5 cách chữa ho cho bà bầu hiệu quả và an toàn cho thai nhi
Trong quá trình mang thai, mẹ bầu được khuyến cáo là cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc trị ho vì có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Khi bị ho, mẹ bầu chỉ nên sử dụng các loại thảo dược tự nhiên lành tính để làm giảm các cơn ho. Hôm nay, các chuyên gia của Dược Nam Hà sẽ hướng dẫn 5 cách chữa ho cho bà bầu an toàn, lành tính và hiệu quả nhất trong bài viết dưới đây.
Những ảnh hưởng khi bà bầu bị ho
Khi mang thai, sức đề kháng của người phụ nữ kém hơn, nên dễ bị các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ho. Ho ở bà bầu là triệu chứng rất hay gặp, nhất là khi giao mùa, thông thường sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên nếu như tình trạng ho kéo dài, kèm theo một số biểu hiện khác thì có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
-
Phụ nữ mang thai nếu bị ho kéo dài nhiều ngày, ho liên tục và mạnh sẽ kích thích gây ra các cơn co thắt tử cung khiến mẹ bầu có thể bị động thai sớm hoặc dọa sinh non ở những tháng cuối thai kỳ.
-
Khi bị ho nhiều sẽ gây nên cảm giác mệt mỏi, vùng ngực bị đau thắt khiến mẹ bầu chán ăn, giấc ngủ bị ảnh hưởng. Tình trạng kéo dài lâu ngày sẽ khiến cơ thể mẹ bị suy nhược gây ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của thai nhi.
-
Ho khi mang thai cũng có thể là một triệu chứng cảnh cáo tình trạng cơ thể bị nhiễm trùng, nếu như chủ quan, không phát hiện kịp thời có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé trong bụng.
2. Top 5 cách chữa ho cho bà bầu tại nhà
Khi mang thai, nếu mẹ bầu bị ho cũng không nên quá lo lắng. Trước tiên mẹ có thể áp dụng một số biện pháp chữa ho cho bà bầu tại nhà bằng thảo dược. Đây là những cách chữa ho tuy không cắt nhanh các cơn ho ngay nhưng cho hiệu quả giảm ho rõ rệt mà lại rất an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Thường áp dụng khi mẹ bầu bị ho do thay đổi thời tiết, do ô nhiễm không khí, ho do cảm lạnh.
2.1. Cách chữa ho cho bà bầu bằng quất chưng đường phèn
Sử dụng quất chưng đường phèn là bài thuốc chữa ho cho bà bầu an toàn và rất hiệu quả khi mẹ bầu bị ho nhẹ do cảm lạnh hoặc do thay đổi thời tiết.
Theo đông y, quất có vị chua, vỏ hơi đắng thuộc họ nhà cam nên rất tốt để trị ho, tiêu đờm. Đường phèn có vị ngọt, tính bình, kinh quy tỳ phế, nhuận phế, tiêu đờm rất tốt nên được dùng nhiều trong các bài thuốc trị ho khan, ho có đờm, trị đau rát cổ họng. Khi kết hợp chưng quất với đường phèn sẽ giúp nâng cao hiệu quả chữa ho, giảm vị chua và đắng của quất, giúp mẹ bầu dễ ăn hơn.
Theo y học hiện đại, quả quất có chứa hàm lượng vitamin C cao, nhiều đường pectin và nhiều loại vitamin và khoáng chất khác như vitamin A, B11, canxi,… giúp chữa ho, tăng cường sức đề kháng hệ hô hấp cho mẹ bầu. Đặc biệt vỏ quất có chứa tinh dầu thơm cay giúp trị ho rất tốt.
Cách làm quất chưng đường phèn chữa ho cho bà bầu:
-
Chuẩn bị nguyên liệu: 200g quất tươi (chọn quả còn xanh, mọng nước), 100g đường phèn (nên chọn loại tinh hoặc hạt nhỏ), 1 bát sứ
-
Quất đem rửa sạch, bổ làm đôi rồi cho vào bát (để cả vỏ và hạt). Tiếp đến cho đường phèn và 50ml nước đun sôi để nguội vào ngâm khoảng 30 phút cho đường tan.
-
Sau 5 phút, cho 100ml nước lọc vào nồi, đặt bát quất đã chuẩn bị vào rồi đậy nắp nồi, hấp cách thủy khoảng 30 phút (đun lửa liu riu) cho đường và nước quất chảy ra hết. Sau khi chưng cách thủy siro có màu vàng trong, vị chua ngọt.
Mẹ bầu khi bị ho, chắt lấy nước uống ngày 2-3 lần, mỗi lần khoảng 5ml (có thể uống trực tiếp hoặc pha với nước ấm). Phần xác quất ngậm trong miệng khoảng 5 phút để làm dịu các cơn ho.
2.2. Chữa ho cho bà bầu bằng lê chưng đường phèn
Theo Đông y, quả lê có vị ngọt thanh, tính mát, có tác dụng bổ phế, giải nhiệt, giảm ho, tiêu độc và khử đờm hiệu quả nên được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa chứng ho khan, ho gió và ho có đờm. Y học hiện đại chứng minh trong quả lê có chứa hàm lượng canxi, phốt pho, chất xơ, chất chống oxy hóa cao có tác dụng tăng cường sức đề kháng, nâng cao chức năng của hệ hô hấp. Mẹ bầu sử dụng lê chưng đường phèn không những giúp giảm tình trạng ho mà còn giúp tăng đề kháng cho hệ hô hấp, phòng ngừa ho tái phát.
Cách làm lê chưng đường phèn chữa ho cho bà bầu:
-
Chuẩn bị: 2 quả lê, 1 thìa cafe đường phèn, 1 thìa kỷ tử, 1 bát sứ
-
Lê đem rửa sạch, gọt sạch vỏ sau đó cắt 1 phần bên trên khoét bỏ phần lõi có hạt bên trong.
-
Cho số kỷ tử đã rửa sạch, đường phèn vào trong quả lê, đậy nắp lại rồi xếp vào bát.
-
Đặt bát vào xửng hấp hoặc nồi nước hấp cách thủy khoảng 45 phút cho lê chín mềm.
Sau khi đã hấp chín lê, chia làm 4 phần, ăn trong ngày, mẹ bầu sẽ thấy các cơn ho giảm sau khoảng 2-3 ngày sử dụng.
2.3. Chữa ho cho bà bầu bằng tỏi nướng
Theo Y học cổ truyền, tỏi là dược liệu có mùi hăng, vị cay nồng, tính ấm, khi sử dụng sẽ có tác dụng làm ấm cơ thể và đào thải các độc tố ra ngoài, tăng cường sức đề kháng của cơ thể nên được dùng nhiều trong các bài thuốc trị cảm cúm, chữa ho, viêm phế phản,…
Khoa học hiện đại cũng chứng minh tỏi có chứa hàm lượng hoạt chất Allicin, Diallyl Sulfide, Ajoene cao. Hoạt chất Allicin và Diallyl Sulfide có tác dụng như một kháng sinh tự nhiên giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn, giảm ho, tăng sức đề kháng, nâng cao chức năng hệ miễn dịch, ngăn ngừa ho tái phát ở mẹ bầu. Thành phần Ajoene có tính chống oxy hóa cao tạo bức tường thành bảo vệ tế bào không bị các tác nhân gây ho xâm nhập, tăng cường sức đề kháng đường hô hấp cho phụ nữ mang thai.
Cách làm tỏi nướng chữa ho cho bà bầu:
Có nhiều cách để chế biến tỏi thành các bài thuốc chữa ho cho bà bầu, trong đó sử dụng tỏi nướng là cách làm đơn giản nhất mà lại cho hiệu quả chữa ho cao. Sử dụng 2 – 3 tép tỏi (để nguyên cả vỏ) bọc trong giấy bạc sau đó đen nướng trên bếp lửa khoảng 10 giây cho đến khi thấy mùi thơm. Tỏi sau khi đã nướng kỹ bóc vỏ, giã nhuyễn rồi hòa cùng với 1 ít nước đun sôi để nguội, uống hàng ngày, mỗi ngày 2 lần để giảm bớt các cơn ho.
Ngoài sử dụng tỏi nướng, mẹ bầu có thể dùng tỏi hấp mật ong, sữa tỏi mỗi khi bị ho cũng cho hiệu quả rất tốt.
2.4. Chữa ho cho bà bầu bằng lá hẹ hấp mật ong
Lá hẹ có tính ấm, vị cay có tác dụng ôn trung, tán khứ, thải độc, khử đàm nên được sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị ho cho cả phụ nữ đang mang thai và trẻ em.
Theo y học hiện đại, lá hẹ có chứa các kháng sinh tự nhiên như Allicin, Sulfit, Odorin có khả năng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh trên đường hô hấp mà không gây tác dụng phụ cho cơ thể, rất an toàn cho mẹ bầu. Chất Saponin có tác dụng tiêu đờm, giảm ho hiệu quả.
Trong mật ong cũng có chứa các hoạt chất chống oxy hóa và khoáng khuẩn khi kết hợp chung với lá hẹ sẽ giúp thúc đẩy nhanh quá trình chữa ho cho bà bầu.
Cách làm lá hẹ hấp mật ong chữa ho cho bà bầu:
-
Chuẩn bị: 1 nắm lá hẹ tươi, mật ong, bát nhỏ
-
Lá hẹ sơ chế rửa sạch, để ráo nước sau đó thái khúc nhỏ khoảng 2 – 3 cm rồi cho vào bát con. Đổ mật ong ngập lá, trộn đều rồi đem hấp cách thủy (để lửa liu riu) khoảng 10 phút.
-
Sau khi hấp chín mẹ bầu chắt lấy nước, uống ngày 2 lần sáng tối, mỗi lần khoảng 10ml.
2.5. Chữa ho cho bà bầu bằng quả chanh
Một cách trị ho cho bà bầu hiệu quả mà an toàn nữa mà mẹ bầu nên tham khảo đó là sử dụng quả chanh. Trong quả chanh có chứa một hàm lượng lớn vitamin C có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, bổ sung chất chống oxy hóa ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp cho mẹ bầu. Đặc biệt quả chanh còn có tính kháng khuẩn cao, rất hữu ích trong việc chữa ho cho mẹ bầu.
Cách đơn giản nhất để giảm nhanh các cơn ho cho bà bầu bằng chanh đó là sử dụng vài lát chanh tươi, ướp với mật ong rồi ngậm khi ho. Ngày ngậm 3 – 4 lần, dùng liên tục trong khoảng 2 – 3 ngày sẽ thấy các cơn ho giảm dần.
Ho khi mang thai là triệu chứng thường gặp, có thể chữa khỏi bằng các phương pháp chữa ho tại nhà từ thảo dược tuy nhiên nếu ho kéo dài nhiều ngày mà không giảm nhẹ, mẹ bầu nên đến các cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
3. Những lưu ý khi chữa ho cho bà bầu
Bên cạnh các cách chữa ho cho bà bầu kể trên, để có thể cải thiện các triệu chứng ho trong quá trình mang thai, mẹ bầu cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý tránh để cơ thể suy nhược gây ảnh hưởng đến thai nhi.
-
Khi bị ho trong quá trình mang thai, mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để chữa ho mà cần đến các cơ sở y tế thăm khám và làm theo hướng dẫn của các bác sĩ.
-
Các phương pháp chữa ho tại nhà bằng thảo dược có thể áp dụng khi mẹ bầu bị ho cảm, ho do thay đổi thời tiết, ho do môi trường ô nhiễm không khí, tuy nhiên nếu tình trạng ho vẫn kéo dài không thuyên giảm, cần đi khám để điều trị kịp thời.
-
Trong quá trình mang thai, mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
-
Hàng ngày, mẹ nên uống nhiều nước ấm, có thể cho thêm vài hạt muối khi uống vào buổi sáng sẽ rất tốt khi đang bị ho. Nếu mẹ thường xuyên súc họng miệng bằng nước muối ấm pha loãng sẽ giúp làm dịu các cơn đau họng, phá vỡ dịch tiết, tiêu diệt vi khuẩn có hại trong đường hô hấp.
-
Mẹ bầu cũng cần lưu ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt khi giao mùa, hạn chế tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm, bị ốm để tránh bị lây bệnh.
Theo các chuyên gia, ho ở bà bầu không phải là triệu chứng quá nghiêm trọng, tuy nhiên nếu để tình trạng ho dai dẳng lâu ngày có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Chính vì vậy mẹ bầu không nên chủ quan khi bị ho, đặc biệt cần cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc chữa ho mà không có sự chỉ định của bác sĩ.