi đi cầu xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào trong
-
Trĩ độ 3: mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào hoặc phải dùng tay đẩy vào
- Trĩ độ 4 : búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn
Hiểu rõ về các cấp độ của bệnh trĩ là vô cùng quan trọng. Bởi vì khả năng chữa trị nhanh và hiệu quả sẽ giảm dần theo từng cấp độ nặng của bệnh.
Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ
-
Đại tiện bị chảy máu nhưng không đau. Tùy thuộc vào mức độ chảy máu, bệnh nhân có thể chỉ thấy máu thấm giấy vệ sinh, hoặc nhỏ giọt hay máu bắn thành tia, càng rặn thì máu chảy càng nhiều
-
Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi tiêu, khi trĩ nặng có thể xuất hiện ngoài hậu môn thường xuyên.
-
Búi trĩ bị tắc mạch hoặc bị sa nghẹt gây sưng đau khu vực hậu môn – trực tràng. Khó chịu, đau rát hậu môn tăng dần theo sự tiến triển của búi trĩ.
-
Thường xuyên bị kích thích hoặc ngứa hậu môn
-
Dịch tiết từ búi trĩ khiến khu vực hậu môn thường xuyên ẩm ướt, thậm chí có mùi hôi
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Bệnh trĩ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở những người từ 30-60 tuổi, trong số đó, tỷ lệ phụ nữ mắc trĩ nhiều hơn nam giới (chiếm 61%).
Nguyên nhân bị bệnh trĩ có thể xuất phát từ các yếu tố nguy cơ như:
-
Ngồi nhiều, ít vận động, đặc biệt là dân văn phòng, lái xe
-
Táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính
-
Thói quen ngồi bồn cầu lâu hoặc rặn nhiều khi đi đại tiện
-
Chế độ ăn thiếu rau xanh và chất xơ, hay ăn đồ cay nóng
-
Uống ít nước, uống rượu bia
-
Mắc bệnh béo phì
-
Phụ nữ mang thai
-
Tuổi cao
-
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
-
U vùng tiểu khung như u đại trực tràng, u xơ tử cung…
Hiểu rõ về nguyên nhân có thể giúp việc điều trị và phòng ngừa bệnh trĩ trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn
Bệnh trĩ có thể chữa khỏi được không?
Bệnh trĩ không thể tự khỏi tuy nhiên nếu áp dụng đúng phương pháp, tuân thủ các chỉ định điều trị từ bác sĩ, bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm bệnh trĩ.
Tuy nhiên, có một số lưu ý trong điều trị trĩ mà bệnh nhân cần ghi nhớ như sau:
-
Búi trĩ không thể tự triệt tiêu mà sẽ ngày càng tiến triển nặng hơn, do đó việc điều trị là bắt buộc cần thực hiện.
-
Thời điểm tốt nhất để điều trị trĩ là ở những giai đoạn đầu của bệnh. Khi đó việc chữa trị sẽ đơn giản hơn, tỷ lệ thoát trĩ cao, ít biến chứng và hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tái phát.
-
Trĩ có thể tái phát nếu không được điều trị dứt điểm, chính vì vậy, bên cạnh việc điều trị để triệt tiêu búi trĩ thì cần tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh trĩ để điều trị trĩ tận gốc. Ví dụ nếu trĩ là do táo bón kéo dài thì sau khi điều trị hết búi trĩ, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để phòng ngừa táo bón, từ đó mới có thể dứt trĩ hoàn toàn.
-
Muốn điều trị dứt điểm bệnh trĩ, bệnh nhân cần kiên trì và tuân thủ đầy đủ các chỉ định từ bác sĩ, để tránh bệnh tái phát hoặc diễn tiến nặng hơn.
Khi nào người bệnh cần đi khám trĩ?
Bởi vì nguyên tắc điều trị trĩ cần phải chữa đúng cách và trị tận gốc căn nguyên bệnh cho nên việc tự điều trị trĩ tại nhà hoàn toàn không được khuyến khích. Nếu không bệnh sẽ nhanh chóng trở nặng, nguy cơ biến chứng cao và có thể tái đi tái lại.
Trên thực tế, việc chữa trĩ tại nhà có thể được thực hiện, nhưng chỉ được áp dụng sau khi đã tiến hành thăm khám, có hướng dẫn chi tiết từ bác sĩ về cách điều trị và chăm sóc người bệnh trĩ tại nhà.
Theo các chuyên gia y tế, người bệnh trĩ nên đến bệnh viện thăm khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng đầu tiên của bệnh trĩ để được tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, điều trị theo toa thuốc tại nhà trong trường hợp trĩ nhẹ. Đối với tình trạng trĩ nặng, người bệnh cần phẫu thuật hoặc làm các thủ thuật loại bỏ búi trĩ, đồng thời điều trị tại nhà bằng thuốc kê đơn tại bệnh viện.
Trong trường hợp biến chứng nặng như gây chảy máu thành tia, hậu môn có biểu hiện hoại tử, hậu môn kích thích đau, rát, khó sinh hoạt, người bệnh phải đến ngay bệnh viện để được bác sĩ can thiệp kịp thời. Khi đó, người bệnh tuyệt đối không được tiếp tục tự điều trị tại nhà vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Điều trị bệnh trĩ tại nhà như thế nào để an toàn và đạt hiệu quả thoát trĩ cao?
Đối với người bệnh trĩ giai đoạn 1 và giai đoạn 2
Điều trị trĩ độ 1 và trĩ độ 2 được nhận định là khá đơn giản và hầu như ít biến chứng, ít tái phát và có khả năng điều trị dứt điểm. Để biết cách chữa trĩ độ 1 & 2 tại nhà đơn giản, an toàn, kịp thời trước hết, bệnh nhân nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở uy tín ngay từ giai đoạn sớm, khi phát hiện bản thân có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ mắc trĩ, để được kê đơn thuốc và hướng dẫn các phương pháp điều trị đúng cách.
Càng trì hoãn thăm khám sẽ càng khiến bệnh tiến triển nặng hơn, phác đồ điều trị phức tạp hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần xây dựng lối sống lành mạnh, đảm bảo tuân thủ cách chữa trĩ độ 1 và trĩ độ 2 tại nhà như sau:
-
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Đặc biệt cần ăn nhiều các chất xơ từ rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt. Vì chất xơ sẽ giúp phân của người bệnh mềm hơn, tiêu hóa thức ăn tốt hơn do đó tạo sự dễ dàng cho việc đại tiện và tránh tình trạng táo bón gây xước búi trĩ, gây chảy máu đồng thời làm giảm áp lực lên thành hậu môn – trực tràng
-
Cung cấp đủ lượng nước từ 1,5 – 2.5 lít cho cơ thể mỗi ngày với người trưởng thành
-
Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ ăn cay nóng gây đại tiện khó khăn
-
Tập thể dục 30 phút – 1 giờ mỗi ngày, các bạn tập vận động nhẹ nhàng, hoặc tham gia các môn bơi lội, đi bộ, hạn chế các môn gây áp lực lớn lên thành chậu như nâng tạ
-
Tránh ngồi hay đứng quá lâu, nên đứng dậy đi lại vài phút sau khi ngồi 1 giờ
-
Ngồi gối khoét lỗ khi cần làm việc lâu
-
Tập thói quen đi đại tiện hàng ngày vào một giờ nhất định sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, tránh táo bón
-
Làm sạch hậu môn sau khi đi đại điện bằng cách dùng khăn ướt hoặc miếng bông để giảm cọ xát
Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị nội khoa thường chỉ định để điều trị tại nhà như dùng thuốc bôi Hydrocortison hay chiết xuất từ hạt phỉ; thuốc chống táo bón hoặc chống ỉa lỏng; thuốc làm tăng trương lực, bền vững thành mạch; thuốc chống viêm; thuốc đặt hậu môn; thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen, aspirin…. Tuy nhiên trước khi sử dụng các loại thuốc để hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, bệnh nhân nên cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên thăm khám với bác sĩ trước để có thể được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, loại trừ các bệnh hậu môn – trực tràng khác có triệu chứng tương đồng với bệnh trĩ như: nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, áp xe hậu môn, thậm chí ung thư trực tràng.
Đối với người bệnh trĩ giai đoạn 3 và giai đoạn 4
Thông thường, khi trĩ đã phát triển đến độ 3, độ 4 hoặc trĩ biến chứng gây đau, sa nghẹt… Khi đó các biện pháp phẫu thuật cắt bỏ trĩ thường được lựa chọn để giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi đau đớn và chữa khỏi bệnh trĩ.
Một số loại thủ thuật và phẫu thuật thông dụng để điều trị trĩ có thể kể đến như: tiêm xơ, thắt búi trĩ, phương pháp Longo, khâu triệt mạch trĩ THD, cắt bỏ trĩ bằng tia laser… Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào sẽ do bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng búi trĩ cũng như điều kiện sức khỏe của bệnh nhân.
Sau cắt trĩ, người bệnh cần được chăm sóc vết thương cẩn thận theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số phương pháp có thể được áp dụng để chăm sóc vết thương do phẫu thuật trĩ mà người bệnh nên thực hiện tại nhà bao gồm:
-
Duy trì dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ
-
Ngâm vùng hậu môn trong bồn tắm nước ấm giúp thư giãn và giảm sưng đồng thời cũng giúp giảm đau sau phẫu thuật
-
Sử dụng túi đá chườm vào hậu môn có thể giúp giảm sưng và đau
-
Ngồi trên một chiếc gối mềm hoặc gối tròn có lỗ để giảm áp lực lên vết thương
-
Giữ vùng hậu môn của bạn sạch sẽ, khô thoáng
-
Tránh nâng, kéo và hoạt động gắng sức, tránh rặn mạnh khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện
-
Thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước, hạn chế các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng, tránh uống rượu bia
-
Duy trì đều đặn việc tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày
-
Tái khám theo đúng lịch hẹn với bác sĩ, hoặc khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường: Bị đau hoặc chảy máu nhiều, dịch hoặc mủ bất thường chảy ra từ trực tràng, khó đi tiểu tiện hoặc đại tiện, có những biểu hiện của nhiễm trùng như sốt….
Xem thêm video chi tiết Khi nào người bệnh cần đi khám trĩ của TTND. PGS. BS Nguyễn Xuân Hùng:
Thăm khám trĩ ở đâu uy tín?
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc hội tụ đầy đủ đội ngũ bác sĩ, cùng hệ thống các phương tiện hiện đại, dần trở thành một địa chỉ uy tín được đông đảo bệnh nhân có nhu cầu khám và điều trị bệnh trĩ tin tưởng. Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bệnh trĩ, người bệnh có thể tới khám và hoàn toàn yên tâm với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Ngoại: TTND. PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng – Nguyên Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, BV Hữu Nghị Việt Đức, Phó Chủ tịch hội Hậu môn – Đại trực tràng Việt Nam, Hội viên Hội thầy thuốc điều trị các bệnh lý Đại trực tràng – Hậu môn của Cộng hoà Pháp; TTUT. TS. BSCKII Phạm Văn Cường, gần 40 năm kinh nghiệm, hội viên Hội Phẫu thuật Nội soi và Ngoại khoa Việt Nam.
Điều trị TRĨ với chuyên gia để:
-
Chẩn đoán ĐÚNG: tránh nhầm lẫn với ung thư trực tràng, polyp, các bệnh lý khác vùng hậu môn
-
Điều trị ĐỦ: 50% ca bệnh có thể chỉ dùng thuốc kết hợp điều chỉnh ăn uống sinh hoạt, 45% can thiệp thủ thuật đơn giản
-
Can thiệp HIỆU QUẢ: ít tổn thương, phục hồi nhanh, rất ít biến chứng, tỉ lệ khỏi trên 95%
Để được tư vấn cụ thể, vui lòng liên hệ:
Hotline đặt lịch thăm khám với chuyên gia: 0911 908 856
Hotline tư vấn phẫu thuật cắt trĩ: 0949 646 556
Đăng ký nhận thông tin và tư vấn tại:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Hồng Ngọc để có thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi hấp dẫn từ bệnh viện.